Sorting by

×

Nhà thờ có phải là nơi trú ẩn an tòan không?

Nghe bài này

Tạp chí The Pillar ngày 3 tháng 2 năm 2025 có bài viết tựa đề là “Are churches sanctuaries?”, với nội dung như sau:

Khi chính quyền Trump hướng đến mục tiêu thúc đẩy trục xuất trên khắp Hoa Kỳ, Bộ An ninh Nội địa liên bang đã hủy bỏ các hướng dẫn trong tháng này nhằm ngăn chặn việc bắt giữ những người nhập cư ở một số “khu vực nhạy cảm” do liên bang xác định — bao gồm cả nhà thờ.

Việc hủy bỏ này gây tranh cãi, với một số người Công Giáo — bao gồm cả hội đồng giám mục Hoa Kỳ — phản đối động thái này.

Trong bối cảnh tranh cãi, một số người đã đưa ra quan niệm rằng nhà thờ là nơi trú ẩn cho những người chạy trốn khỏi việc bị bắt giữ và nên được tôn trọng như vậy.

Vậy nhà thờ là nơi trú ẩn có nghĩa là gì? The Pillar xin giải thích.

Đầu tiên, chính xác thì chính quyền Trump đã công bố điều gì?

Vào ngày đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Benjamin Huffman đã ban hành chỉ thị rằng họ sẽ hủy bỏ các hướng dẫn năm 2011 về các hành động thực thi luật nhập cư tại hoặc gần “các địa điểm nhạy cảm”, bao gồm “nhà thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo hoặc các tổ chức thờ phượng khác” — cùng với việc hủy bỏ việc mở rộng các hạn chế đó vào năm 2021 của chính quyền Biden.

Trong khi cách tiếp cận trước đây đã hạn chế việc thực thi tại hoặc gần các địa điểm như vậy trừ khi có những trường hợp cấp bách yêu cầu khác, thì chỉ thị của Trump dường như cho phép các hành động thực thi — bắt giữ — ngay cả khi không có lý do an toàn công cộng bắt buộc ngay lập tức.

“Những tên tội phạm sẽ không còn có thể ẩn náu trong các trường học và nhà thờ của Hoa Kỳ để tránh bị bắt. Chính quyền Trump sẽ không trói tay lực lượng thực thi pháp luật dũng cảm của chúng ta, và thay vào đó tin tưởng họ sẽ sử dụng lẽ thường”, Huffman cho biết.

Các giám mục Hoa Kỳ đã phản ứng như thế nào?

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã trả lời vào ngày 23 tháng 1 bằng một tuyên bố chung, trong đó họ đã tham gia cùng Hiệp hội Y tế Công Giáo và Tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ.

Tuyên bố này phản đối việc hủy bỏ “các địa điểm nhạy cảm” của chính quyền.

“Chúng tôi nhận ra nhu cầu thực thi luật nhập cư công bằng và khẳng định nghĩa vụ của chính phủ trong việc thực hiện theo cách có mục tiêu, cân xứng và nhân đạo. Tuy nhiên, việc thực thi luật nhập cư không khẩn cấp tại các trường học, nơi thờ cúng, cơ quan dịch vụ xã hội, cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc các bối cảnh nhạy cảm khác, nơi mọi người nhận được các dịch vụ thiết yếu sẽ trái với lợi ích chung”, tuyên bố cho biết.

“Chỉ với việc hủy bỏ hướng dẫn về các khu vực được bảo vệ, chúng tôi đã chứng kiến sự miễn cưỡng trong số những người nhập cư tham gia vào cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả việc cho con đi học và tham dự các buổi lễ tôn giáo. Tất cả mọi người đều có quyền hoàn thành bổn phận của mình đối với Thiên Chúa mà không sợ hãi. Biến những nơi chăm sóc, chữa lành và an ủi thành nơi sợ hãi và bất ổn đối với những người cần, trong khi gây nguy hiểm cho lòng tin giữa các mục tử, nhà cung cấp, nhà giáo dục và những người mà họ phục vụ, sẽ không làm cho cộng đồng của chúng ta an toàn hơn”, hội đồng giám mục nói thêm.

Nhiều người đã đề cập đến việc các nhà thờ nên là nơi trú ẩn khỏi mối đe dọa bị bắt giữ. Điều đó có nghĩa là gì?

Một số hình thức thánh địa là thông lệ ở Israel cổ đại, theo Kinh thánh, và ở Hy Lạp và La Mã cổ thời, nơi những người quản lý một số đền thờ ngoại giáo cho phép những người bị cảnh vệ hoặc binh lính truy đuổi được ẩn náu trên đất của họ — những con nợ, tội phạm và nô lệ bỏ trốn thường được tìm thấy ở một số đền thờ, với một số người không muốn rời đi trong thời gian dài.

Ở Rome, tập tục đó chắc chắn được quản lý chặt chẽ hơn ở Hy Lạp, và những người tìm kiếm nơi ẩn náu sẽ cần phải rời khỏi nơi ẩn náu của họ khi phiên tòa của họ bắt đầu.

Người ta biết rằng các Ki-tô hữu đã cung cấp nơi ẩn náu cho những người đàn ông bị truy nã trong nhà thờ của họ vào những thế kỷ đầu, với tập tục này trở nên đặc biệt phổ biến sau các sắc lệnh và chỉ dụ vào đầu thế kỷ thứ tư hợp pháp hóa Kitô giáo ở Đế quốc La Mã.

Đối với một số giám mục, thẩm quyền của Giáo hội trong việc ban hành một loại thánh địa xuất phát từ chủ quyền tối cao của Giáo hội, niềm tin rằng sự hiệp thông của Giáo hội không chịu sự chi phối của những người cai trị trần thế. Những người khác dường như nhấn mạnh rằng việc bắt giữ — và viễn cảnh bạo lực — bên trong không gian linh thiêng sẽ làm ô uế sự thánh thiện của chính Giáo hội.

Theo các học giả, vào năm 392, Hoàng đế La Mã Theodosius đã công nhận trong luật tập tục về nơi trú ẩn Ki-tô giáo, đến năm 450, đã có luật cho phép mở rộng tới khuôn viên nhà thờ, chỉ dành cho các Ki-tô hữu và một số loại tội phạm bị tình nghi, ngoại trừ những kẻ hiếp dâm và giết người bị tình nghi, cùng với những kẻ ngoại tình và con nợ công.

Trong thời kỳ trung cổ trên khắp châu Âu, cả tập tục và nhiều sắc lệnh hoàng gia đều công nhận tập tục của Giáo hội cấp nơi trú ẩn cho những tội phạm bị tình nghi — như được kể lại trong tác phẩm “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo.

Nhưng cuối cùng, vì lo ngại rằng các phong tục nơi trú ẩn đang bị lạm dụng, thành thử ở một số nơi, chúng đã bắt đầu bị bãi bỏ. Và trong thời kỳ Cải cách Tin lành, luật chống Công Giáo và chống giáo sĩ ở một số quốc gia cũng tác động đến các phong tục nơi trú ẩn.

Ở Anh, luật trú ẩn đã phát triển thành tương đối phức tạp trong phần lớn thời kỳ trung cổ, nhưng Henry VIII chủ yếu chấm dứt chúng, và quốc hội của Vua James I đã chính thức bãi bỏ các luật về nơi ẩn náu còn lại vào năm 1624.

Thật vậy, vào đầu những năm 1700, nơi ẩn náu hầu như không được công nhận là quyền tôn giáo ở bất cứ nơi nào tại châu Âu. Không có gì ngạc nhiên khi khái niệm này không có hiệu lực pháp lý và hầu như không được đề cập theo thông lệ trong những thập niên đầu của lịch sử Hoa Kỳ.

Ngay cả khi Đường sắt ngầm phát triển mạnh vào những năm 1830 và 1840, với những người chạy trốn chế độ nô lệ thường xuyên được chào đón để ẩn náu trong các nhà thờ khi họ chạy trốn về phía bắc, thì người ta rất ít đề cập đến khái niệm pháp lý về nơi ẩn náu trong số các giáo sĩ hoặc luật sư của họ. Thay vào đó, các nhà thờ che giấu những người như vậy dường như thường xuyên nói rằng công việc của họ – bản thân nó là hành vi vi phạm luật liên bang – là phản ứng với thiên luật, đặc biệt là các lệnh truyền của Tin mừng về lòng hiếu khách, theo các học giả nghiên cứu về giai đoạn này.

Vào những năm 1960 và 1970, khi các nhà thờ che giấu những thanh niên cố gắng trốn tránh nghĩa vụ quân sự liên bang, một số giáo sĩ tự coi mình là nơi trú ẩn — cũng giống như tuyên úy William Coffin của Đại học Yale, người đã nói rằng nhà thờ của ngài sẽ là “nơi trú ẩn khỏi hành động của cảnh sát dành cho bất cứ sinh viên Yale nào có lương tâm phản đối nghĩa vụ quân sự”.

Coffin và những người khác đã kêu gọi các nhà thờ khôi phục lại khái niệm nơi trú ẩn cho những người đàn ông cố gắng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nhưng chủ yếu coi đó là hành động bất tuân dân sự, thay vì coi đó là quyền hợp pháp.

Năm 1968, một nhà thờ Unitarian ở Boston đã cho phép hai thanh niên — một người đã từ bỏ nghĩa vụ quân sự và người kia được chọn để nhập ngũ — trú ẩn trong tòa nhà nhà thờ. Một người đã đầu hàng cảnh sát quân sự sau chín ngày. Nhưng người kia, Robert Talmanson, đã bị cảnh sát liên bang cưỡng chế đưa ra khỏi nhà thờ, với những người biểu tình biểu tình bên ngoài.

Các nhà thờ khác cũng sớm làm theo vào năm đó, và những người bị bắt hoặc lính đào ngũ đã bị bắt tại một số nhà thờ, nơi tuyên bố cấp nơi trú ẩn cho những người đàn ông này.

Vào tháng 9 năm 1971, một giáo xứ Công Giáo đã tham gia, khi Giáo xứ Christ the King ở San Diego cho phép chín thủy thủ từ USS Constellation xin tị nạn bên trong nhà thờ khi tàu của họ chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam.

Theo các báo cáo, Giám mục John Quinn, khi đó là Giám Mục Phụ Tá của San Diego, đã thừa nhận vào thời điểm đó rằng “ý niệm nơi trú ẩn an toàn không áp dụng ở Hoa Kỳ, nơi các tòa nhà nhà thờ không được miễn trừ về mặt pháp lý theo luật dân sự”.

Nhưng Cha Bernie Cassidy, SJ, giải thích với các phóng viên rằng “nhân viên của chúng tôi đã đưa ra quyết định mà không có sự ủng hộ công khai của giám mục, mặc dù ngài đã ủng hộ… một cách riêng tư. Chúng tôi đã nhận được… những lá thư và cuộc gọi điện thoại bạo lực gọi chúng tôi là cộng sản, nhưng chúng tôi đã giữ những thanh niên này ở đây trong ba ngày trước khi họ bị cảnh sát liên bang bắt giữ”.

Khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, khái niệm này phần lớn nằm im lìm ở Hoa Kỳ, cho đến khi làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ El Salvador, Guatemala và Nicaragua vào những năm 1980 chứng kiến cả các nhà thờ Tin lành và Công Giáo tuyên bố công khai là “nơi trú ẩn” cho người Trung Mỹ. Cuối cùng, điều này dẫn đến hơn 300 nhà thờ Hoa Kỳ tự tuyên bố mình là “nơi trú ẩn”, như một phần của điều được gọi là “phong trào trú ẩn”.

Trong khi các nhà thờ Công Giáo tham gia, hội đồng giám mục Hoa Kỳ không đưa ra lập trường về phong trào này.

Trong những thập niên gần đây, nhiều nhà thờ Hoa Kỳ đã một lần nữa nhấn mạnh cam kết của họ trong việc phục vụ như “nơi trú ẩn” cho những người di cư phải đối diện với viễn cảnh bị bắt giữ và trục xuất, và nhiều thành phố của Hoa Kỳ đã tự tuyên bố mình là “thành phố trú ẩn”, cam kết không thực thi luật nhập cư của Hoa Kỳ hoặc hỗ trợ thực thi luật này.

Vậy thì việc cung cấp “nơi trú ẩn” cho những người nhập cư phải đối đầu với lệnh trục xuất có phải là bất hợp pháp không?

Luật liên bang đưa ra các hình phạt hình sự — bao gồm cả viễn cảnh bị bỏ tù — đối với bất cứ ai “che giấu, chấp chứa hoặc bảo vệ khỏi sự phát hiện” một người “đã đến, nhập cảnh hoặc ở lại Hoa Kỳ vi phạm pháp luật”.

Không rõ liệu những người lãnh đạo các nhà thờ cố tình cung cấp nơi cư trú cho những người nhập cư không có giấy tờ có phải đối đầu với bản án theo luật đó hay không, nhưng luật không đưa ra các miễn trừ tôn giáo.

Vào những năm 1980, nhiều nhà lãnh đạo của “phong trào trú ẩn” đã bị kết án vì che giấu những người sắp bị trục xuất. Nhưng kể từ đó, không có nhà lãnh đạo nhà thờ nào khác bị truy tố theo luật che giấu.

Liệu những người nhập cư sắp bị trục xuất có thể bị bắt tại Thánh lễ không?

Theo lệnh hành pháp, có khả năng những người sắp bị trục xuất có thể bị bắt tại Thánh lễ hoặc trong nhà thờ.

Nhưng điều đó sẽ tương đối chưa từng có. Ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của “phong trào trú ẩn” những năm 1980, các viên chức nhập cư đã không bắt giữ những người bên trong nhà thờ và không làm như vậy kể từ đó.

Trong những năm gần đây, các viên chức nhập cư đã bắt giữ những người gần trường học, trong bệnh viện và bên ngoài nơi trú ẩn do nhà thờ điều hành.

Chính quyền Trump đã thúc giục các viên chức thực thi pháp luật “sử dụng lẽ thường” liên quan đến những nơi họ bắt giữ.

Vũ Văn An

BÀI ĐỌC HẰNG NGÀY

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS