Trong hai năm qua, đại diện của Đức Thánh Cha đã thực hiện 7 chuyến đi đến đất nước này. Lần đầu tiên ngài đã chứng kiến cảnh người này giết người kia, và cảnh anh em giết hại nhau. Cuộc chiến dường như bị kích động bởi sự trả thù chống lại một dân tộc có quyền được sống trong hoà bình.
Nhưng trong hai năm qua, Tổng trưởng Bộ Bái ái cũng đã thấy được rất nhiều tình liên đới. Ngài nói: “Tôi đã gặp nhiều người thiện chí cống hiến thời gian, nguồn lực để giúp đỡ hàng triệu người, vì chiến tranh, bị buộc phải rời bỏ nhà cửa chỉ với một chiếc túi nhựa. Ngày nay, vẫn còn nhiều người tốt tiếp đón người Ucraina tị nạn đến gõ cửa nhà. Đây là mặt thứ hai của cuộc chiến đáng bị nguyền rủa, đó là niềm hy vọng. Tạ ơn Chúa, chỉ riêng từ Roma, chúng tôi đã gửi hơn 240 xe tải viện trợ nhân đạo đến các vùng lãnh thổ đang có chiến tranh”.
Đề cập đến việc ngày này hầu như tất cả các nước đều sản xuất vũ khí, Đức Hồng Y đặt câu hỏi: “Khi nào bình an ngự trị trong tâm hồn tôi? Khi nào tôi có thể trở thành người gieo hoà bình?”. Về điều này, Đức Hồng Y nói rằng ngài có được sự bình an khi cảm nhận được lòng thương xót Chúa, sau khi xưng tội, cảm nhận được tha thứ và khi bắt đầu tha thứ cho người khác. Trong giây phút đó ngài cảm nhận tràn đầy bình an, bình an không đến từ thế gian nhưng đến trực tiếp từ Chúa. Hoà bình không chỉ có nghĩa là dập tắt lửa, ngừng bắn, nhưng là mặc lấy lòng thương xót, nghĩa là tha thứ và cầu xin sự tha thứ.
Cuối cùng, Đức Hồng Y mời gọi mọi người cầu nguyện với niềm xác tín rằng sức mạnh của cầu nguyện có thể chuyển núi dời non huống gì việc ngăn chặn cuộc chiến ngu ngốc này. Ngài dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, con khiêm tốn xin Chúa phép lạ hoà bình. Chúa là Đấng Toàn Năng biết chúng con cần hoà bình, điều mà chỉ có Chúa mới có thể trao ban. Xin ban cho những người thúc đẩy hoà bình luôn kiên trì trong điều thiện và những ai cản trở hoà bình tìm được sự chữa lành, được giao hoà với Chúa và với anh chị em, tránh xa sự ác, bởi vì mọi cuộc chiến đều là một thất bại”.
Vatican News