Nội dung cuộc họp báo của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Marseille trở lại Rôma

Nghe bài này

Theo Vatican News, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở về Rome từ Marseille, ngài trả lời các câu hỏi của các nhà báo trên máy bay, về các vấn đề di cư, an tử, thực dân hóa ý thức hệ và nỗi đau khổ của người dân Ukraine.

Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại Rôma vào tối thứ Bảy khi kết thúc chuyến Tông du kéo dài hai ngày tới Marseille.

Ngài tổ chức cuộc họp báo theo thông lệ với các nhà báo trên máy bay, trả lời ba câu hỏi.

Dưới đây là bản phiên âm và dịch thuật tiếng Anh của cuộc họp báo:

Matteo Bruni – Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh

Thưa Đức Thánh Cha, xin chào Đức Thánh Cha buổi tối, chào buổi tối mọi người. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian này trên chuyến bay trở về của chúng con. Đó là một cuộc hành trình đặc biệt mà trong đó Đức Thánh Cha cũng có thể cảm nhận được, như Đức Hồng Y đã nói, tất cả tình cảm của người dân Pháp đã đến cầu nguyện với Đức Thánh Cha. Nhưng con nghĩ vẫn còn một số câu hỏi hoặc vấn đề mà các nhà báo muốn hỏi Đức Thánh Cha. Có lẽ Đức Thánh Cha muốn nói vài lời với chúng con.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chào buổi tối và cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Trước khi quên, tôi muốn nói hai điều. Hôm nay tôi nghĩ đây là chuyến bay cuối cùng của Roberto Bellino [Kỹ sư âm thanh của Bộ Truyền thông], vì ông sắp nghỉ hưu (vỗ tay). Cảm ơn ông, cảm ơn ông, cảm ơn ông! Điều thứ hai là hôm nay là sinh nhật của Rino, Rino khôn tả [Anastasio, điều phối viên của ITA Airways cho các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng] (vỗ tay). Bây giờ anh chị em có thể đặt câu hỏi của anh chị em.

Raphaële Schapira (truyền hình Pháp)

Thưa Đức Thánh Cha, xin chào Đức Thánh Cha buổi tối. Đức Thánh Cha bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình ở Lam-pedusa, tố cáo sự thờ ơ. Mười năm sau Đức Thánh Cha yêu cầu châu Âu thể hiện tình liên đới. Đức Thánh Cha đã lặp lại cùng một thông điệp trong mười năm. Điều đó có nghĩa là Đức Thánh Cha đã thất bại?

Tôi dám nói không. Tôi dám nói rằng việc gia tăng có chậm lại. Ngày nay người ta đã nhận thức được vấn đề di cư. Có ý thức. Ngoài ra, còn có ý thức về việc nó đã đạt đến mức nào… giống như một củ khoai tây nóng hổi mà bạn không biết cách xử lý.

Angela Merkel từng nói rằng vấn đề được giải quyết bằng cách tới Châu Phi và giải quyết nó ở Châu Phi, bằng cách nâng cao trình độ của các dân tộc Châu Phi. Nhưng cũng có những trường hợp tồi tệ. Những trường hợp rất tồi tệ, khi những người di cư, giống như trong môn bóng bàn, đã bị đưa trở lại. Và người ta biết rằng nhiều khi họ kết thúc bằng rượu bia; cuối cùng họ còn tệ hơn trước.

Tôi đã theo dõi cuộc đời của một cậu bé, Mahmoud, người đang cố gắng trốn thoát… và cuối cùng cậu ấy đã treo cổ tự tử. Cậu không qua khỏi vì không thể chịu đựng được sự hành khổ này. Tôi từng nói với anh chị em đọc cuốn “Brother” – “Herman-ito”. Người đến trước nhất bị bán đứng. Rồi người ta lấy hết tiền của họ. Rồi, người ta bắt họ gọi điện cho gia đình để gửi thêm tiền. Nhưng họ là những người nghèo. Đó là một cuộc sống khủng khiếp.

Tôi nghe có người ban đêm lên thuyền thấy tàu vắng lặng, không an ninh nên không muốn lên. Và, bùm bùm. Kết thúc câu chuyện. Đó là triều đại của khủng bố. Họ đau khổ không chỉ vì cần phải thoát ra ngoài mà vì ở đó đang ngự trị nỗi kinh hoàng. Họ là nô lệ. Và chúng ta không thể – nếu không nhìn thấy mọi thứ – ném họtrở lại như một quả bóng bàn. KHÔNG.

Đó là lý do tại sao tôi nhắc lại rằng trên nguyên tắc, những người di cư phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Nếu anh chị em không thể hòa nhập họ vào đất nước của mình, hãy đồng hành và hòa nhập họ ở các quốc gia khác, nhưng đừng để họ rơi vào tay những kẻ buôn người tàn ác này.

Vấn đề với những người di cư là thế này: chúng ta gửi họ trở lại và họ rơi vào tay những tên rác rưởi đã làm quá nhiều điều ác. Chúng bán họ; chúng bóc lột họ. Mọi người cố gắng chạy trốn. Có một số nhóm người tận tâm cứu người bằng thuyền. Tôi đã mời một người trong số họ, người đứng đầu tổ chức “Cứu người Địa Trung Hải” tới Thượng hội đồng. Họ sẽ kể cho anh chị em nghe những câu chuyện khủng khiếp.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi, cô đã nhắc lại, tôi đã tới Lampedusa. Mọi sự đã tốt hơn. Thực sự như vậy. Có nhiều nhận thức hơn. Hồi đó chúng ta không biết. Hồi đó họ đã không nói cho chúng ta biết sự thật. Tôi nhớ có một nhân viên tiếp tân ở Santa Marta, một người Ethiopia, con gái của những người Ethiopia. Cô nói được ngôn ngữ và đang theo dõi hành trình của tôi trên TV. Cô thấy có một người giải thích, một người Ethiopia đáng thương, người đã trình bầy về sự tra tấn và những điều tương tự. Nhưng người phiên dịch – người phụ nữ này nói với tôi – anh ta không nói hết mọi điều; anh ta đã làm dịu tình hình. Thật khó tin. Quá nhiều kịch tính.

Ngày hôm đó tôi đã ở đó. Một bác sĩ nói với tôi: “Hãy nhìn người phụ nữ đó. Bà đi giữa những xác chết để tìm kiếm một khuôn mặt vì bà đang tìm kiếm con gái mình. Bà không tìm thấy em.” Những bi kịch này… thật tốt cho chúng ta khi có được chúng trong tầm tay. Chúng sẽ làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn và do đó cũng thiêng liêng hơn. Đó là một tiếng kêu gọi. Tôi ước nó giống như một tiếng khóc than. Chúng ta hãy lưu ý. Chúng ta hãy làm một điều gì đó.

Nhận thức đã thay đổi. Thực sự như thế. Ngày nay có ý thức hơn. Không phải vì tôi đã lên tiếng mà vì mọi người đã nhận thức được vấn đề. Rất nhiều người đang nói về nó. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi.

Tôi muốn nói một điều nữa. Thậm chí, tôi không biết Lampedusa ở đâu, nhưng tôi đã nghe những câu chuyện: Tôi đọc được điều gì đó, và trong khi cầu nguyện tôi nghe thấy “con phải đi” Như thể Chúa đang gửi tôi đến đó, trong chuyến hành trình đầu tiên của tôi.

Clément Melki – Agence France-Presse (AFP)

Sáng nay ngài đã gặp Emmanuel Macron sau khi bày tỏ sự không đồng tình với việc an tử. Chính phủ Pháp đang chuẩn bị thông qua luật cuối đời gây tranh cãi.

Ngài có thể vui lòng cho chúng tôi biết ngài đã nói gì với tổng thống Pháp về việc này và liệu ngài có nghĩ rằng ngài có thể thay đổi quyết định của ông ấy không.

Chúng tôi đã không nói về vấn đề này ngày hôm nay, nhưng chúng tôi đã nói về nó trong chuyến thăm lần trước khi chúng tôi gặp nhau. Tôi đã nói rõ ràng khi ông ấy đến Vatican và tôi đã nói rõ quan điểm của mình: cuộc sống không phải để đùa giỡn, cả lúc đầu lẫn lúc cuối. Chúng ta không thể chơi đùa được. Đây là ý kiến của tôi: để bảo vệ sự sống, phải không? Bởi vì sau đó chúng ta kết thúc với một chính sách “không đau đớn”, một cái chết êm dịu duy nhân bản.

Về điểm này, tôi muốn trích dẫn một cuốn sách một lần nữa. Xin vui lòng đọc nó. Nó có từ năm 1907. Đó là cuốn tiểu thuyết có tên Lord of the World [Chúa tể thế giới], được viết bởi [Robert Hugh] Benson. Đó là một cuốn tiểu thuyết về ngày tận thế cho thấy mọi thứ cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào. Mọi khác biệt đều bị lấy đi, kể cả mọi nỗi đau. An tử là một trong những điều đó – một cái chết nhẹ nhàng, một sự chọn lọc trước khi sinh ra. Nó cho chúng ta thấy người đàn ông này đã thấy trước một số xung đột hiện tại như thế nào.

Ngày nay chúng ta nên cẩn thận với sự thực dân hóa ý thức hệ chuyên hủy hoại đời sống con người và đi ngược lại đời sống con người. Chẳng hạn, ngày nay, cuộc sống của ông bà bị xóa bỏ, và khi sự giàu có nhân bản xuất hiện trong cuộc đối thoại với con cháu, họ cũng bị xóa bỏ. ‘Họ đã già rồi nên vô dụng.’ Chúng ta không thể chơi đùa với cuộc sống.

Lần này tôi không nói chuyện với tổng thống [về chủ đề này], nhưng lần trước thì tôi có nói chuyện. Khi ông ấy đến, tôi đã cho ông ấy quan điểm của mình rằng cuộc sống không phải là thứ để đùa giỡn. Dù là luật không để đứa bé lớn lên trong bụng mẹ hay luật an tử khi bệnh tật hay tuổi già, tôi không nói đó là một vấn đề đức tin. Đó là vấn đề con người, vấn đề con người. Có một ‘lòng trắc ẩn xấu xí’. Khoa học đã biến một số căn bệnh đau đớn thành những sự kiện ít đau đớn hơn, kèm theo nhiều loại thuốc. Nhưng cuộc sống không được đùa giỡn.

Javier Martínez-Brocal – ABC

Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của chúng tôi cho chuyến đi rất căng thẳng và dày đặc này. Cho đến phút cuối cùng ngài đã nói về Ukraine và Đức Hồng Y Zuppi vừa đến Bắc Kinh. Có tiến triển gì trong sứ mệnh này không? Ít nhất là về vấn đề nhân đạo của viẹc hồi hương trẻ em? Sau đó, một câu hỏi có phần gay gắt: cá nhân ngài trải nghiệm thế nào khi sứ mệnh này cho đến nay vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào. Trong một buổi tọa đàm, ngài đã nói về sự thất vọng. Ngài có cảm thấy thất vọng không? Cảm ơn.

Đó là sự thật, người ta cảm thấy có chút thất vọng, bởi vì Bộ Ngoại giao đang làm mọi cách để giúp đỡ việc này, và ngay cả “sứ mệnh Zuppi” cũng đã đến đó. Có điều gì đó với các trẻ em đang diễn ra tốt đẹp, nhưng cuộc chiến này khiến tôi nghĩ rằng nó cũng phần nào bị ảnh hưởng không chỉ bởi vấn đề Nga/Ukraine, mà còn bởi việc bán vũ khí, buôn bán vũ khí. Tờ The Econ-omist cách đây vài tháng đã nói rằng ngày nay khoản đầu tư mang lại nhiều thu nhập nhất là các nhà máy sản xuất vũ khí, chắc chắn [vốn] là những nhà máy chết chóc!

Nhân dân Ukraine là một dân tộc tử đạo; họ có một lịch sử rất tử đạo, một lịch sử khiến họ đau khổ. Đây không phải là lần đầu tiên: vào thời Stalin, họ đã phải chịu đựng rất nhiều, rất nhiều; họ là những người tử vì đạo. Nhưng chúng ta không được đùa giỡn với sự tử đạo của dân tộc này; chúng ta phải giúp họ giải quyết mọi việc theo cách thực tiễn nhất có thể.

Trong chiến tranh, điều thực tiễn là điều có thể, không ảo tưởng: như thể ngày mai hai nhà lãnh đạo đang gây chiến sẽ cùng nhau đi ăn. Nhưng trong chừng mực có thể, chúng ta sẽ đạt đến mức làm được những gì có thể. Bây giờ tôi thấy rằng một số quốc gia đang quay lưng lại, không cung cấp vũ khí và đang bắt đầu một diễn trình [nếu không] người tử vì đạo chắc chắn sẽ là người dân Ukraine. Và đó là một điều xấu!

Anh chị em đã thay đổi chủ đề, đó là lý do tại sao tôi muốn quay lại chủ đề đầu tiên, Hành trình. Marseille là nền văn minh của nhiều nền văn hóa, nhiều nền văn hóa, nó là bến cảng của những người di cư.

Có một thời, có những người di cư đến Cayenne, những người bị kết án tù bị bỏ lại đó – Đức Tổng Giám Mục [của Marseille] đã đưa cho tôi cuốn Manon Lescaut để nhắc nhở tôi về lịch sử đó. Nhưng Marseille là một nền văn hóa gặp gỡ!

Hôm qua, trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của nhiều hệ phái khác nhau – họ cùng hiện hữu: Hồi giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo, nhưng có sự chung sống, đó là một nền văn hóa hỗ trợ; Marseille là một bức tranh khảm sáng tạo; đó là văn hóa sáng tạo. Một bến cảng vốn là một thông điệp ở châu Âu: Marseille đang chào đón. Nó chào đón và tạo ra một sự tổng hợp mà không phủ nhận căn tính của các dân tộc. Chúng ta phải suy nghĩ lại vấn đề này ở những phần khác: khả năng đón nhận.

Trở lại với người di cư, có 5 quốc gia đang phải chịu thiệt hại vì quá nhiều người di cư, nhưng ở một số quốc gia này lại có những thị trấn trống rỗng. Tôi nghĩ về một trường hợp cụ thể mà tôi biết, có một thị trấn chỉ có ít hơn 20 người già và không nhiều hơn. Xin hãy để những thị trấn này thực hiện nỗ lực hội nhập.

Chúng ta cần lao động; Châu Âu cần lao động. Di cư được tiến hành tốt là một sự phong phú; nó là sự giàu có. Chúng ta hãy xem xét chính sách di cư này để nó có hiệu quả hơn và vì nó giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Bây giờ đến bữa tiệc tối để chia tay Rino và Roberto. Hãy dừng lại ở đây; cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc và câu hỏi của anh chị em.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS