Đức Thánh Cha cho biết mục đích của ngài trong chuyến đi này là “tìm kiếm đối thoại và hiệp nhất. Điều mà thế giới của chúng ta đang hết sức cần, cần tìm thấy sự hài hòa.” Ngài khai triển bài diễn văn của ngài theo ý nghĩa của một loại nhạc cụ truyền thống và đặc trưng của Kazakhstan, là đàn dombra. Nó là một biểu tượng văn hóa và là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Kazakhstan.
Diễn văn được gợi hứng từ đàn dombra của Kazakhstan
Ngài nói: “Khi chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi được biết rằng một số kiểu đàn dombra đã được chơi trong thời trung cổ và trải qua nhiều thế kỷ, nó đã đi cùng với những câu chuyện âm nhạc sagas và các tác phẩm thơ ca, nối kết quá khứ với hiện tại. Là biểu tượng của sự liên tục trong sự đa dạng, do đó, nó khắc sâu vào ký ức của đất nước, và do đó, trước những thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội, nó nhắc lại tầm quan trọng của việc không bỏ qua các mối liên hệ với cuộc sống của những người đi trước chúng ta, ngay cả ngang qua những truyền thống làm cho quá khứ trở thành kho báu và trân quý những gì đã được kế thừa.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ký ức về Kazakhstan mang một lịch sử vẻ vang về văn hóa, nhân văn và đau khổ. Đặc biệt, làm sao có thể quên những trại cầm tù và những vụ trục xuất hàng loạt với sự đàn áp rất nhiều người trong các thành phố và trên các thảo nguyên vô tận của vùng này? Nhưng người Kazakh không để cho mình bị giam cầm bởi những bất công này: từ ký ức bị giam cầm đã nở hoa thành sự chữa lành của hòa nhập. Mảnh đất này, mảnh đất từ thời xa xưa đã trải qua những cuộc đại di dời của các dân tộc, ký ức về những đau khổ và thử thách, là hành trang không thể thiếu để lên đường hướng đến tương lai, đặt phẩm giá con người, của mỗi con người và của mỗi nhóm sắc tộc, xã hội, tôn giáo lên trên hết.”
Quay lại với đàn dombra: nó được chơi bằng cách gảy hai dây. Kazakhstan cũng được đặc trưng bởi khả năng hoạt động bằng cách tạo ra sự hài hòa giữa “hai dây song song”: nhiệt độ rất lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè; giữa truyền thống và cấp tiến, được biểu trưng bằng sự gặp gỡ của các thành phố cổ với các thành phố hiện đại khác, chẳng hạn như thủ đô này. Trên hết, những nốt nhạc của hai linh hồn, Á và Âu, vang lên trong Đất nước khiến cho nó trở thành “sứ mạng thường trực kết nối hai châu lục” (ID., Diễn văn với người trẻ, 23/9/2001); “Một cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á”, “Một vòng nối giữa Đông và Tây” (ID., Diễn văn nghi thức chào biệt, 25/9/2001). Các dây đàn dombra thường cộng hưởng với các nhạc cụ dây đặc trưng khác của vùng này: sự hoà điệu kết hợp và vang lên cùng nhau như một tổng thể, làm thành hợp xướng làm hài hoà cuộc sống xã hội. “Đoàn kết là nguồn gốc của thành công,” như một câu tục ngữ hay của địa phương. Điều này đúng ở mọi nơi, đặc biệt tại đây: khoảng một trăm năm mươi dân tộc và hơn tám mươi ngôn ngữ hiện diện trên đất nước, với lịch sử, truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, đã tạo nên một bản giao hưởng đặc biệt và biến Kazakhstan trở thành một quốc gia độc đáo đa sắc tộc, đa văn hoá và đa tôn giáo. Nó cho thấy ơn gọi đặc thù, là trở thành một Đất nước của sự gặp gỡ.
Nhà nước thế tục lành mạnh
Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi đến đây để nhấn mạnh về tầm quan trọng và tính cấp thiết của khía cạnh này, mà các tôn giáo được mời gọi đóng góp một cách cụ thể; do đó tôi sẽ có vinh dự được tham gia vào Đại hội lần thứ bảy của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống. Hiến pháp Kazakhstan, tự định nghĩa là nhà nước thế tục, đã quy định quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như từ chối liên kết tôn giáo, cấm cải đạo và tham gia cưỡng bách. Một chủ nghĩa thế tục lành mạnh, với việc thừa nhận vai trò quý giá và không thể thay thế của tôn giáo và chống lại chủ nghĩa cực đoan ăn mòn nó, trình bày một điều kiện thiết yếu để mọi công dân được đối xử bình đẳng, cũng như để thúc đẩy ý thức thuộc về đất nước của mọi thành phần dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Thật vậy, các tôn giáo, trong khi đóng vai trò không thể thay thế là tìm kiếm và làm chứng cho Đấng Tuyệt đối, cần được tự do diễn đạt mình. Và do đó, tự do tôn giáo tạo thành kênh tốt nhất cho sự chung sống dân sự.”
Đó là một nhu cầu được ghi trong tên của đất nước này, trong từ “Kazakhstan”, gợi lên việc bước đi tự do và độc lập. Việc bảo vệ tự do, một khát vọng được ghi tạc trong trái tim của mỗi người, điều kiện duy nhất để cuộc gặp gỡ giữa con người và các nhóm là thật và không giả tạo, được áp dụng vào xã hội dân sự chính yếu bằng việc thừa nhận các quyền với các nghĩa vụ kèm theo. Từ quan điểm này, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đối với sự khẳng định giá trị của sự sống con người thông qua việc xóa bỏ án tử hình, nhân danh quyền hy vọng cho mỗi con người. Bên cạnh đó, điều quan trọng là đảm bảo quyền tự do tư tưởng, lương tâm và biểu đạt, tạo không gian cho vai trò duy nhất và bình đẳng mà tất cả mọi người đứng trong toàn thể.
Về điều này, đàn dombra cũng có thể có một gợi hứng. Chính yếu nó là một nhạc cụ dân gian và do đó, truyền tải vẻ đẹp của việc bảo tồn tài năng và sự sinh động của một dân tộc. Trước hết, việc này được giao phó cho các cơ quan dân sự, chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy công ích, và được thực hiện một cách đặc biệt thông qua việc ủng hộ dân chủ, đó là cách thức phù hợp nhất để quyền lực nhằm phục vụ toàn dân chứ không chỉ cho một số ít. Tôi biết rằng, đặc biệt là trong những tháng gần đây, một quá trình dân chủ hóa đã được khởi động nhằm tăng cường quyền lực của Quốc hội và chính quyền địa phương và nói chung là sự phân bổ quyền lực nhiều hơn. Đó là một hành trình dày công và đòi hỏi nhiều nỗ lực, chắc chắn không phải một sớm một chiều, nhưng đòi hỏi phải tiếp tục nhắm tới mục tiêu mà không quay lùi. Thật vậy, sự tin tưởng vào những người cầm quyền tăng lên khi những lời hứa không phải là công cụ, nhưng thực sự được thực hiện.
Dân chủ thực sự
Ở mọi nơi, điều cần thiết là dân chủ và hiện đại hóa không phải đặt ở những tuyên ngôn, mà biến thành việc phục vụ người dân một cách cụ thể: một chính sách tốt được tạo nên từ việc lắng nghe người dân và đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ, sự tham gia thường xuyên của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ và nhân đạo, đặc biệt quan tâm đến người lao động, người trẻ và những người dễ bị tổn thương nhất. Và còn cần các biện pháp chống tham nhũng, mà mọi quốc gia trên thế giới đều cần. Phong cách chính trị dân chủ thực sự này là phản ứng hữu hiệu nhất đối với các chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cá nhân và dân túy có thể xảy ra, vốn đe dọa sự ổn định và hạnh phúc của các dân tộc. Tôi cũng nghĩ đến nhu cầu về một nền an ninh kinh tế nhất định, vốn đã được nêu lên hồi đầu năm ở một số vùng, nơi mặc dù có nguồn năng lượng đáng kể, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đó là một thách thức không chỉ ở Kazakhstan, mà toàn thế giới, nơi đó sự phát triển toàn diện bị kiềm giữ làm con tin bởi sự bất công phổ biến, theo đó các nguồn lực được phân bổ không đồng đều. Đồng thời, nhiệm vụ của nhà nước cũng như của khu vực tư nhân là đối xử công bằng với mọi thành phần dân cư, có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, và thúc đẩy phát triển kinh tế không dựa trên việc thu lợi của một số ít, mà là phẩm giá của mỗi người lao động.
Hoà bình và hoà hợp
Quay lại lần cuối với đàn dombra. Nó hợp nhất Kazakhstan với một số quốc gia khác trong khu vực xung quanh và góp phần làm lan toả văn hóa của mình ra khắp thế giới. Cũng như thế, tôi cầu chúc tên của đất nước vĩ đại này sẽ tiếp tục đồng nghĩa với sự hòa hợp và hòa bình. Kazakhstan được định hình là ngã tư của các trung tâm địa chính trị lớn: do đó, Kazakhstan đóng một vai trò nền tảng trong việc giảm thiểu xung đột. Tại đây, Đức Gioan-Phaolô II đã đến để gieo hy vọng ngay lập tức sau các cuộc tấn công bi thảm năm 2001. Tôi đến đây khi cuộc chiến điên cuồng và bi thảm của sự xâm lược Ucraina đang diễn ra, trong khi các cuộc đụng độ và đe dọa xung đột khác gây nguy hiểm cho thời đại chúng ta. Tôi đến để khuếch đại tiếng kêu của nhiều người cầu xin hòa bình, một con đường phát triển thiết yếu cho thế giới toàn cầu hóa của chúng ta.
Do đó, nhu cầu mở rộng dấn thân ngoại giao ủng hộ đối thoại và gặp gỡ ngày càng trở nên cấp thiết, bởi vì vấn đề của một người ngày nay trở thành vấn đề của mọi người, và ai nắm giữ quyền lực nhiều hơn trên thế giới thì có trách nhiệm lớn hơn đối với người khác, đặc biệt là các quốc gia bị đặt vào cuộc khủng hoảng lớn bởi luận lý xung đột. Điều này cần được xem xét, không chỉ dừng lại ở những lợi ích có lợi cho riêng mình. Đây là thời điểm tránh nhấn mạnh việc chạy đua và tăng cường các khối đối lập. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo, ở cấp độ quốc tế, có khả năng làm cho các dân tộc hiểu nhau và đối thoại, và tạo ra một “tinh thần Helsinki” mới, ý chí củng cố chủ nghĩa đa phương, xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn, khi nghĩ đến các thế hệ mới. Và để làm được điều này chúng ta cần sự thấu hiểu, kiên nhẫn và đối thoại với tất cả. Tôi nhắc lại, với tất cả.
Từ bỏ vũ khí hạt nhân, tăng cường năng lượng sạch
Nghĩ đến sự dấn thân toàn cầu cho hòa bình, tôi bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đối với việc từ bỏ vũ khí hạt nhân mà đất nước này đã quyết tâm thực hiện; cũng như để phát triển các chính sách năng lượng và môi trường tập trung vào khử cacbon và đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, mà Triển lãm Quốc tế cách đây 5 năm đã nhấn mạnh. Điều này, cùng với sự quan tâm đến đối thoại và khoan dung giữa các tôn giáo, là những hạt giống hy vọng cụ thể được gieo trồng trong mảnh đất chung của nhân loại, mà chúng ta phải vun đắp cho các thế hệ mai sau; cho những người trẻ, những người có mong ước nhìn vào đó để đưa ra lựa chọn cho hôm nay và ngày mai. Tòa Thánh gần gũi với quý vị trong hành trình này: quan hệ ngoại giao được thiết lập ngay sau khi đất nước độc lập, ba mươi năm trước, và tôi rất vui được đến thăm đất nước trước ngày kỷ niệm này. Tôi cam kết rằng người Công giáo, hiện diện ở Trung Á từ rất xưa, mong muốn tiếp tục làm chứng cho tinh thần cởi mở và đối thoại tôn trọng, đặc trưng cho vùng đất này.
Buổi gặp gỡ kết thúc lúc khoảng 20:00 giờ địa phương, Tổng thống đã chào và tiễn Đức Thánh Cha ra xe để về Toà Sứ Thần cách đó 3,7km
Văn Yên, SJ – Vatican News