Đức Phanxicô và Kế hoạch ‘Đại Tái Lập’

Nghe bài này

Giống như những người cổ vũ kế hoạch (Đại Tái Lập), Đức Phanxicô cũng tin rằng nền kinh tế hoàn cầu cần được định hình lại để thoát khỏi đại dịch; nhưng không giống như họ, viễn kiến của ngài chú tâm tới ơn thánh của Thiên Chúa.

Trên đây là nhận định của Edward Pentin của tờ National Catholic Register ngày 4 tháng 2 năm 2021.

Ký giả trên cho hay: Kể từ lần đầu tiên được công chúng chú ý vào tháng 6 năm 2020, nhiều cuộc thảo luận đã xoay quanh “Đại Tái Lập” – một viễn kiến hoàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thúc đẩy và được các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ nhằm xây dựng lại một xã hội sau COVID dựa trên liên đới nhiều hơn và một nền kinh tế bền vững hơn.

Những người ủng hộ nổi bật bao gồm Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thái tử Charles của Anh. Mỗi người đều coi đây là một kế hoạch chi tiết để “tái lập chủ nghĩa tư bản”, một cơ hội để “xây dựng trở lại tốt hơn” sau đại dịch hoàn cầu, và đặt thế giới vào một nẻo đường bền vững và thân thiện hơn về môi trường, một nẻo đường “không hề có thay thế”.

Nhưng nhiều người khác đã chỉ trích các tham vọng của Đại Tái Lập, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Ernesto Araujo, người đã bác bỏ nó hoàn toàn; ông nói, “kiểm soát xã hội một cách toàn trị không phải là phương thuốc cho bất cứ cuộc khủng hoảng nào,” và tác giả cấp tiến Naomi Klein, người lo ngại nó sẽ tạo ra một “ấn tượng xảo quyệt” và “sai lầm” cho rằng giới tinh hoa hoàn cầu rất nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề được Đại Tái Lâp đặt ra. Trong Giáo hội, Đức Hồng Y Raymond Burke đã gọi đây là một cuộc tấn công đầy tính thao túng đối với tự do và gia đình.

Nói tổng quát hơn, các nhà phê bình coi đây là một chương trình nghị sự thiếu sót và nguy hiểm mở đường cho một tương lai hoàn cầu chuyên quyền gần giống với hệ thống cộng sản-tư bản của một Trung Quốc ngày càng thống trị.

Đại Tái Lập là sản phẩm trí tuệ của giáo sư Klaus Schwab, một nhà kinh tế học người Đức và là người sáng lập của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một cuộc tụ họp hàng năm của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị cấp cao mà từ năm 1971 đã thường gặp nhau ở Davos, Thụy Sĩ.

Theo trang web của Đại Tái Lập, dự án nuôi dưỡng viễn kiến coi cuộc khủng hoảng coronavirus đã phơi bày “các bất nhất, bất cập và mâu thuẫn” trong các hệ thống xã hội, nhưng cũng cung cấp “cơ hội độc đáo” để định hình thế giới. Chuyên biệt hơn, Đại Tái Lập tự quảng cáo như một sáng kiến để “xây dựng một hợp đồng xã hội mới biết tôn trọng phẩm giá của mọi hữu thể nhân bản”.

Để đạt được hợp đồng xã hội mới đó, các kiến trúc sư của Đại Tái Lập lý luận rằng thế giới “phải hành động chung và nhanh chóng nhằm cải tiến mọi khía cạnh của các xã hội và nền kinh tế của chúng ta, từ giáo dục đến hợp đồng xã hội và các điều kiện làm việc”.

Bản thân Schwab vốn coi hệ thống kinh tế chủ yếu dựa vào phương Tây, đang è cổ gánh những khoản nợ khổng lồ ước tính lên tới 277 nghìn tỷ USD, như “không còn phù hợp với thế kỷ 21” nữa và cần được cải cách. Ông tin rằng thế giới đang bước vào cái mà ông gọi là “Cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ tư” – một kỷ nguyên mới của sự thay đổi mô hình được thúc đẩy bởi những đột phá kỹ nghệ như trí khôn nhân tạo, điện toán lượng tử và người máy – và cần phải thích ứng cho phù hợp”.

Trong cuốn “Đại Tái Lập” xuất bản năm 2020, đồng tác giả với nhà kinh tế học người Pháp Thierry Malleret, Schwab viết, “Với các biện pháp ứng phó kinh tế cấp thời đối với đại dịch hiện đang được áp dụng, có thể nắm bắt cơ hội để thực hiện các loại thay đổi định chế và các lựa chọn chính sách nhằm đặt các nền kinh tế vào một nẻo đường mới hướng tới một tương lai xanh hơn, công bằng hơn. Mọi quốc gia, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, đều phải tham gia, và mọi ngành kỹ nghệ, từ dầu hỏa và khí đốt đến kỹ thuật, đều phải được biến đổi”.
Tờ Register đã liên hệ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhiều lần để nhận định về sáng kiến Đại Tái Lập nhưng không nhận được phản hồi.

Chồng chéo với phương thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chủ đề về “đại tái lập” không phải của riêng Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Những người khác vốn cũng đã kêu gọi một số hình thức tái lập có tính cộng đồng các giá trị và định chế, trong đó có Đức Giáo hoàng Phanxicô, người coi đại dịch đã phơi bày những sai sót của chủ nghĩa tư bản.

Sau khi giám sát cuộc tái lập Giáo hội được tranh luận sôi nổi của chính ngài trong tám năm qua, Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu một số sáng kiến theo cùng đường hướng như Schwab.

Ngài thường xuyên bày tỏ mong muốn thế giới nắm lấy cơ hội thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID nhưng tốt hơn, trong đó có thông điệp xã hội Fratelli Tutti hồi tháng 10 năm 2020 (mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới coi như đã đề xuất một tái lập tương tự), sáng kiến “kinh tế Francesco” của ngài ở Assisi hồi tháng 11 đề xuất một “nền kinh tế mới ” của “sự giàu có cộng đồng “, sáng kiến Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục do ngài liên kết với Liên hợp quốc, hoặc sự hợp tác của Vatican với Mission 4.7, một dự án do Liên hiệp quốc hậu thuẫn, giống như Hiệp ước Hoàn cầu, nhằm mục đích giáo dục thế giới về lối sống bền vững, bình đẳng phái tính và nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Cũng liên quan tới viễn kiến của ngài về việc tái lập các hệ thống kinh tế xã hội thế giới là cuốn sách thuật lại cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô của người viết tiểu sử ngài là Austen Ivereigh. Có tên là Chúng ta Hãy Mơ mộng: Nẻo đường dẫn đến Một Tương lai Tốt đẹp Hơn, một đoạn trích sách này đã được đăng trên tờ The New York Times, viễn kiến của Đức Phanxicô, xét về bản chất, trùng lắp với Đại Tái Lập.

Ngài viết, “Đối với tôi, điều đó rõ ràng là chúng ta phải thiết kế lại nền kinh tế để nó có thể cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận với một cuộc sống xứng đáng trong khi vẫn bảo vệ và tái tạo thế giới tự nhiên.”

Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, đã nhìn thấy những điểm tương đồng đáng kể khác giữa các mục tiêu của Đại Tái Lập và các mục tiêu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và ngài cũng nhấn mạnh quyết định của Đức Phanxicô hồi năm ngoái thành lập một ủy ban để suy tư về một “tương lai kinh tế – xã hội – văn hóa” mới, hậu đại dịch và đề xuất “các phương thức có liên quan”. “Ủy ban COVID-19 của Vatican,” với khẩu hiệu “Chuẩn bị cho tương lai”, được lãnh đạo và điều hành bởi thánh bộ của Đức Hồng Y.

Đức Hồng Y Turkson nói với tờ Register ngày 28 tháng 1 rằng Vatican mong muốn được “cởi mở” với các sáng kiến như Đại Tái Lập; ngài nói thêm rằng sự cởi mở và liên kết như vậy bắt nguồn từ lời kêu gọi của Công đồng Vatican II là trở thành “nhân chứng” và biểu lộ “tình liên đới với nhân loại. Mục tiêu đối với chúng tôi và theo quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là tưởng nghĩ lại một trật tự xã hội nhiều công bằng, bình đẳng hơn, nơi các bất công xã hội được khắc phục”.

Ngài giải thích, Đây là lý do tại sao thánh bộ của ngài đã “chia sẻ khá nhiều thông tin với Davos, Liên Hiệp Quốc, về phương thức của chúng tôi,” khiến “rất có thể” ngôn ngữ của Vatican và Diễn đàn Kinh tế Thế giới “giờ đây bắt đầu gần gũi nhau hơn”.

Hình ảnh Sai về Nhân loại?

Đức Hồng Y Gerhard Müller, tổng trưởng hồi hưu của Bộ Giáo lý Đức tin, cho biết ngài hoan nghênh các nhà kinh tế và chính trị gia gặp gỡ để thảo luận về kinh tế thế giới, vì nền kinh tế phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không phải một số ít được chọn. Nhưng ngài tự hỏi “hình ảnh nhân loại” trong chủ trương của các thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới và thành viên của các nhóm được lựa chọn tương tự khác là chi. Đối với các sáng kiến như Đại Tái Lập, ngài có một cái nhìn rõ ràng không có cảm tình.

Không trực tiếp đề cập đến sáng kiến này, ngài nói với tờ Register ngày 29 tháng 1 rằng hai bên – “chủ nghĩa tư bản trục lợi, những công ty kỹ thuật khổng lồ của các nước phương Tây” và “chủ nghĩa cộng sản của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” – ngày nay “hội tụ và hợp nhất thành một chủ nghĩa xã hội-tư bản thống nhất, ”tạo ra một“ chủ nghĩa thực dân mới ”mà Đức Giáo Hoàng “thường cảnh báo chống lại”.

Đức Hồng Y Müller tin rằng mục tiêu của họ “là kiểm soát tuyệt đối suy nghĩ, lời nói và hành động”.

Ngài nói thêm “Con người bị đồng nhất hóa có thể được chỉ đạo dễ dàng hơn. Thế giới homo digitalis (con người kỹ thuật số) của Orwellian đã bắt đầu. Qua diễn trình làm mọi sự được coi là bình thường (mainstreaming), sự đồng điệu hoàn toàn trong ý thức quần chúng sẽ đạt được nhờ các phương tiện truyền thông”. Và ngài nhắc ta nhớ tới nhà thông thái người Pháp thế kỷ 19 Gustave Le Bon, người đã tiên đoán tình huống như vậy trong cuốn The Psychology of Crowds (Tâm lý Đám đông) của ông.

Renato Cristin, giáo sư thông diễn triết học tại Đại học Trieste, Ý, nhận định rằng “vấn đề lương tâm” không được đề cập trong cuốn sách của Schwab và, bằng cách “loại bỏ các yếu tố của chủ nghĩa tư bản,” nó du nhập “các nguyên tắc của một loại khác: xã hội chủ nghĩa trên hết, và do đó duy nhà nước (statist)”.

Theo Cristin, người mô tả Đức Giáo Hoàng nói chung có thiện cảm với các sáng kiến “thù địch với hệ thống tư bản”, trong việc bác bỏ chủ nghĩa tư bản, Đại Tái Lập có lẽ có điểm tương đồng lớn nhất với viễn kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Điều trên không phải là không được Diễn đàn Kinh tế Thế giới lưu ý. Một bài báo trên trang web của họ ca ngợi Đức Giáo Hoàng vì, trong Fratelli Tutti, ngài đã bác bỏ rõ ràng chủ nghĩa tân tự do – tức hệ thống kinh tế cạnh tranh theo định hướng thị trường ngày nay nhằm loại bỏ các kiểm soát giá cả, bãi bỏ quy định thị trường tư bản, hạ thấp các rào cản thương mại và giảm ảnh hưởng của nhà nước đối với nền kinh tế. Tương tự như vậy, Đại Tái Lập cũng bác bỏ hệ thống này.

Trong các lĩnh vực khác, Cristin tin rằng cuốn sách của Schwab “thiếu sự chắc chắn và ý tưởng rõ ràng” để xây dựng tương lai, một triệu chứng của điều được ông gọi là “mất phương hướng” và “dấu ấn hỗn loạn” ảnh hưởng tai hại đến thế giới phương Tây ngày nay. Ông tin rằng nó tạo ra “chủ nghĩa thế tục hư vô”, và “mở đường cho một xã hội phi Kitô giáo” cũng như “các thế lực tiêu cực như chủ nghĩa duy Hồi giáo”.

Thay vì đi theo những sáng kiến như vậy, những sáng kiến bị ông mô tả là những viễn kiến thần học-chính trị liên kết với thần học giải phóng, ông tin rằng Giáo hội nên áp dụng học thuyết xã hội của mình “theo công thức độc đáo và chân chính do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra trong thông điệp Rerum Novarum và do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra trong thông điệp Laborem Exercens Centesimus Annus của ngài”. Ông nói, thế giới cần những lý thuyết “có cơ sở đàng hoàng, vững chắc, rõ ràng và hữu hiệu đề cập đến những giá trị vĩ đại của truyền thống phương Tây” và là những lý thuyết “thực sự mang lại trật tự cho thế giới”.

Nhưng, theo một số nhà phê bình, có lẽ mối nguy hiểm đáng kể nhất của sáng kiến Đại Tái Lập là viễn kiến vô thần không tưởng của nó. Schwab và Malleret, chẳng hạn, chưa bao giờ đề cập đến Thiên Chúa hay tôn giáo trong cuốn sách của họ, hoặc dành chỗ cho thể siêu việt.

Đức Hồng Y Müller nhận định rằng lịch sử dạy rằng những bỏ sót như vậy không phải là điềm tốt. Ngài nhắc nhở, bất cứ khi nào con người muốn “tái tạo và cứu chuộc chính mình,” thay vào đó, một con quái vật đã được tạo ra; ngài trưng dẫn làm thí dụ cuộc “thử nghiệm con người đầy khủng khiếp” của Liên Xô cộng sản trùng hợp với cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Ngài nói, “Điều đó từng thuyết phục chúng ta rằng không tưởng về một thiên đường trên trái đất dưới mọi hình thức đều dẫn đến những tội ác lớn nhất chống lại loài người (bác bỏ tự do của những người bất đồng chính kiến, hủy hoại sức lao động, giảm dân số bằng cách phá thai và an tử). Bản chất của con người, bị tổn thương bởi tội lỗi, cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ có ơn thánh của Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta ‘sự tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa’”.

‘Sự khác biệt triệt để’

Đức Hồng Y Turkson nói rằng mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều “nói về việc thiết lập lại tương lai” và coi hệ thống hiện tại là “thiếu sót”, nhưng phương thức của Đức Giáo Hoàng “bén rễ trong Kinh Thánh, bén rễ vào ơn thánh của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô”, nhưng ngài không áp đặt nó. Vì lý do này, Đức Hồng Y Turkson nhìn nhận có sự xung đột tiềm tàng với các nhân vật chủ đạo của Đại Tái Lập.

Ngài nói: “Khi chúng ta mở lòng đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, chúng ta có khả năng siêu việt, vượt ra ngoài chính mình. Đó là sự khác biệt triệt để với phương thức của họ”.

Đối với ý niệm cho rằng Đại Tái Lập nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do giới tinh hoa kiểm soát, Đức Hồng Y Turkson đã qui lỗi cho các lý thuyết như vậy trên các trang web và các âm mưu “từng được cho là của Illuminati” – một hội kín ở Bavaria được thành lập vào năm 1776 và tương tự như Phái Tam Điểm.

Cristin cũng không thích nói tới một “âm mưu”, mà chỉ nói đến một “cuộc đấu tranh giành quyền lực” để xây dựng một “trật tự thế giới mới”. Nhưng, ông dự đoán, nếu một trật tự mới như vậy có đạt được một kết quả nào, “nó vẫn sẽ là một đóng góp thêm vào sự hỗn loạn hoàn cầu”.

Đức Hồng Y Müller bày tỏ sự cảm thông đối với những người gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc Đại Tái Lập và nhắc nhở rằng các hệ thống độc tài “luôn bôi xấu mọi lời chỉ trích, cho là âm mưu và lật đổ”.

Đức Hồng Y người Đức nói: “Nhiều lời cảnh báo về chế độ độc tài toàn trị trong thế kỷ 20 “khó có thể bị bác bỏ là các lý thuyết âm mưu, vì những phát triển chính trị thực tế đã chứng minh chúng đúng. Sự tin tưởng mù quáng vào thái độ nhân ái của các nhà lãnh đạo các Quĩ Lớn và Xã Hội Mở chỉ có thể có được với việc bác bỏ thực tại hoàn toàn ngây thơ”. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhắc nhở các tín hữu về các nguy hiểm lâu đời như vậy.

Phát biểu tại buổi yết kiến chung hàng tuần của ngài vào ngày 27 tháng 1, kỷ niệm 76 năm ngày giải phóng trại tử thần Đức Quốc xã tại Auschwitz, Đức Phanxicô nói rằng việc tưởng niệm không những là “một dấu chỉ văn minh”, mà còn “có nghĩa là cảnh giác vì những điều này có thể xảy ra một lần nữa, bắt đầu bằng những đề xuất ý thức hệ cho rằng mình cứu một dân tộc mà thực ra kết cục là tiêu diệt dân tộc ấy và cả nhân loại ”.

Ngài nói, “Hãy coi chừng cách con đường chết chóc, tận diệt và tàn bạo này bắt đầu ra sao”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS