Vài phản ứng về dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Iraq

Nghe bài này

Tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Iraq vào tháng 3 năm tới mang lại vui mừng, phấn khởi và hy vọng cho Giáo Hội, chính quyền và nhân dân Iraq, nhưng cũng có một số người tại Tây phương lo ngại chuyến tông du của ngài có thể làm lan lây virus corona tại một nước có hệthống y tế yếu kém.

G. Trần Đức Anh OP

Cách đây 2 tuần, ngày 7/12/2020, Phóng báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Iraq trong 4 ngày từ 5 đến 8/3/2021, và cho biết chương trình tổng quát, theo đó ngài sẽ thăm thủ đô Baghdad, bình nguyên Ur, có liên hệ tới Tổ Phụ Abraham, thành phố Erbil cũng như hai thành phố Mossul và Qaraqosh ở bình nguyên Ninive, nơi vốn có đông đảo tín hữu Kitô.

Dự án thăm Iraq đã có từ lâu

Chuyến Tông du Iraq sẽ là cuộc tông du đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô từ gần 17 tháng, tức là kể từ tháng 11 năm ngoái tại 2 nước Á châu: Thái Lan và Nhật Bản. Cuộc viếng thăm của ngài tại Iraq đã được mong đợi từ lâu. Ngày 10/6/2019, chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý định viếng thăm Iraq khi tiếp kiến các tham dự viên Liên hiệp các tổ chức bác ái trợ giúp các Giáo Hội Đông phương, gọi tắt là Roaco. Ý định này càng cụ thể hơn khi ngài tiếp tổng thống Iraq, ông Berham Salih, ngày 25/1/2020.

 Phản ứng vui mừng và hy vọng

Phản ứng từ phía Giáo quyền và chính quyền Iraq rất là phấn khởi và vui mừng. Như Đức Cha Michael Najeeb Moussa O.P, Tổng Giám Mục giáo phận Mossul ở miền bắc Iraq, nói với với hãng tin Sir của Hội Đồng Giám Mục Ý truyền đi hôm 8/12/2020, tức là 1 ngày sau khi có tin Đức Thánh Cha sẽ thăm Iraq. Đức Tổng Giám Mục nói rằng: ”Chúng tôi vui mừng vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm thành Mossul và vùng bình nguyên Ninive vào tháng 3 năm tới. Dân chúng vui mừng vì tin này. Tôi hy vọng nhiều người, nhờ cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, có thể trở về gia cư và quê hương của họ”.

 Giá trị biểu tượng của cuộc viếng thăm

Đức Tổng Giám Mục Moussa cho biết cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có một giá trị biểu tượng rất cao đối với các tín hữu Kitô. Đây là một biến cố rất quan trọng. Các tín hữu Kitô Iraq và những người Yezidi đã phải sống trong kinh hoàng từ năm 2014 đến 2017 dưới chế độ Nhà Nước Hồi giáo IS, và cả thời kỳ sau khi nhà độc tài Saddam Hussein bị sụp đổ hồi năm 2003. Sau khi các lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS chiếm vùng bình nguyên Ninive và thành Mossul hồi tháng 8 năm 2014, phần lớn các tín hữu Kitô và người Yezedi tại đây phải tị nạn lên miền bắc. Mossul là thành phố có 3 triệu dân trước chiến tranh, đứng thứ 2 tại Iraq, có rất đông Kitô hữu, nhưng ngày nay tại thành phố này chỉ còn 50 gia đình Kitô, nhiều nhà của họ vẫn trống rỗng hoặc bị tàn phá. Đức Tổng Giám Mục Moussa hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp nhiều gia đình Kitô hồi hương như một dấu chỉ hòa bình và thịnh vượng, không những tại thành Mossul nhưng cả vùng bình nguyên Ninive. Hiện thời nhiều gia đình vẫn còn sống trong các trại tị nạn ở thành Erbil thuộc vùng Kurdistan ở mạn bắc Iraq (Sir, Kath. 9-12-2020).

 Đức Hồng Y Louis R. Sako

Về phần  Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công Giáo Canđê, ngài mời gọi các tín hữu Kitô Iraq và toàn Trung Đông tận dụng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha như một cơ hội Chúa Quan Phòng ban để thực hiện một cuộc lữ hành hoán cải và trở về với những nguồn mạch đầu tiên, để hăng say loan báo ơn cứu độ được hứa trong Tin Mừng, mưu ích cho tất cả mọi người. Trong sứ điệp mục tử gửi các tín hữu, Đức Hồng Y mời gọi mời gọi mọi người ”tỉnh thức để tránh cơ hội thuận tiện này qua đi mà không để lại dấu vết nào trong chúng ta, trong Giáo Hội và đất nước chúng ta”.

 Tận dụng cuộc thăm của Đức Thánh Cha để hoán cải và đổi mới

Sứ điệp của Đức Hồng Y Sako cũng chứa đựng nhiều gợi ý quí giá để sống cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, làm sao để ”Giáo Hội hăng say hơn, trở lại với tinh thần quyết liệt của Tin Mừng, gần gũi hơn với dân chúng, quảng đại và vui tươi phục vụ bằng mọi phương thế, theo gương cha ông của chúng ta, các thánh và các vị tử đạo”.

 Lo ngại tại Tây phương

Ngoài các phản ứng vui mừng và tích cực như thế, tại Tây phương, người ta cũng ghi nhận có những người bày tỏ ngạc nhiên và lo ngại về dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Iraq trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn lan mạnh tại nước này. Lo ngại này từ phía các chuyên gia y tế và các nhà thần học luân lý Công Giáo được ký giả Joshua McElwee thu thập và trình bày trong một bài đăng trên mạng của tạp chí trực tuyến ”Phóng viên Công Giáo quốc gia” (National Catholic Reporter) ở Mỹ truyền đi ngày 14/12/2020. Họ e rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể làm cho virus corona lây lan mạnh hơn trong một nước vốn có hệ thống y tế kém phát triển.

”Mặc dù một số quốc gia đang có chương trình chủng ngừa cho dân chúng từ đầu năm mới và trong mùa xuân, nhưng tại Iraq khó lòng có chương trình như vậy, vì cả trong thời trước đại dịch, các thuốc men cơ bản vẫn ở trong tình trạng thiếu thốn tại nước này”.

 Vài nhà luân lý đặt vấn đề

Trong bối cảnh đó, các bác sĩ và thần học gia mà ký giả Joshua McElwee phỏng vấn, lo ngại rằng cuộc viếng thăm 4 ngày của Đức Thánh Cha tại Iraq có thể tạo dịp cho những người thuộc ban tổ chức và nhân viên an ninh tại nước này có thể bị lây nhiễm virus corona, cho dù ban tổ chức có thể hạn chế số người tham dự các buổi lễ hoặc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng.

Chẳng hạn bác sĩ Howard Forman, một bác sĩ X quang và giám đốc chương trình quản lý săn sóc sức khỏe tại trường Y khoa Yale bên Mỹ về sức khỏe cộng đồng, nhận định rằng ”Thật rất khó biện minh cho chuyến đi như thế của Đức Giáo Hoàng”. Mặc dù bác sĩ đánh giá cao tầm quan trọng sứ vụ của ngài, nhưng theo ông, chuyến đi Iraq của ngài không có ích lợi trong việc giảm bớt sự lây nhiễm virus.

Hoặc cha Andrea Vicini SJ, vốn là một bác sĩ và hiện là một giáo sư về đạo đức sinh học tại Học Viện của dòng Tên ở thành phố Boston, Hoa Kỳ, cũng bày tỏ lo ngại vì cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có thể tạo nên nguy cơ lây nhiễm virus corona cho dân chúng. Cha nói: ”Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng phải là một cuộc viếng thăm không gây rủi ro cho ai.. Hiện thời chúng ta không thể thực sự có một tình trạng không có rủi ro cho sức khỏe của những người liên hệ.. Trong một đại dịch, những người đau khổ nhất chính là những người dễ bị tổn thương nhất. Phải chăng chúng ta muốn làm cho họ bị nguy hiểm hơn do một tình trạng chúng ta gây ra?”.

Hy vọng vắc-xin giảm bớt nguy cơ

Theo tác giả bài báo, có thể không có nguy cơ lây nhiễm từ phía phái đoàn Vatican tháp tùng Đức Giáo Hoàng trong cuộc viếng thăm, vì trong thời gian ngắn tới đây, các nhân viên Vatican sẽ được chích ngừa virus corona với vắc-xin bắt đầu được phổ biến. Tobias Winright, giáo sư về đạo đức y tế tại Đại học Thánh Louis ở Mỹ đề nghị Vatican có thể dùng vắc-xin mình có để chích ngừa cho những người ở Iraq mà Đức Giáo Hoàng định gặp, hoặc cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ có thể cung cấp các vắc-xin ấy thay cho Vatican”.

 Tòa Thánh thận trọng

Điều chắc chắn là phía Tòa Thánh cũng như chính quyền và giáo quyền Công Giáo tại Iraq rất quan tâm đến các vấn đề virus corona liên quan đến dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha. Trong thông cáo ngày 7/12/2020, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói: ”Chương trình viếng thăm sẽ được thông báo vào thời gian thích hợp, để ý đến diễn tiến của tình trạng khẩn trương về y tế trên thế giới”.

 Kinh nghiệm quá khứ

Cũng nên nhắc lại rằng cách đây hơn 5 năm, khi Tòa Thánh công bố dự án viếng thăm Cộng hòa Trung Phi hồi cuối tháng 11 năm 2015, có nhiều giới chức hữu trách, như quân đội Pháp hoặc đội quân bảo hòa của Liên Hiệp Quốc tại nước này hết sức khuyên can Đức Thánh Cha đừng viếng thăm, vì tình trạng nội chiến tại Trung Phi vẫn còn ở mức độ cao giữa các nhóm võ trang, nhưng Đức Thánh Cha nhất quyết tiến hành và cuộc viếng thăm của ngài được được chào mừng như một thành công lớn về nhiều phương diện.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS