ĐHY Sako: Cuộc viếng thăm của ĐTC tới Iraq sẽ là niềm an ủi giữa quá nhiều bất ổn

Nghe bài này

Trong bầu khí chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha vào tháng 3 năm tới, 2021, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê đã gửi một sứ điệp đến các Kitô hữu, khẳng định “sự hiện diện của các Kitô hữu tại phương Đông là một dấu chỉ hy vọng của tình yêu Chúa Kitô, tình huynh đệ phổ quát và sự chung sống”.

Ngọc Yến – Vatican News

Đức Hồng y viết: “Chuyến tông du của Đức Thánh cha không phải là một chuyến du lịch sang trọng, nhưng là một cuộc hành hương mang thông điệp an ủi cho tất cả mọi người trong thời điểm bất an. Đây là một cơ hội cho một thay đổi lớn, để sau đó đức tin và niềm hy vọng trong chúng ta trở thành một hành động dấn thân”.

Theo Đức Thượng phụ Công giáo Canđê, trong thời điểm này, Iraq được mô tả như một bức tranh về một đất nước khao khát hòa bình, ước muốn tái khẳng định cội nguồn Kitô giáo và cần có một cái nhìn hướng về tương lai. Vì vậy, đối với người dân Iraq, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ là một sự khích lệ lớn để mọi người vượt qua nỗi đau và vết thương trong quá khứ, cùng nhau hướng tới hòa giải, hòa bình và sự phát triển, trong dấu chỉ của một sự chung sống có thể giữa “các anh chị em khác nhau của một gia đình duy nhất”.

Trong sứ điệp, Đức Hồng y Sako nhắc các tín hữu rằng, để Giáo hội Canđê sống động và hiện diện hơn, Giáo hội phải trở thành “Giáo hội của Chúa Kitô, của việc loan báo Tin Mừng, phục vụ và chăm sóc mục vụ. Giáo hội của Chúa Thánh Thần và hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, đối thoại đại kết với các Giáo hội chị em, cùng sống chung và đối thoại với các tôn giáo, đặc biệt với Hồi giáo.

Sau cùng, Đức Thượng phụ mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất để làm chứng cho Tin Mừng. Vì mặc dù có những khác biệt, nhưng về cơ bản các Giáo hội Kitô là một gia đình được kêu gọi để hoàn thành ơn gọi ở phương Đông này. Đức Hồng y khuyến khích các tín hữu, nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha hãy cùng nhau vận động mọi người nâng đỡ các Kitô hữu phương Đông, để họ có thể ở lại quê hương không phải ra đi, đó là một dấu chỉ về sự hiện diện tình yêu Đức Kitô, tình huynh đệ phổ quát và sự chung sống.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS