Hồng Thủy – Vatican News
Đức Thánh Cha khám phá ơn gọi của ngài vào ngày lễ thánh Mát-thêu, 21/9/1953. Vào hôm đó, khi chàng thanh niên 17 tuổi Jorge Bergoglio đi ngang qua một giáo xứ ở Buenos Aires, nơi cậu thường tham dự Thánh lễ, cậu cảm thấy cần xưng tội. Cậu gặp một linh mục mà cậu không quen biết, và chính lần xưng tội đó đã thay đổi cuộc đời cậu.
Kinh nghiệm gặp gỡ
Ngày 18/5/2013, trong buổi canh thức lễ Vọng Chúa Thánh Thần với các phong trào trong Giáo hội, Đức Thánh Cha đã thuật lại cuộc viếng thăm nhà thờ lần đó: “Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm gặp gỡ. Tôi thấy rằng có ai đó đang đợi tôi. Tuy nhiên, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi không thể nhớ, tôi không biết tại sao vị linh mục, người tôi không quen biết lại ở đó, hoặc tại sao tôi cảm thấy muốn xưng tội, nhưng sự thật là có ai đó đang đợi tôi. Người đã đợi tôi một thời gian. Sau khi xưng tội, tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi. Tôi không giống như trước nữa. Tôi đã nghe thấy một cái gì đó như một giọng nói, hoặc một tiếng gọi. Tôi đã bị thuyết phục rằng tôi phải trở thành một linh mục”.
Đức Thánh Cha đã cảm nhận sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời ngài, cảm thấy tâm hồn được đánh động và cảm thấy lòng thương xót của Chúa, dưới hình dạng của tình yêu dịu dàng, gọi ngài trở thành tu sĩ, theo chân thánh Inhaxio thành Loyola.
Quan tâm đến các linh mục
Đức Thánh Cha thường đề cập đến các linh mục trong các bài giảng và diễn văn của ngài. Trong thư gửi các linh mục Roma năm nay, trong bối cảnh lễ Truyền Dầu phải hoãn lại do đại dịch Covid-19, ngài nhắc các mục tử của Chúa, “những người bằng đôi bàn tay chạm đến nỗi đau của con người”, hãy ở gần các tín hữu, chia sẻ với họ và củng cố họ trên hành trình. Ngài yêu cầu các linh mục đừng dửng dưng nhìn sự việc qua cửa sổ, nhưng tìm cách hiện diện và đồng hành với cộng đoàn.
Và trong lần gặp gỡ các y bác sĩ và nhân viên y tế vùng Lombardia của Ý, Đức Thánh Cha nhắc lại “lòng nhiệt thành mục vụ và chăm sóc sáng tạo của các linh mục, những người đã giúp các tín hữu tiếp tục hành trình đức tin và không bị cô đơn khi đối diện với đau khổ và sợ hãi.”