Trong hành trình đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng. Các dụ ngôn đó được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu chuyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng. Thái độ của người chủ xem ra hợp lý nhưng có lẽ không mấy hợp tình. Và nếu chúng ta chưa hoàn toàn chấp nhận được thái độ đó, chúng ta còn phải tìm hiểu, bởi vì nói đã được dùng để gợi lên thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người.
Ta vẫn thường thấy các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Ta nghe thấy gia chủ bảo viên quản lý trả công cho thợ, và bắt đầu từ người mướn sau cùng. Họ được một đồng. Chắc họ đã phải trố mắt ra bỡ ngỡ và sung sướng nhận đồng tiền không ngờ. Ðiều đó khiến những người trước chan chứa hy vọng. Họ tưởng sẽ được nhiều hơn và đã thầm quý ông chủ. Ai ngờ, họ cũng chỉ nhận được một đồng. Lập tức họ đã càm ràm. Chúng ta thông cảm với họ. Vì ở địa vị họ, ai cũng dễ làm như thế. Họ là loài người chúng ta, đang khi người gia chủ lại không thuộc thế gian này.
Câu chuyện dừng lại ở đây và ta thấy không một ông chủ nào lại cho phép mình trả tiền công cho những người thợ giờ thứ mười một bằng thờ giờ đầu tiên. Một bậc lương duy nhất cho tất cả mọi người, điều đó không bao giờ có. Trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, thì điều ấy lại không bao giờ xảy ra. Mỗi người được trả lương tùy theo khả năng, công việc và giờ làm việc của mình.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách làm nổ bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?”. Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Thật ra ông chủ đã đối xử sòng phẳng với những người làm việc từ sáng sớm. Ông ta đã trả mỗi người một đồng đúng như đã thỏa thuận. Ông ta không bóc lột sức lao động của ai cả : có làm có trả lương tương xứng, nếu ông ta không gọi thêm thợ thì mọi chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì, nhưng vì có nhóm thợ làm ít giờ hơn cũng được trả lương bằng mình, nên có việc ganh tị, và nhất là đánh giá tiêu cực về ông chủ.
Điều này có nghĩa là đừng tìm trong trang Tin Mừng này một giải pháp cho các vấn đề lao động thời đại chúng ta. Sứ điệp chính yếu ở chỗ khác. Khi kể các dụ ngôn về thực tại mầu nhiệm là Nước Trời, Chúa Giê su thường đưa ra những chi tiết phóng đại. Như chủ nhật vừa rồi trong câu truyện về người đầy tờ mắc nợ chủ mình một số tiền kết xù không thể trả nổi. Nếu Chúa Giê su nói như thế, chính vì muốn đề đề cao giá trị sứ điệp mà Ngài muốn chuyển đến chúng ta.
Ta thấy câu chuyện này là của một ông chủ đi tìm thợ làm vườn nho cho mình. Vườn nho ấy là một biểu tượng rất phong phú thường được dùng trong Kinh Thánh . Trong Cựu Ước, vườn nho chỉ dân Israên, và Chúa Giê su áp dụng để chỉ Nước Thiên Chúa. “Ta là cây nho, anh em là nhành nho”.
Do đó, vườn nho chính là toàn thể dân Thiên Chúa. Chúa Giê su còn đi xa hơn khi khẳng định thêm rằng vườn nho ấy cần phải sinh hoa kết trái. Vì thế Thiên Chúa cần thợ để chăm sóc vườn nho cho Ngài. Suốt ngày, Ngài tìm người làm thuê, già, trẻ, lớn bé, khỏe mạnh hay đau yếu đều được Ngài tin tưởng mời gọi. Tắt một lời, tất cả chúng ta đều được mời gọi.
Làm việc trong vườn nho, là phải chăm sóc, tưới bón cây cho tốt, phải làm thế nào để cây sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh muốn nói rằng tất cả mọi người được Chúa mời gọi và sai đi đến những người chung quanh, đặc biệt những người bị thương tích vì những thử thách của cuộc sống, của bạo lực và bệnh tật.
Những người được mướn trước đã phàn nàn thế nào? Họ nói: “Hạng cuối hết này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại kể ngang hàng với chúng tôi là những kẻ đã vác nặng cả một ngày trường với nắng nôi thiêu cháy”. Họ so sánh, phân bì, ghen tương. Họ không chịu cho anh em được bằng mình. Họ nói lên tâm trạng của Biệt phái và người Dothái khi thấy Chúa thương xót người thu thuế tội lỗi và lương dân. Tâm địa còn được nhiều dụ ngôn khác nói lên.
Như trong truyện “người con phung phá”, người anh đã bất bình, không muốn chia sẻ tình thương của người cha với đứa em… Và trong chuyện Zakhê, các Biệt phái đã bất bình khi thấy Chúa Yêsu ngồi ăn với những thu thuế. Rồi trong chuyện xảy ra tại nhà ông Simon, người ta cũng càm ràm khi thấy người phụ nữ tội lỗi được lòng thương xót của Chúa. Và trong mọi câu chuyện trên, Ðức Yêsu đều muốn dạy người ta bài học này: “Ta muốn lòng nhân nghĩa chứ không phải hy lễ!”.
Câu kết luận có thể làm cho ta hiểu tầm quan trọng của dụ ngôn. “Đâm ghen tức” là cách dịch thoáng của kiểu nói: “cái nhìn, đôi mắt ác cảm, cái nhìn dữ tợn” mà sách Châm ngôn và Huấn ca thường dùng để chỉ sự tức giận và ghen tương của con người.
Do đó câu trên đây sẽ thành: “Hay mắt bạn dữ tợn vì tôi tốt lành”. Lòng tốt của ông chủ không phải do sự hưng phấn, hay cố ý bất công, mà là do bản tính của ông. Ông không muốn gây thiệt hại cho người đến trước nhưng chỉ muốn làm điều tốt cho người đến sau.
Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót: câu ngụ ngôn nầy không chú thích ý nghĩa của dụ ngôn ở trên, vì dụ ngôn thì nói đến việc đối xử đồng đều, còn câu châm ngôn nầy thì đề cao sự đảo ngược. Do đó câu nầy không ăn khớp với dụ ngôn cuối cùng, cùng lắm chỉ có tính tương tự mà thôi.
Tưởng nghĩ ta cũng nên xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
Huệ Minh