Đức Phanxicô và lòng thương xót thật

Nghe bài này

Theo dõi cuộc tông du của Đức Phanxicô ở ba thành phố Mỹ trở về, tân Giám Mục phụ tá của Los Angeles, Robert Barron, tin chắc rằng giới truyền thông rất yêu thương vị Đại Diện của Chúa Kitô. Ngài là “trái bom” của các nhà bình luận, phê bình, chủ chương trình, và viết xã luận. Người ta đặc biệt ca ngợi phong thái nhân từ của ngài đối với người khuyết tật, đối với trẻ thơ, và nhất là cách tiếp cận có tính “thương xót” và “bao gồm mọi người” của ngài, sự sẵn lòng của ngài muốn vươn tay ra với những người ở bên lề. Đôi khi người ta nghe những chữ như “cách mạng” và “thay cuộc chơi” được nói về ngài.

Nói chung, phần lớn đánh giá cao tính mới mẻ trong phương thức tiếp cận của Đức Phanxicô và cách khéo léo của ngài trong việc thổi sinh khí mới vào Giáo Hội. Tuy nhiên, Đức Cha Barron không nghĩ Đức Phanxicô đại biểu cho một cuộc cách mạng hoặc ngài quay lưng lại các vị tiền nhiệm của ngài. Vì quả khó mà cho rằng ngài chỉ là thứ nùi bông thoa phấn mềm lòng, dửng dưng đối với tội lỗi.

Theo Đức Cha Barron, lý do khiến nhiều người nghĩ ngài là người mềm lòng chẳng qua do họ giải thích sai về việc ngài nhấn mạnh tới lòng thương xót. Thực ra, nói rằng thuộc tính chủ yếu của Thiên Chúa là lòng thương xót thì không hẳn đúng. Đúng hơn, phải nói rằng thuộc tính chủ yếu của Thiên Chúa là tình yêu, vì tình yêu mới là điều hiện hành giữa Ba Ngôi Thiên Chúa từ thuở đời đời. Lòng thương xót là điều trông giống như tình yêu khi tình yêu này hướng về phía người tội lỗi. Do đó, nói rằng lòng thương xót thuộc chính bản tính Thiên Chúa là hàm ý muốn nói: tội lỗi hiện hữu nơi Thiên Chúa, một điều hoàn toàn phi lý.

Điều trên rất quan trọng, vì một số người coi sứ điệp thương xót gần như là lời bác bỏ thực tại tội lỗi, như thể tội lỗi không còn nữa. Thực ra, ngược lại mới đúng. Nói đến thương xót là ý thức thâm hậu được tội và sức tàn phá khủng khiếp của nó. Hay nói theo một trong các ẩn dụ ưa thích của Đức Phanxicô, thì đây là việc ý thức mình bị thương nặng đến nỗi đòi được chữa trị, không phải qua loa, mà một cách khẩn cấp và đầy chăm chú tại một bệnh viện kế cận chiến trường. Ta hãy nhớ: trong một cuộc phỏng vấn thời danh cách nay hai năm, khi được hỏi, Đức Phanxicô đã tự mô tả mình là người tội lỗi. Rồi ngài nói thêm: “người tọi lỗi được Chúa đoái nhìn bằng nét mặt thương xót”. Điều ấy làm cho mối liên hệ đúng đắn trở lại. Ta cũng nên nhớ rằng cậu thiếu niên Jorge Mario Bergoglio đạt được mối liên hệ sâu sắc, có tính đổi đời, với Chúa Kitô chính là nhờ tòa giải tội. Như nhiều người nhấn mạnh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ma quỉ nhiều hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào của ngài, và ngài không giản lược quyền lực tối tăm vào một trừu tượng hóa mơ hồ hay một biểu tượng vô hại. Ngài hiểu Satan là nhân vật có thực và rất nguy hiểm.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới những người ở bên lề, ngài quả nói tới những con người thực sự đang bất lợi về kinh tế và chính trị, nhưng ngài cũng không quên nói tới những con người bị cắt đứt khỏi sự sống Thiên Chúa, trở nên nghèo về tâm linh. Và ngài vươn tay ra với những người ở bên lề về vật chất để đem họ vào trung tâm thế nào, ngài cũng vươn tay ra với những ai đang ở bên lề hiện sinh để đem họ tới một nơi tốt đẹp hơn như thế. Khi nói tới lòng thương xót và việc bao gồm mọi người, ngài nhất định không nói rằng “tôi không sao, bạn không sao”. Ngài kêu gọi người ta hoán cải. Hay như Đức Hồng Y Francis George, nguyên Tổng Giám Mục Chicago, từng nói: “Mọi người đều được chào đón trong Giáo Hội, nhưng theo điều kiện của Chúa Kitô chứ không theo điều kiện của chính họ”.

Không điều nào gây mơ hồ lẫn lộn về phương diện này bằng lời nhận định của Đức Phanxicô liên quan tới một linh mục có khuynh hướng đồng tính, “tôi là ai mà dám phê phán?” Người ta dám chắc: đến 95% những người nghe câu này đều nghĩ: theo Đức Phanxicô, hoạt động đồng tính thực sự không có tội. Không gì sai lạc hơn. Đức Giáo Hoàng chỉ trả lời một giả định liên quan tới một linh mục có khuynh hướng đồng tính đã sa ngã trong quá khứ và nay đang cố gắng sống phù hợp với luật luân lý, nói tóm lại, một kẻ tội lỗi nay biết nhìn lên gương mặt thương xót.

Lòng thương xót trong sứ điệp Kitô Giáo

Năm Thánh Thương Xót là dịp rất tốt để người Công Giáo suy niệm và thực hành một trong các ý niệm quan trọng nhất của Kitô Giáo. Và không nhắc nhở nào rõ rệt hơn là cử chỉ Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở năm thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa Bangui, Thủ Đô Cộng Hoà Trung Phi, một trong những nước nghèo nhất thế giới, ngoài ra còn là nạn nhân của nhiều tranh chấp sắc tộc và tôn giáo. Trong khi báo chí thế giới lưu ý đến nhiều khía cạnh tôn giáo và chính trị khác của chuyến đi, thì đây mới thực sự là cử chỉ có ý nghĩa nhất của nó.
Vì lòng thương xót vốn là một ý niệm xuyên suốt sứ điệp của Tin Mừng Kitô Giáo.

Đôi khi ý niệm này được miêu tả bằng những hạn từ có tính cá nhân, cho rằng ta có thể có mối liên hệ tốt với Thiên Chúa không dựa vào “công trạng” của ta hay dựa vào việc ta làm tốt được một điều gì đó, mà là dựa vào tình yêu Thiên Chúa. Đây là một tín lý quan trọng, một tín lý từng thay đổi rất nhiều cuộc đời.

Tuy nhiên, sứ điệp thương xót của Kitô Giáo có nghĩa rộng hơn thế. Tin Mừng Gioan 3:16 có lẽ là câu được biết nhiều nhất trong toàn bộ Thánh Kinh, “Vì Thiên Chúa quá yêu thế giới nên đã ban Con Một của Người để bất cứ ai tin vào Người sẽ không bị hủy diệt nhưng sẽ được sự sống đời đời” nhưng câu kế tiếp cũng không kém quan trọng: “Quả vậy, Thiên Chúa đã không sai Con của Người xuống thế giới để kết án thế giới, nhưng để thế giới nhờ Người Con mà được cứu vớt”.

Tín lý Kitô Giáo về việc creatio ex nihilo (dựng nên từ hư vô), vốn rút ra từ đầu Sách Sáng Thế, vốn dạy rằng Thiên Chúa dựng nên thế giới hoàn toàn vì lòng đại lượng, không phải vì Người mà vì các tạo vật của Người. Nói cách khác, toàn bộ hiện sinh ta, và mọi sự quanh ta, tự nó, là một hành vi thương xót. Lòng thương xót Kitô Giáo không phải, hay không phải chỉ, nói về một giao dịch có tính luật pháp qua đó Thiên Chúa quyết định tha thứ tội lỗi cho ta vì Người cảm thấy làm thế là điều tốt, nhưng là nói tới sự kiện: Thiên Chúa luôn hành động vì lòng đại lượng vượt quá bổn phận của Người đối với chúng ta.

Như thế, các Kitô hữu được mời gọi đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lòng thương xót của họ, trở thành tác nhân của lòng thương xót Thiên Chúa trong đời họ và chung quanh họ. Trong Đạo Công Giáo, các trụ cột cầu nguyện và làm việc lành của đời sống Kitô hữu được lần lượt gọi là “các việc thương người về phần hồn” (thương linh hồn bẩy mối) và “các việc thương người về phần xác” (thương xác bẩy mối).

Trong thế giới ngoại giáo, nơi xuất hiện Kitô Giáo, đó là điều gây ngạc nhiên hơn hết nơi các Kitô hữu. Thế giới ngoại giáo không phải là thế giới phi luân lý, ngược lại là đáng khác, nhưng luân lý của họ nhấn mạnh tới công bằng, một thứ rất có thể ở thế căng thẳng đối với lòng thương xót: vì công bằng là lấy những gì người ta nợ mình, thương xót là lấy nhiều hơn điều người ta nợ mình, là gặp cơ may không phải vì mình đáng được, mà cả khi mình không đáng được.

Và tất cả chúng ta đều biết điều đó từ chính đời mình. Tất cả chúng ta đều đã tới một lúc nào đó ở trong đời khi điều ta trông đợi chỉ còn là lòng thương xót. Khi điều ta cần là một cơ may, dù ta không đáng được. Và nếu ta được cơ may ấy, nếu có ai đó siêu việt mà ban nó cho ta, thì đó có thể là tia sáng sẽ thay đổi đời ta.

Trong Đạo Công Giáo, lòng thương xót mặc một hình thức đặc biệt: bí tích xưng tội, một bí tích mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh. Các cuộc thăm dò chính trị thích phân chia người Công Giáo theo phương diện xã hội, hay theo khía cạnh ai đi lễ ai không, nhưng thiển nghĩ điều phân chia họ rõ ràng nhất phải là việc ai xưng tội ai không.

Và nếu bạn không đi xưng tội, cũng không ai trách bạn cả. Bởi đó là việc khó nhất ở trên đời, còn có gì khó bằng đối mặt với bất cứ điều gì mình làm sai và xin lòng thương xót? Nhưng đó lại chính là lý do tại sao sự giải khuây, sự tăng trưởng thiêng liêng, phát xuất từ việc xưng tội, lại mạnh mẽ đến thế. Nó nhằm để người ta cảm nghiệm giống như việc đóng đinh, nhưng kết thúc bằng một sự sống mới, khỏe khoắn, một cuộc sống lại.

Người ta thường thắc mắc về việc liệu có một “Hiệu Lực Phanxicô” hay không, liệu sự lôi cuốn về Giao Tế Nhân Sự tuyệt vời và những cử chỉ tượng trưng hết sức mạnh mẽ của Đức Phanxicô có đang hay sẽ gây một tác động đáng kể nào đó lên đức tin và lòng đạo của quảng đại quần chúng Công Giáo hay không. Thiển nghĩ tiêu chuẩn đúng đắn để đo Hiệu Lực Phanxicô là bao nhiêu người Công Giáo bắt đầu đi xưng tội trở lại. Điều này, chứ không phải bạn có đồng ý với Giáo Hội về điều này hay điều nọ, hoặc bạn có làm thiện nguyện, hay có đi lễ hay không, mới là dấu hiệu chủ yếu của sức khỏe thiêng liêng.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS