Bài giảng của Đức Phanxicô dịp Lễ Đức Mẹ Guadalupe

Nghe bài này

Ngày 12 tháng 12 vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã long trọng cử hành Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Guadalupe.

Theo Associated Press, nhân dịp này, ngài thúc giục người Công Giáo Châu Mỹ La Tinh và vùng Carribbean cử hành và bảo vệ tính đa dạng của họ: bản địa, hợp chủng (mestizo) và da đen, một bản sắc đã được chính Đức Mẹ, khi hiện ra ở Guadalupe thập niên 1500, mang lấy.

Ngài thúc giục họ chống lại điều ngài gọi là đồng thể hóa (homogenization) hay thứ thực dân hóa ý thức hệ “nhằm tiêu diệt những người phong phú nhất, bất kể họ là người bản địa, người Mỹ Châu gốc Phi Châu, người hợp chủng, nông dân hay dân phố xá”.

Hãng tin Associated Press cho rằng Đức Phanxicô thực ra chỉ tiếp nối truyền thống của Đức Bênêđíctô XVI trong việc cử hành Lễ Đức Bà Guadalupe vì nhìn nhận rằng Châu Mỹ La Tinh là quê hương của gần 40 phần trăm người Công Giáo thế giới và Mễ Tây Cơ là một trong những nước có đông người Công Giáo nhất.

Tuy nhiên, Thánh Lễ kính Đức Bà Guadalupe đáng nhớ nhất là Thánh Lễ năm 2014 do Đức Phanxicô cử hành, trong đó có những bài ca của nhà soạn nhạc Á Căn Đình Ariel Ramirez. Thánh Lễ năm nay được cử hành theo truyền thống hơn, nhưng điều đáng lưu ý là Đức Phanxicô, người rất ít khi hát, cuối cùng cũng đã hát theo ca khúc kết lễ “La Guadalupana”.

Tạp chí Crux thuật lại: Đức Phanxicô, mặc lễ phục trắng, tượng trưng cho sự trong sạch, tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngài tiến tới tấm tilma của Thánh Juan Diego trên đó có hình Đức Mẹ, Đấng đã hiện ra với thánh nhân người bản địa Mễ Tây Cơ vào năm 1531. Đức Giáo Hoàng im lặng đứng trước bức ảnh một lúc, rồi cúi đầu cung kính chào và xông hương ba lần.

Tuy nhiên, trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô đã lồng các điều ngài nói trên đây vào hai nội dung chính yếu khi nói tới nhân vật phụ là bà Elisabét: người đàn bà như dấu chỉ hiếm muộn và cũng là dấu chỉ sinh sản.

Sau đây là toàn nội dung bài giảng của ngài:

Tin Mừng vừa được công bố là lời nói đầu của hai ca khúc: ca khúc của Đức Mẹ gọi là Magnificat và ca khúc của Ông Giacaria gọi là Benedictusnhưng tôi thích gọi nó là “ca khúc của bà Êlisabét hay ca khúc sinh sản”. Hàng ngàn Kitô hữu khắp thế giới bắt đầu ngày sống bằng cách hát bài “Ngợi khen Chúa” và họ kết thúc ngày sống bằng cách “công bố sự cao cả của Người vì Người đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ”. Như thế, ngày lại ngày, tín hữu thuộc các quốc gia khác nhau tìm cách tưởng nhớ, nhớ lại rằng từ thế hệ này qua thế hệ nọ, lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài tới mọi con người, như Người đã hứa với cha ông ta. Và trong bối cảnh tưởng nhớ biết ơn này, bài ca của bà Elisabét trổ thành câu hỏi: “tôi là ai mà được Mẹ Chúa tới thăm?” Ta thấy bà Elisabét, người đàn bà vốn có tiếng nhờ dấu chỉ không sinh sản, nhưng nay ca hát dưới dấu chỉ sinh sản và bỡ ngỡ.

Tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh: Elisabét, người đàn bà dưới dấu chỉ không sinh sản và dưới dấu chỉ sinh sản.

Elisabét, người đàn bà hiếm con, với tất cả những gì hàm ý trong não trạng tôn giáo thời bà, một não trạng coi hiếm muộn như một hình phạt của Thiên Chúa, hậu quả tội lỗi của riêng bà hay của chồng bà. Một dấu chỉ nhuốc nhơ mang ngay trong xác thịt bà hay bị coi là phạm một tội mà chính bà không phạm hay tự cảm thấy mình không sống đủ theo mức đo mà người ta vốn mong đợi nơi bà. Ta hãy tưởng tượng, một lúc, cái nhìn của thân nhân bà, của người hàng xóm, của chính bà… hiếm muộn, vốn in rất sâu và kết thúc với việc làm trọn cuộc sống trở thành tê liệt. Sự hiếm muộn có rất nhiều tên và hình thức mỗi lần người nào đó cảm nhận trong da thịt mình nỗi tủi nhục thấy mình bị bêu xấu hoặc tự cảm thấy mình chỉ là một vật vô nghĩa.

Ta thoáng thấy điều trên nơi người thổ dân thấp bé Juan Diego, khi ông thưa với Đức Mẹ “Con, nói thật, con chẳng đáng gì, con chỉ là cái dây da đeo đồ (mecapal), con chỉ là cái bị đeo lưng (cacaxtle), con là cái đuôi, là cái cánh cảm thấy lệ thuộc và phụ thuộc ngoại nhân, đó không phải là nơi con ở mà con cũng không tới cái nơi mà bà hạ cố sai con đi”. Như các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã cho thấy, tâm tình này cũng tìm thấy nơi “các cộng đồng bản địa và Mỹ gốc Phi Châu của chúng ta, những cộng đồng trong khá nhiều dịp đã không được đối xử xứng đáng và bình đẳng; hoặc nơi nhiều phụ nữ, những người bị loại bỏ vì giới tính, nòi giống hay hoàn cảnh kinh tế xã hội; nơi các người trẻ, những người chỉ nhận được một nền giáo dục có phẩm chất tồi và không có cơ hội tiến bộ trong việc học hành hay gia nhập thị trường lao động để tự phát triển và thành lập một gia đình; nơi nhiều người nghèo, người thất nghiệp, di dân, di tản, các nông dân không có đất đai, những người cố gắng sinh tồn trong nền kinh tế không chính thức; nơi các bé trai bé gái phải làm đĩ điếm con nít thường liên hệ tới ngành du lịch tình dục”.

Và, cùng với bà Elisabét, người đàn bà hiếm muộn, ta hãy chiêm ngắm bà Elisabét, người đàn bà sinh nở và bỡ ngỡ. Bà là người đầu tiên nhận ra và ca ngợi Đức Mẹ. Chính bà, trong tuổi già, đã cảm nghiệm sự nên trọn của lời Thiên Chúa hứa ngay trong đời mình, ngay trong xác thịt mình. Chính bà, người không thể có con đã mang trong dạ mình Đấng Tiền Hô Ơn Cứu Rỗi. Nơi bà, chúng ta hiểu rằng giấc mơ của Thiên Chúa không phải và sẽ không phải là hiếm muộn hay bêu xấu con cái Người hay làm họ tràn đầy nhục nhã, nhưng làm bừng lên trong họ và từ họ bài ca chúc phúc. Ta thấy điều này cùng một cách nơi Thánh Juan Diego. Thực vậy, chính ngài, chứ không ai khác, đã mang hình ảnh Trinh Nữ trong tấm tilma của mình: Trinh Nữ da ngăm ngăm đen, khuôn mặt hợp chủng, được một thiên thần nâng bằng đôi cánh chim đuôi seo (quetzal), bồ nông và vẹt đuôi dài (macaw); Bà Mẹ mang các đặc điểm của con cái mình để làm chúng cảm thấy là thành phần của ơn phúc ngài.

Xem ra rất nhiều lần, Thiên Chúa vốn quyết tâm cho chúng ta thấy viên đá các thợ xây loại bỏ đã trở nên viên đác góc tường (xem Tv 117:22).

Anh chị em thân mến, giữa biện chứng sinh sản và vô sinh sản này, ta hãy nhìn vào sự phong phú và đa dạng của các dân tộc Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, đây là dấu chỉ sự phong phú lớn lao mà chúng ta được mời gọi không những vun xới mà, nhất là thời ta, còn phải bảo vệ một cách can đảm chống lại mọi mưu toan đồng thể hóa, kết thúc với việc áp đặt, dưới các khẩu hiệu hấp dẫn, một lối suy nghĩ, một lối hiện hữu, một lối sống duy nhất, mà kết cục là biến mọi điều ta thừa hưởng từ các bậc trưởng thượng trở thành vô giá trị hoặc cằn cỗi; kết cục làm chúng ta, nhất là giới trẻ, cảm thấy nhỏ nhoi vì thuộc nền văn hóa này hay nền văn hóa nọ. Tóm lại, khả năng sinh sản của chúng ta mời gọi ta bảo vệ các dân tộc của ta khỏi chính sách thực dân ý thức hệ vốn nhằm tiêu diệt những người phong phú nhất của họ bất kể là người bản địa, người Mỹ gốc phi châu, người hợp chủng, các nông dân hay người ở phố xá.

Mẹ Thiên Chúa là gương mặt của Giáo Hội và từ ngài, chúng ta học để trở thành Giáo Hội với gương mặt hợp chủng, với gương mặt Bản Địa, Mỹ gốc Phi Châu, gương mặt nông dân, gương mặt bé trai bé gái, gương mặt người già người trẻ, để không một ai còn cảm thấy hiếm muộn hay không sinh hoa trái, để không ai còn cảm thấy phải xấu hổ hay là đồ vô nghĩa nữa. Nhưng, trái lại, để mỗi người, giống như Thánh Elisabét và Thánh Juan Diego, tự cảm thấy mình là người mang hứa hẹn, mang hy vọng và từ thâm tâm có thể nói: “Thưa Bố, nghĩa là lạy Cha! (Thư Galát 4:6) nhờ mầu nhiệm nhận làm con, một mầu nhiệm tuy không hủy bỏ các đặc điểm của mỗi người, nhưng vẫn đã phổ quát hóa chúng ta để thiết lập ta thành một dân tộc. Anh chị em thân mến, trong bầu khí tưởng nhớ đầy biết ơn này về việc chúng ta được làm người Châu Mỹ La Tinh, ta hãy hát lên bài ca của Thánh Êlisabét trong tâm hồn mình, bài ca mầu mỡ sản sinh, và hãy cùng nhau nói với các dân tộc chúng ta đừng mệt mỏi nhắc đi nhắc lại rằng: Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS