ĐTC Phanxicô: phó thác và tha thứ là căn tính của Kitô hữu

Nghe bài này

Dựa trên đoạn sách Tông đồ Công vụ nói về phó tế Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, ĐTC nhấn mạnh đến chiều kích phục vụ của chức phó tế, không phải ở bàn thờ, nhưng là trong cộng đồng. ĐTC cũng đề cao gương tử đạo của thánh Stêphanô: phó thác sự sống trong tay Chúa và tha thứ cho những kẻ làm hại mình. Đây chính là căn tính của các Kitô hữu.

Hồng Thủy – Vatican

Sáng thứ tư 25/9 đã có hơn 20 ngàn tín hữu quy tụ tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC. Trong số các tín hữu, có một số tu sĩ của các dòng đang tham dự tổng tu nghị tại Roma, đặc biệt là 80 nữ tu dòng Saint Paul de Chartres, trong đó cũng có một số chị Việt Nam.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, tuần này ĐTC nói về phó tế Stêphanô, thánh tử đạo tiên khởi của Giáo hội. Trước hết, ngài là một phó tế, chức vụ được các Tông đồ thiết lập để phục vụ cộng đoàn. ĐTC nhấn mạnh đến chiều kích phục vụ của chức phó tế, không phải ở bàn thờ, nhưng là trong cộng đồng. ĐTC cũng đề cao gương tử đạo của thánh Stêphanô: phó thác sự sống trong tay Chúa và tha thứ cho những kẻ làm hại mình. Đây chính là căn tính của các Kitô hữu.

ĐTC bắt đầu bài giáo lý với nhận xét rằng trong sách Tông đồ Công vụ, thánh sử Luca thuật lại sự lan rộng của Lời Chúa và cả những vấn đề nảy sinh trong cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Sách Công vụ trình bày về cách cộng đoàn sơ khai hài hòa các khác biệt trong lòng Giáo hội và không để xảy ra những xung khắc và phân rẽ.

Xầm xì nhiều chuyện phá hoại cộng đoàn

ĐTC nhận xét: Cộng đoàn sơ khai không chỉ chào đón người Do Thái, mà cả người Hy Lạp, những người đến từ cộng đồng hải ngoại, với văn hóa và sự nhạy cảm của riêng họ; họ cũng thuộc tôn giáo khác. Ngày nay chúng ta gọi họ là “dân ngoại”. Những người này được tiếp đón. Việc sống chung này tạo nên một sự hài hòa mong manh và bấp bênh; và trước những khó khăn này, trong cộng đoàn đã xuất hiện những bất đồng nghiêm trọng. Bất đồng tệ nhất phá hoại cộng đoàn chính là bất đồng xầm xì to nhỏ, nói xấu: người Hy Lạp lẩm bẩm phàn nàn vì cộng đồng thiếu quan tâm đến các bà góa trong nhóm của họ.

Không lơ là loan báo Tin Mừng, cũng không quên phục vụ người nghèo

Trước vấn đề này, các Tông đồ hành động như thế nào? Các ngài bắt đầu một quá trình phân định bao gồm việc xem xét kỹ càng các khó khăn và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp. Họ tìm được cách giải quyết bằng cách phân chia các nhiệm vụ khác nhau, để trong toàn Giáo hội có được sự tăng trưởng an bình, và để tránh lơ là sự phát triển của Tin Mừng cũng như việc chăm sóc những thành viên nghèo khổ nhất.

Chức phó tế được thiết lập là để phục vụ cộng đoàn

Các Tông đồ ngày càng nhận thức rằng ơn gọi chính của họ là cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa, và các ngài giải quyết vấn đề  bằng cách thành lập một nhóm “hạt nhân” gồm “bảy người có danh tiếng tốt, đầy Chúa Thánh Thần và khôn ngoan” (Cv 6,3), những người này, sau khi được các Tông đồ đặt tay, sẽ lo về các bữa ăn. Chức phó tế được thiết lập là để phục vụ. Trong Giáo hội, phó tế không phải là linh mục hạng hai. Phó tế không phải để phục vụ bàn thờ, nhưng để phục vụ. Đó là người coi sóc các công việc của Giáo Hội. Khi một phó tế rất thích phục vụ ở bàn thờ, thì là sai. Sự hài hòa giữa việc phục vụ Lời Chúa và phục vụ bác ái là chất men làm cho thân thể giáo hội phát triển.

Vu khống giết hại người khác

Trong số bảy “phó tế”, Stêphanô và Philipphê nổi bật cách đặc biệt. Stêphanô rao giảng Tin Mừng với sức mạnh và sự thẳng thắn, nhưng lời nói của ngài gặp phải sự kháng cự ngoan cố nhất. Không tìm được cách nào để khiến ngài bỏ cuộc, các đối thủ của ngài chọn giải pháp tầm thường nhất để tiêu diệt một con người: đó là vu khống hoặc làm chứng gian. Chúng ta biết rằng vu khống giết hại người khác. Chứng “ung thư quái ác” này, xuất phát từ mong muốn hủy hoại danh tiếng của một người, cũng tấn công phần còn lại của cơ thể giáo hội và gây thiệt hại nghiêm trọng khi, vì lợi ích nhỏ nhặt hoặc để che đậy khiếm khuyết của chính mình, người ta liên minh để bôi nhọ ai đó.

Thánh Stêphanô bị dẫn vào Thượng Hội đồng và bị buộc tội bởi các chứng gian. Người Do Thái đã làm như vậy với Chúa Giêsu và người ta sẽ làm như thế với tất cả các vị tử đạo. Trước Thượng Hội đồng, thánh nhân lược lại lịch sử thánh, một lịch sử quy hướng về Chúa Kitô. Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu chết và sống lại là chìa khóa cho toàn bộ lịch sử của giao ước. Trước lịch sử tràn đầy ơn thánh này, thánh Stêphanô can đảm tố cáo sự giả hình mà chính các ngôn sứ và Chúa Kitô đã tố cáo. Ngài nhắc lại lịch sử: “Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. (Cv 7,52). Thánh Stêphanô không dùng những lời nửa vời, nhưng nói rõ ràng, nói sự thật.

Căn tính môn đệ Chúa Kitô: Phó thác và tha thứ

Điều này khiến những người nghe phản ứng dữ dội và Stêphanô đã bị kết án chết, bị ném đá. Nhưng ngài đã diễn tả căn tính thực sự của người môn đệ Chúa Kitô. Ngài không tìm kiếm cách thoát thân, không cầu cứu những người có thể cứu mạng sống mình, nhưng đặt cuộc sống của mình trong tay Chúa và lời cầu nguyện của ngài trong giây phút ấy thật đẹp – “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con” (Cv 7,59) – và ngài chết như một người con của Chúa bằng cách tha thứ: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội lỗi này ” (Cv 7,60).

ĐTC khẳng định: Những lời này của thánh Stêphanô dạy chúng ta rằng không phải là những bài diễn văn hay chứng tỏ căn tính con Thiên Chúa của chúng ta, mà chỉ có sự phó thác cuộc sống của chính mình trong tay Chúa Cha và sự tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, giúp chúng ta nhận ra phẩm chất đức tin của mình.

Các vị tử đạo không phải là các “thánh”, nhưng là những người thực sự chiến thắng

Giáo hội ngày nay có rất nhiều các vị tử đạo. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là vào thời đầu của Giáo hội và các vị tử đạo ở khắp mọi nơi; Giáo hội được tưới bằng máu của các ngài; máu của các ngài là “hạt giống của các Kitô hữu mới”, và đảm bảo sự tăng trưởng và phong phú cho Dân Chúa. Các vị tử đạo không phải là các “thánh”, nhưng là những người nam nữ bằng xương bằng thịt – như sách Khải huyền nói – “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. (Kh 7,14). Họ là những người chiến thắng thực sự.

ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa để khi chiêm ngắm các vị tử đạo trong quá khứ và ngày nay, chúng ta có thể học cách sống một cuộc sống viên mãn, đón nhận sự tử đạo khi trung thành với Tin Mừng và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày.

Kết thúc bài giáo lý, ĐTC chào các tín hữu thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, mời gọi họ theo gương thánh Stêphanô, tín thác vào Chúa trước những khó khăn và làm chứng tá cho Chúa bằng lòng yêu thương, tha thứ đối với những người gây hại cho mình.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS