Suy niệm về Đời Sống Gia Đình của người Công Giáo

Nghe bài này

Lễ Thánh Gia Thất

Giáo Hội muốn các gia đình nhìn lên gương Gia Thất thánh ở Nadarét: một gia đình bình an trong khó nghèo, một gia đình cầu nguyện trong lao động, một gia đình yêu thương trong khiêm nhượng, một gia đình thánh thiện trong đơn sơ.

Để làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người do Ngài dựng nên, Thiên Chúa đã dùng Gia Đình như phương thế đặc biệt và duy nhất. Để cứu chuộc loài người phạm tội và để thành lập Giáo Hội hầu ban ơn cứu rỗi cho loài người, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài xuống trần gian, sinh và sống trong một gia đình, hầu thánh hoá loài người.

Theo thánh ý của Thiên Chúa, gia đình là nguồn gốc, là cơ sở, là nền tảng của xã hội và của Giáo Hội. Xã hội cũng như Giáo Hội, muốn được lành mạnh và phát triển, phải tùy thuộc chặt chẽ vào sự thánh thiện và đạo đức của gia đình.

Gia đình người công giáo khác với gia đình của người không cong giáo. Hai người nam nữ không công giáo, trước khi cùng nhau lập gia đình, cũng tìm hiểu nhau, cảm phục nhau. Rồi khi lập gia đình, họ chú trọng vào việc sinh con, dạy con, lo làm ăn cho được giàu có, lo làm sao cho dòng họ mình được vẻ vang, được danh tiếng. Còn hai người nam nữ công giáo thì khác. Vì có đức tin vào Chúa, người công giáo biết rằng gia đình mình không phải là một gia đình thường, nhưng là một gia đình đặc biệt; không phải chỉ là một gia đình phàm trần, nhưng còn là một gia đình thiêng liêng; không phải chỉ là một gia đình tự nhiên, nhưng còn là một gia đình siêu nhiên; không phải chỉ là một gia đình trăm năm hạnh phúc, nhưng là một gia đình đời đời hạnh phúc. Lý do là vìồng công giáo biết rằng khi cùng nhau lập gia đình trong đức tin, họ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để thực hiện một ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa đã chỉ định cho họ từ thuở đời đời.

Sự cao trọng của gia đình công giáo thật là lớn lao. Đối với Giáo Hội, gia đình công giáo rất cao trọng vì gia đình công giáo không những là một phép bí tích của đôi vợ chồng, nhưng còn là bí tích của Chúa Giêsu Kitô với Giáo Hội của Ngài như lời Đức Giáo Hoàng Piô XII dạy: “Bao lâu hai vợ chồng chung sống với nhau, bấy lâu cuộc sống chung của họ là bí tích của Chúa Giêsu Kitô với Giáo Hội.” Chúa Giêsu Kitô có mặt trong gia đình công giáo như Ngài có mặt trong Giáo Hội của Ngài. Cũng như Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra, đã sống, đã chết và đã sống lại trong Giáo Hội của Ngài thế nào, thì Ngài cũng sinh ra, sống, chết và sống lại trong gia đình công giáo như vậy.

Giáo Hội xem mỗi gia đình công giáo là một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội cơ sở, một Giáo Hội căn bản, mà nhiều gia đình công giáo họp lại, thành Giáo Hội địa phương, thành Giáo Hội toàn cầu.

Giáo Hội xác tín rằng tất cả những gì Giáo Hội làm được dưới sự hướng dẫn của ơn Chúa, là nhờ vào các gia đình công giáo. Và Giáo Hội đặt tất cả niềm hy vọng vào những gia đình tốt, đặc biệt là vào những gia đình công giáo đạo đức, thánh thiện.

Giáo dục gia đình là điều quan trọng nhất. Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất, là gia đình công giáo. Không vị giám đốc nào tài ba, chuyên môn đến đâu, có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất này mà bị hỏng, thì tương lai của Giáo Hội và của xã hội nhân loại cũng rung rinh sập đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: “Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân Thầy Mẹ.” (Đường Hy Vọng)

Chồng vợ trong gia đình phải sống với nhau thế nào?

Chồng vợ phải sống yêu nhau: yêu nhau cách thật lòng, cao thượng, trong mọi hoàn cảnh; yêu nhau vì Chúa dạy, vì tình nghĩa vợ chồng, chứ không vì duyên sắc, của cải, tài ba; yêu nhau “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe”; yêu nhau trong sự quan tâm săn sóc lẫn nhau, đặc biệt trong những dịp quan trọng như sinh nhật, lễ bổn mạng, ngày kỷ niệm thành hôn, ….; yêu nhau, nên đón nhận nhau với lòng bao dung, quảng đại và tha thứ; yêu nhau, nên xác tín rằng: vợ chồng là quà tặng của Thiên Chúa, phải biết gìn giữ nhau trong tâm tình biết ơn, và nhất là, phải biết siêng năng cầu nguyện cho nhau.

Chồng vợ phải sống hoà thuận với nhau: “Nhà nào bất thuận, sẽ tự tan rã” (Mc 3,26), “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”; sống hoà thuận, nên luôn cố gắng hòa hợp bằng việc nhịn nhau, bàn bạc với nhau trong công việc, và lấy mọi sự làm của chung: “của chồng, công vợ”. Thánh Phaolô khuyên: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Eph 5,21-24); “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,18-19)

Chồng vợ phải sống trung thành với nhau: trung thành trong tư tưởng lẫn hành động và kéo dài mãi đến trọn đời. “Ai bỏ vợ mà lấy người khác thì phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). Ngoại tình là tội rất nặng, lỗi đức trong sạch và đức công bình đối với bạn mình.

Chồng vợ phải sống giúp đỡ nhau. Đây là ý Chúa : “Ta hãy làm cho nó một trợ tá” (St 2,18) và là mục đích của hôn nhân. Phải giúp đỡ nhau tận tình và thành thật, phần hồn phần xác, khi còn sống, nhất là lúc ốm đau cũng như lúc qua đời, vì lòng mến Chúa và trong tình nghĩa vợ chồng.

Trong gia đình, cha mẹ phải giáo dục con cái thế nào?

“Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận rất quan trọng trong việc giáo dục chúng. Vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng…gia đình là trường học đầu tiên …mà không một đoàn thể nào có thể vượt qua” (Tuyên ngôn giáo dục Kitô giáo, 3)

Cha mẹ phải giáo dục con cái một cách đầy đủ trong ba phượng diện: thể dục (phải giữ gìn sức khoẻ cho con cái bằng cách cho ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh; quần áo sạch sẽ lành lặn; thuốc men khi đau yếu, tránh bắt con cái làm việc quá sức mình), trí dục (phải cho con cái được học tập văn hoá và hướng nghiệp đến nơi đến chốn theo hết khả năng mình. Tránh để con mù chữ, thất học và vô công rỗi nghề), đức dục (phải giáo dục tôn giáo bằng việc dạy giáo lý ngay từ ấu nhi cho đến trưởng thành; giáo dục những đức tính nhân bản và xã hội…để con cái nên công dân tốt, thành một Kitô hữu đạo đức sốt sắng).

Ích lợi của gia đình công giáo đạo đức thánh thiện thật là lớn lao.

Gia đình công giáo nào đạo đức thánh thiện thì thật là một thiên đàng trên trần gian. Có thể gia đình công giáo đạo đức thánh thiện còn thiếu thốn vật chất, nhưng họ vẫn luôn đầy đủ ơn Chúa, luôn giàu có ơn Chúa, đó là điều quan trọng nhất trên đời nầy, vì thế họ luôn được bình an vui vẻ, vợ chồng cha mẹ con cái anh chị em trong gia đình họ hòa thuận yêu thương nhau. Gia đình họ luôn luôn hạnh phúc.

Gia đình công giáo nào đạo đức thánh thiện thì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, bảo vệ, nâng đỡ, ban ơn, như gia đình đạo đức của ông Noe được Chúa cứu khỏi lụt hồng thủy tiêu diệt, như gia đình đạo đức của ông Abraham được Chúa cho dòng dõi trường tồn, như gia đình đạo đức của ông Tôbia được Chúa cho khỏi bệnh tật và hạnh phúc, như gia đình đạo đức tại Cana được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đến viếng thăm, như gia đình đạo đức tại Bêtania được Chúa Giêsu và Đức Mẹ thường đến trú ngụ.

Gia đình công giáo nào đạo đức thánh thiện thì sản xuất cho Giáo Hội những người con thánh thiện của Chúa, theo như ý Chúa mong đợi, vì trong gia đình đạo đức thánh thiện, cha mẹ biết rằng Chúa cho sinh con thì phải làm sao cho con mình làm sáng danh Chúa ở đời nầy, và làm vị thánh nam nữ sau nầy trên thiên đàng.

Vấn đề quan trọng nhất trên đời nầy là vấn đề gì?

Trên đời nầy, vấn đề sống là quan trọng: ai cũng lo sống.

Trên đời nầy, vấn đề chết cũng quan trọng không kém: ai cũng sợ chết, ai cũng lo chết.

Nhưng trên đời nầy, vấn đề lập gia đình là quan trọng hơn hết. Tất cả hạnh phúc của một đời người đều tùy thuộc vào gia đình của họ. Giàu sang, danh giá không đem lại hạnh phúc cho người đàn ông nếu họ không gặp được một người vợ hiền lành, siêng năng, đạo đức. Tiền rừng bạc bể cũng không đem lại hạnh phúc cho người đàn bà nếu họ không gặp được một người chồng đạo đức, siêng năng lo làm ăn, biết sống nhẹ nhàng thông cảm, không sống phung phí xa hoa.

Lạy Chúa, xin thánh hoá gia đình của những người công giáo chúng con.

Amen.

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS