Nói thêm về vấn đề Cứu Rỗi cho những ai biết và không biết Chúa

Nghe bài này

jezis-buh-a-holubice

Vấn đề cưú rỗi đã được đặt ra ngay từ thời Chúa Giêsu còn tại thế, đang đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ với các môn đệ.

Một ngày kia, khi nói về sự khó khăn để những người giầu được vào Nước Trời, Chúa Giêsu đã nói: ”con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa”. Nghe nói thế, các môn đệ vô cùng sửng sốt và hỏi Chúa: ”thế thì ai có thể được cứu?” Chúa Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: ”đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19: 24-26; Mc 10: 23-27; Lc 18:24-26 )

Từ câu trả lời trên của Chúa Giêsu, chúng ta thử tìm hiểu xem trước hết, có phải Chúa lên án những ai giầu có của cải vật chất ở đời này không, và suy rộng thêm ra, thì những ai sẽ được cứu rỗi? Chỉ những người đã tin và chịu phép rửa hay còn cả những người không biết Chúa và không được rửa tội nữa?

I- Chúa có lên án những người giầu có của cải vật chất không
?

Trong Phúc Âm Thánh Matthêu, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu đã đề cao sự khó nghèo về tinh thần như sau:

Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1)
(How happy are the poor in spirit
Theirs is the Kingdom of Heaven. (The Jerusalem Bible)

Điều này hiển nhiên cho thấy Chúa chỉ đề cao tinh thần nghèo khó, chứ không đòi hỏi phải nghèo đói về thể xác, phải rách rưới tiều tụy, phải lang thang không cửa không nhà mới được vào Nước Trời. Bằng cớ là khi thấy đám đông dân chúng đi theo Người và không có gì để ăn, Chúa đã bảo các môn đệ: ”Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”.Nhưng vì không có đủ thức ăn cho mấy ngàn người đang đói lúc đó, nên Chúa Giêsu đã hai lần làm phép lạ để biến bánh và cá ra nhiều cho mấy ngàn người ăn no nê. (Mt 14:15-21; 15:32-38; Mc 6:34-44)

Trong những trường hợp này, sao Chúa không nói với họ: phúc cho anh em phải chịu đói khát, mà lại làm phép lạ để có thực phẩm cho họ ăn dư thừa? Phải chăng vì Chúa đã nhìn nhận giá trị và sự cần thiết phải được thoả mãn những nhu cầu tự nhiên cho thân xác con người như cơm ăn áo mặc nhà ở, bao lâu còn sống trên trần thế này?

Lại nữa, cũng trong Phúc Âm Thánh Matthêu, qua dụ ngôn về Ngày Phán Xét chung, Chúa Giêsu đã đồng hoá Mình với những ngườì nghèo đói bị bỏ rơi, những ngươì vô gia cư bị xã hội và những người giầu có nhắm mắt, bịt tai trước tình cảnh cơ cực của họ. Vì thế, Chúa đã nặng lời quở trách những người đứng bên tả như sau:

”Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khất mắt Ta mà vào lửa đời đời ….vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống…”(Mt 25: 41-42)

Như vậy, rõ rệt cho thấy là Chúa đã không đề cao hay chúc phúc cho sự nghèo đói thể lý. Ngược lại, Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết quan tâm đúng mức đến những nhu cầu chính đáng này của người khác và thực thi bác ái đối với họ, nhất là với những người kém may mắn hơn mình. Cụ thể, phải nhìn thấy Chúa thực sự hiện diện nơi những người nghèo đói, vô gia cư, tật nguyền, bất hạnh ở khắp mọi nơí trong xã hội ngày nay và mở lòng thương giúp họ cách thiết thực như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã khuyên dạy như sau:

”Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ :Hãy đi bình an mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có ích lợi gì?
”(Gc 2:15-16)

Nhưng tại sao Chúa lại đề cao và chúc phúc cho những người ”có tinh thần nghèo khó”?

Không những Chúa đề cao mà chính Người cũng đã nêu gương trước tiên về tinh thần này cho các môn đệ xưa kia và cho tất cả chúng ta ngày nay khi Người tự ý chọn sinh ra trong hang bò lừa, lớn lên sống lang thang” không có chỗ dựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ” (Lc 9:58) và đặc biệt khi chết, không có chỗ chôn, phải mượn ngôi mộ trống chưa dùng của Ông Giuse để nằm tạm trong 3 ngày! (Mt 27:57-60).

Tại sao Chúa Giêsu lại sống và chết trong cảnh khó nghèo cùng cực như vậy
?

Thánh Phaolô đã trả lời câu hỏi này như sau: ”Chúa vốn giầu sang, phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2 Cor 8:9).

