Các nhà hoạt động nhân quyền và viện sĩ tiếp tục sứ mạng của nhà thần học người Sri Lanka làm việc với người ở khu nhà ổ chuột, phụ nữ dễ bị tổn thương, trẻ mồ côi, hoạt động nhân quyền, người tố giác và ủng hộ cho nữ quyền.
Cha Tissa Balasuriya thuộc dòng Tận hiến là nhà hoạt động trực tính từng bị vạ tuyệt thông trong thời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II.
Ngài là một trong những người đầu tiên sáng lập Hiệp hội đại kết các thần học gia thế giới thứ ba năm 1975 và thành lập Trung tâm Xã hội và Tôn giáo tại Colombo năm 1971 nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên dân tộc. Ngài làm tuyên úy quốc tế đầu tiên cho Phong trào Sinh viên Học sinh Kitô giáo.
Cha Balasuriya, qua đời năm 2013, là tác giả của 35 cuốn sách về nhân quyền, thần học và tôn giáo.
Ruki Fernando, nhà bảo vệ nhân quyền, nói cha Balasuriya làm việc vì công bằng xã hội cho người bị gạt ra bên lề xã hội và chỉ trích Giáo hội không đáp ứng đầy đủ trước những vấn đề xã hội ở Sri Lanka và trên thế giới.
“Ngài luôn hành động như một người trong xã hội, dành cả ngày bên người bị gạt ra bên lề xã hội và đòi hỏi công bằng cho người bị áp bức. Cha Balasuriya giúp đỡ cho những người ở khu nhà ổ chuột tại Summit Pura”, Fernando chia sẻ.
Summit Pura (thị xã Summit) là một vùng bị người ăn xin và các gia đình nghèo sống ở ngoại ô thành phố thủ đô Colombo bắt đầu chiếm dụng năm 1971.
“Cha Bala tích cực hành động về các vấn đề giới tính và tính dục, nghèo khổ, quyền lợi người lao động, các vấn đề đạo đức, môi trường, hòa giải, lao động nữ ở đồn điền, cộng đồng đánh bắt cá và nông dân”, Fernando phát biểu với các viện sĩ, nhà hoạt động, nữ tu và linh mục tại một sự kiện ở Trung tâm Xã hội và Tôn giáo hôm 17-1, nhân kỷ niệm lễ giỗ thứ 5 của cha Balasuriya.
Năm 1990, cha Balasuriya bị vạ tuyệt thông sau khi Vatican cảnh báo cuốn sách Maria và Giải phóng Con người của ngài mang nội dung lạc giáo vì rõ ràng giải thích sai giáo lý về tội nguyên tổ trong khi còn gieo nghi ngờ về thiên tính của Đức Kitô. Sau khi công khai thương nghị, Vatican giải vạ tuyện thông cho ngài năm 1998.
Prabha Manorathna, giảng viên tại đại học Kelaniya, nói cha Balasuriya luôn nhìn các vấn đề xã hội theo cách nhìn một cách tổng thể.
“Trong cuốn sách Thần học Toàn vũ của mình, ngài nói do ảnh hưởng lớn của các nước phương Tây lên tư duy của hầu hết mọi người trên thế giới hôm nay, nên có xu hướng nhìn lịch sử theo quan điểm của phương Tây. Người ta cho rằng họ phát triển thế giới, và các nước nghèo đang trên đường phát triển”, Manorathna, một Phật tử, phát biểu.
Manorathna cho biết cha Balasuriya có tầm nhìn dài hạn.
Cha Ashok Stephen thuộc dòng Tận hiến, giám đốc Trung tâm Xã hội và Tôn giáo, nói trung tâm đang đẩy mạnh tầm nhìn của cha Balasuriya.
“Chúng tôi dịch cuốn Thần học Toàn vũ sang tiếng Sinhal và thành lập quỹ dịch các sách khác của ngài cho độc giả địa phương”, cha Stephen, nhà bảo vệ nhân quyền, chia sẻ.
“Chúng tôi dự kiến tổ chức hội thảo thường niên về các vấn đề xã hội cho chủng sinh dòng Tận hiến và sẽ trao giải thưởng mang tên cha Balasuriya”.
Ruki Fernando nói Trung tâm Xã hội và Tôn giáo được mong làm việc về các vấn đề hiện nay của tù nhân chính trị, người mất tích trong chiến tranh, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, phong trào nữ quyền, nạn phá thai, quyền lợi của cộng đồng chuyển giới, quyền lợi kinh tế và văn hóa.