“Sẽ không lâu nữa tôi sẽ đứng trước vị thẩm phán cuối cùng của đời mình. Mặc dù khi nhìn lại cuộc đời dài đằng đẵng của mình, tôi có thể có quá nhiều lý do để sợ hãi và lo sợ, nhưng lòng tôi vẫn vui mừng bởi vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị thẩm phán công bằng, mà còn là người bạn và người anh của tôi; chính Người đã đau khổ vì những thiếu sót của tôi và do đó, ngài là vị thẩm phán và đồng thời cũng là trạng sư của tôi. Trước giờ phán xét, ân sủng được làm Kitô hữu trở nên rất rõ ràng đối với tôi. Là Kitô hữu mang lại cho tôi sự hiểu biết, hơn nữa, tình bạn với vị thẩm phán của cuộc đời tôi và cho phép tôi tự tin bước qua cánh cửa tăm tối của cái chết. Về phương diện này, điều thánh Gioan thuật ở đầu Sách Khải Huyền luôn hiện lên trong tâm trí tôi: ngài nhìn thấy Con Người trong tất cả sự cao cả của Người và ngã xuống như thể đã chết. Nhưng Người đặt tay hữu trên ngài và nói: ‘Đừng sợ! Ta là …’ (x. Kh 1,12-17)”. Đức Biển Đức XVI đã viết như vậy trong bức thư cuối cùng của ngài, đề ngày 6 tháng 2 năm nay, vào cuối những ngày đau khổ “kiểm thảo lương tâm và suy tư” về những lời chỉ trích nhằm vào ngài về vấn đề lạm dụng khi ngài còn là Tổng Giám mục Munich hơn 40 năm trước.
Cuối cùng giờ phút gặp gỡ Chúa đã đến. Chắc chắn chúng ta không thể nói rằng đó là điều bất ngờ và cụ già đáng kính của chúng ta đã không chuẩn bị cho điều này. Nếu vị tiền nhiệm của ngài đã cho chúng ta một chứng tá quý giá và khó quên về cách sống trong đức tin một căn bệnh tiến triển đau đớn cho đến chết, thì Đức Biển Đức XVI đã cho chúng ta một chứng tá tuyệt vời về cách sống trong đức tin sự mong manh ngày càng tăng của tuổi già trong nhiều năm cho đến cùng. Việc ngài từ nhiệm vào đúng thời điểm đã cho phép ngài – và cho phép chúng ta cùng với ngài – đi trên con đường này một cách vô cùng thanh thản.
Ngài được ơn hoàn thành cuộc hành trình của mình với tâm trí minh mẫn, đến gần, cách hoàn toàn ý thức ,với những “thực tại cuối cùng” mà ngài có can đảm để suy nghĩ và nói, như một số ít người, nhờ vào đức tin đã nhận được và đã sống. Vừa là nhà thần học vừa là Giáo hoàng, ngài đã nói với chúng ta về điều này một cách sâu sắc, đáng tin cậy và thuyết phục. Những trang sách và những lời của ngài về cánh chung học, thông điệp của ngài về niềm hy vọng vẫn là một món quà cho Giáo hội mà lời cầu nguyện thầm lặng của ngài đã đóng ấn trong những năm dài ẩn dật “trên núi.”
Trong số rất nhiều điều có thể nhớ về triều đại Giáo hoàng của ngài, điều thực sự là điều phi thường nhất đối với tôi, và tiếp tục đối với tôi, chính là trong những năm đó, ngài đã viết và hoàn thành bộ ba tác phẩm về Chúa Giêsu. Làm thế nào một vị Giáo hoàng, với những trách nhiệm và những mối bận tâm về Giáo hội hoàn vũ mà ngài đã thực sự gánh vác trên vai, có thể viết được một tác phẩm như thế? Chắc chắn, đó là kết quả của cả cuộc đời suy tư và nghiên cứu. Nhưng chắc chắn là niềm đam mê nội tâm, động lực phải vô cùng mạnh mẽ. Các trang của tác phẩm đến từ ngòi bút của một học giả, nhưng đồng thời cũng là của một tín hữu đã dành cuộc đời mình để tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với khuôn mặt của Chúa Giêsu và đồng thời nhìn thấy trong đó sự hoàn thành của ơn gọi và sự phục vụ tha nhân của mình.
Theo nghĩa này, mặc dù tôi hiểu rõ tại sao ngài nói rõ rằng tác phẩm đó không được coi là “huấn quyền giáo hoàng”, nhưng tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng đó là một phần thiết yếu trong chứng từ của ngài về sự phục vụ với tư cách là giáo hoàng, nghĩa là với tư cách là một tín hữu, người nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và dựa vào đức tin của ngài chúng ta cũng có thể tiếp tục nâng đỡ đức tin của mình. Theo nghĩa này, tôi không thể xem là điều ngẫu nhiên thời điểm ngài đưa ra quyết định từ chức Giáo hoàng, tức là mùa hè năm 2012, trùng với thời điểm kết thúc bộ ba tác phẩm về Chúa Giêsu. Thời gian hoàn thành một sứ vụ tập trung trên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Không còn nghi ngờ gì nữa, triều đại giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI được đặc trưng bởi giáo huấn của ngài hơn là bởi hoạt động lãnh đạo. “Tôi biết rõ rằng sức mạnh của tôi – nếu tôi có – là khả năng trình bày đức tin theo cách phù hợp với nền văn hóa của thời đại chúng ta” (…). Một đức tin luôn đối thoại với lý trí, một đức tin hợp lý; một lý trí mở ra với đức tin. Đức Giáo hoàng Ratzinger đã được kính trọng một cách đúng đắn bởi những người sống chú ý đến các chuyển động của tư tưởng và tinh thần và cố gắng đọc các sự kiện theo ý nghĩa sâu sắc và lâu dài nhất của chúng, mà không dừng lại ở bề nổi của các sự kiện và các thay đổi. Không phải vô cớ mà một số bài phát biểu tuyệt vời của ngài trước cử tọa không chỉ gồm những người thuộc Giáo hội, mà cả các đại diện của toàn xã hội, ở London, ở Berlin đã khắc sâu trong ký ức… Ngài không ngại đối đầu với những ý kiến và lập trường khác biệt, ngài nhìn với sự chân thành và tầm nhìn xa đối với những vấn đề lớn, đối với sự mờ mịt về sự hiện diện của Thiên Chúa ở chân trời của nhân loại đương đại, đối với những câu hỏi về tương lai của Giáo hội, đặc biệt là ở đất nước của ngài và ở Châu Âu. Và ngài đã cố gắng đối mặt với các vấn đề một cách trung thực, không trốn tránh chúng ngay cả khi chúng rất bi thương; nhưng đức tin và sự hiểu biết về đức tin đã giúp ngài luôn tìm thấy một viễn cảnh hy vọng.
Năng lực trí tuệ và văn hóa của Đức Joseph Ratzinger đã quá nổi tiếng nên không cần phải lặp lại những lời ca ngợi ngài. Đức Gioan Phaolô II là người có khả năng hiểu và đánh giá cao điều đó cho Giáo hội hoàn vũ. 24 năm trong 26 năm triều đại Giáo hoàng của vị tiền nhiệm, Đức Ratzinger là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Hai tính cách khác nhau nhưng – cho phép tôi được nói điều đó – một “cặp đôi tuyệt vời.” Triều đại giáo hoàng kéo dài của Đức Giáo hoàng Wojtyla không thể được suy nghĩ đầy đủ, từ quan điểm tín lý, nếu không có sự hiện diện của Đức Hồng y Ratzinger và sự tin tưởng đặt nơi ngài, nơi nền thần học giáo hội của ngài, nơi sự rộng lớn và sự quân bình trong tư tưởng của ngài. Phục vụ sự hiệp nhất đức tin của Giáo hội trong những thập kỷ sau Công đồng Vatican II bằng cách đối mặt với những căng thẳng và thách thức mang tính thời đại trong cuộc đối thoại với Do Thái giáo, trong phong trào đại kết, trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác, trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa Mác-xít, trong bối cảnh thế tục hóa và trong sự biến đổi của quan điểm về con người và về tính dục… có khả năng đề xuất một tổng hợp giáo lý rộng rãi và hài hòa như tổng hợp Giáo lý Giáo hội Công giáo, được đại đa số cộng đoàn Giáo hội hoan nghênh với sự đồng thuận không ngờ, cũng như dẫn dắt cộng đoàn này vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba khi cảm nhận mình là người mang sứ điệp cứu rỗi cho nhân loại…
Trên thực tế, sự hợp tác rất lâu dài và đặc biệt đó là sự chuẩn bị cho triều đại giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI, được các Hồng y coi là người tiếp tục và kế vị phù hợp nhất công việc của Đức Giáo hoàng Wojtyla. Một cái nhìn tổng thể về hành trình của Đức Joseph Ratzinger không làm mất – trái lại nó gây ấn tượng – tính liên tục của hướng đi chính của ngài và đồng thời là sự mở rộng dần dần chân trời phục vụ của ngài.
Ơn gọi của Joseph Ratzinger ngay từ đầu là ơn gọi linh mục, đồng thời là nghiên cứu thần học và hoạt động phụng vụ và mục vụ. Nó tiến triển trong các giai đoạn khác nhau, từ chủng viện đến những kinh nghiệm mục vụ đầu tiên và giảng dạy đại học; sau đó, chân trời lần đầu tiên được mở rộng ra với kinh nghiệm về Giáo hội phổ quát khi tham dự Công đồng và mối quan hệ với các nhà thần học vĩ đại của thời đại; sau đó, ngài quay trở lại hoạt động học thuật nghiên cứu thần học chuyên sâu, nhưng luôn ở trung tâm của cuộc tranh luận và kinh nghiệm Giáo hội; sau đó nó lại mở rộng trong hoạt động mục vụ của tổng giáo phận Munich rộng lớn; chuyển sang phục vụ Giáo hội hoàn vũ hoàn toàn với lời kêu gọi đến Rôma để lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin; cuối cùng, một lời kêu gọi mới dẫn ngài đến việc cai quản toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Chân trời đã trở nên hoàn chỉnh không chỉ về suy tư, mà còn cho cả thừa tác vụ linh mục và việc mục vụ. Phục vụ toàn thể cộng đồng Giáo hội, dẫn dắt Giáo hội cách thông minh trên những con đường của thời đại chúng ta, bảo vệ sự hiệp nhất và chân thật của đức tin. Khẩu hiệu được chọn nhân dịp tấn phong giám mục, “Những người cộng tác của chân lý” (3 Ga, 8), diễn tả rất rõ ràng toàn bộ sợi dây về cuộc đời và ơn gọi của Đức Joseph Ratzinger, nếu chúng ta hiểu rằng đối với ngài, chân lý không hề là một tập hợp các khái niệm trừu tượng, nhưng trong phân tích cuối cùng nó được thể hiện trong con người của Chúa Giêsu Kitô.
Triều đại Giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI đang và sẽ được nhớ đến cách chung như một triều đại Giáo hoàng được đánh dấu bởi những thời kỳ khủng hoảng và khó khăn. Đó là sự thật và sẽ không công bằng nếu bỏ qua khía cạnh này. Nhưng phải nhìn nhận và không được đánh giá cách hời hợt. Đối với những lời chỉ trích và chống đối bên trong hoặc bên ngoài, chính ngài mỉm cười nhớ lại rằng một số Giáo hoàng khác đã phải đối mặt với những thời điểm và tình huống kịch tính hơn nhiều. Không cần phải quay trở lại những cuộc bách hại của những thế kỷ đầu tiên, chỉ cần nghĩ đến Đức Piô IX hoặc Đức Biển Đức XV, khi ngài lên án “cuộc tàn sát vô ích”, hoặc tình cảnh của các Giáo hoàng trong các cuộc chiến tranh thế giới. Vì vậy, ngài không coi mình là một người tử vì đạo. Không một Giáo hoàng nào có thể tưởng tưởng mình không gặp phải những chỉ trích, khó khăn và căng thẳng. Điều này không bỏ qua sự thật là, nếu cần thiết, ngài biết cách phản ứng lại những lời chỉ trích một cách sôi nổi và quyết đoán, như đã xảy ra với Bức thư không thể quên, được ngài viết cho các Giám mục vào năm 2009, sau vụ tha vạ tuyệt thông cho những người thuộc nhóm Lefèbvre và “vụ việc Williamson”; một bức thư đầy tâm huyết mà thư ký của ngài đã nhận xét với tôi rằng “Ratzinger viết với tâm hồn thuần khiết.”
