Bà Maria “đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán” (Lc 2,7). Qua những lời diễn tả mộc mạc và rõ ràng này, Thánh Luca đưa chúng ta về lại tâm điểm của đêm thánh năm xưa: Maria đã sinh con; Mẹ đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Ánh Sáng của trần gian. Câu chuyện đơn giản ấy đã làm đổi thay lịch sử mãi mãi. Bắt đầu từ đêm đó mọi sự đã trở thành nguồn hy vọng.
Chúng ta hãy ngừng lại vài câu trong Phúc âm. Theo lệnh của Hoàng đế, Maria và Giuse thấy mình buộc phải lên đường. Họ phải rời bỏ những người thân quen của họ, nhà cửa và đất đai, để lên đường thực hiện một cuộc hành trình về nguyên quán để kê khai, đăng ký hộ khẩu trong cuộc kiểm tra của hoàng đế. Đây không phải là một hành trình thoải mái hay dễ dàng đối với cặp vợ chồng trẻ mà người vợ đang mang thai sắp tới ngày sanh nở! Nhưng họ đã lên đường! Trong lòng họ tràn đầy hy vọng và mong đợi con trẻ sắp sinh ra; nhưng bước đi của họ nặng chịch trước những ngày tháng bơ vơ không nơi nương tựa giữa chốn đât khách quê người. Tiến về Bếtlêhem, một vùng đất họ không mong đợi, vì họ biết nơi đó họ sẽ không tìm đâu ra một chỗ dung thân.
Cùng với dòng người trẩy về nguyên quán như Maria và Giuse, chúng ta cũng từng chứng kiến ngàn vạn gia đình đang di cư, di tản trong thời đại chúng ta! Họ không có lựa chọn, ra đi vì họ bị đẩy ra khỏi quê hương, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại làng mạc phố xá với những người thân… Họ ra đi với một hy vọng, hy vọng cho ngày mai. Thoát cảnh tàn sát của Vua Hêrôđê ngày nay là tránh những kẻ bạo tàn, dành dựt cướp bóc tài sản… khiến họ không ngần ngại tàn sát và giết chóc!
Maria và Giuse không tìm ra một chỗ trọ, nhưng các Ngài đã sinh ra một Đấng ban làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Đấng quyền năng nắm giữ mọi sự lại trở nên nghèo nàn hầu nâng chúng ta là những kẻ nghèo hàn cơ bần lên hàng nghĩa tử vinh hạnh của phận con cái Thiên Chúa.
Trong đêm đó, Đấng hạ sinh trong máng cỏ mà các mục đồng là những kẻ đầu tiên được đón nhận tin vui, họ là đại diện cho chúng ta và cho những ai vì lý do này nọ phải sống bên lề trái của xã hội, bị coi là kẻ cùng đinh, rách nát khố ôm, hôi hám bị người đời xa tránh… Họ bị coi là những người ngoại đạo, tội lỗi, không có quyền công dân… Ấy vậy họ lại là những người được các thiên thần mời gọi, như năm xưa các thiên sứ kêu mời: “Anh em đừng sợ; Ta mang đến cho các ngươi một tin vui lớn lao cho mọi dân nước là hôm nay một người con đã được sinh ra trong thành Vua David, Ngài là Đấng Cứu Thế, Đấng Mết-si-a và là Thiên Chúa “(Lc 2,10-11).
Đây là niềm vui mà chúng ta qui tụ lại đêm nay để chia sẻ, để kỷ niệm và để loan truyền. Niềm vui mà trong lòng thương xót vô hạn Thiên Chúa đã ẵm ôm lấy tất cả chúng ta, những người không là Do Thái giáo, yếu hèn tội lỗi và ngoại bang… Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta cũng phải hành xử như vậy.
Đức tin mà chúng ta công bố đêm nay làm cho chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi tình huống cuộc đời. Ngài hiện diện qua những lữ khách không được chào đón nồng hậu, thường không được nhìn nhận, đang rong ruổi qua các đường phố và các khu xóm của chúng ta, những hành khách trên xe buýt của thành phố chúng ta, đậu ngay trước cửa nhà chúng ta.
Chính đức tin này mời gọi chúng ta rộng mở tâm trí trước xã hội mới và những quan hệ mới, trong đó không ai cảm thấy mình không có đất sống trên trái đất này. Giáng sinh là thời điểm để biến sức mạnh của sợ sệt thành sức mạnh của lòng bác ái, thành sức bật cho một tâm lòng mới ắp đầy yêu thương bác ái. Việc từ thiện không có chỗ cho bất công, đây là một qui luật tự nhiên, nhưng chúng ta cần có can đảm để vượt qua những căng thẳng và mâu thuẫn, để tạo dựng những “ngôi nhà cơm bánh”, mở rộng đón mời mọi người. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô “(Bài giảng về Lễ khai mạc Triều đại của Ngài ngày 22 tháng 10 năm 1978).
Qua Hài Nhi Bethlehem, Thiên Chúa đến gặp chúng ta và làm cho chúng ta thành những người hoạt động tích cực cho cuộc sống chung quanh chúng ta. Ngài tự hiến mình cho chúng ta, để chúng ta có thể đưa Ngài vào cuộc sống của chúng ta, ẫm bồng Ngài và ôm lấy Ngài. Vì thế, trong Ngài, chúng ta không còn sợ hãi để nâng đỡ và ấp ủ những kẻ đói khát, xa lạ, trần truồng, yếu đau hay bị tù đầy (Mt 25: 35-36). “Đừng sợ! Hãy rộng mở cửa cho Chúa Kitô “. Trong Hài Nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành sứ giả cho niềm hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở thành những người đi vược dậy những ai đang ngụp nặn trong những nỗi tuyệt vọng! Trong Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người tiêu biểu cho lòng hiếu khách của Chúa.
Qua hồng ân niềm vui Giáng sinh của Hài Nhi tại Bêlem mà chúng ta hân hoan mừng lễ. Ước gì tiếng khóc của Ngài làm thức tỉnh chúng ta trước sự thờ ơ lãnh cảm của chúng ta hầu nhìn thấy những anh chị em đang đau khổ. Ước gì sự dịu dàng của Hài nhi đánh thức sự nhạy cảm của chúng ta để nhận ra những người bạn lữ hành đang thăm viếng khu phố hay làng mạc của chúng ta, trong bối cảnh lịch sử và cuộc sống hôm nay. Ước mong sự nhạy bén của Hài Nhi mời gọi chúng ta đáp lại tâm tình của Ngài để trở thành những ngôn sứ của niềm hy vọng và sự dịu dàng tươi mát cho người thế hôm nay.