Đức tân Giám mục GP Phan Thiết – Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã diễn tả: “Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao là một giấc mơ đẹp mà Mẹ Maria muốn trao tặng cho chúng ta” – Theo tiếng của dân tộc K’Ho, Tàpao có nghĩa là “một giấc mơ đẹp” (Tà : đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.(x. Bài giảng trong Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Tàpao).
60 năm là thời gian đẹp trong lịch sử đời người, là thời gian quý trong lịch sử một tổ chức. Đến tuổi 60, người ta mừng thọ. 60 năm hình thành và phát triển của một tổ chức, người ta mừng lễ ngọc.
60 năm, dấu ấn thời gian in đậm sự hiện diện chan chứa tình thương của Mẹ Maria đối với đoàn con trong Giáo Phận Phan Thiết, là quãng thời gian để hoàn thành một giấc mơ đẹp. Đức Mẹ Tàpao từ nơi vùng núi rừng hẻo lánh, nay đã trở thành một Trung Tâm Hành Hương thu hút rất nhiều người khắp mọi miền đến với Mẹ.
Núi rừng Tàpao, hoang vu “khỉ ho cò gáy”, dân cư thưa thớt ít người qua lại. Nhưng Chúa đã chọn nơi này làm linh địa. Miền đất Đồng kho xưa kia chẳng có giá trị gì mấy, nay rất quý giá. Qua hành trình 60 năm, Tàpao trở nên Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu, nơi đây như là một kho tàng vô giá là chính Đức Trinh Nữ Maria hiện diện ban ơn cho muôn người đến hành hương.
Về mặt tâm linh, Tàpao vùng đất xa xôi nay trở thành kho tàng vô giá. Về mặt thổ nhưỡng, Đồng kho, miền đất núi rừng xa xôi cách trở, nay lên giá và người dân nơi đây gọi là “đất vàng”.
Ngày 13.08.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết đã chủ tế thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ TaPao. Có 50 linh mục đồng tế và khoảng 50.000 người tham dự.
Trong bài giảng, Đức cha Phaolô nói rằng: Núi rừng Tàpao là nơi Chúa chọn, đây là địa chỉ tình thương, nơi Đức Mẹ gặp gỡ và ban muôn vàn ơn lành hồn xác, tăng thêm đức tin cho đoàn con cái muôn phương đến với Mẹ.
Từ ý tưởng này, Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung đã viết trong kinh Đức Mẹ Tàpao: Chúng con tạ ơn Chúa, đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa, để Mẹ gặp gỡ chúng con và qua Mẹ chúng con gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình.
Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao là một công trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chính Chúa chọn nơi này làm linh địa chứ không phải do con người lập nên. Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi tuyển chọn con người cũng như nơi chốn. Đó là ân huệ nhưng không của Ngài. Không có gì tuỳ thuộc vào ý chí hay hành động nhân loại, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ ái Thiên Chúa.
Các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới như Lộ Đức – Fatima hay La Vang đều do Thiên Chúa chọn. Đó là những địa điểm mà lúc khởi đầu thường là hẻo lánh xa xôi khó đi lại, dân chúng nghèo khổ. Những linh địa ấy, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa thi thố lòng xót thương cho đoàn con cái đến nguyện cầu.
Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.
Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang đã cử hành lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia. Từ đó Tàpao đã là một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ.
Từ năm 1964 đến năm 1975, vì lý do chiến sự, hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…
Khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Mùa Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Vào cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành.
Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.
Vào đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao, đoàn người đổ về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể đó là : nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống…
Điều lạ lùng hơn cả phải chăng đó là : từ một địa danh trước đây hầu như không mấy ai biết tới, nay Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao, nay đã trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.
Vả lại, chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao : khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người.
Một trung tâm hành hương là nơi Chúa đã chọn để gặp gỡ con cái của Ngài cách đặc biệt. Chính nơi đây, tình thương Chúa được tỏ bày qua bàn tay dịu hiền của Mẹ Maria. Nơi đây, Đức Mẹ tiếp tục sứ vụ của Con Mẹ là “Loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18), Đức Mẹ tiếp nối thông điệp tình thương “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Chúa chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.
Đến với Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương.Đến với Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy. Đến với Mẹ Tàpao, sau khi đã thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không về không.
Thiên Chúa dựng nên con người có xác có hồn theo hình ảnh của Ngài. Dọc dài lịch sử con người sống trong không gian và thời gian, con người vừa có đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Theo Kinh Thánh, từ tạo thiên lập địa và xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài và công trình cứu độ, qua những con người,với thời gian và không gian cụ thể, để giúp con người dễ cảm nếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và ơn cứu độ Ngài ban.
Ngày xưa, Lộ đức, Fatima, La vang là một khu vực hoang vu, là một thôn nghèo. Nét hoang vu và nghèo nàn ngày xưa đó như còn phảng phất nơi những hoa cỏ nội đồng, những bụi lau, cây sậy… Tuy nhiên, bên cạnh chút hương đồng gió nội của thời xa xưa ấy là những khách sạn, những nhà dòng, những nhà nghỉ, những nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương… và vô vàn của hiệu bán các tranh, ảnh tượng thánh và đồ lưu niệm. Trung tâm Lộ đức, Fatima, La vang chính là Vương Cung Thánh Đường kính dâng Mẹ với quảng trường rộng mênh mông.
Đức Mẹ trên núi Tàpao, nơi Chúa chọn cách đây 60 năm tại đại ngàn xa xôi hẻo lánh. Nay đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu. Đức Mẹ vốn có nhiều danh hiệu, ngoài những danh hiệu Thần học như Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ hồn xác lên trời…lại có những danh hiệu liên hệ với những địa danh Mẹ muốn dùng làm nơi gặp gỡ đặc biệt các con cái Mẹ. Như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Vang… Giáo phận Phan thiết được vinh dự đón nhận một tôn danh mới của Mẹ là Mẹ Tàpao.Vương miện 12 ngôi sao dâng kính Mẹ dựa vào sách Khải huyền của thánh Gioan, kể về “một người nữ khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Vì thế phần chính các buổi dâng hoa thường phải có năm sắc và bảy hoa. Năm sắc hoa là trắng, xanh, đỏ, tím, vàng; còn bảy hoa là Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn. Tổng hợp các lời ngợi ca kết thành triều thiên 12 nhân đức cuộc đời Đức Maria. Xuyên suốt 12 tháng trong Năm Thánh, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Phan Thiết đã dâng lên Mẹ Tàpao muôn hoa lòng tôn kính mến yêu.
Ngày đại lễ Bế mạc Năm Thánh, sự hiện diện tôn quý của Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng Y Phêrô, 3 Đức TGM ba miền Bắc Trung Nam, các Giám mục các Giáo phận, hàng trăm linh mục đến đồng tế thánh lễ và đông đảo tu sĩ nam nữ cùng hàng chục ngàn khách hành hương cùng hiệp thông tạ ơn.
Tàpao – Giấc Mơ Đẹp, nay đã thành hiện thực, thật đẹp trong tình thương và phúc lành Thiên Chúa ban cho con người qua bàn tay từ ái của Mẹ Maria.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An