Nhưng thập giá nặng nề nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, điều mà ngài đã bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng trong suốt thời gian ngài làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin và tiếp tục là một thử thách và thách đố có ý nghĩa lịch sử đối với Giáo hội, là vấn đề lạm dụng tính dục. Đây cũng là lý do dẫn đến những lời chỉ trích và công kích cá nhân đối với ngài cho đến những năm qua, do đó cũng là lý do khiến ngài đau khổ vô cùng. Chính tôi cũng đã tham gia rất nhiều vào các chủ đề này trong triều đại Giáo hoàng của ngài, tôi tin chắc rằng ngài đã nhìn thấy mức độ nghiêm trọng của các vấn đề một cách sáng suốt hơn bao giờ hết và có công lớn trong việc giải quyết chúng với tầm nhìn rộng và sâu sắc trong các chiều kích khác nhau: lắng nghe các nạn nhân, nghiêm khắc trong việc theo đuổi công lý khi đối mặt với tội ác, chữa lành vết thương, thiết lập các quy tắc và thủ tục phù hợp, đào tạo và ngăn ngừa điều xấu. Đó mới chỉ là khởi đầu của một hành trình dài, nhưng đúng hướng và với sự khiêm nhường lớn lao. Đức Biển Đức không bao giờ lo lắng về một “hình ảnh” của mình hoặc của Giáo hội không tương ứng với sự thật. Và ngay cả trong lĩnh vực này, ngài luôn hoạt động với quan điểm của một người có đức tin. Ngoài những biện pháp mục vụ hay pháp lý cần thiết để đối phó với sự dữ được thể hiện trong nhiều hình thức của nó, ngài đã cảm thấy sức mạnh bí ẩn và khủng khiếp của sự dữ và nhu cầu kêu cầu ân sủng để không bị đè bẹp trong tuyệt vọng và tìm ra con đường chữa lành, hoán cải, đền tội, thanh luyện, mà con người, Giáo hội và xã hội đang cần.
Khi tôi được yêu cầu kể lại ngắn gọn, với một sự kiện, câu chuyện về triều đại giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI, tôi nhớ lại buổi canh thức cầu nguyện trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid, năm 2011, trên khoảng sân rộng lớn của sân bay Cuatro vientos, với khoảng một triệu bạn trẻ tham dự Trời đã về chiều, bóng tối ngày càng dày đặc khi Đức Giáo hoàng bắt đầu bài phát biểu của mình. Tới một lúc, một cơn bão với mưa gió thực sự đổ xuống. Hệ thống ánh sáng và âm thanh bị ngưng hoạt động và nhiều lều ở gần phía ngoài bị sập. Tình hình thực sự gay cấn.Đức Giáo hoàng đã được các cộng tác viên của ngài mời di chuyển đi nơi khác và trú ẩn, nhưng ngài không muốn. Ngài vẫn kiên nhẫn và can đảm ngồi ở chỗ của mình trên sân khấu ngoài trời, được bảo vệ bởi một chiếc dù đơn giản đang bị gió thổi mạnh. Tất cả đám đông đều noi gương ngài, với lòng tin tưởng và kiên nhẫn. Sau một thời gian, cơn bão dịu đi, mưa tạnh và một sự an hoà tuyệt vời hoàn toàn bất ngờ đã đến. Các hệ thống điện bắt đầu hoạt động trở lại. Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu của mình và mặt nhật tuyệt vời của nhà thờ chính tòa Toledo được đưa ra giữa sân khấu để Chầu Thánh Thể. Đức Thánh Cha quỳ gối thinh lặng trước Thánh Thể và sau lưng ngài, trong bóng tối, cộng đoàn đông đảo cùng nhau cầu nguyện hồi lâu trong sự tĩnh lặng tuyệt đối.
Theo một nghĩa nào đó, đây có thể vẫn là hình ảnh không chỉ của triều đại giáo hoàng, mà còn của cuộc đời của Đức Joseph Ratzinger và mục tiêu của cuộc hành trình của ngài. Trong khi giờ đây ngài bước vào sự thinh lặng mãi mãi trước mặt Chúa, thì chúng ta cũng tiếp tục cảm thấy mình ở phía sau ngài và với ngài.
* Cha Federico Lombardi là Chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinge – Biển Đức XVI của Vatican
Federico Lombardi
Vatican News