Tổng giáo phận Berlin đã kỷ niệm việc mở cửa trở lại Nhà thờ St. Hedwig vào hôm Chúa Nhật sau hơn sáu năm cải tạo. Nội thất đã được tân trang theo phong cách hiện đại, nhưng không phải ai cũng hưởng ứng nhiệt tình.
Trong bài giảng vào Chúa Nhật, Tổng giám mục Berlin Heiner Koch đã tóm tắt ý định đằng sau thiết kế mới: “Trong quá trình cải tạo Nhà thờ St. Hedwig hiện tại theo thiết kế của kiến trúc sư Peter Sichau và nghệ sĩ Leo Zogmayer, điều quan trọng đối với chúng tôi là người Công Giáo có thể tìm thấy một ngôi nhà tại nhà thờ này và những người không cùng đức tin với chúng tôi cũng cảm thấy được hướng đến bằng ngôn ngữ của kiến trúc và thiết kế nghệ thuật và có thể coi nhà thờ này là nơi để suy ngẫm, trò chuyện và tìm kiếm cởi mở.”
Ulrich L. Lehner, Giáo sư Thần học của Quỹ Warren tại Đại học Notre Dame, trong một bài đăng trên X đã chia sẻ phản hồi của mình về thiết kế của nhà thờ cho rằng nó y chang một đền thờ Hồi Giáo, chỉ cần sửa cây thánh giá trên nóc thành lưỡi liềm Hồi Giáo là xong.
Ông viết rằng: “Đây là những gì 40 triệu người nhận được cho Nhà thờ mới của bạn khi bạn là một Giám mục Công Giáo ở Đức: một bàn thờ vỏ trứng. Dành riêng cho ‘đấng tối cao’ à? Tòa nhà là một dấu hiệu hữu hình cho Giáo Hội Đức đã chết – đó là một cái vỏ không có sự sống bên trong. Sẽ không có ai cầu nguyện ở đây.”
Một số người bi quan cho rằng trong bối cảnh các Giám Mục đang theo đuổi Tiến Trình Công Nghị, Giáo Hội địa phương bị chia rẽ trầm trọng, mỗi năm cả nửa triệu người bỏ đạo, xây nhà thờ chính tòa hình quả trứng giống như một đền thờ Hồi Giáo là một tính toán hết sức khôn ngoan. Bởi vì, sau này dễ bán lại được cho Hồi Giáo, là tôn giáo đang phát triển rầm rộ ở Đức.
Đức Tổng Giám Mục Koch đã nói về những hy vọng và thất vọng mà mọi người có thể có khi chứng kiến công trình cải tạo, trong bài giảng của mình, ngài nói rằng “thiết kế của Nhà thờ St. Hedwig đề cập đến những trải nghiệm đen tối của nhiều người”.
“ Ví dụ, trong hầm mộ ở cảnh Chúa Giáng Sinh của người Neapolitan, hình ảnh Chúa Giáng Sinh bao gồm cảnh nghèo đói và bi kịch của cuộc chạy trốn của rất nhiều người” “Trên Đường Thánh Giá trong hầm mộ, nơi gánh chịu nỗi đau khổ của nhiều người, là nhà nguyện nơi tội lỗi của Giáo Hội trong suốt 2.000 năm lịch sử của mình và nỗi đau khổ mà Giáo Hội gây ra được thể hiện. Ngoài ra, lịch sử gần đây của chúng ta ở Đức cũng được đề cập, trong đó chúng ta đã thất bại và không giải quyết đầy đủ tình trạng vi phạm nhân phẩm”.
Đức Tổng Giám Mục tiếp tục: “Là các Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhân lành, Đấng nắm giữ cuộc sống, lịch sử và tương lai của thế giới trong tay Người và Đấng đã ban cho chúng ta sự cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt cuộc sống của con người đến sự viên mãn, Đấng đã xé toạc bầu trời và ban cho chúng ta một tương lai lành mạnh, có ý nghĩa và viên mãn, cho phép chúng ta sống cùng nhau và dẫn dắt cuộc sống của chúng ta phát triển.”
Trong bối cảnh này, hầm mộ, ngài nói, “không dừng lại ở những trải nghiệm đen tối của con người, mà cho thấy chính nó là nơi của hy vọng. Ngôi mộ của Chân phước Bernhard Lichtenberg và ngôi mộ của các giám mục chứng minh cho hy vọng phục sinh tràn đầy trong chúng ta.”
Nội thất được thiết kế lại của nhà thờ Berlin thể hiện “lời tuyên xưng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, sự viên mãn và hoàn thiện cuộc sống và tương lai của chúng ta”, Koch giải thích.
“Trung tâm của nhà thờ là bàn thờ như một biểu tượng của Chúa Kitô, của cuộc đời, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người. Nhà thờ tập trung xung quanh bàn thờ và tôn vinh Người trong phụng vụ. Cộng đồng tín hữu tập trung xung quanh bàn thờ cùng với giám mục, người có ngai tòa được đưa vào vòng tròn tín hữu này xung quanh bàn thờ như một dấu hiệu của nhiệm vụ và thẩm quyền của mình để lãnh đạo và giảng dạy giáo phận của mình. Do đó, Thánh Hedwig trở thành biểu hiện của ý tưởng hiệp thông, mà chúng tôi đã đặt vào trung tâm cuộc sống của mình tại Tổng giáo phận Berlin và chúng tôi cam kết phát triển tính đồng nghị của Giáo cộng đoàn tôi: hiệp thông với Chúa và với nhau.”
Trong thời gian làm Hồng Y và Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phân loại thiết kế nội thất nhà thờ như vậy bằng những lời sau: “Việc linh mục quay về phía giáo dân giờ đây tạo thành một vòng tròn khép kín. Về mặt hình thức, nó không còn mở ra phía trước và phía trên nữa, mà khép kín vào bên trong chính nó”.
Ngược lại, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln cho biết ngài rất vui mừng với nội thất mới của Nhà thờ St. Hedwig. “Khi bước vào phòng, tôi hoàn toàn choáng ngợp. Tôi không nói nên lời trước độ sáng, kích thước và sự tự do mà không gian này mang lại. Thực sự không thể nhận ra khi bạn so sánh nó với căn phòng mà tôi nhớ rất rõ.”
Đức Hồng Y Woelki là Tổng giám mục Berlin từ năm 2011 đến năm 2014.
“Đền Pantheon được đưa từ Rôma đến Berlin,” Đức Hồng Y Woelki cho biết vào Chúa Nhật trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh của tổng giáo phận Köln. “Bàn thờ nằm ở chính giữa. Chúa Kitô ở trung tâm, bên cạnh là cây thánh giá, bục giảng, từ đó là lời công bố Lời Chúa và sự giản dị tổng thể. Không gian này mang lại sự tự do, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự gần gũi với nhau. Bây giờ mọi người ngồi gần nhau hơn và quỳ gối gần hơn nhiều với sự cứu rỗi diễn ra trên bàn thờ.”
Nhà thờ St. Hedwig có niên đại từ thế kỷ 18. Tòa nhà bị thiêu rụi trong Thế chiến thứ hai. Khi được xây dựng lại, nó đã là một nhà thờ rất hiện đại. Vài thập niên sau, nó được thiết kế lại, khởi xướng bởi Đức Tổng Giám Mục Woelki.