Niềm hy vọng nguy hiểm về một hỏa ngục trống rỗng

Nghe bài này

Tiến Sĩ Eric Sammons, chủ biên của tờ Crisis Magazine, có bài phân tích nhan đề “The Dangerous Hope for an Empty Hell”, nghĩa là “Niềm hy vọng nguy hiểm về một hỏa ngục trống rỗng.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm 14 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Đây không phải là một tín điều, chỉ là suy nghĩ của tôi: Tôi thích nghĩ rằng Hỏa ngục là nơi trống rỗng. Tôi hy vọng nó là như vậy.” Như thường xảy ra sau một tuyên bố gây tranh cãi của Đức Giáo Hoàng, cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng về việc liệu đây có phải là một quan điểm hợp pháp—tức là, một quan điểm chính thống—đối với một người Công Giáo hay không.

Mặc dù đó là một câu hỏi quan trọng, đặc biệt là khi nói về Đức Giáo Hoàng, nhưng nó thực sự bỏ sót một điểm quan trọng hơn – đó là tác động của niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng.

Nhưng trước tiên hãy giải quyết xem nhận xét này có chính thống hay không. Phần đầu tiên trong câu nói của Đức Giáo Hoàng, “Tôi thích nghĩ rằng Hỏa ngục là nơi trống rỗng,” thực sự không phải là một tuyên bố tín điều, như chính ngài đã lưu ý. Đó chỉ là cách ngài tưởng tượng về Hỏa ngục. Tôi có thể tưởng tượng Thiên Đàng như một câu lạc bộ đồng quê ở ngoại ô — giống như “Thiên đường Tin lành” của The Simpsons —và đó không phải là dị giáo; đó chỉ là trí tưởng tượng của tôi. Nếu Đức Giáo Hoàng lập luận một cách dứt khoát — hoặc cố gắng định nghĩa như một tín điều — rằng Hỏa ngục trống rỗng, thì chúng ta sẽ cần phải tranh luận xem liệu nó có chính thống hay không (theo tôi là không).

Và rồi Đức Thánh Cha Phanxicô vượt xa trí tưởng tượng của mình để đạt được mong muốn của ngài rằng: “Tôi hy vọng nó trống rỗng.” Một lần nữa, đây không phải là một tuyên bố về một tín điều. Tôi hy vọng rằng đội Cincinnati Reds sẽ là đội vô địch World Series năm nay và tôi có thể có hy vọng đó nếu tôi muốn, dù hơi khó xảy ra. Tương tự như vậy, nếu Đức Giáo Hoàng mong muốn Hỏa ngục trống rỗng, ngài có thể làm như vậy, nếu muốn.

Tất nhiên, niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng rằng Hỏa ngục trống rỗng không vô hại như hy vọng của tôi về chức vô địch Thế giới cho đội bóng chày yêu thích của mình. Những hy vọng của chúng ta định hình rất nhiều cho hành động và niềm tin của chúng ta: tình yêu của tôi dành cho đội Cincinnati Reds khiến tôi đến tham dự các trận đấu của họ và đầu tư tinh thần vào thành công của họ dù thường xuyên là thất bại. Tương tự như vậy, niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng có tác động rất lớn đến cách sống của chúng ta với tư cách là người Công Giáo. Trong tâm trí tôi, đây là câu hỏi quan trọng hơn là những cuộc tranh luận bất tận về tính chính thống trong tuyên bố tự phát của Đức Giáo Hoàng.

Như tôi trình bày chi tiết trong cuốn sách của mình, Deadly Indifference, hay Sự thờ ơ chết người, đã có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn của người Công Giáo về ơn cứu rỗi của những người không theo đạo Công Giáo trong thế kỷ qua. Cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết người Công Giáo đều cho rằng tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là tất cả, những người không theo Công Giáo đều phải chịu lửa hỏa ngục đời đời. Đúng vậy, Giáo hội từ lâu đã dạy rằng một người có thể được cứu rỗi bằng lòng ao ước được chịu phép Rửa Tội – thường được gọi là phép rửa theo lòng ao ước để phân biệt với phép rửa thực sự, nhưng lời dạy này chủ yếu được đưa vào cuộc tranh luận thần học giữa các học giả và giáo dân. Quan điểm chung—và lời dạy chung được nghe từ bục giảng—là người Công Giáo nên cho rằng những người không theo Công Giáo rất có thể sẽ xuống Hỏa ngục.

Giả định chung này có ý nghĩa rất lớn. Điều quan trọng nhất là người Công Giáo cảm thấy có nghĩa vụ phải làm việc để cải đạo những người không Công Giáo, cho dù đó là bằng cách hỗ trợ các công việc truyền giáo hay bằng cách thúc giục những người không Công Giáo trở thành Công Giáo. Điều đó cũng có nghĩa là người Công Giáo phải cảnh giác về việc trở nên quá gần gũi về mặt văn hóa với những người không theo Công Giáo. “Những cuộc hôn nhân hỗn hợp” bị cấm đoán; và những người Công Giáo có xu hướng sống chung với nhau trong những khu dân cư toàn tòng (“ghetto” hay khu biệt cư Công Giáo) để bảo vệ đức tin của những đứa con dễ bị ảnh hưởng của họ. Và cuối cùng, hầu hết người Công Giáo vẫn kiên trì theo đạo Công Giáo, vì biết rằng giải pháp thay thế sẽ khủng khiếp đến mức không thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên, khi sự nhấn mạnh đó thay đổi và người Công Giáo bắt đầu mở rộng việc áp dụng phép rửa theo lòng ao ước đến mức đột phá (đa số người Công Giáo hiện nay tin rằng các tôn giáo khác có thể dẫn một người lên Thiên đường), thì cách người Công Giáo sống và tương tác với những người không theo Công Giáo đã thay đổi một cách đáng kể.

Sứ vụ truyền giáo sụp đổ. Các khu toàn tòng Công Giáo biến mất. Và hàng triệu người Công Giáo đã rời bỏ Giáo hội.

Đây không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu bạn không tin rằng bạn cần phải theo đạo Công Giáo để được lên Thiên đường – hoặc, nếu cực đoan hơn, bạn tin rằng mọi người đều được lên Thiên đường bất kể họ sống ở đây trên trái đất này như thế nào (“Xin chào, ông Hitler! Rất vui được gặp ông ở đây tại Thiên đường này!”)— thì khi đó tầm quan trọng của việc vừa thực hành Đức tin vừa chia sẻ nó với người khác sẽ sụp đổ. Đạo Công Giáo bị thu gọn thành một thứ khiến bạn cảm thấy dễ chịu; một câu lạc bộ xã hội với một số nghi lễ hấp dẫn.

Giờ đây, người ta có thể ủng hộ nhận xét của Đức Thánh Cha rằng “Tôi hy vọng Hỏa ngục là trống rỗng” bằng cách nói rằng chính Sách Giáo lý cũng nói rằng “Trong niềm hy vọng, Giáo hội cầu nguyện cho ‘tất cả mọi người được cứu’“ (Sách Giáo Lý Công Giáo 1821). Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc hy vọng Hỏa ngục trống rỗng và việc hy vọng và cầu nguyện cho sự cứu rỗi của mỗi linh hồn.

Trở lại với câu chuyện tương tự về môn bóng chày của tôi, trước mỗi trận đấu của Cincinnati Reds vào mùa giải tới, tôi hy vọng rằng Cincinnati Reds sẽ thắng. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi liệu Cincinnati Reds có thắng mọi trận đấu ở mùa giải tới hay không, tôi biết họ sẽ không thắng. Thua một số trận là hiện thực của một mùa bóng chày kéo dài 162 trận, cho dù tôi có hy vọng họ chiến thắng đến đâu đi chăng nữa.

Tương tự như vậy, nếu bạn hỏi tôi liệu tôi có hy vọng ơn cứu rỗi cho một người cụ thể nào không—vợ tôi, các con tôi, Tổng thống Biden, Elon Musk—tôi sẽ trả lời một cách khẳng định. Tuy nhiên, tôi biết—vì Chúa Kitô đã nói rõ rằng đây là thực tế— sẽ có những người ở Hỏa ngục, như Sách Giáo lý đã nêu,

“Giáo huấn của Giáo hội khẳng định sự tồn tại của hỏa ngục và sự vĩnh cửu của nó. Ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng phạm tội trọng sẽ xuống hỏa ngục, nơi họ phải chịu hình phạt của hỏa ngục, ngọn lửa đời đời”. (Sách Giáo Lý Công Giáo 1035)

Một Hỏa ngục trống rỗng làm suy yếu toàn bộ mục đích của Công Giáo, và chế giễu những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã cảnh báo chúng ta phải cố tránh sa Hỏa ngục và nói về việc nhiều người sẽ bị ném vào lửa đời đời (x. Mt. 25:41). Thực ra, Chúa Giêsu đã nói nhiều về Hỏa ngục hơn là về Thiên đường. Tại sao phải bận tâm nếu không có ai đến đó? Trên thực tế, nếu Hỏa ngục thực sự trống rỗng, điều đó khiến Chúa Giêsu trở thành kẻ lừa dối, vì những lời của Ngài cho rằng mọi người đã đi—và sẽ tiếp tục—ở đó.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng rằng Hỏa ngục trống rỗng không phải là một mơ tưởng vô hại. Nó khiến người ta rời xa việc thực hành đức tin một cách nghiêm chỉnh, và nó khiến họ không thể đưa người khác đến việc thực hành đức tin một cách nghiêm chỉnh.

Trớ trêu thay, niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng sẽ giúp lấp đầy nó rất nhiều.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS