Những thách thức mà Hàn Quốc phải đối mặt trong việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới

Nghe bài này

Một nhà truyền giáo người Mễ Tây Cơ ở Hàn Quốc, một linh mục từ Giáo phận Hán Thành và một nữ tu từ Hàn Quốc cư trú tại Tây Ban Nha đã giải thích những kỳ vọng và khó khăn trong việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo vào năm 2027 với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Cha Ramiro Zúñiga đã làm việc tại Hàn Quốc được 24 năm, nơi có “một Giáo hội trẻ trung, rất sống động, với nhiều thành công” từ quan điểm ơn gọi, kinh tế và tổ chức.

Tuy nhiên, Giáo hội cũng có “nhiều thách thức, bởi vì sự thịnh vượng về kinh tế không phải lúc nào cũng kéo theo sự sung túc về tinh thần trong đức tin. Đối với nhiều người, sự an toàn về kinh tế và cuộc sống tốt đẹp trở thành sự an toàn của một người khi Chúa không còn cần thiết nữa.”

“Sự bùng nổ xảy ra vào những năm 80 và 90, khi có hàng trăm người được rửa tội trong mỗi nhà thờ” đã lắng xuống, cũng như “số lượng trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên tham dự Thánh lễ” đã giảm đi, nhà truyền giáo nói với ACI Prensa.

Cha Liễu Tương Hách (Yoo Sanghyuk, 유상혁) một linh mục của Giáo phận Hán Thành, giải thích rằng “khoảng 10% tổng dân số Hàn Quốc là người Công giáo” và lưu ý rằng, mặc dù cộng đồng của họ “phát triển nhanh chóng trong thời kỳ khó khăn, nhưng họ hiện đang theo các nhà thờ Âu Châu” trong một sự suy giảm nhất định.

Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo “vẫn có ảnh hưởng tốt” trong nước, ngài lưu ý.

Nữ tu Helena Ngô Nhuận Kiên (Oh Yun Geon, 오윤건) một nữ tu truyền giáo cư trú ở Tây Ban Nha, nhận xét rằng mặc dù không đông nhưng “người ta rất tôn trọng người Công giáo và rất yêu mến các linh mục cũng như tu sĩ,” mặc dù họ không tuyên xưng cùng một đức tin.

Điều này là do nỗ lực liên tôn của họ để làm việc cùng nhau, đặc biệt là vì quyền của người nghèo và vì hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là vì hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên.

Cha Liễu Tương Hách thừa nhận rằng, ở Hàn Quốc, “rất ít người biết đến Ngày Giới trẻ Thế giới” và không nhiều người đã trực tiếp trải qua những cuộc gặp gỡ này.

Tuy nhiên, ngài thấy rằng việc được chỉ định là địa điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo là một cơ hội “để truyền bá niềm tin vào Chúa Kitô” và củng cố đức tin của các cộng đồng Công giáo ở Á Châu.

Nữ tu hy vọng rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ giúp thể hiện sự hiệp nhất và “sự hiện diện của Giáo hội Công giáo”, cũng như cho người Hàn Quốc thấy “niềm vui có đức tin”. Theo chị, “chia sẻ đức tin với người khác và học hỏi lẫn nhau sẽ làm cho chúng ta lớn lên để đức tin của chúng ta sống động, mạnh mẽ và cởi mở hơn.”

Cha Zúñiga, nhà truyền giáo người Mễ Tây Cơ, ngoài việc thực hiện công việc tông đồ của mình, còn dạy tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Quốc gia Hán Thành, tin rằng “có một niềm vui lớn” khi Hàn Quốc được chọn là địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo. Theo ý kiến của ngài, đây cũng sẽ là một dịp tuyệt vời cho chính phủ và nói chung cho niềm tự hào dân tộc.

Việc tổ chức một sự kiện lớn như Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới liên quan đến đủ loại thách thức lớn. Sơ Helena nhấn mạnh rằng điều quan trọng cần ghi nhớ là Hàn Quốc “là một quốc gia rất đông dân nhưng nhỏ bé.”

Ở Hán Thành, sơ ấy nhận xét, “có rất nhiều phương tiện giao thông, rất nhiều người, rất nhiều công nhân.” Vì vậy, “làm thế nào những người hành hương trẻ tuổi có thể dễ dàng di chuyển trong thành phố?”

Một thách thức khác cần giải quyết là rào cản ngôn ngữ vì mọi người thường sử dụng tiếng Hàn; và “mặc dù chúng tôi học rất nhiều tiếng Anh, nhưng nói nó một cách tự nhiên không hề dễ dàng.”

Từ một quan điểm khác, cha Liễu lo sợ, ngoài những khó khăn về hậu cần, còn có khả năng xảy ra sự thiếu hiểu biết: “Tôi không biết liệu xã hội có hiểu được những bất tiện khác nhau sẽ phát sinh từ Đại hội Giới trẻ Thế giới hay không vì tỷ lệ tín hữu Công Giáo chỉ 10%.”

Theo ý ngài, viễn cảnh mục vụ sẽ phải tập trung vào việc “thu hút lại giới trẻ để họ trở thành những nhân vật chính trong quá trình chuẩn bị và thực hiện nó, với sự hỗ trợ của người lớn.”

Về kinh nghiệm của Đại hội Giới trẻ Toàn quốc được tổ chức ở Hàn Quốc cách đây vài năm, Cha Zúñiga lưu ý rằng trong dịp ấy vấn đề lớn nhất “là đón tiếp các chàng trai và cô gái đến từ các vùng khác của đất nước” bởi vì văn hóa tiếp đón ở nhà riêng của mình “không còn tồn tại nữa” ở quốc gia này.

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS