Thánh Tôma Aquinô sẽ làm gì với trí khôn nhân tạo?

Nghe bài này

AC Wimmer, Tổng biên tập sáng lập của CNA Deutsch, ngày 20 tháng 2 năm 2024, đặt câu hỏi: Thánh Tôma Aquinô sẽ nghĩ gì về trí khôn nhân tạo và một mô hình ngôn ngữ lớn sẽ nghĩ gì về Thánh Tôma Aquinô?

Ông tường trình rằng theo một nhà thần học người Đức, vị thánh Công Giáo và tiến sĩ của Giáo hội có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận đương thời về những rủi ro của trí khôn nhân tạo và vai trò của nó trong xã hội.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, Thomas Marschler, người giữ chức Chủ tịch Khoa Tín lý tại Đại học Augsburg, cho biết: “Tất nhiên, Thánh Tôma không thể đoán trước được công nghệ thế giới sẽ phát triển như thế nào trong 800 năm kể từ khi ngài sinh ra. Không ai ở thời của ngài có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó máy móc sẽ được phát minh ra và sử dụng công nghệ máy tính để giải quyết vấn đề theo cách tương tự như con người thông minh hoặc thậm chí vượt qua họ.”

Nhưng trong khi tác phẩm của Thánh Tôma không có tuyên bố trực tiếp nào về trí khôn nhân tạo – cũng như về du hành vũ trụ hay vật lý lượng tử – thì tác phẩm của Thánh Tôma đã làm sáng tỏ các khía cạnh triết học và đạo đức sâu sắc của trí khôn nhân tạo, nhà thần học người Đức cho biết.

“Ví dụ, khi hiện tượng trí khôn nhân tạo được sử dụng như một lập luận mạnh mẽ ủng hộ quan điểm theo chủ nghĩa tự nhiên về con người – ở đây Thánh Tôma có thể cứu chúng ta khỏi những kết luận sai lầm nhờ những hiểu biết sâu sắc của ngài về bản chất của linh hồn và khả năng của nó, về tính độc đáo của ý thức tâm linh và người đích thân mang nó,” Marschler nói với CNA Deutsch.

Thánh Tôma cũng khuyến khích người Công Giáo “suy nghĩ xem liệu điều gì khả thi về mặt kỹ thuật có luôn là điều chúng ta nên thực hiện trong hành động của mình hay không”, ông nói thêm.

“Công nghệ mới nhất không phải lúc nào cũng giúp chúng ta đạt được mục tiêu thực sự của cuộc sống và trở nên tốt đẹp và hạnh phúc như những con người là hình ảnh của Chúa trong tâm hồn thiêng liêng của họ”.

Xét cho cùng, Thánh Tôma được mệnh danh là “Tiến sĩ thiên thần” vì những nhân đức của ngài, đặc biệt là công việc trong sáng và trí tuệ sâu sắc cũng như các tác phẩm thần học toàn diện của ngài về các thiên thần.

Marschler lưu ý rằng đã có chatbot trên internet sử dụng trí khôn nhân tạo để trả lời các câu hỏi trong vai trò của Thánh Tôma. Ông nói: “Tuy nhiên, đọc các tác phẩm của Thánh Tôma có lẽ vẫn là cách tốt nhất để thực sự hiểu về ngài”.

‘Một chàng trai có tư duy khá cầu tiến’

Khi hỏi ChatGPT điều gì tạo nên Thánh Tôma, câu trả lời là: “Tôi xem Thánh Tôma là một nhân vật tiêu biểu trong triết học và thần học phương Tây, đặc biệt được biết đến với sự kết hợp giữa triết học Aristốt với học thuyết Kitô giáo, một điều mang tính đột phá vào thời đại của ông, ” nói thêm rằng ngài “vẫn có ảnh hưởng trong thần học và triết học Kitô giáo.”

Chatbot Grok trên X, khi ở chế độ vui nhộn, có quan điểm khác về Thánh Tôma: “Tôi nghĩ ông ấy đã có một số đóng góp đáng kể cho các lĩnh vực triết học và thần học,” Grok nói. “Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng quan điểm của ông ấy về một số chủ đề nhất định, chẳng hạn như phụ nữ và những kẻ dị giáo, không mấy lý tưởng nếu nhìn từ góc độ hiện đại. Nhưng này, không ai hoàn hảo cả, phải không? Và xét theo thời gian ông ấy sống, ông ấy là một chàng trai có tư duy khá cầu tiến.”

Sự hồi sinh của Thánh Tôma

Đối với bất cứ ai quan tâm đến việc tìm hiểu tư tưởng thực tế của Thánh Tôma, Marschler gợi ý kênh YouTube và công việc của Viện Thomistic ở Washington, D.C., nhấn mạnh rằng “Những vị tu sĩ Đaminh, có nhiệm vụ trau dồi và phát triển di sản Thánh Tôma, cũng đang hoạt động ở Pháp và Ý”.

Marschler nói thêm: “Sự trỗi dậy trở lại của mối quan tâm đến tư tưởng Thánh Tôma, đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh, cho thấy sự liên quan lâu dài của những lời dạy của Thánh Tôma”.

Suy nghĩ về tác động rộng lớn hơn của công trình Thánh Tôma, Marschler nhấn mạnh việc cuối cùng công nhận Thánh Tôma là một tiến sĩ của Giáo hội.

“Việc phong thánh cho ngài vào năm 1323 và nêu danh ngài là bậc thầy trong Giáo hội vào năm 1567 đã công nhận thế giá của ngài như một ‘bậc thầy phổ quát’. Bất chấp một số phản đối từ các trường phái thần học khác, tư tưởng của Thánh Tôma đã định hình sâu sắc thần học Công Giáo đến mức các nhà thần học đương thời như Yves Congar hay Karl Rahner gần như không thể nói gì nếu không nhắc tới Thánh Tôma.”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS