Luật quái đản: Cấm cầu nguyện cho những người LGBTQ+. Nhận định của Giáo Sư Carl R. Trueman

Nghe bài này

Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn vỗ ngực xưng tên là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.

Đạo luật vừa được thông qua được gọi là luật “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các thực hành bị cấm trong trường hợp này bao gồm cả việc khuyên lơn hay cầu nguyện cho những người LGBTQ+.

Carl R. Trueman là giáo sư môn Kinh Thánh và Tôn Giáo tại Grove City College, Hoa Kỳ vừa có bài phân tích về luật quái đản này trên tờ First Things ngày 8 tháng Hai.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Prohibiting Prayer in Australia

Carl R. Trueman

Cấm cầu nguyện tại Úc Đại Lợi

Conversion therapy hay “Liệu pháp chuyển đổi” là việc sử dụng các can thiệp tâm lý hoặc tâm linh để cố gắng thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Nó bị cấm trong trường hợp trẻ vị thành niên ở khoảng hai mươi tiểu bang của Hoa Kỳ. Thủ đô Hoa Kỳ cấm hoàn toàn các liệu pháp như vậy, bất kể tuổi tác. Những luật như vậy có thể được coi là một sự ủng hộ của chính phủ đối với những người LGBTQ+, nhưng chúng ta không nhất thiết phải nhìn nhận chúng một cách hoàn toàn bất cần đạo lý. Chúng cũng có thể phản ánh mong muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi phải trả tiền cho các phương pháp điều trị mà các nhà lập pháp coi là không cần thiết.

Tuy nhiên, tiểu bang Victoria ở Úc vừa thông qua một dự luật sẽ làm gia tăng đáng kể xung đột giữa tự do tôn giáo, lựa chọn cá nhân và chính trị về bản sắc. Và nó cũng có thể trở thành một mô hình mẫu cho luật pháp ở những nơi khác trong thế giới dân chủ.

Đạo luật vừa được thông qua được gọi là Dự luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới” 2020. Mục đích cơ bản của nó là “bảo đảm rằng tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục hay bản sắc giới tính, đều cảm thấy được chào đón và có giá trị ở Victoria và có thể sống một cách chân thực và với niềm tự hào”. Thật khó tranh cãi về điều đó, vì mục đích có vẻ đáng ca ngợi (ai lại muốn sống ở một nơi mà người ấy không cảm thấy được coi trọng?); và vì nó là hiện thân của cách nói chuyện phù phiếm trong thời đại trị liệu hiện tại của chúng ta. Cảm thấy có giá trị và sống chân thực là những cụm từ nghe rất kêu, nhưng trống rỗng, nghe có vẻ yên tâm tuyệt vời nhưng nội dung cụ thể rất dễ trở thành ngớ ngẩn. Tôi cho rằng, hoặc ít nhất hy vọng rằng, những người có “khuynh hướng tình dục” khiến họ lạm dụng trẻ vị thành niên không nên cảm thấy được chào đón và coi trọng ở Victoria mặc dù có luật mới này.

Luật định nghĩa một thực hành nhằm thay đổi hoặc áp chế như sau:

Một thực hành hoặc hành vi hướng tới một người, cho dù có hoặc không có sự đồng ý của người đó trên cơ sở khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; và nhằm mục đích thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; hoặc khiến người đó thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của họ.

Lưu ý rằng sự đồng ý của người đó là không quan trọng về mặt pháp lý: Việc thay đổi hoặc trấn áp là bất hợp pháp bất kể thái độ của người đó như thế nào.

Nhưng phần thực sự quan trọng của dự luật từ góc độ tôn giáo là danh sách “các hoạt động thay đổi hoặc đàn áp”. Điều này bao gồm: “thực hiện một thực hành tôn giáo, bao gồm nhưng không giới hạn nơi các thực hành dựa trên lời cầu nguyện, thực hành giải thoát hoặc trừ tà”.

Nói tóm lại, nếu ai đó yêu cầu mục sư, linh mục hoặc một người bạn Kitô hữu cầu nguyện cho họ để ham muốn tình dục hoặc chứng rối loạn giới tính của họ có thể được thay đổi, thì mục sư, linh mục hoặc bạn bè đó có nguy cơ phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ đang cầu nguyện cho con cái của họ — hoặc thậm chí đang dạy con cái họ rằng những biểu hiện ham muốn tình dục không theo khuôn mẫu (ít nhất là theo quy luật của khuynh hướng đương đại) là không phù hợp.

