Thưa Đức Tổng, ngài nhận được tin Đức Thánh Cha thăng ngài làm Hồng y khi nào?
Lúc đó tôi đang chuẩn bị bài giảng và khi tin này đến, một số người gửi tin nhắn chúc mừng. Cho đó là tin giả nên tôi không quan tâm lắm và tiếp tục soạn bài giảng. Tôi chỉ thực sự tin mình được Đức Thánh Cha thăng Hồng y khi tôi nhận thêm nhiều tin nhắn nói về thông báo của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin. Tôi chỉ hoàn toàn biết rõ vào chiều tối hôm đó và ngày hôm sau.
Trong tư cách là Hồng y, Đức Tổng mong muốn được trợ giúp cho Đức Thánh Cha như thế nào?
Các Hồng y đến từ các châu lục và quốc gia khác nhau sẽ có thể chia sẻ với Đức Thánh Cha hoàn cảnh của các quốc gia, về đức tin Công giáo cũng như niềm tin của các tôn giáo khác và tình hình chính trị.
Đức Tổng có thể nói cho chúng con biết về thiểu số Kitô giáo ở Singapore?
Tôi sẽ không nói rằng chúng tôi là một thiểu số Kitô giáo nhỏ. Thực tế, chúng tôi là một lực lượng khá mạnh. Bởi vì nếu bạn nhìn vào số liệu thống kê của đất nước, trong khi Singapore có dân số khoảng 3,5 triệu người thì Kitô hữu chiếm gần 20% dân số, và trong đó người Công giáo chiếm khoảng 7%. Vì vậy, thực tế, Kitô hữu gồm Công giáo và Tin lành tạo thành nhóm tôn giáo lớn thứ hai ở Singapore, nơi Phật giáo chiếm khoảng 31%, Hồi giáo 15%, Đạo giáo 9% và Ấn giáo 5%. Giáo hội Công giáo chúng tôi có 240.000 người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên). Nếu tính cả trẻ em là 350.000 hoặc 360.000.
Có thể nói, chúng tôi là một thực thể khá lớn có mặt tại Singapore. Nhưng có nhóm khác lớn hơn chúng tôi một chút và ngày càng tăng đó là những người không có tôn giáo. Khoảng 20% không theo tôn giáo nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ vô thần, không tin vào Chúa. Chỉ là họ không đăng ký theo một tôn giáo cụ thể nào. Kitô giáo là một cộng đoàn khá lớn và đó là lý do tại sao ở Singapore chúng tôi đóng một vai trò rất quan trọng đối với đất nước.
Làm thế nào để trở thành một người Công giáo thực hành ở Singapore?
Ở Singapore, người dân có trình độ học vấn cao và đặt nhiều kỳ vọng vào các linh mục, không chỉ về đời sống luân lý đạo đức, nhưng còn về phương diện giảng thuyết và giảng dạy. Về cơ bản, người Công giáo đến từ tầng lớp trung lưu có trình độ học vấn cao.
Đối với đức tin, người dân Singapore muốn biết nhiều hơn nữa. Họ muốn nghe những bài giảng hay. Họ đang tìm kiếm. Họ muốn lớn lên trong đức tin. Đương nhiên, thế hệ lớn tuổi thiên về sùng đạo hơn một chút, trong đức tin, họ quan tâm đến thực hành nhưng họ có đức tin mạnh mẽ. Đối với giới trẻ, họ rất muốn khám phá thêm đức tin của mình.
Người Công giáo chúng tôi thực sự rất tích cực, dù trong Giáo hội hay trong đời sống chính trị xã hội. Người Công giáo có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Và bạn biết đấy, chúng tôi là người châu Á. Chúng tôi rất lịch sự. Chúng tôi không gây ồn ào. Chúng tôi không la hét. Chúng tôi không phản đối tất cả những điều đó. Nhưng chúng tôi theo cách riêng của chúng tôi, một cách âm thầm, chúng tôi làm chứng cho đức tin.
Singapore là một trong những quốc gia châu Á giàu nhất và là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới? Đức Tổng có thể mô tả nó như một quốc gia tôn giáo không?
