Khi các giám mục Hoa Kỳ chuẩn bị thảo luận về một dự thảo tuyên bố về Bí tích Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục Denver đã nhắc lại cách thức Chúa Kitô thách thức trực tiếp những người tội lỗi mà Ngài đã gần gũi.
“Sự trung thực thẳng thắn của Chúa Kitô là một thách thức, và đối với một số người, nó mang tính đe dọa đến mức họ âm mưu chống lại Chúa Giêsu và cuối cùng giết Ngài. Trong một thế giới tràn ngập những tiếng nói cạnh tranh và những lời tường thuật về sự thật, chúng ta có thể sử dụng ân sủng này nhiều hơn, đặc biệt khi liên quan đến việc lãnh nhận bí tích quan trọng nhất, là Bí tích Thánh Thể,” Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila viết trong chuyên mục ngày 21 tháng 10 trên tờ Denver Công Giáo.
Vị Tổng Giám Mục lưu ý cách Chúa Kitô nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, và thách thức người thanh niên giàu có “hãy đi, bán tài sản của anh và đưa tiền cho người nghèo, và anh sẽ có kho báu trên trời; sau đó hãy đến, và theo tôi”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, sẽ thảo luận về tài liệu dự thảo “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, tại phiên khoáng đại từ ngày 15 đến 18 tháng 11 tại Baltimore.
Hồi tháng 6, sau khi tranh luận rộng rãi, USCCB đã bỏ phiếu xem có nên bắt đầu soạn thảo tài liệu này hay không. Việc các chính trị gia ủng hộ phá thai lại được cho rước lễ như trong trường hợp Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khiến các ngài quyết tâm soạn thảo tài liệu này.
Tuyên bố sẽ giải thích sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật như một ngày thánh, và sự cần thiết là người Công Giáo phải thực hiện lời dạy của Giáo hội trong cuộc sống của họ sau khi rước lễ.
Trong khi tài liệu đề cập đến sự xứng đáng để rước lễ xem ra nhắm thẳng vào ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi, Đức Cha Kevin Rhoades, Giám Mục Fort Wayne-South Bend, chủ tịch ủy ban giáo lý của USCCB, nói rằng tài liệu không có ý nhắm vào một cá nhân hoặc một hành động xấu xa chuyên biệt nào, mà là một lời mời gọi “nâng cao” nhận thức về sự cần thiết của người Công Giáo phải đón nhận Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng, và hoán cải bản thân để sống phù hợp với Thánh Thể.
Đức Tổng Giám Mục Aquila cho biết cuộc tranh luận “xoay quanh các câu hỏi: Cách tốt nhất để khuyến khích niềm tin lớn hơn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa là gì? Và từ sự hiện diện thực sự của ngài, các giám mục và mục tử nên làm việc như thế nào để phục hồi linh hồn của những nhân vật Công Giáo đã không hành động phù hợp với Tin Mừng?”
Ngài lưu ý: “Thái độ bó tay với những người công khai chống lại giáo lý của Giáo hội gây ra tai tiếng và làm suy yếu niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng gây ra tai tiếng là dẫn người khác vào tội lỗi.
“Một thái độ như vậy có thể khiến các tín hữu Công Giáo nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và thậm chí có thể đặt câu hỏi về việc các giám mục của họ tin vào điều đó sâu sắc đến mức nào. Nếu Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và chúng ta không làm gì khi Chúa Kitô được đón nhận bởi những người công khai và cố ý bài bác giáo lý của Người, trong khi lại tuyên bố mình là những người Công Giáo sùng đạo, thì những nghi ngờ có thể xuất hiện trong lòng các tín hữu. Những câu hỏi như: Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không? Bí tích Thánh Thể có phải là điều chúng ta có thể đón nhận khi đang trong tình trạng phạm tội nghiêm trọng không? Hoặc, nếu các giám mục không dạy về cách thích hợp để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, thì làm thế nào một người đón nhận Chúa Giêsu coi trọng điều đó?”
Các giám mục được kêu gọi để lo cho phần rỗi của đàn chiên mình, và “chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng chúng ta cần khuyến khích sự ăn năn trở lại của tất cả những ai đã không trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm và cố gắng hết sức để ngăn chặn nhiều người làm như thế.”
“Nhiệm vụ này đòi hỏi sự giao tiếp rõ ràng và trung thực, sự chính trực và tình yêu thương nó đòi hỏi cách tiếp cận mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong suốt sứ vụ của Người”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng phương pháp này gần đây.
“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là giết người. Về mặt khoa học mà nói, đó là một mạng người. Sách giáo khoa dạy chúng ta điều đó. Nhưng liệu có đúng để đưa trục một đứa trẻ ra ngoài để giải quyết một vấn đề không? Và đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì chấp nhận điều này thì có khác gì là chấp nhận giết người hàng ngày”, Đức Giáo Hoàng đã trả lời như trên trước câu hỏi “về việc cho các nhân vật Công Giáo, những người bỏ phiếu hoặc hành động theo những cách khác nhau để thúc đẩy phá thai, được rước lễ”.
“Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng những người cổ súy cho việc phá thai tự đặt mình ra ngoài cộng đồng Giáo hội và điều này gây ra một tình thế khó xử cho các mục tử. ‘Mục tử phải làm gì? Hãy chăn dắt, đừng đi xung quanh để lên án… nhưng hãy là một mục tử. Nhưng có phải ngài cũng là một mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Chắc chắn rồi, ngài là mục tử của những người ấy, và những phải là một mục tử theo phong cách của Chúa Giêsu. Và phong cách của Chúa Giêsu là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Thiên Chúa là tất cả những điều này, và chính Ngài là sự thật”.
“Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt cách tiếp cận của Thiên Chúa bằng cách nói rằng những người Công Giáo cổ vũ điều ác nghiêm trọng thì ở bên ngoài cộng đồng Giáo hội và không thể rước lễ, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không nên bị bỏ rơi mà phải được tìm kiếm. Họ phải hiểu rằng một ngày nào đó họ sẽ đứng trước mặt Chúa một mình và bị đánh giá theo lòng trung thành của họ đối với Chúa Kitô và tất cả những gì Ngài đã dạy”.
Đức Tổng Giám Mục Aquila viết: “Chúa Giêsu không cần biết người ấy thuộc đảng phái chính trị nào, Ngài chỉ quan tâm đến sứ điệp Tin Mừng, việc loan báo Nước Thiên Chúa, hay việc một người có tìm kiếm thánh ý Chúa hay không. Chúa đã đưa ra nhiều lời cảnh báo rằng địa ngục là có thật và là khả năng cho những ai không trung thành”.
Tổng Giám Mục kết luận với lời cầu nguyện xin cho các giám mục “tìm cách đi theo con đường chân lý và bác ái này.”