Người ta tự hỏi phải chăng còn có thể sống một cuộc hôn nhân Công Giáo? Chẳng hạn như vẫn giữ lòng trung tín, sinh con đẻ cái và làm cho tình yêu sinh hoa kết trái? .. Trong xã hội hiện đại, trước sự tháo thứ của nền luân lý đạo đức, của phong tục tập quán, những căng thẳng gia tăng vì công ăn việc làm và sự đánh mất các điểm tham chiếu, thì làm thế nào để có thể sống dài lâu bền vững trong cuộc hôn nhân kết ước một cách thật chân chính? Xin trích chứng từ của ông bà Jean-Francois và Catherine lấy nhau từ 15 năm và có 2 người con. Ông Bà thuộc giáo xứ Saint-Pierre de Montrouge trong quận XIV của thủ đô Paris. Ông bà nói về kinh nghiệm trong cơn gian nan khốn khó cần giữ vững lòng kiên nhẫn.
Trước hết chúng tôi cưới nhau theo phép đời tại tòa đô sảnh để cho ra chào đời đứa con đầu lòng – bất ngờ được thụ thai – trong khung cảnh đầm ấm gia đình. Chúng tôi si-tình nhau từ mấy năm trước đó nhưng việc tiến đến hôn nhân thực thụ làm chúng tôi hơi lo sợ nên đâm ra do dự. Đứa con đầu lòng là dịp thuận lợi thúc đẩy chúng tôi phải nghiêm chỉnh dấn thân trong đời sống vợ chồng. Hai năm sau chúng tôi chính thức làm lễ thành hôn theo phép đạo Công Giáo tại nhà thờ. Tiếp nhận THIÊN CHÚA và đặt Ngài giữa trung tâm cuộc sống khiến chúng tôi cảm thấy an toàn và như dấu chứng cho cuộc sống trường thọ. Cho dẫu hai vợ chồng không cùng ở trên một mức độ Đức Tin như nhau, chúng tôi vẫn đồng ý mỗi năm dành ra thời gian cần thiết để tu bổ đời sống thiêng liêng. Đây là lúc chúng tôi cùng nhau kiểm điểm đời sống phu thê. Đối với chúng tôi thì hình như là điều chính yếu khi chúng tôi ra khỏi cái thường nhật để cùng nhau tiến bước trên hành trình thiêng liêng.
Sau khi lấy nhau được vài năm thì chúng tôi bắt đầu có các thói quen xấu. Nhờ liên hệ với các đôi vợ chồng Công Giáo khác chúng tôi khám phá ra việc phải dành ưu tiên cho người bạn đời của mình. Chúng tôi chọn việc tránh lấy vài quyết định – chẳng hạn như trả lời các thiệp mời – mà không bàn hỏi ý kiến với bạn đời trước. Chúng tôi cũng lấy thói quen viết ra trên giấy những điều chúng tôi cảm thấy e ngại nói ra bằng lời. Điều này giúp chúng tôi có ý thức mỗi người cần đến bạn đời của mình. Khi chúng tôi rơi vào tình trạng bế tắc, không thể nào trao đổi giữa vợ chồng, chúng tôi cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh và kiên nhẫn đợi chờ. Chúng tôi tìm cách không bi thảm hóa vấn đề khi tự nhủ:
– Những khó khăn ngoại tại đang làm xao xuyến một trong hai người, không mảy may xáo trộn cuộc sống lứa đôi.
Rất thừơng khi, chúng tôi biết rằng cuộc gặp gỡ sắp tới với Nhóm Chia Sẻ ”Sống và Yêu” sẽ cho phép chúng tôi nối lại cuộc đối thoại bị gián đoạn giữa hai vợ chồng.
… Ông bà Christian-Frédéric và Blanche lấy nhau từ 3 năm có một đứa con và sống tại giáo xứ Thánh Đaminh nơi quận XIV của thủ đô Paris. Ông bà nói về kinh nghiệm vợ chồng nhìn nhau với tâm tình hài hước.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất lúc quyết định lấy nhau, đó là, sự thay đổi lối sống mà hôn nhân đòi buộc: chuyển từ cách sống độc thân sang đời sống lứa đôi, đâu có dễ dàng gì! Rồi làm thế nào để biết rằng mình không đánh lừa ai, bởi vì đây là một quyết định chung kết?
Ngay từ đầu tính chất bất-khả-phân-ly của hôn nhân xuất hiện trước mắt chúng tôi như chuyện hiển nhiên: lấy nhau tức là dâng hiến chính mình cho người bạn đời, và không có vấn đề lấy lại! Nhờ mẫu gương của các đôi vợ chồng sống chung quanh và với sự trợ giúp của THIÊN CHÚA, chúng tôi hiểu đây là chuyện có thể làm được. Sau cùng chúng tôi hiểu rằng yêu người bạn đến suốt đời là một chọn lựa bắt buộc.
Để giúp cho tình yêu kéo dài với thời gian chúng tôi canh chừng phẩm chất mối quan hệ giữa chúng tôi. Chúng tôi hiện diện và quan tâm đến người bạn đời qua ánh mắt và thái độ cư xử, qua đối thoại và đọc sách báo. Chúng tôi thường nhận ra người bạn đời có thể bị tổn thương cách khác với chính mình. Chúng tôi cũng nhận ra cần phải dành thời giờ để tiếp xúc với gia đình thân nhân của bạn đời để hiểu bạn đời nhiều hơn.
Để tránh các cuộc tranh chấp trong cuộc sống vợ chồng, chúng tôi cố gắng có cái nhìn bao dung và tự nhủ rằng bạn đời ước mong điều lành cho mình và khiêm tốn nhận ra lầm lẫn của mình. Dĩ nhiên, để được như thế, cần phải có thời gian. Và khi nhận ra là chúng tôi cứ rơi vào cùng một lầm lẫn thì chúng tôi tiếp nhận nó với tinh thần hài hước, cố gắng tương đối hóa các khó khắn và các vấn đề.
Sau cùng, chúng tôi đều đặn cầu nguyện chung vào mỗi buổi tối. Và khi cần, chúng tôi đợi cho cơn nóng giận lắng dịu xuống rồi mới cùng nhau hướng nhìn về THIÊN CHÚA. Bởi vì, không thể nào cầu nguyện cùng THIÊN CHÚA khi mà vợ chồng chưa hòa giải được với nhau!
… ”Hối lộ và bất công rồi ra sẽ biến mất, nhưng lòng trung tín sẽ tồn tại muôn đời. Tài sản quân bất chính sẽ như dòng suối cạn, sẽ như sấm nổ giữa cơn mưa. Người rộng tay làm phúc ắt sẽ được vui mừng; kẻ ngoảnh mặt làm ngơ sẽ tiêu vong vì bị người bỏ mặc. Con cháu bọn bất lương sẽ như cây không chồi, như rễ không sạch bám trên đá cứng. Cây lau mọc nhan nhản bên mọi dòng nước và bờ sông sẽ bị bứng đầu tiên trước mọi cây cỏ khác. Lòng nhân nghĩa như địa đàng đầy dư phước lộc, việc bố thí sẽ tồn tại muôn đời.. Người sinh con cũng như kẻ xây thành đều để lại danh thơm cho hậu thế, nhưng người vợ hiền còn đáng quý hơn. Rượu và nhạc khiến lòng người phấn khởi, nhưng lòng mến đức khôn ngoan vẫn đáng quý hơn. Tiếng sáo, tiếng đàn khiến giọng hát du dương, nhưng lời nói dịu dàng còn êm tai hơn nữa.. Bạn bè thân hữu gặp nhau có lúc, sao như vợ chồng chung sống bên nhau. Có anh có em là để giúp nhau khi hoạn nạn, nhưng của bố thí còn trợ giúp đắc lực hơn. Có bạc, có vàng là an tâm vững chí, nhưng được người góp ý còn quý giá hơn. Giàu sang và sức mạnh khiến người ta tin tưởng, nhưng lòng kính sợ THIÊN CHÚA còn trổi vượt hơn. Có lòng kính sợ THIÊN CHÚA thì chẳng thiếu gì. Kính sợ Chúa rồi, không cần phải cầu cứu ai nữa. Lòng kính sợ THIÊN CHÚA như địa đàng đầy dư phúc lộc, che chở phù trì hơn mọi thứ vinh quang” (Sách Huấn Ca 40, 12-27).
(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1481, 6 Juin 2013, trang 6-7)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt