Ý nghĩa chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Mông Cổ đối với mối quan hệ của Vatican với Nga và Trung Quốc

Nghe bài này

Courtney Mares của hãng tin CNA, ngày 27 tháng 8 năm 2023, nhận định rằng chuyến đi quốc tế tiếp theo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đưa ngài đến Mông Cổ, một nền dân chủ nằm giữa các cường quốc độc tài Nga và Trung Quốc.

Khi đến thủ đô Ulaanbaatar vào ngày 1 tháng 9, ngài sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo đến thăm Mông Cổ, nhưng chuyến đi có thể có những tác động địa chính trị vượt ra ngoài phạm vi dân số Công Giáo nhỏ bé của đất nước, chỉ là 1,450 người.

Mông Cổ là một nền dân chủ hậu Xô Viết tiếp tục có mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng địa lý là Trung Quốc và Nga cũng như mối quan hệ ngoại giao quan trọng với Hoa Kỳ, mà Mông Cổ gọi là “hàng xóm thứ ba”.

Trong bài phát biểu đầu tiên của ngài tại Cung điện Nhà nước Mông Cổ, Đức Giáo Hoàng sẽ phát biểu không chỉ với các nhà lãnh đạo dân chủ của Mông Cổ mà còn với các đoàn ngoại giao địa phương, bao gồm các quan chức đại sứ quán từ Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, bài phát biểu này là cơ hội để Đức Giáo Hoàng gửi một thông điệp tới Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Nga

Truyền thông nhà nước Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ đang rất chú ý đến chuyến đi của Đức Giáo Hoàng. Hãng tin Tass thuộc sở hữu của Điện Cẩm Linh thậm chí còn đề xuất khả năng máy bay của Giáo hoàng dừng lại ở sân bay Mạc Tư Khoa như một địa điểm “trung lập” để Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Trong thời kỳ Cộng sản độc đảng cai trị Mông Cổ vào thế kỷ 20, mối quan hệ chính trị và kinh tế của nước này với Liên Xô rất bền chặt và Nga tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng thiết yếu cho quốc gia châu Á này.

Liên Xô đã đặt tên hiện tại cho thủ đô của Mông Cổ là Ulaanbaatar, có nghĩa là “Anh hùng đỏ” trong tiếng Nga vào năm 1924 để tôn vinh chủ nghĩa cộng sản. Ngôn ngữ Mông Cổ đã sử dụng bảng chữ cái dựa trên chữ Cyrillic tương tự như tiếng Nga từ những năm 1940, mặc dù chính phủ đã công bố kế hoạch quay trở lại hệ thống chữ viết truyền thống của đất nước vào năm 2025.

Ngày nay, Mông Cổ nhập khẩu 90% sản phẩm dầu mỏ từ Nga và đã bỏ phiếu trắng trước các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã xuất hiện trong nhiều bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng trong các chuyến công du quốc tế của ngài trong năm qua, bao gồm cả bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo chính phủ ở Kazakhstan thời hậu Xô Viết, nơi Đức Giáo Hoàng kêu gọi chấm dứt “cuộc chiến vô nghĩa và bi thảm” ở Ukraine.

Do vai trò độc đáo của nó như một nền dân chủ Á-Âu, Mông Cổ đã được đề cao như địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng giữa Ukraine và Nga. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mông Cổ diễn ra trong bối cảnh sứ mệnh hòa bình của Vatican do Đức Hồng Y Matteo Zuppi dẫn đầu, người đã có chuyến thăm ngoại giao tới Kyiv, Moscow và Washington, đồng thời cũng được Đức Thánh Cha yêu cầu tiếp tục “cuộc tấn công hòa bình” của Vatican ở Bắc Kinh.

Trung Quốc

Mông Cổ có chung đường biên giới dài gần 3,000 dặm với Trung Quốc, đây cũng là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Mông Cổ. Về mặt lịch sử, người Mông Cổ đã chinh phục toàn bộ Trung Quốc vào thế kỷ 13 và sau đó Mông Cổ là một phần của triều đại nhà Thanh của Trung Quốc trong hơn hai thế kỷ, vì vậy người ta có thể lập luận rằng đây là lần gần nhất mà Giáo Hội Công Giáo tiến đến chỗ có một cuộc đến thăm Trung Quốc của một vị Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y mới đắc cử Stephen Chow của Hồng Kông cho biết ngài sẽ tới Mông Cổ trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng cùng với một phái đoàn khoảng 30 người Công Giáo Hồng Kông. Đầu năm nay, Đức Cha Chow trở thành vị giám mục Hồng Kông đầu tiên có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh sau gần 30 năm.

Theo China Aid, trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang ở Mông Cổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thực hiện các hạn chế tôn giáo mới, có tựa đề “Quy định về quản lý các địa điểm hoạt động tôn giáo”, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9. Các hạn chế cấm trưng bày các biểu tượng tôn giáo ngoài trời, đòi hỏi việc rao giảng phải “phản ảnh các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và hạn chế mọi hoạt động tôn giáo ở các địa điểm tôn giáo được chính phủ phê duyệt.

Các hạn chế tự do tôn giáo của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các Kitô hữu cũng như Phật tử, kể cả ở các khu vực Tây Tạng và Nội Mông, đây có thể là một điểm thảo luận tiềm năng về khía cạnh liên tôn giữa Phật giáo và Công Giáo trong chuyến tông du Mông Cổ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trước đây từng tiếp một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ tại Vatican, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ tham gia một cuộc họp liên tôn giáo ở Ulaanbaatar vào ngày 3 tháng 9.

Mối quan hệ Vatican-Trung Quốc đã có một năm đầy sóng gió. Tháng trước, Vatican đã công bố quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục Thượng Hải, người trước đây đã được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Tòa thánh. Đây là lần bổ nhiệm trái phép thứ hai của Bắc Kinh kể từ tháng 11 năm 2022.

Trung Quốc hiện thống trị thương mại của Mông Cổ, trong đó Mông Cổ gửi 86% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Than chiếm phần lớn lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mông Cổ. Trong chuyến đi sáu ngày của thủ tướng Mông Cổ tới Trung Quốc vào mùa hè này, thủ tướng đã nói về việc đưa quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ “lên một tầm cao mới” và ký hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt kết nối trị giá 1.8 tỷ mỹ kim để tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu than Mông Cổ trong tương lai của Trung Quốc.

Đáng chú ý, Mông Cổ cũng nhất trí tăng cường hợp tác khai thác kim loại đất hiếm với “nước láng giềng thứ ba” là Mỹ trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Washington hồi đầu tháng này. Hoa Kỳ cũng đã ký thỏa thuận “Bầu trời mở” với Mông Cổ, mở đường cho hãng hàng không Mông Cổ lần đầu tiên bay đến Hoa Kỳ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ đến ngoại Mông vào cuối tuần Lễ Lao động sắp tới. Trong chuyến đi kéo dài bốn ngày, Đức Thánh Cha dự kiến gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, tham gia đối thoại liên tôn và dâng Thánh lễ cho dân số Công Giáo nhỏ bé của đất nước.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS