Sau ba năm, Thượng hội đồng giám mục về tính đồng nghị đã đi đến hồi kết

Nghe bài này

Tạp chí Crux, ngày 30 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng sau ba năm thảo luận, tranh luận và đôi khi là chia rẽ, hành động kết thúc Thượng hội đồng giám mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tính đồng nghị sẽ bắt đầu vào hôm nay với việc khai mạc kỳ tĩnh tâm kéo dài hai ngày trước khi 368 người tham dự kỳ họp thứ hai và cũng là kỳ họp cuối cùng tại Roma bắt đầu các cuộc thảo luận của họ.

Giống như trong kỳ họp đầu tiên của Thượng hội đồng năm ngoái, kỳ tĩnh tâm sẽ do Cha Timothy Radcliffe dòng Đaminh và Mẹ Ignazia Angelini dòng Biển Đức chủ trì, được tổ chức thành bốn “buổi suy niệm” trong hai ngày. Buổi tĩnh tâm cũng sẽ có Thánh lễ tối nay tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và một nghi lễ sám hối vào tối mai với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, trong đó, cùng với những việc khác, các nạn nhân của nạn lạm dụng, chiến tranh và sự thờ ơ với người di cư sẽ đưa ra các chứng từ.

Sự tha thứ sẽ được cầu xin cho một loạt tội lỗi, bao gồm lạm dụng, “sử dụng giáo lý như những viên đá để ném”, và chiến tranh và bạo lực, cũng như những hành vi phạm tội chống lại sáng thế, dân bản địa, người di cư, phụ nữ, gia đình và thanh thiếu niên. Sự tha thứ cũng sẽ được cầu xin cho sự vắng mặt của “lắng nghe, hiệp thông và tham gia”, những chủ đề chính của chính thượng hội đồng.

Trong số 368 người tham gia lần này, 272 người là giám mục và những người còn lại là sự kết hợp của các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Ngoài ra còn có tám “khách mời đặc biệt” do Đức Giáo Hoàng đề cử, bao gồm, như lần trước, Luca Casarini, người đồng sáng lập tổ chức “Mediterranean Saving Humans” cứu hộ người di cư trên biển, nhưng đã bị cáo buộc ủng hộ nhập cư bất hợp pháp vào Ý.

Số lượng đại diện của các giáo hội khác lần này đã tăng từ 12 lên 16, bao gồm đại diện từ Giáo hội Chính thống giáo Syriac và Liên đoàn Luther thế giới, mặc dù Giáo hội Chính thống giáo Nga vẫn tiếp tục vắng mặt.

Thứ Tư, ngày 2 tháng 10, đánh dấu lễ khai mạc chính thức của chính thượng hội đồng với Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phê-rô lúc 9:30 sáng theo giờ Rome và phiên họp làm việc đầu tiên vào buổi chiều lúc 4:00 chiều, sẽ bắt đầu bằng lời chào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Lịch trình quy định luân phiên giữa các phiên họp toàn thể và trao đổi trong 36 nhóm làm việc nhỏ hơn, được tổ chức thành năm bàn tròn theo ngôn ngữ: Hai bàn bằng tiếng Anh, một bàn bằng tiếng Ý, một bàn bằng tiếng Pháp, một bàn bằng tiếng Tây Ban Nha và một bàn bằng tiếng Bồ Đào Nha.

Các phiên họp toàn thể sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các nhóm nhỏ hơn và sau đó bắt đầu tiến hành biên soạn một tài liệu cuối cùng – theo những người tổ chức, đây không phải là kết luận thực sự của thượng hội đồng mà chỉ đơn giản là cách truyền đạt các đề xuất của nó cho Đức Giáo Hoàng, người sau đó sẽ tự quyết định cách trình bày kết quả cho Giáo hội và thế giới rộng lớn hơn.

Mặc dù các hạn chế tương tự như vào tháng 10 năm 2023 đối với những người tham gia Thượng hội đồng tiết lộ hoạt động bên trong của nó cũng có hiệu lực vào lần này, nhưng sẽ có bốn biến cố công khai trong diễn trình: Hai biến cố vào ngày 9 tháng 10 và hai biến cố nữa vào ngày 16 tháng 10. Các phiên họp sẽ được tổ chức tại một học viện do dòng Augustinian điều hành và trụ sở của Dòng Tên, cả hai đều cách Quảng trường Thánh Phêrô một quãng ngắn.

Các chủ đề của các phiên họp công khai là: “dân Chúa, chủ thể của sứ mệnh”; “Vai trò và thẩm quyền của giám mục trong một Giáo hội công đồng”; “Mối quan hệ qua lại giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ”; và “Việc thực hiện quyền tối thượng và Thượng hội đồng giám mục”.

Vào thứ Sáu, ngày 11 tháng 10, sẽ có một buổi lễ cầu nguyện đại kết tại Quảng trường Các vị tử đạo tiên khởi của Rome, nơi mà theo truyền thống, Thánh Phêrô đã bị đóng đinh ngược đầu. Ngày 11 tháng 10 đánh dấu kỷ niệm 62 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II năm 1962. 16 đại diện của nhiều giáo hội Kitô giáo khác nhau trong hội đồng sẽ tham dự, cũng như các đại diện đại kết khác có mặt tại Rome.

Vào Chúa Nhật, ngày 20 tháng 10, cũng sẽ có một Thánh lễ phong thánh cho Cha Manuel Ruiz López, người Tây Ban Nha, thuộc dòng Phanxicô và 10 người bạn đồng hành, bao gồm các tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân thuộc giáo hội Maronite hiệp thông với Rome. Họ đã bị các chiến binh Druze bắt giữ ở Syria vào năm 1860 và cuối cùng bị giết, như một phần của nỗ lực xóa sổ cộng đồng Kitô giáo ở Damascus.

Nhóm này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước vào năm 1926, và hiện sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức tuyên thánh.

Cũng sẽ được phong thánh trong cùng một buổi lễ là Giuseppe Allamano, người sáng lập ra các nhà truyền giáo Consolata; Elena Guerra, một người bạn của Đức Giáo Hoàng Leo XIII nổi tiếng với lòng sùng kính Chúa Thánh Thần; và Marie-Léonie Paradis, một nữ tu người Canada và là người sáng lập Dòng Tiểu muội Thánh gia.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS