Ơn gọi truyền giáo của cha Albert Boudaud ở Papua New Guinea

Nghe bài này

Cha Albert Boudaud, người Pháp, năm nay đã 84 tuổi, là vị thừa sai lớn tuổi nhất ở Papua New Guinea. Mặc dù đã đến đây từ năm 1968, nhưng cha vẫn tiếp tục ở lại nơi mà cha đã nhận là quê hương thứ hai.

Trong cuộc viếng thăm Papua New Guinea vừa qua, tại buổi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên của Đức Thánh Cha ở Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ các Tín hữu, mọi người dễ dàng nhận ra một linh mục lớn tuổi ngồi ở hàng ghế đầu với khuôn mặt hiền từ, chăm chú lắng nghe giáo huấn của Đức Thánh Cha. Không cần giới thiệu, mọi người hiện diện đều có thể nhận ra đó là cha Albert Boudaud. Khi được phóng viên hỏi bằng tiếng Pháp cha dường như đã quên tiếng mẹ đẻ, nhưng sau đó lấy lại được phong cách tao nhã vốn có trong suốt buổi trò chuyện bằng tiếng Pháp.

Qua cuộc phỏng vấn, nhà truyền giáo cho biết, mọi chuyện bắt đầu vào năm 1968. Khi đó ở tuổi 28, người trẻ của Vendée đang ở chủng viện của giáo phận Herbiers. Trong lúc cảm thấy phân vân về ơn gọi, chủng sinh gặp một nhà truyền giáo, vị này đã đánh thức ước mơ ra đi truyền giáo của người trẻ từ khi còn nhỏ. Sau hai năm do dự, người trẻ Boudaud chuyển hướng gia nhập Dòng Truyền giáo Thánh Tâm và được thụ phong linh mục vào năm 1967, rồi được gửi đi thi hành sứ vụ ở Plaine Saint-Denis, vùng ngoại ô Paris trong một năm.

Sau đó, cha Boudaud được mời gọi đến Papua New Guinea truyền giáo. Tinh thần truyền giáo sẵn có cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ, linh mục trẻ ngay lập tức nhận lời, và chuẩn bị đi ngay, không có thời gian học ngôn ngữ.

Từ cảng Marseille, vị linh mục trẻ bắt đầu cuộc hành trình dài 45 ngày đưa cha băng qua Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và cuối cùng là Thái Bình Dương qua kênh đào Panama. Cha kể lại đã vượt thuyền trên Thái Bình Dương suốt 9 ngày và không thấy gì khác ngoài nước mênh mông. Sau đó cha đến Marquises, Vanuatu, New Caledonnia và Sydney xuất hiện. Từ đó cha cập bến Port-Moresby.

Trong suốt 10 năm đầu hiện diện trên vùng đất truyền giáo này, cha không trở về quê hương. Khi được hỏi về thời gian này, cha khẳng định không hối tiếc vì “Tôi tự nguyện đến, tôi hoà nhập, coi nơi đây là quê hương của tôi bằng cách sống cùng với người dân”.

Trong môi trường có nhiều ngôn ngữ này – không tính phương ngữ Papua có khoảng 800 ngôn ngữ – cha Boudaud từng bước thích nghi và học ngôn ngữ địa phương ở những nơi cha đến. Cha chia sẽ rất thích học ngôn ngữ mới và trên hết vì nhu cầu mục vụ. Để hoà nhập với mọi người cha không ngại học thêm ngôn ngữ mới, và còn phải nhai một loại giống như trầu cau làm cho răng bị nhuộm đỏ. Cha nói: “Khi nói chuyện với người dân trong các làng, nếu câu chuyện dường như trở nên khó khăn, chúng tôi cùng nhau nhai loại lá này, và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.

Cha nhớ lại, những đôi giày được chuẩn bị mòn dần và hư, cha đi chân trần đến các ngôi làng, ở những vùng đầm lầy. Chuyện bị rắn cắn không hiếm, nhưng cha cũng học được cách dùng gậy đuổi chúng đi. Tất cả mọi khó khăn chỉ để mang Tin Mừng và Thánh Thể Chúa đến với mọi người.

Cha nhấn mạnh, ở khắp nơi cha đều quan tâm đến việc giúp mọi người biết Chúa, và rửa tội cho họ. Đối với vị truyền giáo, rửa tội là công việc mục vụ rất quan trọng. Để chuẩn bị điều này cha phải dành thời gian dạy giáo lý cho người dân.

Sau thời gian dài dấn thân loan báo Tin Mừng, cách đây vài năm cha Albert Boudaud đã giao lại công việc cho những người trẻ.

Trong buổi gặp các linh mục và tu sĩ, cha cho biết công việc truyền giáo hiện nay chủ yếu do các linh mục bản địa thực hiện. Phần cha, vẫn nụ cười cùng những ký ức về những năm tháng dài miệt mài đem Chúa đến với mọi người, giờ đây cha cảm nhận sự bình an vì đã không hối tiếc dành trọn cuộc đời phục vụ Chúa qua hoạt động truyền giáo ở những vùng ngoại vi của thế giới, những nơi mọi người không được quan tâm đủ, ngay cả về đời sống tinh thần.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS