GIÁO XỨ THỊ NGHÈ (SÀI GÒN) KÊU CỨU VỀ TÀI SẢN BỊ CHIẾM ĐOẠT
Họ đạo (Giáo xứ) Thị Nghè là một giáo xứ kỳ cựu, không chỉ đối với Tổng Giáo phận Sàigòn mà còn là của cả Giáo Hội Việt Nam. Lịch sử còn ghi lại: “Lúc Đức Cha Vêrô qua đời tại Qui Nhơn năm 1799 thì bổn đạo Họ Thị Nghè cũng luân phiên đến đọc kinh cầu nguyện cho Đức Cha”. Như thế, Họ đạo Thị Nghè hiện diện đã hơn 200 năm. Năm 1850. Đức Cha Ngãi (Lefèbvre) đã lập chủng viện tạm tại Họ đạo Thị Nghè.
Trong số các linh mục lui tới họ đạo trong thời gian này, có Thánh Phaolô Lê Văn Lộc để lại dấu ấn đậm nét khi làm giám đốc chủng viện Thị Nghè. Sử liệu ghi nhận trong khoảng một năm cha đã dẫn về đoàn chiên Giáo hội hơn 200 tân tòng.
Một giáo xứ kỳ cựu có bề dày lịch sử đáng nể như thế, lẽ ra phải được trân trọng gìn giữ như một di sản không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về mặt lịch sử và văn hóa.
Thế nhưng gần đây, giáo xứ ấy lại phải đau đớn cất lên tiếng kêu cứu vì tài sản giáo xứ bị chiếm đoạt. Trong Thư Ngỏ gửi Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo xứ Thị Nghè tháng 8/2020, Văn Phòng Giáo xứ viết:
“Với văn bản ngụy tạo, vô giá trị về mặt pháp lý này, chính quyền đang sử dụng để tuyên truyền nhằm đánh lừa, làm cho dư luận hiểu sai sự thật, theo hướng có lợi cho hành động sai trái đất trường Phước An của Giáo xứ”.
Bài viết này nhằm gióng lên tiếng chuông khẩn cấp, xin độc giả cầu nguyện cho Giáo xứ Thị Nghè, hiệp thông nâng đỡ họ, đồng thời cùng lên tiếng đòi lại công lý cho những người giáo dân hiền lành nhân hậu đang phải chịu bất công.
Chúng tôi sẽ lần lượt phân tích “đất trường PhướcAn”, “văn bản ngụy tạo” mà Thư Ngỏ đề cập, đồng thời có cái nhìn khách quan về toàn bộ sự việc từ đầu đến nay.
I. TÒA TỔNG GIÁM MỤC SÀIGÒN CHO NHÀ NƯỚC MƯỢN TRƯỜNG PHƯỚC AN
Trước biến cố 1975, Trường Tiểu Học Phước An (Tư Thục Phước An Thị Nghè) là trường Công Giáo. Sau 1975, theo chủ trương trưng dụng các cơ sở tôn giáo của nhà nước, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã ký Giấy Ủy Quyền số 019/UBGD/TSTGM/75 ủy quyền Trường Phước An cho Cha Võ Văn Tân “để Cơ sở trên được bảo tồn theo đúng tinh thần của Giáo Hội”.
Trong giấy ủy quyền này, Tòa Tổng Giám Mục nói rõ: “Cơ sở này được xây cất do tiền của họ đạo Thị Nghè đài thọ, vì thế những tài sản này thuộc về tài sản của Giáo Hội Công Giáo mà Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có bổn phận phải quản trị”.
Sau đó, vào ngày 10 tháng 10 năm 1975, Trong Thông cáo chung của Sở Giáo Dục Tp HCM và Ủy Ban Liên Lạc Giáo Dục Công Giáo về việc công lập hóa các tư thục Công Giáo, có các điểm đáng lưu ý sau:
1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo phận kể từ niên khóa 1975-1976 để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.
2. Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo.
Điều đó có nghĩa là Tổng Giáo phận cho nhà nước mượn các cơ sở giáo dục của Tổng Giáo phận, trong đó có trường Phước An (đổi tên thành trường tiểu học Phù Đổng), và chủ quyền vẫn thuộc về Tổng Giáo phận.
II. LẬP LỜ VÀ NGỤY TẠO
Việc Tòa Giám mục cho mượn trường đã rõ ràng và chủ quyền của Tổng Giáo phận trên các cơ sở của Giáo Hội cũng không thể chối cãi được. Thế mà “chính quyền đã ngụy tạo bằng một văn bản giả mạo, được cho là với chữ ký của cha Dominico Võ Văn Tân, nhưng không có dấu mộc của giáo xứ Thị Nghè, cũng không có chữ ký của Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ. Với văn bản ngụy tạo, vô giá trị về mặt pháp lý này, chính quyền đang sử dụng để tuyên truyền nhằm đánh lừa, làm cho dư luận hiểu sai sự thật, theo hướng có lợi cho hành động chiếm đoạt sai trái đất trường Phước An của Giáo xứ” (Trích Thư Ngỏ của Văn phòng Giáo xứ Thị Nghè).
Văn phòng Giáo xứ lập luận rất chặt chẽ: “Nếu như cha sở Dominico Võ Văn Tân đã ký văn bản này, thì tại sao trong việc bàn giao kế thừa hồ sơ nhà đất của Giáo xứ, cha Dominico Tân không có bàn giao văn bản này cho cha sở Phêrô Nguyễn Công Danh, và cha Phêrô Danh cũng không bàn giao cho cha sở Phêrô Nguyễn Thanh Tùng? ”
Một chứng cớ khác cho thấy chính quyền đã ngụy tạo văn bản hiến tặng. Trong Tờ Đăng Ký Nhà Đất vào những năm 1996 và 1999, Cha Phêrô Nguyễn Công Danh còn kê khai rất rõ ràng, với bản đồ về 2 cơ sở trường Phước An (Phù Đổng). Tờ khai này còn được Đức cố Giám Mục Phụ Tá Louis Phạm văn Nẫm ký, đóng dấu, được cha sở Phêrô Nguyễn công Danh ký tên, đóng dấu và được chủ tịch phường 19, quận Bình Thạnh ký tên, đóng dấu xác nhận.
III. HỌ ĐẠO THỊ NGHÈ KÊU CỨU
Từ văn bản ngụy tạo ấy, nhà cầm quyền thành phố HCM (Sài Gòn) và quận Bình Thạnh đã có những quyết định sai trái, bất công và coi thường giáo dân ở Giáo xứ Thị Nghè.
Nhà cầm quyền đã ngang ngược dựa trên văn bản ngụy tạo để chiếm đoạt 2 cơ sở trường Phước An, cấp quyền sở hữu cho trường Phù Đổng với văn bản BR 453948 (cơ sở 1) và BR 453947 (cơ sở 2) ký ngày 31 tháng 12 năm 2013 nhưng không có bất kỳ sự trao đổi hay thông báo gì cho giáo xứ Thị Nghè.
Mãi đến gần đây khi Cha chính xứ Phêrô Nguyễn Thanh Tùng và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ cho đo đạc lại diện tích đất của Giáo xứ mới phát hiện ra sai trái này. Thư Ngỏ của Văn phòng Giáo xứ Thị Nghè chỉ rõ “hành vi cướp nhanh, không có óc suy xét” trong việc ghi địa chỉ cơ sở 1 là 22B Xô Viết Nghệ Tĩnh thành 119/15 Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 16 tháng 10 Năm 2019, Cha chính xứ và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ đã viết Đơn Khiếu Nại về chủ quyền trường Phước An – Phù Đổng thuộc giáo xứ Thị Nghè gởi Ủy ban nhân dân thành phố HCM và Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh nhắc lại rằng “1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc giáo phận kể từ niên khóa 1975-1976 này, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.” “2. Quyền sở hữu các trường nói trên vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo”, và theo Tờ Khai sử dụng đất, do linh mục Nguyễn Công Danh kê khai ngày 05/08/1996 với đầy đủ bản đồ và ghi chú cụ thể, chính xác trong bản kê khai, được ký bởi Đức Giám Mục Alôisiô Phạm Văn Nẫm, của linh mục Nguyễn Công Danh và được xác nhận với ấn ký của ông Ngô Phong Cảnh, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 19, trong đó có bản đồ với các cơ sở được ghi chú rất cụ thể và chính xác: “Trường Phù Đổng – Tòa Tổng giám mục TP. HCM cho mượn sử dụng”.
Đơn khiếu nại viết rõ: “Chúng tôi phản đối Quyết định cấp giấy chủ quyền cơ sở tôn giáo của chúng tôi cho trường Phù Đổng, phản đối thư hồi đáp vô căn cứ của bà Thái Thị Hồng Nga và chúng tôi yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi quyết định sai trái, phi pháp của ông cựu phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín.”
Ngày 12/07/2020, Giáo xứ nhận được văn thư 2361/UBND, do bà Thái Thị Hồng Nga, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh ký, cho rằng hai cơ sở “trường tiểu học Phù Đổng bao gồm cả tường rào là tài sản của Nhà nước thuộc quyền quản lý của trường Phù Đổng”.
Ngày 13 tháng 07 năm 2020, Cha chính xứ và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ gửi thư phảm đối, nói rõ rằng Bà Nga căn cứ trên hai Giấy chứng nhận số BR 453947 và BR 453948 do phạm nhân Nguyễn Hữu Tín và phạm nhân Đào Anh Kiệt ký bất hợp pháp, hoàn toàn sai trái. (Hai ông ký giấy chứng nhận phi pháp ấy đã bị kết án tù vì liên quan đến nhiều sai phạm về đất đai, nên thư này viết “phạm nhân Nguyễn Hữu Tín và phạm nhân Đào Anh Kiệt ký bất hợp pháp”.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ngày 18 tháng 11 năm 2016, Ban Giám hiệu trường Phù Đổng đã gửi văn thư số 171/PĐ đến Văn phòng Giáo xứ để xin xây thêm các phòng chức năng. Cha chính xứ và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã có văn thư trả lời rằng nhà trường “không được xây dựng thêm cơ sở trên đất Giáo hội cho mượn”.
Ngày 27 tháng 6 năm 2019, Cha chính xứ Phêrô và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã có văn thư gửi nhà cầm quyền các cấp trong quân Bình Thạnh để phản đối việc “Nhà trường Phù Đổng đã chặt đốn cây xanh, xây sửa sân trường và dựng mái che trên tài sản thuộc chủ quyền của Giáo xứ” mà không có ý kiến đồng ý cho phép của Giáo xứ.
Văn thư viết: “Đại diện cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi phản đối và tố giác hành động sai trái trên phần tài sản tôn giáo thuộc giáo xứ Thị Nghè với hai cơ sở trường học Phù Đổng 1 và 2 của chúng tôi. Vậy chúng tôi gởi đơn thư này để phản đối và yêu cầu Quý Ủy Ban quận Bình Thạnh, Phòng Giáo dục quận Bình Thạnh và trường Phù Đổng lập tức dừng việc thi công nhà trường”.
Cha chính xứ Phêrô và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ cũng đã làm Tờ Trình về tình hình Giáo xứ kính gửi Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng (lúc ngài còn làm Giám quản Sàigòn), Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Cha Tổng Đại diện Inhatiô Hồ Văn Xuân, Cha Chưởng ấn và Quý Cha Ban Tư Vấn Tổng giáo phận Sài Gòn để các ngài biết rõ sự việc.
Giáo Hội không bao giờ bám vào tài sản vật chất, nhưng Giáo Hội luôn muốn công lý được tôn trọng và quyền sở hữu hợp pháp của người dân được nhìn nhận. Do đó Dân Chúa muốn gióng lên tiếng chuông kêu cứu mỗi khi quyền lợi hợp pháp của mình bị chà đạp.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho Cha chính xứ và Giáo xứ Thị Nghè, cầu nguyện cho công lý và cầu nguyện cho những người thiếu thiện chí với công ích. Đồng thời chúng ta cũng nói lên tiếng nói chung để mọi người biết tôn trọng công bình và sự thật.
Nhóm PV Vietcatholic