Thông thường, trong các năm trước, các buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và Phục Sinh đều có đông đảo các tín hữu và khách hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, từ vài chục ngàn người đến hàng trăm ngàn người chờ đợi Đức Thánh Cha ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.
Năm nay không được như thế. Đại dịch coronavirus đang tấn công mạnh mẽ đến mức khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải áp đặt lại lệnh cách ly nghiêm nhặt như hồi tháng Ba vừa qua. Lệnh cách ly mới có hiệu lực ngay sau lễ Giáng Sinh. Do đó, quảng trường Thánh Phêrô vắng hoe chỉ có lác đác đó đây các hiến binh Vatican và vài người cảnh sát Ý.
Toàn bộ buổi đọc sứ điệp và kinh truyền tin đã diễn ra tại phòng họp Benedizione, nghĩa là Chúc lành, trong dinh Tông Tòa của Vatican, trước sự hiện diện của khoảng 50 người trở lại. Tại phòng họp này, hôm thứ Hai 21 tháng 12 đã diễn ra buổi tiếp kiến chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha dành cho Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma.
Mở đầu Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng Sinh!
Tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp mà Giáo hội loan báo trong ngày lễ này, theo lời của Tiên tri Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9: 5).
Một hài nhi được sinh ra: sinh ra luôn là nguồn hy vọng, là mầm sống, là hứa hẹn của tương lai. Và Hài Nhi này, là Chúa Giêsu, đã được “sinh ra cho chúng ta”: một chúng ta không có biên giới, không có những đặc quyền hay những loại trừ. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bethlehem đã được sinh ra cho tất cả mọi người: hài nhi ấy là “Con Một” mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể gia đình nhân loại.
Nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”, là “Bố”. Chúa Giêsu là Con Một; không ai khác biết Chúa Cha, trừ ra Chúa Con. Nhưng Ngài đã đến thế gian chính xác là để mạc khải thiên nhan của Chúa Cha cho chúng ta. Và như vậy, nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và thực sự là anh em với nhau: bất kể sống ở châu lục nào, bất kể những dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa, bất kể những khác biệt về bản sắc giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Trong thời điểm lịch sử này, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, và tình hình còn trầm trọng hơn bởi đại dịch coronavirus, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ hết. Và Thiên Chúa ban tình huynh đệ ấy cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Ngài là Chúa Giêsu: đó không phải là một tình huynh đệ được tạo nên bởi những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm mơ hồ… Không, không phải như thế. Nhưng đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu thương thực sự, có khả năng gặp gỡ tha nhân, là những người khác biệt với chúng ta – có khả năng thương cảm trước những đau khổ của họ, để tiếp cận và chăm sóc họ ngay cả khi họ không phải là những người trong gia đình tôi, trong dân tộc tôi, tôn giáo của tôi; người ấy khác tôi nhưng người ấy là anh trai tôi, là em gái tôi. Và điều này cũng đúng trong quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia: tất cả đều là anh em!
Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành biến cố ánh sáng của Chúa Kitô đến thế gian và Ngài đến cho mọi người: không phải chỉ cho một số người mà thôi. Ngày nay, trong thời kỳ tăm tối và bất định gây ra bởi đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự, như chúng ta phải là. Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đè bẹp chúng ta, và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của các anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và các bằng sáng chế phát minh lên trên luật tình yêu và sức khỏe của nhân loại. Tôi yêu cầu tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo nhà nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh, và tìm kiếm một giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh này. Ở vị trí ưu tiên, phải là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!
Xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta luôn sẵn sàng, rộng lượng và hỗ trợ, đặc biệt là đối với những người yếu đuối nhất, những người bệnh tật và những người thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng do những hậu quả kinh tế gây ra bởi đại dịch, cũng như những phụ nữ, là những người trong những tháng bị cô lập gần đây đã phải hứng chịu bạo lực gia đình.
Đối mặt với một thử thách đang vượt qua mọi biên giới, chúng ta không thể dựng lên những rào cản. Chúng ta phải sát cánh bên nhau. Mỗi người đều là anh em của tôi. Trong mỗi người tôi nhìn thấy thiên nhan của Chúa được phản chiếu, và trong những người đau khổ, tôi thấy Chúa đang cầu xin sự giúp đỡ của tôi. Tôi thấy điều đó ở những người bệnh tật, những người nghèo, những người thất nghiệp, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người di cư và người tị nạn: tất cả là anh chị em!
Vào ngày mà Lời Chúa trở thành một hài nhi, chúng ta hãy hướng ánh mắt của mình đến quá nhiều trẻ em trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Syria, Iraq và Yemen, vẫn phải trả giá đắt trong các cuộc chiến. Khuôn mặt của họ phải làm rung chuyển lương tâm của những người có thiện chí, để nguyên nhân của các cuộc xung đột được giải quyết và chúng ta có can đảm làm việc nhằm kiến tạo một tương lai hòa bình.
Có thể đây là thời điểm thích hợp để xoa dịu căng thẳng khắp Trung Đông và vùng Đông Địa Trung Hải.
Cầu mong Chúa Giêsu Hài Đồng chữa lành vết thương cho những người dân Syria yêu dấu, những người đã kiệt quệ vì chiến tranh và những hậu quả của nó, đến nay là cả một thập kỷ rồi, và tình trạng của họ càng thêm trầm trọng bởi đại dịch. Xin Chúa mang lại niềm an ủi cho người dân Iraq và tất cả những người tham gia vào con đường hòa giải, đặc biệt là người Yazidis, đã bị thương tổn thê thảm trong những năm cuối cùng của cuộc chiến. Xin Chúa mang lại hòa bình cho Libya và mở ra một giai đoạn mới trong các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt mọi hình thức thù địch ở nước này.
Xin Chúa Hài Đồng ban tình huynh đệ cho mảnh đất đã chứng kiến Người sinh ra. Cầu xin cho người Israel và người Palestine khôi phục lòng tin lẫn nhau để tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài thông qua đối thoại trực tiếp, có khả năng vượt qua bạo lực và vượt qua những oán hận đang thống trị vùng đất này, để họ có thể làm chứng cho thế giới về vẻ đẹp của tình huynh đệ.
Cầu mong ngôi sao chiếu sáng đêm Giáng sinh sẽ là người dẫn đường, cổ võ tinh thần cho người dân Li Băng, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế họ không mất hy vọng trước những khó khăn đang gặp phải. Cầu xin Hoàng tử Hòa bình giúp các nhà lãnh đạo đất nước gạt bỏ những lợi ích cụ thể sang một bên và dấn thân một cách nghiêm túc, trung thực và minh bạch để Li Băng có thể đi theo con đường cải cách và tiếp tục thực hiện ơn gọi của quốc gia này là trở nên một vùng đất tự do và chung sống hòa bình.
Cầu mong Con của Đấng Tối cao ủng hộ cam kết của cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan trong việc tiếp tục cuộc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, cũng như ở các khu vực phía đông của Ukraine, và thúc đẩy đối thoại như cách thế duy nhất dẫn đến hòa bình và hòa giải.
Xin Chúa Hài Đồng xoa dịu nỗi đau khổ của người dân Burkina Faso, Mali và Niger, nơi bị tấn công bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, mà căn cội là chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang, cũng như đại dịch và các thảm họa thiên nhiên khác; xin Chúa ngăn chặn bạo lực ở Ethiopia, nơi nhiều người buộc phải chạy trốn do giao tranh; xin Chúa mang lại ơn an ủi cho cư dân của vùng Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique, và những nạn nhân của bạo lực khủng bố quốc tế; xin Chúa khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan, Nigeria và Cameroon tiếp tục hành trình đối thoại và huynh đệ đã thực hiện.
Cầu mong Lời Vĩnh Hằng của Cha là nguồn hy vọng cho lục địa Mỹ Châu, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi coronavirus, đang làm trầm trọng thêm nhiều đau khổ đã đè nặng lên lục địa này, và thường trở nên trầm trọng hơn do hậu quả của tham nhũng và nạn buôn bán ma túy. Xin Chúa giúp vượt qua những căng thẳng xã hội gần đây ở Chí Lợi và chấm dứt sự đau khổ của người dân Venezuela.
Xin Chúa bảo vệ những người dân bị thiên tai ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Phi Luật Tân và Việt Nam, nơi có nhiều cơn bão đã gây ra lũ lụt với hậu quả tàn khốc đối với các gia đình sống ở những vùng đất đó, gây ra các thiệt hại nhân mạng, thiệt hại môi trường và những hậu quả đối với nền kinh tế địa phương.
Và khi nghĩ đến Á Châu, tôi không thể nào quên những người Rohingya: Cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra nghèo khó giữa những người nghèo, mang lại hy vọng trong những đau khổ của họ.
Anh chị em thân mến,
“Một hài nhi được sinh ra cho chúng ta” (Is 9:5). Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài thông báo rằng đau khổ và cái ác không có tiếng nói sau cùng. Chiều theo bạo lực và bất công có nghĩa là phủ nhận niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.
Trong ngày lễ này, tôi nhớ cách riêng đến những người không để cho mình bị choáng ngợp bởi những hoàn cảnh bất lợi, nhưng cố gắng mang lại hy vọng, sự an ủi và giúp đỡ, trong khi giúp đỡ những người đau khổ và đồng hành với những ai cô đơn.
Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng gia súc, nhưng được bao bọc trong tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Khi hoá thành nhục thể, Con Thiên Chúa đã thánh hiến tình yêu gia đình. Suy nghĩ của tôi lúc này là đến các gia đình: đến những người không thể đoàn tụ hôm nay, cũng như những người bị buộc phải ở nhà. Ước gì Giáng sinh là dịp để mọi người khám phá lại gia đình là cái nôi của sự sống và đức tin; là nơi đón nhận tình yêu thương, đối thoại, tha thứ, liên đới huynh đệ và chia sẻ niềm vui, là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại.
Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!
Anh chị em thân mến, tôi lặp lại lời chúc Giáng Sinh hạnh phúc đến tất cả anh chị em, được kết nối từ khắp nơi trên thế giới, qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Tôi cảm ơn vì sự hiện diện trong tinh thần của anh chị em vào ngày được đánh dấu bằng niềm vui này. Trong những ngày này, bầu khí Giáng Sinh mời gọi mọi người trở nên tốt hơn và huynh đệ hơn, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những gia đình và cộng đoàn đang sống trong nhiều đau khổ. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa Giáng sinh vui vẻ, và xin tạm biệt!
Liên quan đến COVID-19, hãng thông tấn Ý ANSA hôm 23 tháng 12 đưa tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kiểm tra Covid-19 vào thứ Hai, ngày 21 tháng 12 và đã nhận được kết quả âm tính.
Đức Thánh Cha đã có cuộc kiểm tra sau khi Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, 57 tuổi, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cho kết quả dương tính sau khi ngài cảm thấy một số triệu chứng của coronavirus vào sáng thứ Hai hôm đó. Kiểm tra y tế cho thấy vị Hồng Y có những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi, do đó, ngài được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi ngài đang được điều trị.
Các nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã ANSA rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức sinh nhật lần thứ 84 vào ngày 17 tháng 12, và vị Hồng Y người Ba Lan đã được nhìn thấy nói chuyện với ngài trong khoảng một phút hoặc lâu hơn vào hôm thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12, trong nhà nguyện của Điện Tông Tòa, trước khi lắng nghe bài giảng Mùa Vọng cuối cùng do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng phụ trách. Tuy nhiên, điều may mắn là cả Đức Giáo Hoàng và vị Hồng Y Ba Lan đều đeo khẩu trang y tế khi gặp nhau vào buổi sáng hôm đó, do đó làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.