Như thế, trước hết có nghĩa là Chúa muốn chúng ta đi tìm sự sang giầu thực sự trên Vương Quốc của Người, nơi ”trộm cắp không bén bảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12:33) hơn là tìm những sự hư vô (vanity) giả tạo ở đời này, như giầu có về tiền bạc và của cải vật chất, là những lôi cuốn, cám dỗ mạnh mẽ nhất đối với con người ở khắp mọi nơi và mọi thời đại. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho con người muốn vươn mình lên cùng Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh quang, phú quý và lạc thú bất tận. Đây cũng là trở ngại lớn lao nhất cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa. Do đó, muốn khắc phuc trở ngại này, thì phải có tinh thần nghèo khó mà Chúa Giêsu đã làm gương bắt chước cho chúng ta qua chính cuộc đời của Người từ lúc sinh ra trong hang đá máng cỏ cho đến khi chết tất tưởi trên thập giá.Chắc chắn Chúa đã không ”đóng kịch’ khó nghèo mà thực sự Người đã sống trọn vẹn với tính thần này để chỉ cho chúng ta mối hiểm nguy về sự nô lệ, tôn thờ tiền của ở đời này, phuơng hại cho mục đích ”khao khát tìm Chúa=quaererer Deum” và vinh quang của Người trên hết mọi sự như Chúa mời gọi chúng ta.

Thật vậy, khi làm nô lệ cho của cải, tiền bạc, người ta sẽ vô tình hay cố ý tôn thờ những thực tại này như chính Thiên Chúa của lòng mình, một nguy cơ mà Chúa Giêsu đã cảnh cáo :

”Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chê chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của
được”(Lc 16,13)

Bằng chứng cụ thể của nguy cơ này là thái độ của chàng thanh niên giầu có trong Phúc Âm Thánh Marcô. Anh ” đã buồn rầu bỏ đi” sau khi nghe Chúa Giêsu bảo anh ta về bán hết tài sản, bố thí cho người nghèo rồi trở lại theo Chúa.!(x. Mc 10:17-22). Anh ta bỏ đi, vì có quá nhiều của cải và không thể hy sinh những của này cho Chúa được. Như vậy, rõ rệt cho thấy sự ham mê của cải, tiền bạc là trở ngại lớn lao để vào Nước Trời.

Thánh Phaolô cũng lưu ý chúng ta về nguy hại của sự ham muốn tiền của như sau:

”cội dễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó , nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đau đớn xâu xé”
(1 Tm 6,10)

Ngoài ra, Phúc Âm Thánh Luca còn kể dụ ngôn người phú hộ kia phải phạt xuống hỏa ngục sau khi chết, trong khi người nghèo Lazarô được lên Thiên Đàng bên tổ phụ Abraham.Người giầu bị phạt không phải vì tội giầu có phú qúy khi còn sống, mà bị phạt vì không có lòng bác ái, nên đã dửng dưng trước người nghèo Lazarô hằng ngày ngồi ăn xin ở cửa nhà mình mà không được bố thí chút của ăn dư thừa nào của người giầu kia.. (Lc 16:19-25).

Thực trạng của thế giới ngày nay đã phơi bày rất rõ nét những hậu quả vô cùng khốc hại của lòng đam mê tiền bạc, của cải, tôn thờ vật chất của con người ở khắp mọi nơi.

Có thể nói: nguyên nhân sâu xa của mọi cuộc chiến, xung đột trên thế giới, từ xưa đến nay, đều bắt nguồn từ tham vọng muốn chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lợi kinh tế của nước khác dưới những chiêu bài hoa mỹ đạo đức giả như tự do, dân chủ, giải phóng, độc lập bảo vệ hòa bình và công lý.Nhưng thực chất, chỉ là lòng tham vô đáy, vô đạo của mọi thế lực đế quốc Đông Tây muốn chiếm đoạt tối đa mọi của cải vật chất của người khác chẳng may rơi vào ách thống trị của họ để họ mặc sức bóc lột nhân danh công lý giả hiệu hay ngụy thuyết “giải phóng cho gia cấp vô sản.! Nhưng kết cục là làm giầu cho giai cấp thống trị, cho tập đoàn tham quyền cố vị từ đời này đến khác, bất chấp mọi nguyên tắc về dân chủ, dân quyền, đạo lý và công bình mà lương tri con người biết đến và đòi hỏi phải tuân thủ.

Hậu qủa là tình trạng nghèo đói, lạc hậu dưới mức người của các dân tộc bị cai trị, bị bóc lột tàn nhẫn trong các chế độ hà khắc còn sót lại trên thế giới ngày nay.

Thê thảm hơn cả là tình trạng tụt hậu đáng ghê sợ về mặt đạo đức, luân lý nơi những người mà lòng ham mê tiền của đã khiến họ lao mình vào việc khai thác các kỹ nghệ cờ bạc, buôn bán ma tuý, mãi dâm, sản xuất phim ảnh khiêu dâm, buôn bán phụ nữ và ”mãi dâm trẻ em (child prostitution)” để cung cấp những thú vui vô luân, vô đạo, cực kỳ nhơ nhuốc và khốn nạn cho những kẻ sống không niềm tin, chỉ biết vùi đầu đi tìm những thú vui man rợ, vô luân này, như báo chí quốc tế đã tố cáo ở nhiều nơi trên thế giới- trong đó có Việt Nam- hiện nay.

Lại nữa ,cũng vì ham tiền,vì tôn thờ của cải vật chất mà nhiều chủ nhân các đại công ty,các tay tài phiệt đang làm chủ các kỹ nghệ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là kỹ nghệ dầu hỏa, đã cấu kết với nhau để tạo nên tình trạng khan hiếm giả tạo hầu tăng giá sản phẩm, thao túng thị trường chứng khoán để kiếm lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đôla, bất chấp nạn nhân là đại đa số công nhân và người lao động phải gánh chịu mọi mọi hậu quả do lòng tham lam vô đạo của những kẻ đang nắm giữ huyết mạch kinh tế quốc gia và thế giới.Phong trào Occupy Wallstreets đang rầm rộ từ mấy tháng nay ở Mỹ đã nói lên sự phẫn uất của người dân đối với những kẻ làm giầu trên sự đau khổ và nghèo túng của người dân lao động ở quốc gia manh tiếng là giầu có này.

Nhưng, những kẻ tham tiền kia đâu cần quan tâm đến, vì họ đã hoàn toàn mất lương tri và mọi ý thức đạo đức khi lao mình vào những mục tiêu kiếm tiền, làm giầu bằng mọi cách bất lương, và dửng dưng trước sự đau khổ , nghèo đói của những nạn nhân mà họ đang bóc lột bằng những xảo thuật kinh tài rất tinh vi và đầy bất lương,vô nhân đạo.

Trong viễn ảnh này, chúng ta hiểu được vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa kia rằng: ”Con lac đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn ngươì giầu có vào nước Thiên Chúa ” (Lc 18:25) Thánh Phaolô cũng quả quyết rằng: ”không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào- mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng- được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa” (Ep 5,5)

Người giầu và người tham lam mà Chúa Giêsu và Thánh Phaolô muốn nói ở đây chính là những kẻ đang tôn thờ tiền của, đang làm giầu bằng những phương pháp vô nhân đạo, phi luân lý ở khắp nơi trên thế giới ngày nay. Họ không thể vào được Nước Chúa là Vương Quốc của tình yêu, của công bằng, bác ái và thánh thiện vì những gì họ yêu thich và tôn thờ đã hoàn toàn đi ngược lại với những đòi hỏi của Vương Quốc này.

Đó chính là mối nguy hại của sự giầu có mà Chúa muốn cảnh giác chúng ta. Và để giải trừ lòng mê say giầu có tội lỗi này, Chúa đã rao giảng và thực hành tinh thần nghèo khó của Phúc Âm Sự Sống để dẫn đưa con người vào hưởng sự giầu sang phú qúy của Nuớc Thiên Chúa là nơi ”Chúa Kitô vốn giầu sang, phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” như Thánh Phaolô đã giải thích.(x 2Cor 8,9)

Nói thế không có nghĩa là không được phép kiếm tiền, làm giầu, ăn ngon ,mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng với mọi tiện nghi của xã hội văn mình ngày nay. Cũng không có nghĩa là phải sống đói rách, bần cùng thì mới được vào Nước Trời. Ngược lại, chúng ta cần phân biệt rõ ranh giữa lòng tham ,nô lệ cho của cải với mục đích chỉ dùng tiền của như phương tiên cần thiết để sống ở đời và thực thi đức ái, thể hiện đức tin cách cụ thể. Nói khác đi, dùng tiền của như phương tiện cần thiết để phục vụ cho nhu cầu sống tự nhiên trong khi theo đuổi những mục đích siêu nhiên thì không có gì là sai trái, phải tránh. Chỉ có nô lệ cho tiền của, tôn thờ vật chất trên hết mọi sự mới là điều nguy hại phải loại trừ mà thôi. Trong tinh thần này, chúng ta đuợc phép kiếm tìm tiền của cách chính đáng và hưởng thụ mọi tiện nghi của cuộc sống vật chất miễn là chúng ta chỉ coi đó như những phương tiện chính đáng cần thiết chứ không phải là mục đích chính yếu của đời mình. Mục đích tối cao của người tín hữu chúng ta là Thiên Chúa và Vương Quốc của Người.

Như vậy bao lâu còn theo duổi mục đích này thì mọi phuơng tiện chính đáng như thì giờ, tiền bạc, tài năng, công sức, đều được phép xử dụng để đạt mục đích đó. Nhưng cũng cần phải nói ngay là không phải mọi phương tiện đều tốt cho mục đích. Nghiã là không thể ăn cắp tiền của ai để dâng cúng cho nhà thờ, hay biếu các linh mục, Giám mục. Cũng không thể mở sòng bài, động mãi dâm, buôn bán ma túy, lường đảo … để lấy tiền xây trường học, nhà thương, hoặc giúp nhà thờ, nhà chùa, Tu viện hay giúp nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, người già v.v.

Tóm lại ,giầu có của cải vật chất không phải là tội, là trở ngại cho phần rỗi linh hồn. Chỉ có làm nô lệ cho tiền của để đi tìm nó một cách bất chính mới là nguy cơ cho phần rỗi mà thôi. Người giầu có biết dùng tiền của như phương tiện tốt để sống ở đời và sống đức ái Kitô giáo thì tiền của giầu sang của họ trở thành một ”đầy tớ tốt” thay vì là một ”ông chủ tàn ác”.

II- SỰ CỨU RỖI CỦA NHỮNG NGƯƠI KHÔNG BIẾT CHÚA và PHÚC ÂM CỦA CHÚA

Trong Tin Mừng Thánh Marcô, chúng ta đọc được lời Chúa sau đây:

”Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; Còn ai không tin sẽ bị kết án
” (Mc 16:16)

Lại nữa, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng nói với ông già Nicôdêmô:

”Thật Tôi bảo thật ông:
Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa
Nếu không sinh ra bởi nước và thần khí
” (Jn 3,5)

Chúng ta phải hiểu thế nào về những lời Chúa nói trên đây? Có phải Chúa muốn loại trừ những ai không tin và không được lãnh bí tích Thánh Tẩy (Rửa tội) không?

Trước hết, những lời của Chúa trên đây chỉ rõ cho chúng ta biết tầm quan trọng và sự cần thiết của bí tích Thánh tẩy cho việc cứu rỗi con người. Thậy vậy, tội nguyên tổ (original sin) đã cắt đứt mọi thân tình giữa Thiên Chúa và loài ngươì. Hậu qủa của tội này là ”sự chết đã làn tràn tới mọi người vì một người duy nhất đã phạm tội.” như Thánh Phaolô đã viết. (Rm 5 :12).

Nhưng vì “ Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giầu tình thương” ( Tv 103 : 8), nên Người đã sai Con Một là Chúa Kitô đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội. Nhờ đó, con người lại được giao hoà với Thiên Chúa và ” trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3: 24). Nhưng cho được hưởng ơn cứu chuộc này thì nhất thiết đòi hỏi phải tin Chúa Kitô và lãnh nhận phép rửa Người ban để được tái sinh trong sự sống mới, và nhờ Thần Khí, trở nên con cái mới củaThiên Chúa để được gọi Người là ”Cha=Abba’.

Được như vậy là vì qua phép rửa, chúng ta được ”tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta’. (1 Cr 6,11). Như thế cho thấy phép Rửa thật vô cùng quan trọng và cần thiết cho phần rỗi của mỗi người chúng ta , vì khi được thanh tẩy qua Bí tích này, chúng ta được ‘tái sinh’ và trở nên những tạo vật mới để hy vọng trời mới đất mới trong viễn ảnh được ơn cứu độ để sống hạnh phúc vình cữu với Thiên Chúa mai sau trên Nước Trời.

Dầu vậy, vấn đề khúc mắc đặt ra cho chúng ta là Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên đi rao giảng Tin mừng Cứu Độ, rồi chết và được sống lại cách nay mới hơn 2000 năm, trong khi loài người đã có mặt trên trái đất này thì không biết là bao nhiêu triệu năm. Như vậy, đối với những người đã sinh ra và chết đi trước Chúa Kitô ra đời, nên không được nghe Phúc Âm của Chúa và được rửa tội, thì số phận đời đời của họ ra sao ? không lẽ họ bị phạt xuống hỏa ngục cả ?

Để trả lời cho những thắc mắc quan trọng này,trước hết chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa là Cha rất nhân từ và thông biết mọi sự, nên Chúa không thể ”bất công” với ai trong việc phán đoán con người. Do đó, những người sinh ra và chết đi trước Chúa Kitô thì chắc chắn họ không được biết gì về Chúa và Phúc Âm của Người, vì không có ai rao giảng cho họ biết về những điều này.Như vậy, hoàn toàn họ không có lỗi gì về việc đã không tin và chịu phép rửa như Chúa Giêsu đòi hỏi. Nếu đã không vì lỗi của họ thì Chúa không thể loại trừ họ vì lỗi đã không tin và không được rửa tội.

Vậy họ có được cứu rỗi không và bằng cách nào
?

Trước hết, họ vẫn được cứu độ vì Thiên Chúa, “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4).

Đây là nền tảng đức tin của ơn cứu độ, dựa vào chính Ý định của Thiên Chúa muốn cho mọi người được hưởng ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô.

Do đó, những người sinh ra và chết đi trước Chúa Cưú Thế Giêsu ra đời, vẫn có thể được cứu rỗi theo Giáo lý sau đây của Giáo Hội Công Giáo:

”Những người không biết Phúc Âm của Chúa Kitô, và Giáo Hội của Chúa không vì lỗi của họ, nhưng họ vẫn tìm kiếm Chúa với lòng thành và được thúc đẩy bởi ơn sủng, cố gắng hành động để thi hành Ý Chúa theo tiếng nói của lương tâm họ, thì họ cũng có thể được cưú rỗi đời đời”
(Sách Giáo Lý Công Giáo (SGLGHCG) số 847)

(Those who, through no fault of their own,do not know the Gospel of Christ and His Church, but who nevertheless seek God with a sincere heart ,and, moved by grace, try in their actions to do His will as they know it through the dictates of their conscience, those too may achieve eternal salvation) (CCC.n.847)

Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium, cũng dạy như sau:

Thực thế, những kẻ vô tình không biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới sự tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của luơng tâm thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi ” (LG. số 16)

Những lời dạy trên đây của Giáo Hội thật tình hơp lý đối với muôn vàn triệu người, trong đó có cha ông, tổ tiên người Việtnam chúng ta đã sinh ra và chết trước khi Chúa Giêsu xuống trần gian hàng bao nhiêu thế kỷ và hoàn toàn không được biết gì về Chúa và Tin Mừng Cứu Độ của Người. Nhưng nếu họ vẫn khao khát tìm chân lý và sống phù hợp với những đòi hỏi của lương tâm- hay nói nôm na- là họ đã ‘ăn hiền ở lành’ khi còn sống thì họ vẫn có thể được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô vì:

”Ngoài Người ra ( Đức Kitô), không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12)

Nói rõ hơn, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được áp dụng cho hết mọi người đã sinh ra và chết đi trước hay sau khi Chúa đã xuống trần gian và đi rao giảng tin mừng Cứu Độ. Nghĩa là tất cả mọi người đều phải nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa để được sống muôn đời. Điều này phù hợp với lời dạy của Thánh Phaolô về vai trò và công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giêsu như sau:

”Chỉ có một Thiên Chúa chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đó là một Con Người, Đức Kitô Giêsu – Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2: 5-6)

Người hiến mình làm giá chuộc cho mọi người đã tin, đã được chịu phép rửa và kiên trì sống đức tin ấy cho đến hơi thở cuối cùng, hay cho cả những người không có cơ hội được biết Chúa, được lãnh phép rửa nhưng đã sống trong khát vọng tìm chân lý và hành động phù hợp với tiếng nói của lương tâm mình như Giáo Hội đã dạy trên đây.

III- VẤN ĐỀ CỨU RỖI CHO NHỮNG AI BIẾT CHÚA Và Đã ĐƯỢC RỬA TỘI

Đây là vấn đề rất quan trọng chúng ta cần biết để nắm vững.

Căn cứ vào lời Chúa thì ”không ai có thể vào Nước Trời nếu không được sinh ra bởi nước vả Thần Khí” (Ga 3,5) nghĩa là được rửa tội. Tuy nhiên, điều này chỉ nói lên tầm quan trọng của bí tích Thánh Tẩy là buớc đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi, chứ không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ. Muốn được cứu rỗi thì dĩ nhiên trước hết phải được tái sinh qua phép rửa để đoạn tuyệt với tội lỗi và bắt đầu một đời sống mới theo Thần Khí. Đời sống mới này chính là ơn cứu độ Thiên Chúa ban nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô. Ơn này được ban do lòng thương xót vô biên củaThiên Chúa, Đấng đã tạo dựng, tha thứ và cứu chuộc con người trong Đức Kitô-Giêsu, chỉ vì yêu thương chứ tuyệt đối không vì lợi lộc nào về phần Ngài. Đây là điều chúng ta phải xác tín để không bao giờ có thể nghĩ lầm rằng mình có lợi gì cho Chúa khiến Ngài phải cầu cạnh ta đến thế.

Chúa Giêsu đã thực hiện Chương Trình Cứu Độ con người của Chúa Cha qua sự vâng phục và hy sinh chịu chết của Ngài cho chúng ta được ơn cứu chuộc như Thánh Phaolô đã dạy:

”Trong Thánh Tử ,nhờ máu Thánh Tử đổ ra
Chúng ta được cứu chuộc được tha thứ tôi lỗi
Theo lượng ân sủng rất phong phú của Người
” (Ep 1,7)

Như vậy, ân sủng của Chúa Cha và công nghiệp này của Chúa Giêsu Kitô là điều kiện căn bản để con người được hưởng ơn cứu chuộc. Nghiã là nếu không có ơn sủng và công nghiệp này thì không ai có thể được cứu rỗi, được hy vọng sống đời đời với Chúa trong Vương Quốc hạnh phúc của Người.

Dầu vậy, muốn được huởng trọn ân sủng này, Thiên Chúa vẫn đòi sự đóng góp , hay cộng tác của con ngươì vào Chương Trình Cứu Độ của Ngài. Sự cộng tác này thật rất cần thiết, vì nếu không có thì Chúa không thể cứu ai được. Sở dĩ Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người không phải vì ơn của Chúa và công nghiệp của Chúa Kitô chưa đủ, mà vì Chúa muốn tôn trọng ý chí tự do(free will) của con người trong việc vô cùng hệ trọng này.

Đúng thế, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần hỏi ý ai và cần ai cộng tác.

Nhưng để tiếp tục Chương Trình sáng tạo nhân loại và nhất là để cứu chuộc con người trong Chúa Kitô, thì Thiên Chúa lại cần sự cộng tác, sự đồng ý của con người. Điều này được thể hiện rõ qua Dụ ngôn Tiệc Cưới trong Phúc Âm Thánh Matthêu (x.Mt 22: 1-14), qua đó Nước Trời được ví như một tiệc cưới mà chủ tiệc là chính Thiên Chúa trong hình ảnh nhà Vua sai gia nhân đi mời thực khách tứ phương đến chung vui. Nhưng có bao nhiêu người đã đáp lời mời và bao nhiêu người đã viện đủ lý do để khước từ tham dự?

Dầu vậy, Nhà Vua, tuy có tức giận vì bị từ chối, nhưng đã không xử dụng uy quyền của mình để cưỡng ép ai phải đến dự tiệc cưới của Hoàng tử .Nghĩa là Chúa cũng không ép buộc ai phải nhận ơn cứu độ của Ngài để được vào Nước Trời. Ngài cũng không ‘tiền định’ cho ai phải hư mất đời đời, vì như vậy thì trái với tình thương và công bằng của Ngài đối với mọi tạo vật. Ngài chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả mà thôi.

Nếu người ta dùng ý chí tự do (free will) để khước từ Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ tôn trọng ý muốn đó và con người phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình. Như vậy, con người cần tỏ thiện chí muốn thuộc về Chúa và tha thiết mong muốn được cứu dộ bằng quyết tâm đáp ứng những đòi hỏi của ơn này.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ xưa kia như sau:

”không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa ,lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu.Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi
.” (Mt 7,21).

Nói khác đi, không phải cứ được rửa tội, cứ mang danh Kitô hữu, là đương nhiên được cứu độ , mặc dù đây là điều kiện cần thiết Chúa đòi hỏi. (x. Mc 16,16; Ga 3,5).

Rửa tội là cần thiết,là điều kiện trước tiên, nhưng cần thiết hơn nữa là sống và thực hành những cam kết của bí tích này suốt cả đời mình cho đến phút cuối cùng trên trần thế. Đó là tin yêu một Thiên Chúa là Cha, tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, tin Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo…và cam kết từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu mọi thứ tội lỗi…Nếu không sống và thực hành những cam kết này thì phép rửa sẽ thành vô hiệu quả cho những ai đã lãnh nhận .Chắc chắn như vậy. Thực hành những cam kết này chính là sống theo Thần Khí, sống đời sống mới trong ơn sủng được tái sinh để cộng tác tích cực vào ơn cứu độ. Sau nữa , thực hành những cam kết này cũng đòi hỏi phải ý thức sâu xa về nguy cơ làm nô lệ cho tiền bạc, tôn thờ của cải vật chất và mọi thú vui vô luân vô đạo của ”văn hóa sự chết’‘ mà Đức cố Giáo Hoàng Joan Phaolô II ( nay là Chân Phước= Blessed) đã cảnh giác.

Tóm lại, nếu không thi hành những cam kết khi lãnh nhận bí tích rửa tội thì đã chối từ ơn cứu độ của Chúa và tự chọn cho mình con đường đi riêng ngoài Ý muốn của Chúa.

Mặt khác, sự kiên trì sống trong Giáo Hội của Chúa cũng cần thiết cho ơn cứu độ như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dạy: ”Những ai biết Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi ” (Lumen Gentium, số 14). Như vậy, ngoài cậy trông ơn sủng của Thiên Chúa và công nghiệp của Chúa Kitô ra, chúng ta còn phải tích cực cộng tác bằng cách sống đức tin ,đức ái, đức cậy cách kiên trì trong Giáo Hội và quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi thì mới hy vọng được cứu độ. Thành ngữ Anh-Mỹ có câu: ”God helps them that help themselves= Chúa giúp những ai tự giúp mình. Nghiã là, nếu không có sự cộng tác vào ơn cứu độ bằng quyết tâm cải thiện đờì sống theo tinh thần của Tin Mừng và đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy, thì Chúa không thể cứu ai được, cho dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị tuyệt đối. Đây là căn bản thần học, là giáo lý vững chắc của Giáo Hội về ơn cứu độ.

Tôi phải nhấn mạnh điều này một lần nữa để lưu ý những ai lầm tưởng rằng phần rỗi của mình có thể nhờ người khác làm thay, mua hộ cho, bằng cách bỏ nhiều tiền ra ”mua hậu ”, một hình thức ”bảo hiểm đời sau” do một số người đã lập ra cái gọi là ”Hội đời đời ” để nhận tiền xin Lễ đời đời cầu cho những người đã chết, hoặc ” mua hậu” giữ chỗ trước cho những người còn sống !

Tôi bảo đảm việc này hoàn toàn sai trái về thần học và giáo lý vì có nội dung ” mại thánh=simony” rất trầm trọng, phải lên án và xa tránh.

Cầu nguyện cho người sống và người chết là việc bác ái thiêng liêng rất tốt đẹp và phù hợp với giáo lý của Hội Thánh. Xin Lễ cũng vậy. Nhưng xin nhớ: những việc lành này chỉ có ích cho những linh hồn đang ở nơi gọi là ”Luyện tội=Purgatory’ mà thôi, vì ‘họ là những tín hữu, khi còn sống đã hoàn toàn qui hướng về Chúa và chết trong ơn nghĩa của Người, ,nhưngchưa được tẩy sạch khỏi ”hình phạt hữu hạn’ của tội đã được tha qua bí tích hòa giải. Vì thế họ phải ‘tạm trú’ ở nơi này một thời gian để được thanh luyện trước khi được gia nhập hàng ngũ các Thánh trên Thiên Đàng để huởng Thánh Nhan Chúa đời đời.

Cũng cần giải thích thêm là, theo giáo lý của Giáo Hội, thì mọi tội con người mắc phạm sau khi được rửa tội đều có hai hậu quả nặng hay nhẹ. Tội trọng làm mất sự hiệp thông tức khắc với Chúa và nếu không được tha kịp thời qua bí tích hoà giải và chết trong tình trạng này, thì sẽ bị hình phạt đời đời trong nơi gọi là hoả ngục.( x. SGLGHCG số 1033, 1035).

Tội nhẹ không làm mất sự hiệp thông này nhưng cũng gây thương tổn cho linh hồn và cần được tẩy sạch qua bí tích hoà giải.Sau khi đã được tha qua bí tích này các hối nhân vẫn phải làm việc ”đền tội ‘ cho các tội đã được tha nhưng ” không sửa lại được những xáo trộn mà tội đã gây ra’ (CĐ Trentô DS1712)

Việc đền tội này nếu không được làm đầy đủ khi còn sống thì phải được thanh tẩy sau khi chết trong nơi Luyện tội để đuợc giải thoát khỏi ”hình phạt hữu hạn=temporal punishment”của tội lỗi. Ỡ nơi luyện tội, các linh hồn không thể tự giúp mình được nữa vì thời giờ đã hết. Do đó, họ chỉ trông chờ sự cứu giúp của Đức Mẹ và các Thánh trên Thiên Đàng và của các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế. Đó là lý do tại sao Giáo Hội dạy phải cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội , giúp họ mau được tha thứ hình phạt hữu hạn để thanh thoát được lên hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.

Với tư cách là Người Quản Lý ”Kho Tàng Ơn Cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các Thánh”, Giáo Hội được quyền ban phát Ân Xá (Indulgences) lấy từ Kho Tàng trên để tha các hình phạt hữu hạn cho kẻ sống và nhất là cho các linh hồn còn đang được thanh luyện trong Luyện tội.

Theo tín điều các Thánh thông công, thì các Thánh trên Thiên Đàng có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn nơi luyện tội và cho các tín hữu còn sống trên trần thế này.Các tín hữu cũng có thể giúp ích cho các linh hồn bằng lời cầu nguyện, làm việc lành và xin dâng Lễ cầu cho các linh hồn. Nhưng cầu nguyện hay xin Lễ chỉ có giá trị bù đắp thiếu sót cho những linh hồn thánh đang còn được thanh luyện trong Luyện tội mà thôi chứ tuyệt đối không giúp ích gì cho những ai đã bị phạt đời đời trong nơi gọi là ”hoả ngục=hell”. Các linh hồn thánh (holy souls) chỉ ở trong Luyện Tội có thời hạn chứ không ở vĩnh viễn đời đời như những người bị phạt trong hoả ngục.Vậy không có vấn đề cầu nguyện đời đời cho các linh hồn đang ở Luyện tội. Càng không thể cầu cho những người trong hỏa ngục được vì lý do không có sự hiệp thông(comunio) nào giữa những người ở đây với các Thánh trên Thiên Đàng, các linh hồn thánh trong Luyện tội và các tín hữu còn sống trên trần gian theo tín điều các thánh thông công nói trên. (Sách Giáo Lý Công Giáo, các số 1030-1033; 1459-1460; 1471-1479)

Bao lâu còn sống thì chúng ta cứ cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết cũng như cho chính mình. Nhưng xin nhớ rằng muốn được hưởng ơn cứu rỗi thì trước hết phải được tái sinh qua phép rửa, cậy nhờ lòng thương xót của Chúa và công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô cộng với phần đóng góp cần thiết của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đức tin trên trần thế này cho đến khi chết, như đã nói trên đây. Nếu tự mình không cố gắng làm việc này thì không ai có thể làm thay được, nghĩa là không thể ‘khoán trắng phần rỗi’ của mình cho người khác bằng cách bỏ tiền ra ” mua hậu đời sau’, từ bây giờ để được yên tâm về phần rỗi của mình. Tôi cam đoan những ”Giấy chứng mua, bán hậu này” không có một chút giá trị cứu rỗi nào trước mặt Chúa sau này. Nó chỉ có lợi tài chính bây giờ cho người bán buôn nó mà thôi.Tuyệt đối không có vấn đề mua ‘ bảo hiểm đời sau” hay xin Lễ đời đời trong Giáo lý Giáo Hội Công Giáo. Nếu một người đã hoàn toàn khước từ Chúa cho đến chết thì Chúa không thể cứu hay”ép ”người đó nhận ơn cứu chuộc để vào Nước Trời được. Nói gì đến nhờ ai cúu giúp nữa. Nói cách khác, nếu việc mua ” hậu’của mấy người không am hiểu giáo lý -(không có giáo lý nào dạy điều này)- đã lập ra cái gọi là ”Hội đời đời’ để bán hậu đời sau cho những người nhẹ dạ, mà có giá trị cứu rỗi, thì chủ nhân các sòng bạc lớn nhỏ, chủ các động mãi dâm, ma cô đang buôn bán phụ nữ cho kỹ nghệ mãi dâm rất khốn nạn, và những tay tài phiệt đang kiếm bạc triệu, bạc tỷ nhờ những xảo thuật kinh tế bất lương, khỏi cần phải từ bỏ cách sống vô luân vô đạo của họ. Và chỉ cần bỏ hàng triệu đồng ra xin “Lễ đời đời” và ”mua hậu” đời sau cho mình là chắc ăn hay sao ?

Nhưng làm gì có chuyện quái đản, phản đức tin, phản giáo lý và thần học này .

Tóm lại, phải dứt khoát loại trừ mọi thực hành dối trá sai trái nói trên, nếu muốn sống đức tin cách chân thật, vững chắc và tinh tuyền trong Giáo Hội Công Giáo.

Đó là tất cả những điều cần yếu tôi muốn nói thêm một lần nữa về ơn cứu độ với ước mong giúp ích phần nào cho sự tìm hiểu của quí tín hữu khắp nơi.

 

  1. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Toàn văn bức thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho người Công Giáo Thánh Địa

Kathleen N. Hattrup, trên Aleteia ngày 27/03/24, tường trình nội dung bức thư của Đức Phanxicô gửi các Kitô hữu...
Read More
Toàn văn bức thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho người Công Giáo Thánh Địa

Phỏng vấn ĐHY Tomasi về những giải pháp cho những cuộc chiến đang diễn ra

Đức Hồng Y Silvano Maria Tomasi, nguyên Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại trụ sở của Liên...
Read More
Phỏng vấn ĐHY Tomasi về những giải pháp cho những cuộc chiến đang diễn ra

Tổng Giám mục của Seoul: Lễ Phục Sinh nhen nhóm hy vọng thống nhất Triều Tiên

Trong sứ điệp Phục Sinh được công bố ngày 25/3/2024, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul nói...
Read More
Tổng Giám mục của Seoul: Lễ Phục Sinh nhen nhóm hy vọng thống nhất Triều Tiên

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

Vào lúc 4 giờ chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh lễ...
Read More
ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Trong năm 2023, số tín hữu hành hương và du khách đến thăm Đền thờ Sagrada Familia (Thánh Gia) ở...
Read More
Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng các bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu...
Read More
Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới các tù nhân của nhà tù Quatre Camins, mời gọi họ kiên...
Read More
Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Nhân dịp lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho các tín hữu Công giáo ở Thánh Địa...
Read More
ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27/3/2024, Đức Thánh Cha...
Read More
Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Bản tin của AsiaNews ngày 20/03/20024 cho hay: Tin đồn gần đây đã được xác nhận: Đảng Cộng sản Việt...
Read More
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS