Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #220: Satan the Great Accuser”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 220: Satan Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một trong những nhà trừ quỷ của chúng tôi gần đây đã nói: “Sáng nay tôi thức dậy và đầu óc choáng váng với những ý nghĩ tự buộc tội bản thân rằng mình thật tồi tệ và với ý nghĩ rằng mình không thể được tha thứ. Nó rất thê thảm.” Thật thú vị, khi biết rằng tuần đó anh ấy đã làm việc với một người đau khổ đang phải vật lộn với những ám ảnh của ma quỷ, đặc biệt là sự dày vò tinh thần xuất phát từ lòng căm thù bản thân.
Trong Kinh thánh, Sa tan được gọi là “Kẻ tố cáo vĩ đại” (Khải huyền 12:10). Một trong những chiến thuật phổ biến nhất của Sa tan là không ngừng truy lùng tội lỗi của con người. Mục tiêu của anh ta là phá hủy ý thức về giá trị bản thân của họ và khiến họ tuyệt vọng.
Satan ghét con người. Nó ghen tị với sự ưu ái mà Chúa dành cho họ. Satan từ chối Thiên Chúa vì sự nhập thể khiêm nhường của Ngài trong nhân loại. Khi buộc tội nhân loại về những tội lỗi của họ, Sa tan cố gắng tấn công lại Thiên Chúa một cách vô ích.
Đôi khi trong các cuộc trừ quỷ, chúng ta trực tiếp trải nghiệm “Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại.” Ma quỷ có thể gọi ra những thất bại của chúng ta. Chúng chế nhạo chúng ta khi chúng ta phạm sai lầm. Chúng đặc biệt thích chỉ ra những thời điểm mà chúng tỏ ra chiếm thế thượng phong trong trận chiến. Lời bào chữa của tôi là gì? Thưa: Không có. Câu trả lời của tôi là: “Thật vậy, tôi là một kẻ tội lỗi.” Sau đó, tôi nói thêm: “Nhưng ta không phải là vấn đề của ngươi. Chúa Giêsu mới là vấn đề của ngươi. Nhân danh thánh của Ngài, ta đuổi ngươi ra ngoài!”
Khi nhà trừ quỷ của chúng ta thức dậy với hàng loạt ý nghĩ tự buộc tội, hoàn cảnh cho thấy rằng anh ta đang hành động như một “người mang gánh nặng”. Chúng ta tin rằng sự hy sinh của anh ấy là một ân sủng cho người đau khổ và có lẽ cho những người khác cũng đau khổ tương tự.
Nhiều, rất nhiều người phải chịu sự dày vò tinh thần của ma quỷ. Đôi khi chúng chỉ đơn giản là có nguồn gốc tâm lý. Nhưng thường xuyên hơn mà mọi người không nhận ra, là Sa tan đang tấn công trực tiếp vào ý thức về giá trị bản thân và hy vọng của họ. Phản ứng của chúng ta với tư cách là những con người sa ngã rất đơn giản: “Tôi là một kẻ tội lỗi. Nhưng niềm hy vọng của tôi là nơi Chúa Giêsu.”