Đúng. Thực tế, Singapore không coi mình là một quốc gia thế tục. Tất cả các tôn giáo đều là đối tác của chính phủ. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhận mình là một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo với một chính phủ thế tục để đảm bảo tính trung lập. 80% người Singapore, gồm cả những người trong chính phủ, có đức tin, là những tín đồ rất nhiệt thành, dù họ thuộc đảng phái nào. Chúng tôi đa tôn giáo và chính phủ coi chúng tôi là đối tác vì điều tốt đẹp cho người dân, giúp mọi người đoàn kết với nhau và giúp đất nước phát triển. Chính phủ rất biết ơn các tôn giáo.
Tôi nghĩ điều tuyệt vời về chính phủ của chúng tôi là tính trung lập. Điều rất quan trọng là phải giữ gìn sự hòa hợp giữa nhiều tôn giáo ở Singapore. Và chúng tôi không chống đối nhau.
Thực tế, chúng tôi có luật. Nếu người nào xúc phạm đến một tôn giáo khác, người đó sẽ bị bỏ tù. Vì vậy, ở đây không có ai xúc phạm người Công giáo, và giữa các tôn giáo chúng tôi thường xuyên đến với nhau. Hầu hết các lãnh đạo tôn giáo chúng tôi đều quen biết nhau. Vì vậy, khi có vấn đề và khó khăn chúng tôi có thể trao đổi và hỗ trợ nhau. Đó là lý do tại sao có sự hòa hợp tôn giáo ở Singapore mà bạn có thể không thấy ở một số quốc gia khác, ngay cả ở châu Á.
Sự sung túc có thể tác động đến tôn giáo không?
Sự giàu có có thể khiến một người mất niềm tin vào Chúa và tập trung vào chủ nghĩa duy vật. Nhưng sự sung túc cũng có thể buộc hoặc thúc đẩy mọi người tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Vì vậy, đối với người Singapore, chúng tôi khá sung túc. Điều đó đúng. Hầu hết mọi người đều có nhiều hơn những gì họ cần, nhưng mọi người đang tìm kiếm ý nghĩa và mục đích, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người ở độ tuổi 30 trở xuống, bởi vì cha mẹ họ giàu có, cuộc sống ổn định. Tiền bạc không phải là vấn đề thực sự đối với những người ở độ tuổi 30 vì hầu hết các gia đình chỉ có hai con.
Những người trẻ hôm nay không quá quan tâm đến việc tìm kiếm những công việc sẽ trả cho họ mức lương cao hoặc chế độ đãi ngộ tốt. Họ đang hỏi: công việc này có mang lại cho tôi mục đích và ý nghĩa không? Vì vậy, đó là lý do tại sao, trong đức tin Kitô của chúng tôi, tôi luôn cố gắng giúp những người này thấy được ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Bạn đang sống vì điều gì? Bạn có đang sống cho Tin Mừng này không? Có phải là tâm hồn bạn ở nơi có kho tàng của bạn không? Đây là điểm tôi thúc đẩy mọi người, giúp họ suy tư cách ý thức hơn và thấy rằng điều thực sự khiến chúng ta hạnh phúc không phải là vật chất, nhưng chúng có một thứ mà chúng ta gọi là, mức độ hài lòng và ý thức về mục đích.
Trong triều đại giáo hoàng của mình Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện nhiều tín hiệu chú ý đến các vùng ngoại vi trên thế giới và các Giáo hội nhỏ và mới. Đức Tổng có ấn tượng nhất về điều gì trong giáo huấn của Đức Thánh Cha?
Điều tôi thích nhất về lời dạy của Đức Thánh Cha là sự bao gồm, nghĩa là mọi người đều quan trọng, và về lòng trắc ẩn. Tôi nghĩ điều mà Giáo hội cần ngày nay thực sự là lòng nhân ái. Nhất là các linh mục và tu sĩ, tôi nghĩ chúng ta cần thể hiện lòng nhân ái hơn nữa đối với những người yếu đuối, không có khả năng sống theo lời dạy của Giáo hội. Chúng ta cần đồng hành với họ như những gì Đức Thánh Cha nhìn thấy thay vì phán xét, bởi vì tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đang đấu tranh để trung thành với Tin Mừng. Chúng ta cũng không hoàn hảo. Tôi nghĩ rằng tất nhiên Tin Mừng là lý tưởng. Chúng ta không thể thỏa hiệp các giá trị của Tin Mừng, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải thực tế. Chúng ta cần phải có lòng trắc ẩn, cảm thông với những người đang gặp khó khăn để sống đức tin. Tôi thích sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha về lòng trắc ẩn và sự bao gồm. Bằng cách nào đó, tất cả mọi người phải được Giáo hội đón nhận, dù là những người đã ly hôn, những người thuộc cộng đồng LGBTQ, những người ở ngoại vi, những người nghèo. Và tôi nghĩ đây là tất cả những gì Giáo hội hướng tới.
Tại sao Đức Tổng tin rằng Đức Thánh Cha đang dành sự quan tâm đặc biệt cho Giáo hội ở châu Á bằng những lựa chọn Hồng y?
Tôi nghĩ đức tin ở châu Á rất sống động. Nó gần giống như ở châu Phi. Ở đây Giáo hội được coi là khá mới. Tổng Giáo phận chúng tôi chỉ cử hành 200 năm thành lập vào năm ngoái khi Kitô giáo đến Singapore. Một lần nữa, tôi nghĩ chúng ta quay lại điểm mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về tính bao gồm khi xem xét vấn đề về Giáo hội hoàn vũ.
Nếu Giáo hội đã sẵn sàng trở thành hoàn vũ, tôi nghĩ rằng Giáo hội phải được đại diện một cách tương xứng hơn bởi các lục địa và quốc gia khác nhau, để Giáo hội có thể thực sự được gọi là Giáo hội Công giáo. Ở châu Á, nếu bạn nghĩ về sự cải đạo, có rất nhiều cơ hội để truyền bá đức tin vì châu Á là một lục địa lớn và đức tin còn non trẻ. Niềm tin ngày càng phát triển và con người vẫn còn non trẻ. Cơ hội cho việc truyền bá Tin Mừng là rất lớn ở châu Á.
Đức Tổng thấy điều gì là thách đố lớn nhất đối với Giáo hội ở châu Á? Và mặt khác, Giáo hội ở châu Á có thể dạy gì cho phần còn lại của Giáo hội?
Châu Á là một lục địa lớn. Các quốc gia rất đa dạng về sự ổn định chính trị, văn hóa, tôn giáo và mức sống. Ngay cả Singapore cũng rất khác so với quốc gia láng giềng, Malaysia, về những thách đố mục vụ, tôn giáo và văn hóa. Tôi nghĩ rằng sự đa dạng là thách đố lớn nhất đối với châu Á.
Chúng tôi tạ ơn Chúa, vì tại Singapore chúng tôi có một chính phủ thúc đẩy đối thoại liên tôn. Nhưng ở các nước khác, thật không may, rất ít hoặc đôi khi, thậm chí có bách hại tôn giáo, đặc biệt đối với các Kitô hữu. Nếu chính phủ không thúc đẩy hoà hợp liên tôn, thì điều đó hơi khó.
Ở Singapore, chúng tôi cố gắng trở thành mô hình về những điều và cách thế mà tất cả các tôn giáo có thể chung sống trong hòa bình, hòa hợp, nhưng chính xác là vì ở Singapore, chúng tôi không có quốc giáo. Chúng tôi không can dự vào chính trị. Chính trị gia là con người. Họ được bình chọn bởi người dân. Chúng tôi để chính phủ quyết định cho người dân. Nhưng chính phủ không chống lại tôn giáo, vì vậy tôn giáo là một sự trợ giúp. Vì vậy, đối với chúng tôi, chúng tôi có thể thúc đẩy sự hòa hợp dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng ở châu Á rộng lớn hơn, tôn giáo bị trộn lẫn, thường bị trộn lẫn với chính trị. Tôn giáo cố gắng sử dụng chính trị để đạt được quyền lực, chính trị cố gắng sử dụng tôn giáo để đạt được chính sách chính trị. Điều đó trở nên rất lộn xộn. Và đôi khi chúng ta không biết, khi nào thì tôn giáo thực sự được sử dụng để truyền bá đức tin hoặc được sử dụng như một công cụ để đạt được quyền lực chính trị. Nó hơi phức tạp. Trên hết, ở châu Á, những thách đố trong việc truyền bá Tin Mừng sẽ khó khăn hơn nhiều vì có quá nhiều ngôn ngữ và với một quốc gia người ta cần phải dịch sang bốn hoặc năm ngôn ngữ.
Ngọc Yến – Vatican News