Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần phá đổ Bức tường Berlin như thế nào: 35 năm sau

Nghe bài này

Khi nước Đức kỷ niệm 35 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ vào năm nay, các nhân chứng chủ chốt đang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Thánh Gioan Phaolô II trong việc mang lại cuộc cách mạng hòa bình làm thay đổi Âu Châu.

Martin Rothweiler, giám đốc EWTN Đức, phát biểu với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA: “Tôi hoàn toàn tin rằng nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sự thống nhất nước Đức sẽ không thể xảy ra”.

Rothweiler có mặt tại Rôma vào đêm lịch sử ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi người dân Đông Đức bắt đầu tự do đi qua Bức tường Berlin lần đầu tiên sau gần ba thập niên.

“Có vẻ như không thực,” Rothweiler nhớ lại. “Nhìn mọi người trèo qua bức tường, chứng kiến dòng người đổ về từ Đông sang Tây Berlin — thật không thể tin được. Chúng tôi đã lớn lên với việc chấp nhận sự chia cắt là không thể thay đổi: Khối phía Đông, phương Tây, Hiệp ước Warsaw ở một bên, NATO ở bên kia. Tất cả dường như được cố định trong bê tông — theo nghĩa đen.”

Đức Hồng Y Joachim Meisner quá cố của tổng giáo phận Köln, người đã mất năm 2017 và là bạn thân của Đức Gioan Phaolô II, đã đưa ra lời chứng tương tự trong một cuộc phỏng vấn của EWTN năm 2016: “Nếu không có Đức Gioan Phaolô II, sẽ không có phong trào Đoàn kết ở Ba Lan. Tôi thực sự nghi ngờ liệu chủ nghĩa cộng sản có sụp đổ nếu không có Đức Gioan Phaolô II.”

Ngay cả sau khi trở thành giáo hoàng vào năm 1978, Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục ủng hộ các phong trào đối lập đằng sau Bức màn sắt. Sau khi sống sót sau một vụ ám sát năm 1981 — được cho là do các cơ quan an ninh khối Xô Viết dàn dựng — ngài quyết định thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ Maria, thực hiện lời yêu cầu của Đức Mẹ tại Fatima.

Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, người từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II trong nhiều thập niên, đã nhấn mạnh chiều kích tâm linh của những sự kiện lịch sử này. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với EWTN, ngài giải thích: “Từ thời điểm thánh hiến đó, một quá trình bắt đầu và đạt đến đỉnh cao là tự do cho các quốc gia bị chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx áp bức. Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến này và hứa rằng tự do sẽ theo sau.”

“Sau sự kiện này, thế giới đã trở nên khác biệt,” Đức Hồng Y Dziwisz nói thêm. “Không chỉ Bức màn sắt sụp đổ, mà cả chủ nghĩa Marx trên thế giới, vốn đặc biệt bén rễ trong các trường đại học và các nhóm trên toàn thế giới.”

Tác động của vai trò của Đức Gioan Phaolô II đã được thừa nhận ngay cả bởi các nhà lãnh đạo thế tục. Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã nhớ lại một khoảnh khắc quyết định trong chuyến thăm năm 1996 của Đức Giáo Hoàng đến Berlin thống nhất. Khi đi qua Cổng Brandenburg — từng là biểu tượng của sự chia rẽ — Đức Giáo Hoàng quay sang Kohl và nói: “Ngài Thủ tướng, đây là một khoảnh khắc sâu sắc trong cuộc đời tôi. Rằng tôi, một Giáo hoàng đến từ Ba Lan, đứng đây với ngài, Thủ tướng Đức, tại Cổng Brandenburg — và cánh cổng mở, Bức tường đã biến mất, Berlin và Đức đã thống nhất, và Ba Lan đã được tự do.”

Có lẽ lời chứng đáng chú ý nhất đến từ một nguồn không ngờ tới: Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, người thừa nhận rằng nếu không có ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II, cuộc cách mạng hòa bình năm 1989 có thể đã không bao giờ xảy ra.

Di sản của những sự kiện đó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay khi Âu Châu lại phải đối mặt với xung đột. Vào ngày 25 tháng 3 năm 2022, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định tái việc thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria của Đức Gioan Phaolô II.

“Chúng ta đã đi chệch khỏi con đường hòa bình,” Đức Phanxicô phát biểu trong buổi lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. “Chúng ta đã quên những bài học từ những thảm kịch của thế kỷ trước và sự hy sinh của hàng triệu người đã ngã xuống trong các cuộc Thế chiến.”

Khi chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine hai năm sau đó, tấm gương của Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng sự thay đổi mang tính chuyển đổi thường đến một cách bất ngờ. Vị giáo hoàng người Ba Lan, được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào năm 2014, đã chứng minh trong suốt cuộc đời mình rằng đức tin và sự phản kháng hòa bình có thể vượt qua những trở ngại dường như không thể lay chuyển — thậm chí là những bức tường chia cắt các quốc gia.

Bức tường Berlin tồn tại từ năm 1961 đến năm 1989 như biểu tượng dễ thấy nhất của sự chia cắt Chiến tranh Lạnh ở Âu Châu. Chế độ cộng sản Đông Đức gọi nó là “Thành lũy bảo vệ chống phát xít”, nhưng đối với hầu hết thế giới, nó đại diện cho Bức màn sắt mà Winston Churchill đã cảnh báo.

Hơn 100 người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biên từ Đông sang Tây Berlin trước khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989.

Rothweiler, người sau này đưa EWTN đến Đức vào năm 2000, thấy ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục cho đến ngày nay thông qua phương tiện truyền thông Công Giáo. “Di sản của ngài nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh tinh thần có thể biến đổi thực tế chính trị”, ông nói với CNA Deutsch.

“Sự sụp đổ của Bức tường Berlin không chỉ là vấn đề chính trị — mà còn là sự chiến thắng của phẩm giá con người và đức tin trước sự áp bức.”

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS