Tiến sĩ George Weigel: Tính Đồng Nghị của Đức và Giáo hội Hoàn vũ

Nghe bài này

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “German ‘Synodality’ and the World Church”, nghĩa là “‘Tính Đồng Nghị’ của Đức và Giáo hội Hoàn vũ”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Pillar, Tiến sĩ Frank Ronge, một viên chức Công Giáo kỳ cựu người Đức, là người điều phối Tiến trình Công nghị Đức, đã mô tả lý lẽ và công việc của Synodaler Weg. Nhiều người tham gia sâu sắc vào Tiến trình Công nghị tưởng tượng nó như một mô hình cho Giáo hội thế giới—hoặc ít nhất là những phần của Giáo hội thế giới không tụt hậu chút nào so với đường cong văn hóa như những người Đức khai sáng hiểu. Do đó, đáng để đặt ra một số câu hỏi về trải nghiệm của Đức về “tính đồng nghị”, với mục đích xem trải nghiệm đó có thể gợi ý gì về những con đường đổi mới trong các hoàn cảnh giáo hội khác—hoặc về con đường mà Thượng hội đồng 2024 tại Rôma sẽ thực hiện trong tháng này.

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến nguồn gốc của Synodaler Weg hay Tiến Trình Công Nghị, mà Tiến sĩ Ronge cho biết, đã được bắt đầu như một phản ứng trước những tiết lộ về việc lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ Đức – là những tiết lộ khiến việc công bố phúc âm trở nên “bất khả thi”. Có đúng thế không? Đánh giá theo mức độ thực hành Công Giáo giảm mạnh trên khắp nước Đức kể từ những năm 1960, khách quan mà nói việc công bố phúc âm đã lâm vào tình trạng nguy tử từ lâu lắm rồi, cả nửa thế kỷ, trước khi cuộc khủng hoảng lạm dụng nổ ra ở Đức vào năm 2010.

Hơn nữa, và với tất cả nỗi đau, sự bối rối và sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng lạm dụng gây ra ở Hoa Kỳ, ta có thể thấy một cách khách quan rằng việc công bố phúc âm vẫn tiếp tục ở Hoa Kỳ, và cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy những cải cách nghiêm chỉnh, không chỉ ở các chủng viện. Điều đó chẳng lẽ không khả thi ở Đức sao? Hay thực ra, một số người Công Giáo Đức đã lợi dụng cuộc tấn công của các phương tiện truyền thông vào việc che đậy sự gian ác trắng trợn của một số ít cá nhân trong hàng giáo phẩm Công Giáo để biến cuộc khủng hoảng lạm dụng thành vũ khí, biến nó thành lý lẽ để tạo ra một Giáo hội theo Mô hình Mới có thể dễ được “chấp nhận” hơn đối với xã hội và văn hóa hậu hiện đại?

Rồi, kế đó là tuyên bố của Tiến sĩ Ronge— như một tiếng vang của một chủ đề dai dẳng tại Thượng hội đồng 2023 vào tháng 10 năm ngoái—rằng việc họp thượng hội đồng, có thể nói như vậy, chỉ là vấn đề lắng nghe Chúa Thánh Thần. Tiến sĩ Ronge cho biết, người Công Giáo phải “bám chặt vào Chúa Thánh Thần” và nói rằng, “Chúa Thánh Thần, xin hãy dẫn dắt chúng con”. Tất nhiên, nhiều người Công Giáo cầu nguyện như vậy mỗi ngày, và Chúa Thánh Thần vẫn có khả năng làm chúng ta ngạc nhiên như khi những lưỡi lửa giáng xuống Phòng Tiệc Ly vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên của Kitô giáo. Nhưng tại sao Chúa Thánh Thần, khi nói ở Đức, lại luôn nói bằng ngôn ngữ của chủ nghĩa cấp tiến của Công Giáo Đức?

Liệu Chúa Thánh Thần có thực sự kêu gọi Giáo hội từ bỏ các cấu trúc quản trị giáo hội mà sự tiến hóa theo thời gian cho thấy đã được Chúa Thánh Thần truyền cảm hứng? Làm sao Chúa Thánh Thần có thể dạy chúng ta một điều về đạo đức của tình yêu con người và bản chất của hôn nhân trong hai thiên niên kỷ, rồi sau đó “làm chúng ta ngạc nhiên” bằng cách kêu gọi Giáo hội từ bỏ giáo lý đó vào thế kỷ 21? Liệu Chúa Thánh Thần có thể mâu thuẫn với Chúa Thánh Thần không?

Đối với mối quan hệ của Tiến Trình Công Nghị Đức với Giáo hội Hoàn vũ, Tiến sĩ Ronge lưu ý rằng trong số những câu hỏi “chúng tôi yêu cầu Đức Giáo Hoàng và toàn thế giới phân định” có những câu hỏi liên quan đến việc phong chức phó tế và linh mục cho phụ nữ: “Chúng tôi đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng không đóng câu hỏi đó lại”. Nhưng Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói rằng câu hỏi về chức phó tế đã đóng lại, vậy tại sao Tiến Trình Công Nghị Đức vẫn chưa nhận được bản ghi nhớ đó? (Câu hỏi tương tự cũng có thể được hỏi những người ở America Media, nơi đã vận động về câu hỏi về phụ nữ và chức phó tế trong những tuần trước Thượng hội đồng 2024, mặc dù Đức Giáo Hoàng đã loại bỏ nó khỏi chương trình nghị sự của Thượng hội đồng.)

Tiến sĩ Ronge nói rằng người Đức chỉ muốn thảo luận về những vấn đề này. Tuy nhiên, chúng đã được thảo luận trong nhiều thập niên và câu trả lời cho cuộc thảo luận đó đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis năm 1994, trong đó dạy một cách dứt khoát rằng Giáo hội không có thẩm quyền phong chức linh mục cho phụ nữ. Và nếu Thánh chức là một bí tích với ba cấp bậc (như Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo 1593 nêu rõ), thì việc Giáo hội không thể phong chức linh mục cho phụ nữ cũng phải mở rộng sang hai cấp bậc khác, là phó tế và giám mục.

Sự thật của vấn đề là Ordinatio Sacerdotalis là một trong nhiều giáo lý có thẩm quyền mà Giáo hội ở Đức và những giáo hội ở các nước khác chưa “tiếp nhận”—đó là cách nói lịch sự để tránh phải nói rằng họ “đã từ chối”. Tại sao không thừa nhận điều đó, mà lại kêu gọi một vòng “đối thoại” khác tương tự như mèo con đuổi theo đuôi của chúng? Tại sao không tiến hành thảo luận nghiêm chỉnh, tại sao không khẳng định phụ nữ trong nhiều vai trò của họ là những nhà truyền giáo, và đồng thời kêu gọi phải có cải cách trong sứ vụ của Giáo Hội ở những nơi trên thế giới mà vai trò truyền giáo của Giáo Hội ở đó đang bị kìm hãm?

Sẽ hữu ích hơn nếu có thêm thông tin thẳng thắn về động cơ của Tiến Trình Công Nghị Đức và tầm nhìn của Tiến Trình này về tương lai Công Giáo trong việc xác định xem con đường này có thể mang lại điều gì cho Giáo hội Hoàn vũ tại Thượng hội đồng 2024.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS