Cầu nguyện là một việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: Ngài vào sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ công khai; Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các Tông đồ; trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.
Ðược nhiều lần chứng kiến Chúa Giêsu chìm sâu trong sự kết hiệp với Chúa Cha, và niềm mong ước được đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha, như Chúa Giêsu, các Tông đồ đã đến xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, và Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha.
Ta thấy chính lúc Chúa Giêsu cầu nguyện chính là giờ phút Ngài gặp gỡ thân tình với Cha Ngài. Vì thế, việc Chúa Giêsu cầu nguyện nơi thanh vắng vào lúc sáng sớm tinh sương cũng như khi chiều hôm buông xuống là “chuyện hằng ngày”. Thánh Mátthêu đặt giáo huấn này vào trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi, trong khi thánh Lu-ca đặt giáo huấn này ngay liền sau khi Ngài cầu nguyện xong. Chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu dẫn đưa các môn đệ của Ngài vào trong chính lời cầu nguyện của Ngài; Ngài cho họ thân thưa với Thiên Chúa là “Cha” như Ngài.
Chúa Giêsu đã từng chê trách và bài trừ lối cầu nguyện của Biệt Phái, có khuynh hướng vụ hình thức, thích đứng giữa ngã ba đường mà cầu nguyện, cốt cho người ta trông thấy, để kheo khoang mình đạo đức. Cả lối cầu nguyện của người ngoại nữa: họ cầu nguyện lải nhải, họ tưởng cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần một lời kinh, mới được Thiên Chúa nhận lời. Còn các môn đệ của Chúa Giêsu thì khiêm tốn và chân thành xin Chúa dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu nguyện thế nào là cầu nguyện đích thực? Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện theo mẫu kinh lạy Cha. Chúng ta suy niệm, học hỏi mẫu cầu nguyện ấy, để chúng ta cầu nguyện đẹp ý Chúa.
Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa “Lạy Cha” là Người đưa chúng ta vào trong tương quan diện đối diện với Thiên Chúa, khiêm tốn, tin tưởng bước vào với tình con thảo. Tuy lời cầu nguyện tạ ơn dài trong Thánh Vịnh thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con tạ ơn danh Chúa vì tình thương và chân lý”; “Nếu tôi đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn tôi sống”; “Chúa ra tay phản đối quân thù tôi giận giữ”; “Chúa sẽ hoàn tất cho tôi những điều Ngài đã khởi sự! Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại đến muôn đời” (Tv 137, 1-8)… Nhưng, thánh vịnh gia còn phải đương đầu với quân thù và những cám dỗ đang rình rập, lúc mà Thiên Chúa trung thành hình như vắng mặt.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do Thái: Trong Cựu Ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do Thái trong Cựu Ước. Ðó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miện con trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong Kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa.
Cầu nguyện trước tiên là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta đích thân đến gặp Ngài. Chúng ta hồi tâm đặt mình trước Thiên Chúa trong chính lòng mình nhờ đức tin. Nếu không, chúng ta sẽ không có được việc cầu nguyện đích thực. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện theo mẫu kinh lạy Cha, và khi cầu nguyện chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: “ Lạy Cha”.
Lời này gợi lên một tâm tình thân thương, thân mật, gần gũi với Thiên Chúa, lòng chúng ta thật vui sướng hạnh phúc, tin tưởng, lòng đầy hy vọng vào Chúa khi chúng ta cầu nguyện. Qua mẫu kinh lạy Cha, chúng ta được hiểu rằng: lời cầu nguyện đích thực cần phải được quy hướng về Thiên Chúa, và những nhu cầu của Nước Trời, trước khi chúng ta cầu xin cho những nhu cầu tinh thần, vật chất cho đời sống thường ngày của con người. Điều này chứng tỏ: cầu nguyện mang tính thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa, chứ không phải chỉ để cầu xin ơn này ơn kia.
Ta hãy nhớ đến ý nghĩa kinh Lạy Cha như là một bản tóm kết trọn vẹn cả Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, bản tóm gọn khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Ta cần khám phá kinh Lạy Cha, đây là trường dạy ta cầu nguyện và hãy cầu nguyện kinh Lạy Cha với tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để tha thứ cho anh chị em và đón nhận mọi người như anh chị em mình trong cùng một đại gia đình của Thiên Chúa.
Ðối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, việc đối thoại với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha trong ý nghĩa Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ Người hiểu, thì đó là một việc làm táo bạo và xúc phạm đến uy linh Thiên Chúa. Nếu không có lời Chúa Giêsu dạy để cầu nguyện như vậy, có lẽ con người phàm trần chúng ta không dám cất tiếng gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.
Kinh Lạy Cha là kinh quen thuộc đối với người Kitô hữu chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh này, thế nhưng chúng ta đã có thái độ thế nào? Người ta có lý để bảo rằng chúng ta đọc kinh một cách máy móc, thiếu hồn sống. Sỡ dĩ như vậy là vì chúng ta chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chưa đi vào quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với cha mình.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha – con. Cũng chính trong mối liên hệ thân thương này, mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người.
Và rồi ta xin Chúa tha thứ cho ta vì sự hời hợt, vô tình của ta đối với Cha. Xin cho ta con luôn biết siêng năng đến với Cha, để biết đón nhận Thánh ý Cha trao và thi hành.
Huệ Minh