Nghe vị giảng thuyết giáo hoàng nói về Mùa Vọng

Nghe bài này

J-P Mauro của Aleteia, ngày 12/12/24, cho hay Cha Pasolini, vị tân giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã nói về các tiên tri và cách Đức Trinh Nữ Maria và bà Elizabeth là hình mẫu để các tín hữu lắng nghe tiếng nói của các tiên tri.

Hồng Y Raniero Cantalamessa gần đây đã kết thúc nhiệm kỳ 44 năm của mình với tư cách là nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, trao lại ngọn đuốc cho người kế nhiệm: Cha Roberto Pasolini, một tu sĩ dòng Capuchin người Ý khác. Cha Pasolini hiện đã bắt đầu loạt bài suy gẫm công khai đầu tiên của ngài, khi ngài có bài giảng đầu tiên trong ba bài giảng Mùa Vọng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo triều Rôma tại Hội trường Phaolô VI của Vatican vào thứ Sáu đầu tiên của Mùa Vọng.

Ba bài giảng của ngài sẽ khám phá chủ đề “Cánh cửa hy vọng: Hướng tới sự mở đầu của Năm Thánh qua Lời tiên tri Giáng sinh”.

Ngài bắt đầu bằng cách nói về các tiên tri, những người có sự hiểu biết sâu sắc về “ý nghĩa của các sự kiện lịch sử” hướng dẫn các tín hữu vượt qua thử thách của Mùa Vọng: “nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa trong lịch sử và đánh thức sự ngạc nhiên trước những gì Người không chỉ có thể làm mà trên hết là mong muốn hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta và lịch sử thế giới”.

Theo Vatican News, ngài nhấn mạnh tiên tri Giê-rê-mi-a dạy ra sao việc các tiên tri mở ra cho chúng ta hy vọng thông qua những lời khuyên răn của họ. Ngài gợi ý rằng “chấp nhận tin mừng không phải là điều dễ dàng” đối với những người đã thấy hy vọng của họ bị thực tế làm tan vỡ, nhưng “Chúa tái khẳng định tình yêu trung thành của Người và mang đến cho dân Người một cơ hội mới”.

Vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng gợi ý rằng thách thức thực sự là “đánh thức sự ngạc nhiên” liên quan đến các công trình mà Chúa muốn hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta và trên thế giới.

Cha Pasolini nói về Đức Trinh Nữ Maria và người em họ của bà, Elizabeth, như những hình mẫu chính để các tín hữu chuẩn bị lắng nghe tiếng nói của các tiên tri. Ngài nhấn mạnh việc bà Elizabeth từ chối “tính liên tục rõ ràng của mọi sự” và việc bà rút lui khỏi các mối quan hệ. Đức Maria được đặt cạnh việc này với việc chấp nhận “sự mới mẻ của Thiên Chúa” và sự sẵn lòng tự do và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa.

Do thiếu đức tin, chồng của bà Elizabeth là Da-ca-ri-a đã bị câm từ khi thụ thai Gioan Tẩy giả cho đến khi con chào đời. Khi có người gợi ý với Elizabeth rằng bà nên đặt tên con mình theo tên chồng, bà đã nói “không” và làm theo sự hướng dẫn của các thiên thần để đặt tên cho con là Gioan.

Cha Pasolini lưu ý rằng Da-ca-ri-a có nghĩa là “Chúa nhớ”, trong khi Gioan có nghĩa là “Chúa thương xót”. Điều này “cho thấy rằng lịch sử, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi di sản của nó, nhưng luôn có khả năng vượt qua chính nó và mở ra những khả năng mới khi Chúa hành động”.

Trong trường hợp của Đức Maria, Thiên thần Gabrien được giao nhiệm vụ tiếp cận ngài “mà không ép buộc sự sẵn lòng của ngài theo bất cứ cách nào vì cuộc đối thoại của họ phải diễn ra trong sự tự do hoàn toàn”.

Đức Maria nhận ra rằng đã đến lúc “được định nghĩa lại hoàn toàn bởi lời Thiên Chúa”, và ngài chấp nhận tình yêu của Chúa mặc dù việc mang thai khiến ngài phải chịu sự hiểu lầm và phán xét theo Luật Mô-sê.

Cha Pasolini lập luận rằng những tương tác của Đức Maria với Tổng lãnh thiên thần Gabrien cho thấy rằng “mọi lời kêu gọi từ Thiên Chúa nhất thiết khiến chúng ta tiếp cận cái chết vì nó chứa đựng lời hứa về một cuộc sống hoàn toàn dành cho Chúa và thế giới”. Nỗi sợ hãi như vậy “trước loại trách nhiệm này” chỉ có thể được vượt qua bằng cách “suy gẫm vẻ đẹp và sự vĩ đại của những gì đang chờ đợi chúng ta”.

Cha Pasolini nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể giới hạn bản thân mình trong việc nói những lời ‘xin vâng’ không mất gì và không tước đoạt của chúng ta điều gì”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS