Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là DDF của Vatican trả lời câu hỏi của một giám mục người Phi Luật Tân gần đây đã tái khẳng định quan điểm lâu đời của Giáo hội Công giáo rằng việc trở thành một Hội viên Tam điểm tích cực sẽ cấu thành một tội trọng.
“Việc một thành viên tín hữu tích cực tham gia Hội Tam điểm bị cấm,” bức thư có chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Tổng trưởng DDF Victor Fernández cho biết.
Bộ đã gửi thư cho Đức Giám mục Julito Cortes của Giáo phận Dumaguete, người đã yêu cầu Vatican hướng dẫn đường lối khi một số lượng “rất đáng kể” người Công giáo Phi Luật Tân ghi danh tham gia Hội Tam điểm và “một số lượng lớn những người có cảm tình và cộng sự bị thuyết phục về mặt cá nhân” rằng không có sự đối lập nào giữa tư cách thành viên trong Giáo hội Công giáo và các hội viên Tam điểm”, theo tài liệu của Bộ.
Ngoài việc tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội về Hội Tam điểm, Bộ còn khuyến khích các giám mục Phi Luật Tân tiến hành dạy giáo lý giải thích lý do tại sao Công giáo và Hội Tam điểm là không thể hòa giải được.
Tại sao Giáo hội chống lại Hội Tam điểm?
Sự lên án đầu tiên từ một vị Giáo hoàng đối với Hội Tam điểm là của Đức Giáo Hoàng Clementê 12 vào năm 1738, và đã được nhiều vị giáo hoàng khác nhắc lại trong ba thế kỷ qua. Lời tuyên bố được đưa ra trong Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Clementê có tựa đề In Eminenti.
Trong Tự Sắc này, Đức Clementê đã bình luận về sự bí mật của các nhóm Tam Điểm và “hàng loạt hình phạt đau buồn” phải nhận khi vi phạm lời thề giữ bí mật. Tự Sắc không đi sâu vào nhiều phản đối cụ thể đối với các hoạt động của Hội Tam điểm nhưng kết luận, dựa trên “kiến thức nhất định và sự cân nhắc chín chắn”, rằng “tất cả những người đàn ông khôn ngoan và ngay thẳng đều đưa ra phán xét giống nhau về họ là những kẻ đồi trụy và hư hỏng”.
Gần 150 năm sau, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 đã mở rộng đáng kể giáo huấn của Giáo hội trong thông điệp Humanum Genus năm 1884 của ngài. Thông điệp trình bày chi tiết lý do tại sao Hội Tam điểm không thể hòa giải với Công giáo và cáo buộc các Hội Tam điểm “lên kế hoạch phá hủy Giáo hội thánh thiện một cách công khai và bí mật” cũng như cổ vũ các học thuyết trái ngược với giáo huấn của Giáo hội.
Theo Đức Giáo Hoàng Lêô, Hội Tam điểm tuân theo chủ nghĩa tự nhiên, mà ngài nói đó là ý tưởng rằng “bản chất con người và lý trí của con người trong mọi việc phải là người tình và người hướng dẫn ta”. Ngài nói thêm rằng “họ phủ nhận rằng bất cứ điều gì đã được Chúa dạy; họ không chấp nhận giáo điều tôn giáo hay chân lý nào mà trí tuệ con người không thể hiểu được, cũng như không chấp nhận bất kỳ vị thầy nào lẽ ra phải được tin tưởng vì thẩm quyền của người ấy.”
Thông điệp đào sâu hơn về chủ nghĩa tự nhiên của Hội Tam điểm, trong đó lưu ý rằng theo Hội Tam điểm, mọi người thuộc mọi tôn giáo đều có thể trở thành Hội viên Tam điểm và tôn giáo “được coi là một vấn đề không quan trọng và tất cả các tôn giáo đều giống nhau”, điều này hủy hoại “mọi hình thức tôn giáo, và đặc biệt là Công giáo”, vì đó là điều duy nhất đúng nên không thể được coi là ngang bằng với các tôn giáo khác.”
Đức Giáo Hoàng Lêô Leo nói rằng các Hội viên Tam điểm mong muốn thế tục hóa hôn nhân chỉ đơn giản là những hợp đồng dân sự, mong muốn trẻ em được phép lựa chọn tôn giáo của riêng mình khi chúng đến tuổi thay vì nhận được sự hướng dẫn tôn giáo phù hợp. Tam điểm cũng mong muốn các chính phủ từ chối công nhận Chúa. Ông nói thêm rằng việc thế tục hóa được đề xuất này nhằm mục đích loại bỏ những sự thật cơ bản khỏi xã hội.
Ngài nói: “Nếu những điều này bị loại bỏ, như những người theo chủ nghĩa tự nhiên và những người theo chủ nghĩa Tam điểm, sẽ ngay lập tức không có kiến thức về điều gì tạo nên công lý và bất công, hoặc nền tảng đạo đức dựa trên nguyên tắc nào”. “Và, trên thực tế, việc giảng dạy về đạo đức được phe Tam điểm ưa chuộng và trong đó họ cho rằng thanh thiếu niên nên được hướng dẫn, chính là điều mà họ gọi là ‘dân sự’, ‘độc lập’ và ‘tự do’, tức là thứ không chứa đựng bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.”
Những hành động và thực hành nào của Hội Tam điểm thúc đẩy chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thờ ơ?
Hội Tam điểm không coi họ là một tôn giáo; đúng hơn, họ chấp nhận thành viên từ nhiều tôn giáo khác nhau, bao gồm Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Tuy nhiên, các Hội Tam điểm có bàn thờ tại nơi ở của họ, họ tham gia vào các nghi lễ bí mật và họ cầu nguyện theo một quan niệm chung về Chúa, mà họ thường gọi là “Kiến trúc sư vĩ đại của vũ trụ”.
Bản thân thực hành này đã thúc đẩy chủ nghĩa thờ ơ về tôn giáo, nhưng Hội Tam điểm rất phi tập trung hóa và không tuân theo một nội dung văn bản cụ thể nào tuyên bố tất cả các tôn giáo đều bình đẳng. Tuy nhiên, một số nhóm Hội Tam điểm nổi bật và có ảnh hưởng lại ủng hộ rõ ràng hơn thái độ thờ ơ với tôn giáo.
Albert Pike, người chỉ huy tối cao của hội đồng tối cao về thẩm quyền phía nam của Nghi thức Hội Tam điểm Tô Cách Lan vào cuối những năm 1800, đã viết một cuốn sách có tên “Đạo đức và Giáo điều”, được trao cho các Hội viên Tam điểm. Các bài viết của ông rút ra những mối liên hệ được cho là giữa các tôn giáo khác nhau và thúc đẩy chủ nghĩa thờ ơ.
Pike nói: “Chúng tôi không đánh giá thấp tầm quan trọng của bất kỳ sự thật nào. Chúng tôi không thốt ra lời nào có thể bị coi là thiếu tôn trọng bởi bất kỳ ai thuộc bất kỳ tôn giáo nào. Chúng tôi không nói với người Hồi giáo rằng điều quan trọng đối với anh ta là tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và việc Muhammad có phải là nhà tiên tri của anh ta hay không là điều hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta không nói với người Do Thái rằng Đấng Messia mà họ mong đợi đã sinh ra ở Bêlem gần hai nghìn năm trước; và rằng anh ta là một kẻ dị giáo vì anh ta đã không tin như vậy. Và chúng ta cũng không nói với các tín hữu Kitô chân thành rằng Chúa Giêsu người Nagiarét chỉ là một người như chúng ta, hoặc lịch sử của ngài chỉ là sự hồi sinh không có thực của một truyền thuyết xa xưa hơn.”
Hội Tam điểm cũng đã sử dụng ảnh hưởng chính trị trên khắp Âu Châu và Mỹ Châu trong nhiều thế kỷ để thúc đẩy quá trình thế tục hóa xã hội và làm giảm ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo.
Ví dụ, trong thông điệp Etsi Multa năm 1873, Chân phước Giáo hoàng Pius thứ 9 đã trình bày chi tiết các cuộc tấn công chính trị của Tam điểm vào Giáo hội ở Ý, Thụy Sĩ và Đức. Ngài gọi “sự lừa dối và mưu mô” của Tam điểm là việc hình thành “giáo đường của Satan” khi đề cập đến chương thứ hai và thứ ba của Sách Khải Huyền.
Thông điệp đề cập đến các cuộc tấn công chống lại nền giáo dục Công giáo, đặc biệt là Đại học Grêgôriô ở Rôma đang bị “đàn áp và bãi bỏ”. Về Thụy Sĩ, nó thảo luận về việc thông qua luật chống Công giáo, sự xâm nhập của nhà nước vào các vấn đề của Giáo hội, và “việc trục xuất bằng bạo lực người anh em đáng kính Gaspar, giám mục Hebron và tông tòa đại diện của Geneva”. Nó cũng trình bày chi tiết về “cuộc đàn áp đang diễn ra” chống lại người Công giáo và việc đàn áp tự do tôn giáo ở Đế quốc Đức, đặc biệt là ở Phổ.
Đức Piô kêu gọi các giáo sĩ: “Hãy áp dụng mọi nỗ lực của anh chị em để bảo vệ các tín hữu được trao phó cho sự chăm sóc của anh chị em khỏi cạm bẫy và sự lây lan của những giáo phái này”. “Hãy mang về những người không vui khi gia nhập những giáo phái này. Đặc biệt vạch trần sai lầm của những người đã bị lừa dối hoặc những người khẳng định rằng chỉ có lợi ích xã hội, tiến bộ và thực hiện các lợi ích chung mới là mục đích của các hiệp hội đen tối này.”
Đức Piô cho biết thêm rằng những sắc lệnh này “không chỉ liên quan đến các nhóm Tam Điểm ở Âu Châu mà còn cả các nhóm ở Mỹ Châu và các khu vực khác trên thế giới”.
Ở Mễ Tây Cơ gần đây nhất là vào năm 2007, Nhóm Tam Điểm ở Thung lũng Mễ Tây Cơ đã nỗ lực chống lại việc Giáo hội giành quyền đối với các trường học và thông tin liên lạc của chính mình. Các Hội Tam điểm nổi tiếng đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng Mễ Tây Cơ và các cuộc cách mạng Mỹ Latinh khác làm giảm ảnh hưởng của Giáo hội.
Giáo luật nói gì về Hội Tam điểm?
Trước năm 1983, Bộ Giáo luật đã tuyên bố rõ ràng rằng nếu một người Công giáo gia nhập Hội Tam điểm, người đó sẽ tự động bị vạ tuyệt thông mà chỉ có Tòa thánh mới có thể dỡ bỏ. Điều này không chỉ áp dụng cho Hội Tam điểm mà còn cho bất kỳ nhóm nào tham gia vào các âm mưu chống lại Giáo hội.
Điều 2335 của Bộ Giáo luật năm 1917 viết: “Những người ghi danh cho các giáo phái Tam điểm hoặc các hiệp hội khác thuộc loại này có âm mưu chống lại Giáo hội hoặc các quyền lực dân sự hợp pháp sẽ bị rút phép thông công chỉ dành cho Tòa thánh”.
Bản sửa đổi năm 1983 của Bộ Giáo luật đã tránh đề cập cụ thể đến Hội Tam điểm và loại bỏ hình phạt vạ tuyệt thông tự động nhưng vẫn duy trì lệnh cấm tham gia bất kỳ nhóm nào có âm mưu chống lại Giáo hội.
“Ai ghi tên vào một hội âm mưu chống lại Giáo Hội, sẽ bị phạt hình phạt xứng đáng. Ai phát động hay điều khiển hội ấy, sẽ bị phạt cấm chế,” điều 1374 của Bộ Giáo luật hiện hành viết.
Mặc dù giáo luật mới không đề cập rõ ràng đến Hội Tam điểm, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một tuyên bố về Hội Tam điểm trong cùng năm đó, làm rõ rằng mặc dù có sự thay đổi trong cách diễn đạt, nhưng không có thay đổi nào đối với sự phản đối của Giáo hội đối với Hội Tam điểm. và việc gia nhập bất kỳ hiệp hội Tam điểm nào vẫn là một tội trọng khiến người ta không được rước lễ.
“Do đó, phán đoán tiêu cực của Giáo hội đối với hiệp hội Tam điểm vẫn không thay đổi vì các nguyên tắc của họ luôn được coi là không thể hòa giải với giáo lý của Giáo hội và do đó tư cách thành viên của Tam Điểm vẫn bị cấm,” tài liệu viết. “Các tín hữu ghi danh vào các hội Tam Điểm đang ở trong tình trạng tội trọng và có thể không được rước lễ.”