Các cuộc khai quật đang được tiến hành tại Quảng trường San Giovanni ở Laterano, Rôma đang được phép của Bộ Văn hóa Ý
Các nhà khảo cổ học ở Rôma đã khai quật được những bức tường thời trung cổ của một cung điện từng là nơi ở của các vị giáo hoàng trong hàng trăm năm, từ khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14.
Địa điểm này được tìm thấy trong quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng ở Quảng trường San Giovanni ở Latêranô, nơi dự kiến sẽ tổ chức Năm Thánh Công Giáo, một sự kiện hành hương lớn, vào năm 2025.
Bộ Văn hóa Ý cho biết: “Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng đối với thành phố Rôma và lịch sử thời trung cổ của nó, vì chưa có cuộc khai quật khảo cổ quy mô nào được thực hiện ở quảng trường trong thời hiện đại”.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Daniela Porro, giám đốc bộ phận lịch sử nghệ thuật của Bộ, đã phát hiện ra những bức tường mà họ tin rằng được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ chín, để bảo vệ vương cung thánh đường và cung điện hoành tráng của quảng trường khỏi các cuộc đột kích của Saracens (một thuật ngữ thời trung cổ dành cho người Hồi giáo), cũng như những xung đột nội bộ giữa giới thượng lưu ở Rôma về quyền tài phán của Đức Giáo Hoàng.
Dinh thự giáo hoàng đầu tiên của quảng trường được xây dựng sau khi Constantinô, hoàng đế Rôma đầu tiên chuyển sang Kitô giáo, ban hành vào năm 313 Sắc lệnh Milan, một tuyên bố về sự khoan dung tôn giáo. Được gọi là Cung điện Latêranô, địa điểm này từng là dinh thự của Đức Giáo Hoàng, dần dần mở rộng dấu ấn của mình ở Rôma cho đến năm 1309, khi Tòa thánh chuyển đến Avignon, Pháp, nơi ở của bảy vị giáo hoàng kế tiếp.
Năm 1377, Đức Grêgôriô XI dời đô về Rôma. Vào thời điểm đó, Cung điện Latêranô đã rơi vào tình trạng hư hỏng do hỏa hoạn, động đất và các cuộc xâm lược. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đặt trụ sở tại Vatican và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Không cần phải bảo vệ Cung điện Latêranô nữa, các bức tường của công trình này đã bị phá bỏ, chôn vùi và lãng quên. Theo trang web du lịch chính thức của Rôma, Giáo hoàng Sixtus V đã ra lệnh xây dựng lại cung điện vào cuối thế kỷ 16, giao cho kiến trúc sư Domenico Fontana nhiệm vụ này. Trong những năm sau đó, cung điện phục vụ như một nhà tế bần, một kho lưu trữ và một bảo tàng. Đây cũng là nơi ký kết Hiệp ước Latêranô năm 1929, trong đó Ý chính thức công nhận Thành phố Vatican là một quốc gia độc lập dưới chủ quyền của Tòa thánh.
Phát hiện này có thể thu hút sự chú ý đến lịch sử sâu sắc của cung điện và có khả năng bắt đầu một chương mới trong câu chuyện hàng thế kỷ này. Như Bộ trưởng Văn hóa Gennaro Sangiuliano cho biết trong tuyên bố, phát hiện này chứng tỏ sự phong phú của kho tàng khảo cổ học của Rôma, cần phải được bảo vệ khi thành phố tìm cách hiện đại hóa.