Phản ứng đầu tiên và nhiều hơn cả đối với việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Fernadez làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là về cuốn sách ngài viết lúc còn là một linh mục trẻ Sáname con tu boca: El arte de besar (Hãy chữa lành em bằng miệng anh: Nghệ thuật hôn) xuất bản năm 1995. Cuốn sách nhỏ này đã được dịch sang tiếng Anh và phổ biến trên liên mạng, dường như từ năm 2017 (https://medium.com/@artofkissing/heal-me-with-your-mouth-the-art-of-kissing-c5300a81bb93). Vừa nghe tin ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, dư luận liền xôn xao về cuốn sách này, khiến ngày 4 tháng 7, nghĩa là chỉ 4 ngày sau tin bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Fernandez phải dùng Facebook để giải thích về nó.
Không chỉ giải thích, đăng tải trên Facebook còn nhân dịp này phê phán những người tiêu cực đối với cuốn sách là “các nhóm chống Đức Phanxicô nổi đóa [đối với việc bổ nhiệm tôi] và họ đã tiến tới việc dùng các phương tiện vô đạo đức để gây hại cho tôi”. Trong số những nhóm này, ngài chỉ đích danh người Công Giáo Hoa Kỳ: “tệ hơn nữa, khi những cuộc tấn công này phát xuất từ người Công Giáo ở Hiệp Chúng Quốc, và họ không biết tiếng Tây Ban Nha, nên họ dịch sai một trong các bài thơ của cuốn sách. Họ dịch chữ ‘bruja’ là ‘puta’. Nhưng cuốn sách viết ‘bruja’. Họ không có quyền thay đổi lời lẽ của tôi. Xem ra họ không có đạo đức đối với việc này, và đây không phải là lần đầu tiên họ làm thế đối với tôi”
Phản công trên quả là mạnh mẽ, nhất là ngài nói chung “người Công Giáo ở Hiệp Chúng Quốc”. Nhận ra nhận định này có hơi quá đáng, ngày 5 tháng 7, trong cuộc phỏng vấn qua email của Elise Ann Allen, thuộc tạp chí Cruxnow, ngài nói lại: “Bà phải nói ‘một số’ người Mỹ…. Ở Hoa Kỳ, dân chúng được giáo dục rất tốt, và sự phát triển vượt bậc mà Hoa Kỳ có được chỉ trong vài thập niên nói lên năng lực tuyệt vời của người dân đó. Tôi sẽ không bao giờ chê bai một dân tộc cao quý và có năng lực như vậy. Nhưng cũng có những thiểu số có khuynh hướng cuồng tín, thù hận, và điều này dẫn đến cái nhìn phiến diện chỉ tìm kiếm mặt tối của kẻ thù. Khi điều này được thêm vào sự kiện những nhóm thiểu số này có rất nhiều quyền lực kinh tế, có thể họ sẽ đạt được tác động lớn hơn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều khi không phải ác mà là đam mê nên tôi không phán đoán họ, nhưng tôi phải nói rằng một số lượng giá về Đức Thánh Cha và cả về cá nhân tôi là không công bằng và không khách quan lắm”.
Nói rằng người Công Giáo Hoa Kỳ không biết tiếng Tây Ban Nha cũng là một điều nói quá của Đức Tổng Giám Mục Fernandez. Thực ra về chữ “bruja” trong nguyên bản của Đức Tổng Giám Mục, Hãng tin Catholic World News, trong bài “Archbishop Fernández, new DDF prefect, defends Heal Me with Your Mouth; publisher removes book from website” (Đức Tổng Giám Mục Fernandez, Tân Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, bênh vực Chữa lành Em bằng Môi miệng Anh; nhà xuất bản gỡ bỏ cuốn sách khỏi trang mạng), ngày 6 tháng 7, cho hay: “Trong bài thơ năm 1995 đang bàn, Đức Tổng Giám MụcFernandez ngỏ lời với một người đàn bà là bruja, một chữ có nghĩa chính là ‘phù thủy’(Collins Spanish Dictionary, Wiktionary), và là chữ người dịch trực tuyến dịch thành chữ tầm thường ‘bitch’. Trong đăng tải Facebook của ngài, Đức Tổng Giám Mục Fernandez mô tả bản dich tiếng Anh như tương đương với chữ puta, với nghĩa chính là ‘gái điếm’, nhưng chữ này cũng có nghĩa là ‘bitch’ (Collins Spanish Dictionary, Wiktionary). Vả lại, bruja cũng có nghĩa là ‘bitch’ (Collins Spanish Dictionary), điều này cho thấy quyết định của người dịch chuyển ngữ bruja thành bitch đâu có gì sai”.
Trong đăng tải Facebook, Đức Tổng Giám Mục Fernandez còn muốn làm tăng giá trị của cuốn sách mà theo nhiều ký giả thì một là nhà xuất bản đã gỡ bỏ khỏi trang mạng cùng với tin ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm hai là không còn được liệt kê trên danh sách chính thức các tác phẩm của ngài nữa, khi cho rằng: đây là một loại sách giáo lý dành cho giới trẻ. Ngài viết: “Một câu từ thời các giáo phụ nói rằng nhập thể giống như một nụ hôn Thiên Chúa dành cho nhân loại đã linh hứng cho tôi. Lúc đó, tôi rất trẻ, tôi là một cha xứ, và tôi cố gắng nối vòng tay lớn với giới trẻ. Rồi tôi nẩy ra ý nghĩa viết một cuốn giáo lý cho họ dựa trên điều nụ hôn có ý nghĩa. Tôi viết cuốn giáo lý này với sự tham gia của một nhóm người trẻ, họ cung cấp cho tôi nhiều ý tưởng, cụm từ, bài thơ v.v…”
Nhưng trong dẫn nhập của cuốn sách, Đức Tổng Giám Mục Fernandez không nói chi đến bản chất “sách giáo lý” của nó, ngài chỉ nói đến việc tham khảo rộng rãi giới trẻ mà thôi: “tôi muốn minh xác rằng cuốn sách này không được viết ra dựa nhiều lắm vào chính kinh nghiệm của riêng tôi, nhưng dựa vào đời sống của những người hôn nhau. Trong các trang này, tôi muốn tổng hợp cảm giác phổ thông, người ta cảm thấy gì khi họ nghĩ về một nụ hôn, những kẻ tử sinh cảm nghiệm điều gì khi họ hôn nhau. Vì mục đích này, tôi đã chuyện vãn rất nhiều với nhiều người giầu kinh nghiệm trong lãnh vực này, và cả các người trẻ, những người học hôn theo cách của họ. Tôi cũng tham khảo nhiều cuốn sách, và tôi muốn trình bầy các thi sĩ nói sao về nụ hôn. Nên, cố gắng tổng hợp sự phong phú mênh mông của đời sống, các trang sách này đứng về phía ủng hộ việc hôn. Tôi hy vọng rằng chúng giúp các bạn hôn tốt hơn, vận động các bạn giải thoát phần tốt nhất của con người các bạn vào nụ hôn”.
Đặt cuốn sách trong bối cảnh tổng thể của thừa tác vụ của ngài, Đức Tổng Giám Mục Fernandez nói rằng các nhóm cực đoan chỉ trích ngài và ‘nhục mạ” ngài vì cuốn sách này cả hàng mấy chục năm qua, cho rằng ngài ôm ấp thứ thần học thấp kém. Ngài giận dữ bác bỏ ý niệm cho rằng cuốn sách này đại diện cho tiêu chuẩn các sách thần học của ngài. Vì thực ra, đây không phải là sách thần học, mà chỉ là một cố gắng của một linh mục trẻ hăng say muốn nối vòng tay lớn với mọi người bằng cách “sử dụng các ngôn ngữ đa dạng nhất”. Ngài cho hay, trên thực tế, ngài viết rất nhiều bài báo cho các tạp chí và tập san danh tiếng như Angelicum và Nouvelle Revue Théologique.
Ngài viết: “tôi cũng có những cuốn sách trình độ cao’. Vả lại, không thể giản lược nhiệm vụ của một thần học gia vào các bản văn này mà thôi. Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng trong bản tóm lược tiểu sử của ngài do Vatican công bố hôm thứ Bẩy qua, ngài là khoa trưởng một phân khoa thần học và là cha xứ của giáo xứ Santa Teresita. Khía cạnh thực tế của nhà thần học này đã được Đức Phanxicô đánh giá cao. Thực vậy, Đức Tổng Giám Mục giám mục cho rằng, theo Đức Phanxicô “điều quan trọng là nhà thần học phải sẵn sàng lội bùn và và cố gắng sử dụng ngôn ngữ bình dị để nối vòng tay lớn với mọi người”.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dịch phần ngài trả lời câu hỏi “Nụ hôn là cái chi chi?”
Nụ hôn là cái chi chi?
Nụ hôn, trong tiếng Tây Ban Nha là “beso”, trong tiếng Ý là “bacio”, trong tiếng Pháp là “baiser”, trong tiếng Đức là “kuss”, trong tiếng Bồ Đào Nha là “beijo”…
Theo một từ điển, nó có nghĩa “chạm vào thứ gì đó bằng môi của một người, làm chúng co lại và giãn ra một cách nhẹ nhàng, để biểu lộ tình yêu, sự kính trọng hoặc tình bạn”. Nhưng, tất nhiên, khi một người cảm thấy mình đang chết đuối nếu không có nụ hôn, định nghĩa trang trọng này quá ngắn. Toàn bộ con người bạn, chứ không chỉ đôi môi, chìm đắm trong nụ hôn. Ngoài ra, đó không phải là điều được thực hiện để “chứng minh” những gì được cảm nhận, nhưng khi tình yêu tương tự hoàn toàn biến thành một nụ hôn, và mọi thứ bị lãng quên, nó bỏ lại tất cả. Nụ hôn là cuộc gặp gỡ của hai người trong một khoảnh khắc mà không có gì khác ngoài họ, và không có gì khác đáng kể nữa:
Trong một hiện tại tinh khiết, trong khoảnh khắc rõ ràng này,
Bây giờ chỉ có sự hiện diện thánh thiêng của em hiện hữu,
mà không lưu giữ giải trình nào của em,
mà không đòi hỏi bất cứ điều gì của em.
Và anh để em là câu hỏi sâu sắc nhất của anh
câu trả lời duy nhất…
Nụ hôn là tình yêu thành thịt xương, nó là điểm trong đó mọi đặc điểm của tình yêu con người: sự dịu dàng, đam mê, hân hoan, ngưỡng mộ, tế nhị, sức mạnh, nghỉ ngơi, khuây khỏa, chuyển giao, thông đạt. Đó là lý do tại sao nụ hôn là biểu thức tuyệt vời nhất của tình yêu. Và nó chứng tỏ một sự kiện không thể phủ nhận: trong khi sự kết hợp tình dục chỉ xảy ra giữa tuổi vị thành niên và người trưởng thành, thì nụ hôn cũng xuất hiện, như một món quà của Thiên Chúa, giữa người trẻ và người già. Không có tuổi tác cho nụ hôn, không có thời gian hay sự hư hỏng nào có thể dập tắt nó, bởi vì nó là sức hút vĩnh viễn của tâm hồn và thể xác.
Và nếu cơ thể được nuôi dưỡng bằng thức ăn, trí hiểu bằng sách vở và lớp học, và ý chí bằng nỗ lực, thì tình yêu được nuôi dưỡng bằng những nụ hôn. Một vị thánh thời Trung cổ từng nói:
“Sự sống của cơ thể con người được duy trì nhờ hai thứ: thức ăn và không khí. Không có thức ăn, con người có thể sinh tồn trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng không có không khí thì không thể sống trong vài phút. Đối với tình yêu, đó là nụ hôn. Trong nụ hôn có hai hơi thở, hai tinh thần hòa quyện vào nhau, và sự hòa quyện này tạo ra trong tâm hồn một sự ngọt ngào làm phấn khích và thắt chặt tình cảm của những người hôn nhau.” (St. Aelred, Tình bạn thiêng liêng, 65).
Trên thực tế, khi không có nụ hôn – “Cờ đỏ!” – chúng tôi có dấu hiệu tốt nhất cho thấy tình yêu đang gặp nguy hiểm. Người ta sẽ có thể làm tình, để giải tỏa bản năng và thỏa mãn một nhu cầu, nhưng nếu không có những nụ hôn chân thật—sâu, dịu dàng và thường xuyên—là vì tình yêu không còn nữa hoặc đang chết dần, bị thương.
Một nụ hôn đúng nghĩa chứng tỏ người khác là thánh thiêng đối với mình. Nhưng khi tình dục nằm ngoài tầm kiểm soát, và chúng ta muốn nhiều hơn nữa – nhiều khoái cảm hơn, mãnh liệt hơn – thì người kia sẽ biến thành một miếng bọt biển mà chúng ta muốn vắt kiệt cho đến giọt cuối cùng. Và thế là họ bắt đầu đánh mất phép thuật, sự tôn kính, sự ngưỡng mộ. Và dấu hiệu rõ ràng nhất của cái chết tình yêu là những nụ hôn run rẩy đó biến mất, chúng bắt đầu nhỏ dần từng chút một; bởi vì lúc đầu, do một nỗi sợ hãi thánh thiêng nhất, chúng ta không dám áp đặt chúng, chúng ta không muốn thúc giục chúng. Vì lý do này, thường xảy ra việc ký ức đẹp nhất còn lại của một tình yêu là những nụ hôn đầu tiên. Sự hiện diện của những nụ hôn ấy, những nụ hôn say đắm, nhưng đầy tôn trọng và dịu dàng, là điều tốt nhất cho thấy một cách nghiêm túc một tình yêu có khả năng tôn trọng và đối xử với người khác như một điều thánh thiêng sâu sắc, như một người tự do, mà tôi không phải là sở hữu chủ cũng không phải là ông chủ.
Nếu những nụ hôn chậm rãi, khoan thai, run rẩy đó không có, thì điều này chứng tỏ tình yêu đã không còn là cuộc gặp gỡ của hai con người ngưỡng mộ nhau, chiêm ngưỡng nhau, tôn thờ nhau mà trở thành tổng số hai kẻ ích kỷ lợi dụng lẫn nhau để giải tỏa nhu cầu căn bản của họ và làm dịu thần kinh của họ.
Ánh mắt lấp lánh ấy, niềm vui thanh thản ấy, ánh sáng soi rọi cuộc đời khi sự dịu dàng được đặt lên trên tình dục, chính là để tiếp tục kéo dài sự quyến rũ của tuổi trẻ, âm thầm nuôi dưỡng nghị lực sống.
Nụ hôn giống như một lời thề được niêm phong bằng đôi môi, một lời thú nhận được xác nhận bằng bí mật của sự im lặng, lấy miệng thay thế cho tai. Đó là để trái tim nếm trải tâm hồn bằng đôi môi. Để đưa cả tâm hồn vào miệng với sự mềm mại ngọt ngào của ngọn lửa. Nụ hôn tự nói lên, ngay cả khi nó bịt kín đôi môi. Nó cho phép chúng ta thở gần người khác, chạm vào hơi thở của họ, dấu hiệu tinh tế của tinh thần được trao đổi, từ những tầng sâu mà họ giao tiếp với nhau, từ những vực thẳm tìm thấy tiếng vang của họ. Đó là cách hít vào và thở vào linh hồn người khác, giống như chúng ta đến gần suối nước để uống. Là nói với các bạn rằng chúng tôi khao khát trái tim của các bạn và chúng tôi dùng miệng tìm kiếm thức ăn nuôi sống chúng tôi (Eduardo Casas, chưa xuất bản).
Bùa mê này nếu mất thì có thể tìm lại được, có thể hồi sinh; nhưng để làm được điều này, hữu thể nhân bản kia, thánh thiêng và tự do, phải trở lại quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Và khi điều này xảy ra, nụ hôn được tái sinh, thanh thản và đồng thời rực lửa, khiến chúng ta cảm thấy chúng ta đã quyết định có một sở hữu chủ; như thể điều cực kỳ vinh dự đối với một vị vua hay nữ hoàng là cho phép chúng ta bước lên ngai vàng của họ để chạm vào đôi môi dịu dàng của họ. Tôi thích mô tả của Enrique Fabbri:
“Nụ hôn là một biểu tượng kỳ diệu của tình yêu; một dấu hiệu cho đi và chào đón cùng một lúc. Một nụ hôn chỉ thực sự xảy ra khi nó được chấp nhận. Nụ hôn không thể bị đánh đĩ, không thể lừa dối anh. Đó là một cuộc trao đổi thân mật, một thông báo về những cuộc trao đổi thân mật khác. Đối với nụ hôn, miệng không còn là cơ quan ngấu nghiến mà là biểu hiện của sự tôn trọng dịu dàng và khao khát người khác. Hôn là trao đổi hơi thở, có nghĩa là trao đổi những tầng sâu thẳm của chúng ta; đó là mong muốn nuôi dưỡng người khác. Hơn lời nói, nó là việc trở về với nội tâm chữ yêu được hít thở trong khát khao sống còn”. (Revista Criterio, 12-11-1992, tr. 19).
Vậy thì chúng ta nên làm gì? Hãy xem những con đường dẫn đến một nụ hôn.