Quy định này rõ ràng không dựa trên bất kỳ phản đối siêu hình mạch lạc nào đối với việc thực hành cầu nguyện. Nếu các nhà lập pháp tin rằng Chúa tồn tại, họ có lẽ tin rằng Ngài đủ khôn ngoan để bỏ qua những lời cầu nguyện như vậy nếu chúng thực sự có hại. Và nếu họ không nghĩ rằng Ngài tồn tại, thì có vẻ hợp lý khi cho rằng họ sẽ coi lời cầu nguyện như vậy là một thực hành khá vô lý, thậm chí là vô nghĩa.

Tuy nhiên, nếu chính sách này không mang tính siêu hình, thì nó cũng bộc lộ một trong những khía cạnh của chính trị bản sắc mới: Những kẻ phản bội ý thức hệ giới tính là không thể được dung thứ. Cho dù đó là John McWhorter, người đang kêu gọi sự nhiệt thành của những người đang cổ vũ cho một tôn giáo mới chống nạn phân biệt chủng tộc đang bao trùm nước Mỹ, hay một người ẩn danh nào đó ở Úc cảm thấy rằng chứng rối loạn giới tính là vấn đề của tâm trí, không phải của cơ thể, thì kẻ phản bội phải bị xem là một người nào đó độc hại, hay nhẹ nhàng nhất cũng là một người cần được bảo vệ khỏi chính họ.

Đạo luật cũng thể hiện một trong những kết quả kỳ lạ nhất của việc xã hội hiện đại nhấn mạnh vào quyền tự do triệt để của cá nhân. Trong một thế giới như vậy, về mặt lý thuyết, tất cả đều phải được phép có những câu chuyện về bản sắc của riêng họ. Nhưng bởi vì một số câu chuyện về bản sắc chắc chắn đối lập với những câu chuyện khác, do đó, một số bản sắc phải được đặc quyền với địa vị hợp pháp và những bản sắc khác bị coi là căn bệnh ung thư văn hóa. Và điều đó có nghĩa là, trong một bước ngoặt trớ trêu, cá nhân mất quyền tự chủ và chính phủ phải vào cuộc với tư cách là người thực thi. Sau đó, nhóm vận động hành lang sẽ quyết định ai vào và ai ra, với kết quả là, trong trường hợp này, người đồng tính hoặc chuyển giới muốn trở thành người thẳng hoặc “cis” (sử dụng biệt ngữ), là những người không thể được dung thứ. Câu chuyện của anh ta gợi lên câu hỏi cho những người khác. Chúng ta có thể nói rằng chính sự tồn tại của anh ấy là một mối đe dọa. Ban cấp bất kỳ mức độ hợp pháp nào cho mong muốn của anh ta là thách thức địa vị chuẩn mực đối với mong muốn của người khác.

Và vì vậy lời cầu nguyện cho những kẻ dị giáo như vậy phải bị cấm, ngay cả khi họ yêu cầu cụ thể điều đó. Điều này không hẳn vì lời cầu nguyện gây hại cho những người mà lời cầu nguyện ấy hướng đến, mà chỉ đơn giản là vì lời cầu nguyện ấy làm chứng cho thực tế rằng không phải tất cả mọi người – thậm chí không phải tất cả những người đồng tính và chuyển giới – đều thích thú với thứ chính trị bản sắc tình dục hiện tại.

Có lẽ đó là điều đáng khích lệ. Có lẽ từ lâu các xã hội phương Tây đang bắt đầu thức tỉnh trước sự thật rằng Kitô Giáo, ở cốt lõi của nó, đang làm chứng cho sự thật rằng thế giới hiện nay không phải như nó đáng lẽ phải trở thành. Nhưng cũng có một dấu hiệu đáng ngại khi một thực hành tôn giáo cơ bản như cầu nguyện – thường bị những người phi tôn giáo coi là vô nghĩa – hiện đang trở thành mục tiêu của luật pháp thù địch ở một quốc gia dân chủ. Có thể chúng ta chưa đến mức cho rằng suy nghĩ thôi đã là tội ác, nhưng chúng ta dường như đã đến thời điểm mà việc thể hiện một số suy nghĩ, ngay cả trong lời cầu nguyện, có thể bị coi là hành vi phạm tội. Trước nguy cơ khuyến khích mọi người phạm tội trọng và những tội nhẹ, tôi sẽ kêu gọi mọi người cầu nguyện để các quốc gia khác không theo gương của tiểu bang Victoria, vì nếu họ làm vậy, chỉ trong vài năm tới, có thể là bất hợp pháp khi chúng ta cầu nguyện về hầu hết mọi thứ mà các vua chúa và các chủ nhân của chúng ta không chấp thuận.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS