Tiếng nói của sự thật giữa hàng lưỡi lê. Giáo Hội chúng ta có vị Hồng Y thật can trường

Nghe bài này

Màu đỏ huyết trên áo choàng của vị Hồng Y, là màu của máu, màu của sự tử đạo, chứ không màu sắc của một sự “ưu việt” thế tục.

Giữa bối cảnh nghẹt thở của một cuộc đảo chính kinh hoàng trong đó toàn bộ chính quyền dân sự và ban lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị bắt. Các nhà báo, nhà văn, thanh niên, sinh viên, thậm chí một số các nhà sư ôn hòa cũng bị binh lính lôi đi, một tiếng nói cho sự thật, hòa bình, và hòa giải đã được cất lên. Đó là tiếng nói của Đức Hồng Y Charles Bo. Trong chương trình này chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em thông điệp của Đức Hồng Y Charles Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin đề cập đến một vài nét về bối cảnh của cuộc đảo chính đang làm thế giới ngơ ngác trước khả năng thao túng của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

1. Tham vọng của Tướng Min Aung Hlaing và Bắc Kinh trong cuộc đảo chính tại Miến Điện

Cuộc đảo chính tại Miến Điện không chỉ đơn giản là một cuộc tấn công vào bà Aung San Suu Kyi hoặc thậm chí vào chính phủ hoặc đảng của bà. Đó là một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ và phá bỏ một thập kỷ cải cách.

Chính quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã khởi xướng 10 năm cải cách vừa qua và giám sát tiến trình này rất chặt chẽ. Tatmadaw đã viết hiến pháp, bảo đảm rằng nó kiểm soát ba bộ chủ chốt: Nội vụ, Hải quan, và Quốc phòng – và dành một phần tư số ghế quốc hội cho quân đội. Nó đã kẹp chặt đôi cánh của Suu Kyi, ngăn cản bà trở thành tổng thống, sử dụng bà như một bức tường lửa để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tội ác chống lại loài người, đồng thời giữ quyền kiểm soát ngân sách và lợi ích kinh doanh của nó. Nói cách khác, Tatmadaw đã nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, vậy tại sao họ lại trực tiếp nắm quyền và đưa Miến Điện trở lại chế độ độc tài quân phiệt?

Một trong những động lực đằng sau chương trình cải cách cách đây một thập kỷ là các tướng lĩnh không chịu nổi các áp lực liên tục của Trung Quốc, và họ biết cách duy nhất để làm loãng ảnh hưởng của Bắc Kinh là cải cách để thu hút sự tham gia của cộng đồng quốc tế.

Điều đó đã có tác dụng trong một vài năm, dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, các chuyến thăm liên tiếp của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo thế giới khác. Đến năm 2014, Miến Điện đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đất nước này.

Các vị tướng đã đạt được tất cả những điều này mà không phải nhượng bộ bao nhiêu. Trái lại, họ còn được hưởng nhiều lợi thế. Mối quan hệ giữa Tatmadaw và bà Suu Kyi đã phát triển trong những năm gần đây, đến mức bà đã đến The Hague để bảo vệ các tướng lĩnh trước cáo buộc diệt chủng. Bà đã phải phá vỡ danh tiếng quốc tế của mình vì họ.

Giáo Hội Năm Châu

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS