Tiến sĩ Samuel Gregg: Giáo Hội tại phương Tây đang chìm dần trong chủ nghĩa duy cảm

Nghe bài này

Tiến sĩ Samuel Gregg là Giám đốc viện nghiên cứu Acton. Ông đã viết và thuyết trình về nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế chính trị, lịch sử kinh tế, đạo đức và tài chính, và lý thuyết luật tự nhiên. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Becoming Europe (2013) và For God and Profit: How Banking and Finance Can Serve the Common Good (2016).

Hôm 29 tháng 10, tờ The Catholic World Report đã đăng một bài báo của ông báo động về tác hại của chủ nghĩa duy cảm trong việc giảng dạy đức tin Công Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội.

Nguyên bản tiếng Anh: A Church drowning in sentimentalism

Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.

Một Giáo Hội đang chết đuối trong chủ nghĩa duy cảm.
Tiến sĩ Samuel Gregg

Bất cứ khi nào tôi hướng dẫn các cuộc hội thảo sau đại học, tôi luôn đặt ra một quy tắc cho những người tham gia. Họ được tự do nói những gì họ nghĩ, nhưng họ không thể bắt đầu bất kỳ câu nào với những từ như “Tôi cảm thấy rằng… ” Họ cũng không được phép đặt ra những câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ “Bạn không cảm thấy rằng… sao? Các biểu hiện khó hiểu xuất hiện ngay lập tức trên khuôn mặt của một số sinh viên. Lúc đó, tôi thông báo cho họ biết rằng tôi không thể quan tâm đến cảm xúc của họ về chủ đề đang được bàn đến.

Vào thời điểm đó, ít nhất phải nói rằng có một sự kinh ngạc. Nhưng trước khi bất cứ ai có thể nghĩ đến việc “nổi nóng”, tôi nói liền, “Có lẽ các bạn đang tự hỏi tại sao tôi lại không quan tâm đến cảm xúc của các bạn về chủ đề của chúng ta. Vâng, tôi muốn biết các bạn nghĩ gì về chủ đề này. Nhưng chúng ta không ở đây để biểu lộ cảm xúc với nhau. Chúng ta ở đây để cùng nhau suy nghĩ một cách nghiêm túc.”

Những nét mặt bối rối biến mất. Sinh viên bắt đầu nắm bắt được rằng một cuộc thảo luận luận lý không thể là một cuộc trao đổi cảm xúc lẫn cho nhau. Và điều đó không chỉ đúng với các sinh viên mà còn đúng với cả Giáo hội nữa.

Đạo Công Giáo luôn đánh giá cao giá trị của lý trí. Khi nói về lý trí, tôi không chỉ muốn nói đến khoa học là điều cho phép chúng ta tiếp cận với những bí mật của thiên nhiên. Tôi muốn đề cập cả đến lý trí là điều cho phép chúng ta biết cách sử dụng thông tin của khoa học một cách đúng đắn; cũng như các nguyên tắc luận lý cho chúng ta biết rằng 2 lần 2 không bao giờ có thể bằng 5; và năng lực độc đáo của chúng ta để nhận biết chân lý đạo đức; cũng như sự khôn ngoan giúp chúng ta hiểu và giải thích sách Khải Huyền.

Đó là quan điểm của Công Giáo về lý trí, mà đôi khi sự nhấn mạnh thái quá có thể rơi vào chủ nghĩa duy lý, như trường hợp của nhiều nhà thần học trong vòng hai mươi năm trước cuộc Cải cách Tin Lành mà hai Thánh Thomas More và John Fisher đã phê phán và coi đó là nét đặc trưng của họ. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy lý không phải là vấn đề đối với Kitô giáo ở các nước phương Tây ngày nay. Chúng ta đang đối diện với một thử thách ngược lại, mà tôi gọi là “Affectus per solam” – “Duy cảm”.

Chủ nghĩa duy cảm đang bao trùm bầu khí hiện nay trong khắp Giáo hội phương Tây. Nó tác động không chỉ đến thế giới quan mà còn ngay cả đến chính đức tin của nhiều người Công Giáo. Cốt lõi của chủ nghĩa duy cảm đang lan nhanh này là một sự đề cao cảm xúc, đi kèm với một sự đánh giá thấp vai trò của lý trí, và hệ quả là sự trẻ con hóa đức tin Kitô.

Các triệu chứng của chủ nghĩa duy cảm là gì? Thưa, thứ nhất là việc sử dụng rộng rãi trong giảng dạy và thuyết giảng hàng ngày một thứ ngôn ngữ có nhiều đặc điểm trị liệu hơn là những từ ngữ được chính Chúa Kitô và các Thánh Tông Đồ sử dụng. Những từ như “tội lỗi” đang phai mờ dần và được thay thế bằng “nỗi đau”, “niềm hối tiếc” hoặc “những sai lầm đáng buồn.”

Cũng thế, chủ nghĩa duy cảm xuất đầu lộ diện khi những người bảo vệ luân lý đạo đức về tính dục và đạo đức y khoa của Công Giáo bị phê phán rằng quan điểm của họ là “giáo điều” và “gây tổn thương” người khác. Chân lý dường như không nên được nói ra, ngay cả một cách nhẹ nhàng, nếu nó làm thương tổn cảm xúc người khác. Nếu điều đó là đúng, Chúa Giêsu có lẽ nên kiềm chế đừng nói thẳng cho người phụ nữ Samaritanô biết sự thật về lịch sử hôn nhân của bà.

Chủ nghĩa duy cảm cũng làm chúng ta mù loà trước sự thật rằng có – như đã từng được xác nhận bởi chính Chúa Kitô – một nơi được gọi là Hỏa Ngục cho những người chết không ăn năn. Chủ nghĩa duy cảm đơn giản là tránh né chủ đề này. Hỏa ngục không phải là một vấn đề có thể coi nhẹ, nhưng bạn hãy tự hỏi mình câu hỏi này: Lần cuối cùng bạn nghe thấy ai đó nhắc đến trong một Thánh Lễ về khả năng rằng bất kỳ ai trong chúng ta chung cuộc có thể phải tách biệt khỏi Thiên Chúa vĩnh viễn là lúc nào?

Trên hết, chủ nghĩa duy cảm thể hiện rõ nhất trong những trình bày về Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô, Đấng mà giáo lý nhiệm nhặt của Ngài gây sốc cho chính những môn đệ mình, và cũng là Đấng từ chối bất kỳ nhượng bộ nào đối với tội lỗi bất cứ khi nào Ngài nói về tình yêu bị sụp đổ thành một giáo sĩ cấp tiến dễ chịu. Chúa Giêsu dễ dãi này không bao giờ dám đòi buộc chúng ta phải biến đổi cuộc sống mình bằng cách đón nhận trọn vẹn sự thật. Thay vào đó, lời Ngài được tái chế thành những hợp chất như “mọi người đều có sự thật riêng của họ,” “hãy làm bất cứ điều gì cảm thấy tốt nhất,” “hãy thành thật với chính mình”, “giữ vững lập trường của bạn”, “tôi là ai mà phán xét người ta” và vân vân. Và chớ có sợ: Chúa Giêsu này hứa thiên đàng, hay bất cứ thứ gì, cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, đó không phải là Chúa Kitô đã được mạc khải trong Kinh Thánh. Như Đức Joseph Ratzinger đã viết trong cuốn sách của ngài năm 1991 “Hãy hướng nhìn lên Chúa Kitô”

Một Chúa Giêsu đồng ý với tất cả mọi thứ và mọi người, một Chúa Giêsu không có cơn thịnh nộ thánh thiện của mình, không có những đòi buộc nghiêm khắc về sự thật và tình yêu đích thực không phải là Chúa Giêsu thực sự như Kinh Thánh mạc khải nhưng là một bức tranh biếm họa thê thảm. Một quan niệm về “phúc âm”, trong đó không có sự nghiêm túc về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không liên quan gì đến Phúc Âm Kinh Thánh.

Từ “nghiêm túc” ở đây thật là quan trọng. Chủ nghĩa duy cảm lây nhiễm trong phần lớn Giáo hội chủ yếu đang làm suy thoái hấp lực và sự minh bạch của đức tin Kitô. Điều đó đặc biệt đúng đối với phần rỗi của các linh hồn. Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Kitô là Đấng giàu lòng xót thương nhưng Ngài cũng công minh và rất rõ ràng về kỳ vọng của Ngài đối với chúng ta bởi vì Ngài coi trọng chúng ta. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta không đáp lại thịnh tình này.

Làm thế nào mà phần lớn Giáo Hội lại đang chìm vào một thái độ bi quan của chủ nghĩa duy cảm? Dưới đây là ba nguyên nhân chính.

Đầu tiên, thế giới phương Tây đang chết đuối trong chủ nghĩa duy cảm. Giống như tất cả những người khác, người Công Giáo không miễn nhiễm với văn hóa mà chúng ta đang sống. Nếu bạn muốn tìm thấy bằng chứng về chủ nghĩa duy cảm phương Tây, chỉ cần bật trình duyệt web của bạn trên computer lên. Bạn sẽ sớm nhận thấy chủ nghĩa xúc cảm thống trị tuyệt đối trong nền văn hóa, truyền thông, chính trị và trong các đại học. Trong thế giới này, đạo đức là sự a dua của bạn đối với các nguyên nhân cụ thể đang làm số đông thổn thức. Điều quan trọng là mức độ “nhiệt thành” (lưu ý ngôn ngữ) trong sự hùa theo của bạn, và mức độ đúng đắn về mặt chính trị của nguyên nhân đó – chứ không phải liệu chính nguyên nhân ấy có hợp lý để ủng hộ hay không.

Thứ hai, hãy xem xét cách mà nhiều người Công Giáo hiểu về đức tin ngày nay. Đối với nhiều người, đức tin có vẻ là một “đức tin cảm giác”. Ý tôi muốn nói ở đây là tầm quan trọng của đức tin Kitô được đánh giá chủ yếu trên cảm giác rằng đức tin ấy mang lại những gì cho tôi, cho phúc lợi của tôi và những mối quan tâm của tôi. Nhưng hãy đoán xem? Tôi, bản thân tôi, và tôi không phải là trọng tâm của đức tin Công Giáo.

Trên tất cả, đạo Công Giáo là một niềm tin lịch sử. Nó liên quan đến việc chúng ta quyết định rằng chúng ta tin tưởng vào những người đã từng chứng kiến cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, những người đã truyền lại cho chúng ta những gì họ nhìn thấy bằng các văn bản và các truyền thống bất thành văn, và những người mà chúng ta kết luận rằng đã nói sự thật về những gì họ nhìn thấy. Điều đó bao gồm các phép lạ và Phục Sinh chứng thực bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô. Người Công Giáo không coi đây là “những câu chuyện”. Là một người Công Giáo có nghĩa là khẳng định rằng những điều ấy thực sự đã xảy ra và rằng Chúa Kitô đã thành lập một Giáo hội với trách nhiệm rao giảng điều này cho đến tận cùng trái đất.

Đức tin Công Giáo, do đó, không phải là về tôi và cảm giác của tôi. Đức tin Công Giáo là chữ T viết hoa trong chữ Truth (Chân lý). Sự viên mãn và ơn cứu rỗi của con người, do đó, liên quan đến việc tự do và nhất quán lựa chọn tuân thủ theo sự thật đó, chứ không phải là Chân lý phải phụ thuộc vào cảm xúc của tôi. Nếu đạo Công Giáo không phải là về Chân lý, thì theo đạo để làm gì?

Thứ ba, sự phổ biến của chủ nghĩa duy cảm trong Giáo hội là từ những nỗ lực làm hạ giảm và làm méo mó luật tự nhiên kể từ sau Công Đồng Vatican II. Suy tư về luật tự nhiên diễn ra một cách đa dạng trong toàn thế giới Công Giáo trong nhiều thập niên trước những năm 1960. Nhưng nó đã phải chịu một hiện tượng nhật thực trong phần lớn Giáo hội sau đó. Một phần là vì luật tự nhiên là phần thiết yếu trong thông điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người). Vì thế, nhiều thần học gia [có khuynh hướng bài bác thông điệp này] đã quyết định loại bỏ nội dung thiết yếu của bất cứ điều gì làm cơ sở cho Humanae Vitae.

Khi luận lý luật tự nhiên được phục hồi trong các miền của Giáo hội từ những năm 1980 trở về sau, chúng ta phải trả giá cho việc đặt ra ngoài lề luật tự nhiên. Và cái giá phải trả là thế này: một khi bạn gạt lý trí sang vùng ngoại vi của đức tin tôn giáo, bạn bắt đầu tưởng tượng rằng đức tin cách nào đó là độc lập với lý trí; hoặc đức tin cách nào đó vốn thù địch với lý trí; hoặc niềm tin tôn giáo của bạn không đòi hỏi sự giải thích cho người khác. Kết quả cuối cùng là sự suy giảm mối quan tâm về sự hợp lý của đức tin. Điều đó chắc chắn kết thúc trong đầm lầy của chủ nghĩa duy cảm.

Những lý do khác cho lực kéo của chủ nghĩa duy cảm trong Giáo hội ngày nay có thể thấy nơi sự biến mất của môn luận lý học trong các giáo trình giáo dục, thái độ phụ thuộc thái quá vào tâm lý học và xã hội học của một số giáo sĩ được đào tạo trong những năm 1970, và những khuynh hướng xem các hoạt động của Chúa Thánh Thần như một điều gì đó có thể mâu thuẫn với giáo huấn của Chúa Kitô, những nghi thức Phụng Vụ tự quy chiếu theo kiểu Disney… Đó là một danh sách dài.

Giải pháp không phải là hạ cấp tầm quan trọng của những cảm xúc như tình yêu, niềm vui giận dữ, và sợ hãi nơi mọi người. Chúng ta không phải là người máy. Cảm xúc là những khía cạnh trung tâm của bản chất con người chúng ta. Thay vào đó, những cảm xúc của con người cần phải được tích hợp vào một sự mạch lạc của đức tin Kitô giáo, lý trí con người, hành động con người và sự phát triển của con người – là những gì được thực hiện với kỹ năng tuyệt vời của những nhân vật trong quá khứ như Thánh Aquinas và những nhà tư tưởng đương đại như thần học gia luân lý quá cố Servais Pinckaers. Sau đó, chúng ta cần phải sống cuộc sống của chúng ta cho phù hợp.

Vượt thắng chủ nghĩa duy cảm không phải là điều dễ dàng. Nó đơn giản là một phần của không khí chúng ta hít thở ở phương Tây. Hơn thế nữa, một số những người chịu trách nhiệm nhất ngày hôm nay trong việc hình thành đức tin Công Giáo nơi nhân loại dường như đã tiêm nhiễm một cách mẫn cảm với chủ nghĩa duy cảm. Nhưng trừ khi chúng ta nêu đích danh và tranh luận về chủ nghĩa duy cảm không kiềm chế hiện nay đang làm tổn hại đến chứng tá của Giáo Hội đối với Chân Lý, chúng ta có nguy cơ giản lược chính mình thành một thứ chủ nghĩa phi chính phủ trong tương lai gần. Nghĩa là, thành một điều hoàn toàn không còn liên quan nữa.

 

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Đảo Sýp có Giám mục sau 340 năm

Ngày 16/3, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh của Giêrusalem đã chủ sự Thánh lễ tấn...
Read More
Đảo Sýp có Giám mục sau 340 năm

Xuất bản ấn bản Kinh Thánh Công giáo tiếng Na Uy đầu tiên

Ngày 15/3/2024, Hiệp hội Kinh Thánh Na Uy đã thông báo về việc xuất bản ấn bản Kinh Thánh Công...
Read More
Xuất bản ấn bản Kinh Thánh Công giáo tiếng Na Uy đầu tiên

ĐTC Phanxicô chúc lành cho dự án “Wee Box” – hộp quà hy sinh người Scotland hỗ trợ Rwanda

Hôm 15/3/2024, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, Alistair Dutton, đã gặp Đức Thánh Cha và ngài đã bày tỏ...
Read More
ĐTC Phanxicô chúc lành cho dự án “Wee Box” – hộp quà hy sinh người Scotland hỗ trợ Rwanda

ĐTC Phanxicô: Đức cha Faresin là gương mẫu của mục tử ở bên những người rốt cùng

Tiếp các thành viên của tổ chức "Đức cha Camillo Faresin" vào sáng thứ Bảy 16/3/2024, nhân 20 năm thành...
Read More
ĐTC Phanxicô: Đức cha Faresin là gương mẫu của mục tử ở bên những người rốt cùng

Đức Thánh Cha: Tuần Thánh là thời gian mở rộng tâm hồn hướng về Chúa và tha nhân

Ngày 16/3, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Huynh đoàn Mérida ở Tây Ban Nha, chuyên tổ chức...
Read More
Đức Thánh Cha: Tuần Thánh là thời gian mở rộng tâm hồn hướng về Chúa và tha nhân

Kinh Truyền Tin (17/3): Với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến hiến mạng

Trưa Chúa Nhật ngày 17/03, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin...
Read More
Kinh Truyền Tin (17/3): Với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến hiến mạng

Đức Thánh Cha cho hay: ‘Nếu ngài từ nhiệm Giáo hoàng, ngài thích là ‘giám mục danh dự của Rôma’

Trong cuốn tự thuật xuất bản vào ngày 19 tháng 3 tới, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những kỷ...
Read More
Đức Thánh Cha cho hay: ‘Nếu ngài từ nhiệm Giáo hoàng, ngài thích là ‘giám mục danh dự của Rôma’

Án phong chân phước cấp giáo phận cho thanh niên 20 tuổi người Pakistan đã kết thúc

Ngày 15/3/2024, tại nhà thờ chính tòa Lahore, Giáo hội Pakistan đã cử hành Thánh lễ kết thúc án phong...
Read More
Án phong chân phước cấp giáo phận cho thanh niên 20 tuổi người Pakistan đã kết thúc

Đức Thánh Cha tiếp nhân viên và bệnh nhân bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù

Sáng thứ Bảy ngày 16/3, tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 6000 người, gồm...
Read More
Đức Thánh Cha tiếp nhân viên và bệnh nhân bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù

Tân Hồng Y Salesian sẽ được tấn phong Tổng Giám mục cùng với một Tổng Giám mục Salesian khác

Hai Giám mục thuộc Tu hội Salesian Don Bosco mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sẽ cùng được tấn...
Read More
Tân Hồng Y Salesian sẽ được tấn phong Tổng Giám mục cùng với một Tổng Giám mục Salesian khác

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS