Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fides, Đức Tổng giám mục Peter Chung nói: “Tôi tin rằng nhiều người trẻ ở miền Nam đang bắt đầu nghĩ rằng hòa giải hoặc thống nhất không phải là con đường khả thi. Hy vọng đang giảm dần”.
Hành động cắt đứt liên lạc của phía Triều Tiên
Gần đây, Triều Tiên đã có một bước đi quyết liệt bằng cách cắt đứt mọi tuyến đường bộ và đường sắt vào Hàn Quốc, với việc quân đội Triều Tiên tuyên bố kế hoạch “chia cắt hoàn toàn” hai quốc gia.
Quân đội cũng tiết lộ ý định “cô lập và phong tỏa vĩnh viễn biên giới phía nam” và mô tả động thái này là “biện pháp tự vệ để ngăn chặn chiến tranh”. Hành động mang tính biểu tượng này đánh dấu một trong những điểm căng thẳng cao nhất giữa hai quốc gia láng giềng trong những năm gần đây.
Giáo hội tiếp tục sứ mạng vì hòa bình
Dù thừa nhận tình hình ảm đạm hiện tại, Tổng Giám mục của Seoul đã nhấn mạnh đến nhu cầu tiếp tục nỗ lực hướng tới hòa bình: “Tôi nghĩ rằng việc mơ ước, hình ảnh chung sống hòa bình và tiếp tục giữ cho ngọn lửa hy vọng cháy sáng trong xã hội Hàn Quốc là điều phù hợp, đặc biệt là ngày nay, trong tình trạng bế tắc hiện tại, với sự tắc nghẽn hoàn toàn về giao tiếp, tình hình rất u ám”. Ngài nhấn mạnh rằng “Sứ mạng của chúng ta là tiếp tục cầu nguyện và giáo dục vì hòa bình: Giáo hội tiếp tục tự hỏi mình có thể và phải làm gì vì hòa bình”.
Về phần Đức Cha Simon Kim Ju-young của Chuncheon, chủ tịch Ủy ban Hòa giải của Hội đồng Giám mục, đồng tình với mối quan tâm của Tổng Giám mục Seoul, ngài lưu ý đến sự đổ vỡ hoàn toàn trong giao tiếp, ngay cả về các vấn đề nhân đạo. Ngài than phiền: “Cả hai bên đều nhìn nhau với thái độ thù địch nào đó, và mọi kênh đều bị đóng lại, ngay cả với kênh viện trợ nhân đạo vốn trước đây vẫn được mở”. Ngài cho biết tất cả người dân Hàn Quốc đều đồng ý gửi viện trợ nhân đạo đến Triều Tiên, nhưng Triều Tiên vẫn đóng mọi kênh, ngay cả kênh nhân đạo.
Vatican News