Cụ thể rất ít người ở Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam nói rằng tôn giáo “rất quan trọng” trong cuộc sống của họ hoặc cầu nguyện hàng ngày.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy mặc dù không coi tôn giáo như một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nhiều người vẫn tham gia và tin vào các hoạt động tôn giáo như thờ cúng tổ tiên.
Ở Đài Loan, 11% người trưởng thành nói tôn giáo rất quan trọng đối với họ, nhưng 87% tin vào nghiệp báo, 36% nói rằng họ đã từng được tổ tiên viếng thăm và 34% nói đã từng thực hành thiền.
Tại Nhật Bản, 70% số người được hỏi cho biết đã dâng thức ăn, nước uống để bày tỏ lòng tôn kính như một phần tín ngưỡng hoặc truyền thống của họ. Con số này ở Việt Nam là 86%.
Việc thờ kính tổ tiên truyền thống trong khu vực được diễn tả qua việc thăm viếng, thắp hương, cúng tại các nghĩa trang hoặc bàn thờ tổ tiên. 50% người trưởng thành không theo tôn giáo nào và đa số là Phật tử nói rằng trong năm qua, họ đã thắp hương cho tổ tiên.
Có ít Kitô hữu tham gia vào các hoạt động này hơn các nhóm còn lại tại các quốc gia được khảo sát, ngoại trừ Việt Nam. Tại Việt Nam, khoảng 86% Kitô hữu cho biết trong năm qua đã thắp hương và 81% đã cắm hoa hoặc thắp nến tưởng nhớ tổ tiên.
Cuộc khảo sát cũng phân tích việc thay đổi tôn giáo khác. Nhiều người Đông Á nói họ được nuôi dưỡng theo một tôn giáo trong thời thơ ấu và hiện không theo tôn giáo nào cả. Nhưng xu hướng này ít phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, 15% người trưởng thành ở Hong Kong nói họ được nuôi dạy theo Kitô giáo nhưng giờ đây không thực hành. Trong khi đó, 14% người trưởng thành ở Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết họ được nuôi dưỡng theo Phật giáo nhưng hiện không theo tôn giáo nào.
Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo ở Đông Á (từ 32% tại Nhật Bản đến 53% tại Hong Kong và Hàn Quốc) cao hơn so với nhiều nơi khác. Ví dụ, trong các cuộc khảo sát trước đây về tôn giáo trên khắp châu Á kể từ năm 2019, chỉ có tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo của Singapore (35%) mới đạt mức tỷ lệ được thấy ở các xã hội Đông Á.
Vatican News