Tây Ban Nha là nước có đông người tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon nhất

Nghe bài này

Gần 40.000 người trẻ Tây Ban Nha sẽ đến Lisbon vào đầu tháng 8/2023 để tham dự cuộc họp mặt giới trẻ thế giới, với các bạn trẻ đại diện từ 184 quốc gia trên thế giới.

Theo dữ liệu của ban tổ chức, hai tháng trước sự kiện, 39.777 tín hữu hành hương trong số gần 600.000 người từ 184 quốc gia trên thế giới đã đăng ký tham dự ĐHGTTG tại Lisbon sẽ là người Tây Ban Nha. Những quốc gia có đông người trẻ đăng ký lần lượt là Ý với 32.369, Bồ Đào Nha 19.350, Pháp 9.283, Ba Lan 9.053 và Hoa Kỳ 5.807.

20.600 tình nguyện viên

Về số lượng tình nguyện viên, cho đến nay đã có hơn 20.600 người đăng ký, trong đó 363 người tham gia vào lĩnh vực y tế, bao gồm bác sĩ, y tá và sinh viên năm cuối ngành y và điều dưỡng.

400.000 chỗ ở trong các giáo phận

Về chỗ ở, các giáo xứ của các giáo phận chủ nhà —Lisbon, Setúbal và Santarém— đã có 6.000 gia đình đăng ký sẽ cung cấp nhà của họ cho khách hành hương. Đối với chỗ ở tập thể, tổ chức đã chuẩn bị 400.000 chỗ ở trong các giáo phận chủ nhà và vẫn đang đàm phán để ký các thủ tục với các tòa thị chính và các tổ chức thành phố khác ở nhiều địa điểm khác nhau.

ĐHGTTG Lisbon cũng có sự hỗ trợ của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Bồ Đào Nha, với 1.000 cơ sở hợp tác sẽ cung cấp hơn hai triệu bữa ăn.

Trồng hơn 6.700 cây 

Tương tự như vậy, cùng với Sáng kiến Cây xanh Toàn cầu (GTI), ĐHGTTG Lisbon sẽ thể hiện cam kết của mình đối với sự bền vững của môi trường bằng cách thay mặt cho sự kiện trồng hơn 6.700 cây trên khắp thế giới, từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến Ấn Độ, Úc, Angola, Guinea hoặc Brazil.

ĐHGTTG là “một nơi gặp gỡ giữa các đại dương, lục địa, văn hóa và dân tộc”

Trong thông điệp video, Tổng Thống Marcelo Rebelo de Sousa của Bồ Đào Nha gọi ĐHGTTG là “một nơi gặp gỡ giữa các đại dương, lục địa, văn hóa và dân tộc.” Ông cũng gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “vị Giáo hoàng của cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho đối thoại, cho lòng khoan dung, cho sự hiểu biết, chống lại sự bất bình đẳng, chống lại nạn đói, chống lại đau khổ, Giáo hoàng của những vùng ngoại biên, vị Giáo hoàng đến từ bên ngoài Châu Âu, vị Giáo hoàng đầu tiên không phải người Châu Âu và vẫn tiếp tục là con người của ngài: gần gũi với những người đau khổ nhất, với những người bị loại trừ nhất.”

Hồng Thủy – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS