Tòa Thánh: Con đường Đồng nghị Đức không được tạo ra những phương thức mới đối với tín lý và luân lý’

Nghe bài này

Theo Cindy Wooden thuộc Catholic News Service, trong bản tin ngày 21 tháng 7 năm 2022, một tuyên bố của Tòa Thánh nói rằng “Xem ra cần phải minh xác rằng ‘Con đường Đồng nghị’ ở Đức không có quyền bắt buộc các giám mục và các tín hữu thừa nhận các cách quản trị mới và các phương thức mới đối với tín lý và luân lý.”

Được văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố bằng tiếng Đức và tiếng Ý vào ngày 21 tháng 7, tuyên bố trên cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Đức không thể “khởi xướng các cơ cấu hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận trước khi có sự hiểu biết nhất trí ở bình diện giáo hội hoàn vũ.”

Tuyên bố cho rằng làm như vậy, “sẽ gây ra một vết thương cho sự hiệp thông trong giáo hội và một mối đe dọa cho sự hiệp nhất của giáo hội.”

Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Con đường Đồng nghị dự kiến sẽ họp vào ngày 8 đến 10 tháng 9 tại Frankfurt với kế hoạch tranh luận về một loạt các bản văn sửa đổi và bỏ phiếu về việc chúng có thể được thông qua như các nghị quyết của Con đường Đồng nghị.

Phiên họp toàn thể bao gồm các thành viên của hội đồng giám mục Đức, 69 đại diện của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, và các đại diện khác của các thừa tác vụ tâm linh và các văn phòng giáo hội, những người trẻ và các cá nhân. Tổng cộng, Phiên họp toàn thể sẽ bao gồm 230 người.

Tại cuộc họp vào đầu tháng 2, Phiên họp toàn thể đã thông qua các nghị quyết kêu gọi giáo dân có vai trò và tiếng nói lớn hơn trong việc ra quyết định cho Giáo Hội và sự tham dự của giáo dân trong các đoàn kinh sĩ của nhà thờ chính tòa, là đoàn vốn có tiếng nói trong việc đề xuất tên các ứng cử viên được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng để có thể được cử nhiệm làm giám mục.

Phiên họp toàn thể cũng đã thực hiện việc cân nhắc ban đầu các đề nghị nhằm khuyến khích việc nới lỏng luật bắt buộc độc thân đối với hầu hết các linh mục theo nghi lễ Latinh và ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Việc chúc phúc cho những cuộc kết hợp đồng tính cũng đã được thảo luận rộng rãi, nhưng chưa được Phiên họp toàn thể chính thức thông qua.

Quyền hành của Phiên họp toàn thể trong việc đưa ra các quyết định cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã được thảo luận rộng rãi và nhiều lần. Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, trong một lá thư hồi tháng 4 trả lời các giám mục từ các quốc gia khác chỉ trích tiến trình của Đức, nhấn mạnh rằng tất cả các nghị quyết kêu gọi cải cách chỉ có thể được thi hành ở bình diện giáo hội phổ quát sẽ được đệ trình lên Tiến trình thượng hội đồng toàn thế giới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi động để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục năm 2023 về tính đồng nghị.

Trong một bức thư năm 2019 gửi những người Công Giáo Đức – một bức thư cũng được trích dẫn trong tuyên bố mới – Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là một quá trình phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần với sự kiên nhẫn chứ không phải “tìm kiếm những kết quả tức thời tạo ra các hậu quả nhanh chóng và tức thì.” Ngài nói: Biến đổi “đòi phải có sự hoán cải mục vụ”.

Đức Giáo Hoàng nói, “Thưa các anh chị em, chúng ta hãy quan tâm đến nhau và lưu ý đến sự cám dỗ của cha đẻ sự dối trá và chia rẽ, bậc thầy phân rẽ, kẻ, bằng cách thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một lợi ích biểu kiến hoặc một phản ứng đối với một tình huống nhất định, trên thực tế kết cục ở chỗ phân tán cơ thể dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa”.

Tuyên bố vào tháng 7 của Tòa Thánh nhắc nhở người Công Giáo Đức về những lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với họ vào năm 2019 rằng giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ sống và triển nở với nhau.

Ngài nói, nếu các giáo hội địa phương tách biệt khỏi toàn thể, “họ sẽ trở nên suy nhược, thối rữa và chết. Do đó, cần phải giữ cho sự hiệp thông với toàn thể cơ thể Giáo hội luôn sống động và hữu hiệu.”

Tuyên bố của Tòa Thánh cho hay, “người ta hy vọng rằng các đề xuất từ Con đường của các giáo hội đặc thù ở Đức sẽ nhập vào con đường đồng nghị đang được thực hiện bởi giáo hội hoàn vũ để làm phong phú lẫn nhau và làm chứng cho sự hiệp nhất nhờ đó thân thể của Giáo hội bày tỏ lòng trung thành của nó đối với Chúa Kitô. ”

Nguyên văn Tuyên bố ngày 21.07.2022 của Tòa Thánh

Để bảo vệ quyền tự do của dân Chúa và thi hành thừa tác vụ giám mục, xem ra cần phải minh xác rằng “Con đường Đồng nghị” ở Đức không có quyền bắt buộc các giám mục và tín hữu thừa nhận những cách thức quản trị mới và các phương thức mới đối với tín lý và luân lý.

Trước khi đạt được sự hiểu biết nhất trí ở bình diện Giáo hội hoàn vũ, sẽ không được phép khởi xướng các cơ cấu hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận, một điều sẽ gây ra vết thương cho sự hiệp thông trong Giáo hội và là mối đe dọa đối với sự hiệp nhất của Giáo hội. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong Thư gửi Dân Lữ hành của Thiên Chúa tại Đức: “Giáo hội hoàn vũ sống trong và nhờ các Giáo hội đặc thù, cũng như các Giáo hội đặc thù sống và nở rộ trong và từ Giáo hội hoàn vũ. Nếu bị tách khỏi toàn bộ cơ thể của Giáo hội, chúng sẽ yếu đi, thối rữa và chết. Do đó, cần phải luôn luôn bảo đảm để sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội được sống động và hữu hiệu ”[1]. Do đó, người ta hy vọng rằng những đề xuất của Con đường các Giáo hội Đặc thù ở Đức sẽ hội tụ với con đường đồng nghị đang được Giáo hội hoàn vũ bước theo, để làm phong phú lẫn nhau và làm chứng cho sự hiệp nhất nhờ thế thân thể Giáo hội biểu lộ lòng trung thành của mình với Chúa Kitô.

_______________

[1] FRANCIS, Thư gửi Dân Lữ hành của Thiên Chúa ở Đức, 9.

Vũ Văn An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS