Cha Raniero Cantalamessa: cầu nguyện cho sáng thế hay cầu nguyện với sáng thế?

Nghe bài này

Capuchin Father Raniero Cantalamessa delivers the homily during the Good Friday service in St. Peter's Basilica at the Vatican in this April 2, 2010, file photo. In a Lenten message released by the Vatican April 8, Father Cantalamessa offered reflections on Christian charity. (CNS photo/Paul Haring) (April 8, 2011) See CANTALAMESSA-LENT April 8, 2011.

Cha Raniero Cantalamessa, nhà giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, kêu gọi các Kitô hữu tôn vinh Thiên Chúa vì sự sáng thế; ngài nói rằng “nhiệm vụ hàng đầu của con người đối với việc sáng thế là đem lại cho nó một tiếng nói”. Ngài cho rằng Thánh Phanxicô Assisi không cầu nguyện “cho sáng thế”, nhưng thay vào đó, ngài cầu nguyện “với sáng thế” hay “vì sáng thế”. Cha lưu ý rằng “sự cao trọng của con người so với vũ trụ” không bao hàm”chủ nghĩa đắc thắng của loài người chúng ta nhưng bao hàm trách nhiệm đối với những người yếu đuối, người nghèo, người không ai bảo vệ”.

Nhận xét của Cha Cantalamessa được đưa ra trong một bài giảng của ngài tại buổi đọc kinh chiều ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 1 Tháng Chín, nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc Chăm Sóc Sáng Thế, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ tọa. Xin vui lòng đọc dưới đây bản dịch tiếng Việt bài giảng của Cha Cantalamessa:

CẦU NGUYỆN CHO SÁNG THẾ hay CẦU NGUYỆN VỚI SÁNG THẾ.

Thế thì, hỡi con người, tại sao ngươi vô giá trị đến thế trong mắt riêng ngươi nhưng lại quý giá đến thế đối với Thiên Chúa? Tại sao ngươi làm cho mình nhục như vậy trong khi được Người qúi trọng đến thế? Tại sao ngươi hỏi ngươi đã được tạo ra cách nào mà lại không tìm biết lý do tại sao ngươi đã được dựng nên?

Những lời chúng ta vừa nghe đã được nói ra từ miệng Thánh Phêrô Kim Ngôn, Giám mục Ravenna, thế kỷ thứ 5, hơn 1,500 năm trước đây. Kể từ thời điểm đó, lý do khiến con người tự coi mình vô giá trị đã thay đổi, nhưng sự kiện thì vẫn còn đó. Thời Thánh Kim Ngôn, lý do đó là: con người “được lấy lên từ mặt đất”, họ là bụi đất và sẽ trở về bụi đất (xem St 3:19). Ngày nay, lý do của cảm thức vô dụng đó là: con người không đáng kể hơn hư vô trong sự bao la vô tận của vũ trụ.

Gần như có một sự cạnh tranh giữa các nhà khoa học không có tín ngưỡng về việc ai là người đi xa nhất trong việc khẳng định tính ngoại vi và vô nghĩa toàn diện của con người trong vũ trụ. Một trong số họ đã viết, “Giao ước xưa đã tan tành; cuối cùng, con người biết rằng họ cô đơn trong cảnh bao la vô cảm của vũ trụ, mà từ đó họ xuất hiện một cách tình cờ. Vận mệnh của họ không được mô tả ở bất cứ đâu, cả bổn phận của họ cũng thế”. Một nhà khoa học khác khẳng định: “Tôi vốn luôn nghĩ rằng tôi là vô nghĩa. Tiến tới chỗ biết được kích thước của vũ trụ, tôi thấy tôi thực sự vô nghĩa đến chừng nào! . . . Chúng ta chỉ là một chút bùn nhơ trên một hành tinh của mặt trời”.
Nhưng tôi không muốn nấn ná thêm ở tầm nhìn bi quan này hoặc ở các suy tư dựa trên lối quan niệm này về môi trường và các ưu tiên của nó. Một đệ tử của Dionysius thành Areopagus, vào thế kỷ thứ 6, đã đề ra sự thật tuyệt vời này: “Người ta không nên bác bỏ ý kiến của người khác, cũng không nên viết chống lại một ý kiến hay một giáo phái bề ngoài xem ra không tốt. Người ta chỉ nên viết nhân danh sự thật chứ không chống lại người khác”. Ta không nên biến điều này thành một nguyên tắc tuyệt đối bởi vì có lúc ta cần phải bác bỏ các học thuyết sai lầm và nguy hiểm. Nhưng trình bầy tích cực về sự thật chắc chắn có hiệu quả hơn luận bác các sai lầm chống lại nó.
Thánh Kim Ngôn tiếp tục bài giảng của ngài bằng cách giải thích lý do tại sao con người không nên nghĩ mình vô giá trị:

“Há toàn bộ vũ trụ hữu hình này không được tạo ra làm chỗ ở của ngươi sao? […] Vì ngươi là các tầng trời được tô điểm bằng những độ rực rỡ khác nhau của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Trái đất được trang trí bằng hoa lá, lùm cây, và hoa trái; và hằng hà sa số các sinh vật đáng yêu đã được tạo ra trên không, dưới đất và biển khơi cho ngươi, kẻo sự cô đơn buồn bã sẽ phá hủy niềm vui trong sáng thế mới của Thiên Chúa”.

Vị giám mục thành Ravenna chỉ đơn thuần tái khẳng định ý tưởng của Thánh Kinh về sự trổi vượt của con người so với vũ trụ mà Thánh Vịnh 8 từng hát về, với một linh hứng không kém trữ tình. Thánh Phaolô hoàn thành viễn kiến này bằng cách chỉ ra chỗ đứng của con người Chúa Kitô trong khung cảnh này: “Bất kể . . . là thế giới hay sự sống hoặc sự chết, hiện tại hoặc tương lai, tất cả đều là của anh chị em; và anh chị em là của Chúa Kitô; và Chúa Kitô là của Thiên Chúa “(1 Cr 3: 22-23). Ở đây, chúng ta được trình bày một “chủ thuyết môi trường có tính nhân bản hay nhân ái”, một chủ nghĩa môi trường tự nó không phải là một cùng đích nhưng có liên quan đến con người nhân bản, tất nhiên, không phải chỉ là những con người nhân bản ngày nay mà còn là những con người nhân bản trong tương lai nữa.
Tư duy Kitô giáo chưa bao giờ ngưng tự hỏi mình đâu là lý do dẫn tới sự siêu việt của con người nhân bản này so với những phần còn lại của sáng thế và đã luôn tìm thấy lý do này trong sự khẳng định của Kinh Thánh rằng con người nhân bản đã được dựng nên “theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (xem St 1 : 26).

Sự thấu hiểu mà thần học ngày nay, cũng như cuộc đối thoại mới mẻ với tư duy Chính Thống Giáo, đạt tới để giải thích điều này cách thỏa đáng đã giúp ta hiểu theo hình ảnh của Thiên Chúa có nghĩa là gì. Mọi sự đều dựa vào sự mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô mang tới. Con người nhân bản được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa: họ tham dự vào bản chất thâm sâu của Thiên Chúa, vốn là một tương quan yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa các Ngôi Vị Thiên Chúa là “các mối tương quan tự hữu” (subsistent relations); các ngài không có tương quan với nhau nhưng các ngài là chính mối tương quan đó.

Chỉ có những con người nhân bản, bao lâu còn là những ngôi vị và do đó có thể có các tương quan tự do và ý thức, mới tham dự vào chiều kích có tính ngôi vị và tương quan này của Thiên Chúa mà thôi. Vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự hiệp thông yêu thương, nên Thiên Chúa đã dựng nên mỗi con người như một “hữu thể có tương quan”. Đây là ý nghĩa của việc mỗi con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Điều rõ ràng là có một phân cách có tính hữu thể giữa Thiên Chúa và các thụ tạo nhân bản. Tuy thế, nhờ ơn thánh (và không bao giờ được quên điểm này!), sự phân cách này đã được rút ngắn đến độ ít còn sâu xa hơn so với sự phân cách hiện hữu giữa con người và các phần còn lại của sáng thế. Đây là một lời khẳng định táo bạo, nhưng có căn bản trong Kinh Thánh vì Kinh Thánh xác định rõ: con người được Chúa Kitô cứu chuộc, thành “những người dự phần vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1: 4).

Tuy nhiên, phải đợi tới lúc Chúa Kitô xuất hiện, sự mạc khải trọn vẹn về ý nghĩa của hình ảnh Thiên Chúa mới có. Người là “hình ảnh truyệt hảo của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15); như các Giáo Phụ vốn nói, chúng ta là “hình ảnh của hình ảnh Thiên Chúa” theo nghĩa chúng ta ” được tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8:29), được dựng nên “nhờ Người và cho Người” (Cl 1 : 16) vốn là Ađam mới.

Ở đây, một luận bác lập tức phát sinh và không phải chỉ từ phía người không tin. Há đây không phải chỉ là thái độ đắc thắng của chủng loài chúng ta? Há điều này không dẫn đến một sự thống trị bừa bãi của con người nhân bản đối với các phần còn lại của sáng thế với những hậu quả rất dễ tưởng tượng được và không may đang xảy ra đó sao? Câu trả lời là không, là không, nếu con người nhân bản thực sự hành động theo hình ảnh Thiên Chúa. Nếu một con người nhân bản là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa họ là “một hữu thể có hiệp thông”, thì điều này có nghĩa: con người càng ít ích kỷ, càng ít khép kín trong chính mình, càng ít quên người khác, thì họ càng có tính nhân bản đích thực hơn.

Sự cao cả của con người so với vũ trụ, do đó, không bao hàm thái độ đắc thắng của chủng loại chúng ta nhưng bao hàm việc đảm nhận trách nhiệm đối với những người yếu đuối, nghèo nàn, không được bảo vệ. Lý do duy nhất khiến những người như thế phải được tôn trọng, dù họ không có đặc quyền và các tài nguyên nào khác, là vì họ đều là những con người nhân bản. Thiên Chúa của Kinh Thánh, và cũng của các tôn giáo khác, là một Thiên Chúa “nghe tiếng kêu của người nghèo”, “có lòng thương xót đối với người yếu đuối và nghèo khổ”, “bảo vệ chính nghĩa của người cùng khổ”, “thực hiện công lý cho người bị áp bức”, “không khinh thường bất cứ điều gì Người đã dựng nên”.

Việc Nhập Thể của Ngôi Lời đã mang lại thêm một lý do để chăm sóc những người yếu đuối và người nghèo, bất kể chủng tộc hay tôn giáo của họ. Thực ra, việc Nhập Thể không chỉ muốn nói “Thiên Chúa đã làm người”, nó còn chứng tỏ Người quyết định trở nên loại người nào: không phải người giầu và quyền thế, mà là người nghèo, người yếu đuối, và không có khả năng tự vệ. Một con người nhân bản, chỉ có thế! Cung cách Người Nhập Thể cũng không kém quan trọng so với sự kiện Người Nhập Thể.

Đây là bước tiến mà Thánh Phanxicô Assisi, nhờ kinh nghiệm cuộc sống của ngài, đã để lại cho thần học. Trước ngài, người ta hay nhấn mạnh gần như độc hữu tới các khía cạnh hữu thể của việc Nhập Thể: bản tính, ngôi vị, kết hợp ngôi vị (hypostatic union), chuyển thông đặc tính (communication of idioms) v.v… Điều này cần thiết để phản công lạc giáo, nhưng một khi tín điều đã được thiết lập, người ta không thể dừng lại ở đó mà không làm cho mầu nhiệm Kitô giáo trở thành khô cằn và làm cho nó mất đi một phần lớn sức mạnh của nó trong việc chống lại tội lỗi và bất công trên thế giới.

Điều làm Thánh Phanxicô rơi nước mắt trước máng cỏ Giáng Sinh không phải là sự kết hợp giữa các bản tính hay sự thống nhất của ngôi vị nhưng là sự khiêm nhường và nghèo khó của Con Thiên Chúa, Đấng “mặc dù giàu có, nhưng vì anh chị em, đã trở nên nghèo nàn” (2 Cr 8: 9). Đối với Thánh Phanxicô, yêu cảnh nghèo và yêu sáng thế đi đôi với nhau và phát xuất từ cùng một sự từ bỏ triệt để ước muốn sở hữu bất cứ điều gì. Ngài thuộc về loại người mà Thánh Phaolô vốn mô tả “như không có gì cả, nhưng lại sở hữu mọi thứ” (2 Cr 6:10).
Đức Thánh Cha tiếp nhận sứ điệp này khi ngài đưa ra “mối tương quan mật thiết giữa người nghèo và sự mong manh của hành tinh”, một trong các quan tâm căn bản trong thông điệp của ngài về môi trường. Đâu là điều đã gây thiệt hại lớn nhất cho môi trường và đồng thời cho cảnh khốn cùng của một số rất đông người ta, nếu không phải là lòng dục vô độ của một số người chỉ muốn gia tăng tài sản và lợi nhuận của họ một cách không tương xứng? Người ta nên áp dụng điều người xưa vốn nói về cuộc sống trên trái đất: “vitaque mancipio nulli datur, omnibus usu” – “Cuộc sống không phải là một cấp khoản toàn quyền sử dụng; cuộc sống là một khoản cho vay”.

Đôi lúc, chúng ta được nhắc nhở một cách sống sượng sự thật này: chúng ta không phải là những chủ nhân ông của trái đất, bằng các biến cố như trận động đất tuần trước, xẩy ra cách đây không xa. Rồi, câu hỏi mà chúng ta luôn luôn hỏi lại quay trở lại một lần nữa: “Thiên Chúa ở đâu?” Chúng ta đừng mắc sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta có câu trả lời dễ dàng cho một câu hỏi như vậy. Chúng ta khóc với người khóc, như Chúa Giêsu đã làm khi đối diện với nỗi buồn sầu của người góa phụ thành Naim hoặc chị em của Ladarô.

Tuy nhiên, đức tin cho phép chúng ta nói một điều gì đó về việc này. Thiên Chúa đã không thảo chương việc sáng thế như thể nó là một chiếc đồng hồ hoặc một máy vi tính trong đó mỗi chuyển động đều được lập trình ngay từ đầu, ngoại trừ một số cập nhật định kỳ. Bằng phép loại suy với những con người nhân bản, chúng ta có thể nói tới một thứ “tự do” nào đó mà Thiên Chúa đã ban cho vật chất để nó biến hóa theo các quy luật riêng của nó. Theo nghĩa này (nhưng chỉ theo nghĩa này mà thôi!), chúng ta mới có thể chia sẻ quan điểm với các nhà khoa học không có đức tin, chuyên nói tới “tình cờ và tất yếu”. Trong biến hóa, mọi thứ hình như xảy ra một cách “tình cờ”, nhưng chính “tình cờ” cũng là một phần trong kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và không hiện hữu “một cách tình cờ”.

Sự kiện này mang theo nó nhiều nguy hiểm đáng sợ cho người ta nhưng cũng gia tăng nhân phẩm của họ; nhờ thế, nhân loại được mời gọi đọ sức với các thách thức của biến hóa. Người Hoà Lan đã phải đấu tranh hàng nhiều thế kỷ để tránh bị Biển Bắc nhận chìm, và trong cuộc đấu tranh này, họ đã đặt ra một câu nói nổi tiếng: “Luctor et emergo”, “Tôi đấu tranh và tôi nổi lên được”.

Một ngày kia, sẽ có “trời mới và đất mới” (2 Pt 3: 13), thoát khỏi mọi lệ thuộc và suy sụp, nhưng điều này sẽ xảy đến vào tận cùng thời gian khi chính loài người sẽ được hoàn toàn và vĩnh viễn thoát khỏi tội lỗi và sự chết (x Rm 8: 19-23). Tuy nhiên, một điều Chúa Giêsu muốn bảo đảm với chúng ta là: tạo vật nhân bản sẽ không bao giờ bị hoàn toàn lệ thuộc vào lòng thương xót của các yếu tố trần gian: “Há năm con chim sẻ không chỉ đáng hai đồng xu đó sao? Ấy thế nhưng, không con nào bị quên lãng trước mặt Thiên Chúa. Tại sao, ngay cả các sợi tóc trên đầu của các con cũng đều đã được đếm hết. Các con đừng sợ; các con có giá trị hơn các con chim sẻ nhiều”(Lc 12: 6-7).
Do đó, với câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu vào đêm 23 tháng 8”, người tín hữu không ngần ngại trả lời một cách khiêm tốn rằng “Người ở đó, chịu đau khổ với các tạo vật của Người và nhận vào bình an của Người các nạn nhân đang gõ cửa Thiên Đường của Người”.

Bài đọc trích từ Sách Khôn Ngoan mà chúng ta nghe trước bài đọc giáo phụ của Thánh Kim Ngôn nói với chúng ta về bổn phận đầu tiên và căn bản của con người nhân bản bắt nguồn từ địa vị ưu tuyển của họ giữa lòng sáng thế. Nó nói rằng:

“Tất cả những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất đều là những kẻ ngu si;
Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu,
và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công” (13: 1).

Thánh Phaolô, trong Thư gửi tín hữu Rôma, đã tiếp nối đề tài nổi tiếng này nhưng hơi thay đổi một chút để thích ứng với mọi người chúng ta và làm chúng ta thấy gần gũi hơn. Liên quan đến việc sáng thế, ngài nói, tội lỗi không hệ nhiều ở việc thất bại vượt lên trên nó và nhận ra Đấng Tạo Hóa, cho bằng hệ ở việc thất bại tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa: “vì, mặc dù biết Thiên Chúa, nhưng họ đã không tôn vinh Người là Thiên Chúa hay tạ ơn Người “(Rm 1:21).

Đây không chỉ là tội của tâm trí mà còn là tội của ý chí, và không chỉ là tội của những người vô thần và thờ ngẫu tượng mà còn là tội của những người biết Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau đó, Thánh Tông Đồ bao gồm vào số những người “không có lý do bào chữa” những ai đã được ban mặc khải, và, vững tin vào kiến thức này, cảm thấy an toàn và kết án mọi người khác trên thế giới, mà không nhận ra rằng nếu họ tìm kiếm vinh quang của chính họ thay vì vinh quang của Thiên Chúa, họ đã phạm cùng một thứ tội như người không tin (xem Rm 2: 1tt).

Có rất nhiều nghiã vụ mà con người nhân bản phải có đối với sáng thế, một số nghĩa vụ cấp bách hơn những nghĩa vụ kia: nước, không khí, khí hậu, năng lượng, bảo vệ các loài có nguy cơ, v.v… Người ta nói tới những vấn đề này ở tất cả các địa điểm và cuộc họp có bàn tới sinh thái. Tuy nhiên, có một nghiã vụ đối với sáng thế mà chúng ta không thể nói tới ngoại trừ trong một cuộc gặp gỡ của các tín hữu, và, do đó, đặt nó lên hàng đầu và ở giữa buổi cầu nguyện hôm nay quả là điều tuyệt đối thích đáng. Nghĩa vụ đó là chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa vì đã sáng thế. Một sinh thái thiếu tôn vinh khiến vũ trụ ra mờ đục, giống như một bản đồ thủy tinh khổng lồ về thế giới mà không có ánh sáng để rọi sáng nó từ bên trong.

Nghĩa vụ hàng đầu của con người nhân bản đối với sáng thế là đem lại cho nó một tiếng nói: Một thánh vịnh đã ca rằng “Các tầng trời và trái đất đầy vinh quang Chúa” (xem Tv 148: 13; Is 6: 3). Có thể nói: các tầng trời và trái đất đang mang thai vinh quang Thiên Chúa, nhưng tự chúng, chúng không thể hạ sinh nó được. Giống người phụ nữ mang thai, cả chúng cũng cần bàn tay của bà đỡ để mang vào đời điều chúng đang mang thai. Và các “bà đỡ” của vinh quang Thiên Chúa này phải là chính chúng ta, các tạo vật đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ cũng ám chỉ điều này khi ngài nói tới một sáng thế “đang rên rỉ và đau khổ vì sắp sinh đẻ cho đến bây giờ” (xem Rm 8:19, 22).

Vũ trụ đã chờ đợi lâu la xiết bao, đoạn đường thi đấu của nó dài biết chừng nào, mới đạt tới điểm này! Phải mất hàng tỷ năm, vật chất mờ đục mới biến hóa hướng tới ánh sáng ý thức như nhựa cây chầm chập từ dưới mặt đất dâng lên tới đỉnh cây và chuyền vào lá, vào hoa và trái của nó. Ý thức này cuối cùng đã đạt được khi “hiện tượng nhân bản”, nói theo thuật ngữ của Teilhard de Chardin, xuất hiện trong vũ trụ. Nhưng giờ đây, khi vũ trụ đã đạt tới mục tiêu này, người ta hy vọng rằng con người nhân bản sẽ thi hành nghĩa vụ của mình và, có thể nói, tiếp nhận trách vụ điều khiển ban hợp ca và cất cao lời ca “Vinh danh Thiên Chúa trên trời!”, nhân danh toàn bộ sáng thế.
Người từng làm nhiệm vụ này theo nghĩa đen là Chân Phúc Dòng Đa Minh Henry Suso, biệt danh là “Thánh Phanxicô của Swabia”. Ngài để lại cho chúng ta chứng từ cảm động này:

“Khi tôi hát. . . những lời này [Bài sursum corda (hãy nâng tâm hồn lên)] trong thánh lễ. . . chúng đem tôi lên với Thiên Chúa,. . . và tôi tụ tập [trong tâm trí của tôi] mọi tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng xưa nay ở trên trời, dưới đất, và trong mọi yếu tố, mỗi thứ riêng rẽ với đủ tên gọi, bất kể là chim trời, thú rừng, cá nước, cỏ cây trên đất, hoặc vô số cát biển, và với các vật này, tôi còn thêm mọi đốm bụi đang lung linh trong các tia nắng mặt trời, mọi giọt nước nhỏ đã rơi xuống và còn đang rơi xuống từ sương, tuyết hoặc mưa. . . Và rồi là vòng tay yêu thương của linh hồn tôi. . . tự mở rộng ra về phía vô số tạo vật, và. . . y hệt một ca trưởng tự do và yêu đời của một ca đoàn đang thúc đẩy các ca viên của mình. . . [Tôi khuyến khích] chúng ca hát hân hoan, và dâng trái tim chúng lên Thiên Chúa”.

Các tín hữu chúng ta phải là tiếng nói không những nhân danh mọi tạo vật khác mà còn nhân danh các anh chị em không có ân sủng đức tin của chúng ta. Đặc biệt, chúng ta đừng quên tôn vinh Thiên Chúa vì các thành tựu tuyệt vời của kỹ thuật. Đã đành, chúng quả là sản phẩm của con người nhân bản, nhưng những con người này là của ai? Ai đã tạo ra họ? Tôi vốn tự hỏi mình câu hỏi này và tôi xin lớn tiếng lặp lại nó ở đây: Chúng ta có thực sự tôn vinh Thiên Chúa vì các tạo vật của Người hay chúng ta chỉ nói chúng ta sẽ tôn vinh? Phương thức của chúng ta chỉ là lý thuyết hay còn là một thực hành? Nếu chúng ta không biết làm thế bằng lời lẽ riêng của chúng ta, thì chúng ta hãy làm thế bằng các Thánh Vịnh. Trong các thánh vịnh này, thậm chí các con sông cũng được mời vỗ tay hoan hô Đấng Tạo Hóa (xem Tv 98: 8).

Tôn vinh Thiên Chúa không phải vì lợi ích của Người nhưng vì lợi ích của chúng ta. Với việc tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta “giải phóng sự thật” (xem Rm 1:18); sáng thế được cứu chuộc khỏi tính hay sa đọa và ưa hư danh, mà các tội lỗi của con người nhân bản đã kéo nó vào, và hiện nay, sự vô tín của thế giới vẫn còn đang kéo nó vào (xem Rm 8: 20-21). Một trong những kinh tiền tụng của Thánh Lễ đã thân thưa với Thiên Chúa như sau:

“. . . mặc dù Chúa không cần lời khen ngợi của chúng con,
thế nhưng, lời cảm tạ của chúng con tự nó là ơn phúc của Chúa,
vì các lời khen ngợi của chúng con không thêm được gì vào sự cao cả của Chúa,
nhưng chúng có lợi cho phần rỗi chúng con”.

Nếu ngày nay, Thánh Phanxicô Assisi vẫn có một điều gì đó để nói với chúng ta về môi trường, thì đó chính là những điều chúng ta vừa nói. Ngài không cầu nguyện “cho” sáng thế, cho sự bảo quản nó (vào thời ngài chưa có nhu cầu này); thay vào đó, ngài cầu nguyện “với” sáng thế hay “vì sáng thế” hoặc thậm chí “nhân danh sáng thế”. Tất cả những sắc thái này đều chứa trong giới từ “per” được ngài sử dụng, có nghĩa là “vì” và “cho”: “Ngợi khen Ngài, lạy Chúa, vì anh Mặt Trời, vì chị Mặt Trăng, vì Mẹ Trái Đất”. Bài ca vịnh của ngài hoàn toàn là một tụng ca và một thánh ca tạ ơn. Chính từ tụng ca này, Thánh Phanxicô đã rút tỉa được lòng tôn trọng đặc biệt của ngài đối với mọi tạo vật, vì chúng, ngài ước mong rằng cả các thực vật hoang dã cũng nên được cấp không gian để lớn lên.

Sứ điệp này cũng đã được Đức Thánh Cha tiếp thu trong thông điệp của ngài về môi trường. Thông điệp này bắt đầu với lời tụng ca “Laudato si” (Xin ca ngợi Ngài) và kết thúc đầy ý nghĩa với hai lời cầu nguyện riêng biệt: một lời “cho” sáng thế và lời kia “trong sự hợp nhất với” sáng thế. Chúng ta hãy rút ra một vài khẩn cầu từ lời cầu nguyện thứ hai để kết luận các suy tư của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi,
Cộng Đoàn Kỳ Diệu của tình yêu vô biên,
xin dạy chúng con biết nhìn ngắm Chúa
trong vẻ đẹp của vũ trụ,
vì mọi sự đều nói về Chúa.

Xin khơi dậy trong chúng con lời ca ngợi và lòng biết ơn
vì mọi hữu thể Chúa đã dựng nên.

Xin ban cho chúng con ơn biết cảm nhận sự gắn bó thân thiết với tất cả vạn vật.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như những máng chuyển tình yêu của Chúa, vì mọi tạo vật trên trái đất này.

Amen.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS