Hannah Brockhaus trên CNA, ngày 23 tháng 10 năm 2023, tường trình rằng Cha Ormond Rush, một đại biểu Úc tham dự Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị đã phát biểu trước các thành viên Thượng Hội đồng và Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 10 trước khi họ xem xét bản thảo tài liệu tóm tắt các cuộc trò chuyện của họ trong ba tuần qua.
Cha Rush phát biểu với các đại biểu khi tuần cuối cùng của hội nghị bắt đầu hôm thứ Hai rằng cuộc thảo luận về truyền thống của Vatican II là thẩm quyền cho các suy tư của Thượng hội đồng hôm nay.
Ngài nói, “Sau khi lắng nghe các bạn trong ba tuần qua, tôi có ấn tượng rằng một số bạn đang lao đao với khái niệm truyền thống, dưới ánh sáng tình yêu chân lý của các bạn”.
Ngài nói thêm rằng truyền thống “là một điểm thảo luận chính tại Công đồng Vatican II. Đối với chúng ta, câu trả lời của họ là thẩm quyền trong việc hướng dẫn các suy gẫm của chúng ta về các vấn đề mà chúng ta phải đối diện ngày nay.”
Ngài gọi cuộc họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 là “sự phân định liên quan đến tương lai Giáo hội” của các đại biểu.
Cha Rush đã phát biểu trước các thành viên Thượng Hội đồng và Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 10 trước khi họ xem xét bản thảo tài liệu tóm tắt các cuộc đàm luận của họ trong ba tuần qua. Phiên họp sẽ bỏ phiếu thông qua tài liệu này vào thứ Bảy, ngay trước khi nó dự kiến được công bố công khai.
Nói về sự phân định, nhà thần học nói với các đại biểu Thượng Hội đồng rằng họ nên cố gắng nhìn bằng đôi mắt của Chúa Giêsu. Ngài cũng cảnh báo họ về những “cạm bẫy” nơi họ có thể “bị lôi kéo vào những lối suy nghĩ không phải ‘của Thiên Chúa’”.
Ngài nói: “Những cạm bẫy này có thể hệ ở việc chỉ bám chặt quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc không mở ra cho sự thật trọn vẹn của Thiên Chúa trong tương lai mà Thần Khí sự thật đang dẫn dắt Giáo hội. Phân định được sự khác biệt giữa cơ hội và cạm bẫy là nhiệm vụ của tất cả các tín hữu – giáo dân, giám mục và thần học – tất cả mọi người.”
Cha Rush nói về sự căng thẳng trong Công đồng Vatican II liên quan đến hai cách tiếp cận truyền thống. Đức Bênêđíctô XVI, lúc đó là Cha Joseph Ratzinger, là cố vấn thần học tại Vatican II. Ngài viết về “cách hiểu ‘tĩnh’ về truyền thống và cách hiểu ‘năng động’”, Cha Rush nói.
Nhà thần học này mô tả, “Cách trước mang tính duy pháp lý, đề xuất và phi lịch sử (tức là phù hợp với mọi thời đại và địa điểm). Cách sau có tính bản vị, bí tích, và bắt nguồn trong lịch sử và do đó phải được giải thích theo ý thức lịch sử. Cách trước có xu hướng tập trung vào quá khứ, cách sau nhìn quá khứ được thể hiện trong hiện tại, nhưng vẫn mở ra một tương lai chưa được tiết lộ.”
Cha Rush trích dẫn đoạn 8 của Dei Verbum, hiến chế tín lý của Vatican II về mạc khải Thiên Chúa, và sự phát triển của các tông đồ về truyền thống của Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Có một sự tăng trưởng trong cái nhìn sâu sắc vào các thực tại và những lời nói được truyền lại.”
Ngài nói: “Và [hiến chế tín lý] tiếp tục nói về ba cách liên quan với nhau qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn sự phát triển của truyền thống tông đồ: công việc của các nhà thần học, kinh nghiệm sống của các tín hữu, và sự giám sát của huấn quyền. Nghe giống như một Giáo hội đồng nghị, phải không?”
Một nhà thần học khác của Thượng Hội đồng, Cha Dario Vitali, cũng đã phát biểu với Thượng Hội đồng về việc, trong một Giáo hội có tính đồng nghị, cần có sự đóng góp kinh nghiệm sống của người Công Giáo, huấn quyền và các nhà thần học. Vitali đã nói vào tuần trước rằng “khả thể phát triển một phong cách và một hình thức đồng nghị của Giáo hội phụ thuộc vào tính luân lưu [circularity] đầy nhân đức của ‘sensus fidei’ [cảm thức đức tin], huấn quyền và thần học”.
Cha Rush gọi Thượng Hội đồng là “một cuộc đối thoại với Thiên Chúa” và nói với các đại biểu rằng trong tài liệu tổng hợp cuối cùng mà họ sẽ xem xét trong tuần này, “Thiên Chúa đang chờ đợi” câu trả lời của họ.
“Vào cuối tuần tổng hợp này, bạn có thể muốn bắt đầu phần tổng hợp đó bằng cách nói, giống như Công đồng Giêrusalem đầu tiên, được mô tả trong Công vụ 15: ‘Điều đó có vẻ tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi…’” Cha Rush cho biết, đề cập đến công đồng tông đồ được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ, liên quan đến câu hỏi liệu các tín đồ người ngoại có nên bắt buộc phải cắt bì hay không.
Nhà thần học cho biết, các tông đồ đã đề cập trong một lá thư gửi các giáo hội “một vấn đề mà chính Chúa Giêsu đã không để lại hướng dẫn cụ thể nào cho nó. Họ và Chúa Thánh Thần phải cùng nhau đi đến một sự thích ứng mới với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô liên quan đến câu hỏi mới đó, điều chưa từng được dự tính trước đây”.
Cha Rush, một trong 62 “chuyên gia và điều phối viên” của Thượng Hội đồng, là phó giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Australian ở Brisbane và là linh mục của Giáo phận Towns-ville.
Ngài đã xuất bản các cuốn sách và bài báo về Công đồng Vatican II, “sensus fidei” (cảm thức về đức tin) và về tính đồng nghị.