Ngài từng được gọi là “vị giáo hoàng ứng biến” (improv pope), vị giáo hoàng gây ngạc nhiên, nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất là Đức Phanxicô, cho tới nay, vẫn thoát được mọi cố gắng nhằm xếp loại ngài. Từ ngày bắt đầu thừa tác vụ Phêrô tới nay, rất nhiều bình luận gia đã đưa ra đủ thứ dự đoán về ngài, nhưng tất cả đều trật lất. Trong số khá nhiều lầm lẫn, sau đây là một số lầm lẫn đáng kể:
1. “Đức Phanxicô chống Đức Bênêđíctô”
Vì Đức Phanxicô xuất thân từ Á Căn Đình, còn Đức Bênêđíctô xuất thân từ Đức quốc, và vì Đức Phanxicô hướng ngoại cách tự nhiên còn Đức Bênêđíctô thì hướng nội nhiều hơn, nên một số người cho rằng các dị biệt về phong cách này nói lên một dị biệt về toàn bộ cung cách suy nghĩ. Nhưng những người nghĩ như thế là những người không chịu lưu ý. Một lầm lẫn tương tự cũng đã từng diễn ra khi Đức Gioan XXIII mập mạp và tươi cười kế vị Đức Piô XII uy nghiêm và khắc khổ hơn, dù hai vị vốn thân quen với nhau.
Sau khi kế nhiệm Đức Bênêđíctô vào ngày 13 tháng Ba, một trong các lời đầu tiên của Đức Phanxicô là để cầu nguyện cho vị tiền nhiệm. Sau đó, ngài lập tức điện thoại cho vị tiền nhiệm. Chỉ 10 ngày sau, Đức Phanxicô đích thân tới Castel Gandolfo để chào kính Đức Bênêđíctô một cách công khai và long trọng. Khi Đức Bênêđíctô trở lại Vatican vào tháng Năm, ngài lại tới ôm hôn vị tiền nhiệm của mình một cách thân ái trước sự chứng kiến của mọi người. Và từ đó, hai ngài luôn giữ liên lạc với nhau và đích thân gặp nhau.
Ngày đáng nhớ nhất hẳn phải là ngày 5 tháng 7. Có thể coi ngày này như là ngày đầu tiên Đức Phanxicô, giám mục Rôma, thi hành quyền tối thượng của một giáo hoàng: công bố văn kiện huấn quyền đầu tiên, tức Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, và công bố quyết định tôn Đức Gioan XXIII lên hàng hiển thánh dù không có phép lạ, như luật thông thường đòi hỏi. Chính hôm đó, người ta thấy có sự hiện diện của cả hai vị giáo hoàng đương nhiệm và hưu trí. Sự hiện diện ấy hết sức có ý nghĩa, đánh tan mọi lo lắng của rất nhiều nhà bình luận xưa nay về viễn tượng “hai giáo hoàng” thuở nào.
Biến cố khác cũng có ý nghĩa không kém đó là cuộc du hành ra ngoại quốc lần đầu của Đức Phanxicô. Bắt đầu từ Đức Phaolô VI, người ta đã cho rằng một trong các hình thức thi hành quyền tối thượng của giám mục Rôma là du hành ra ngoại quốc gặp gỡ các giám mục hoàn cầu ở ngay chính lãnh thổ cai quản của các vị. Theo tiết lộ của Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Bênêđíctô, một trong các lý do khiến Đức Bênêđictô từ nhiệm là việc hết khả năng thực hiện các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương! Đức Phanxicô có đồng cảm như thế hay không là điều ta không biết, chỉ biết một điều, trước khi lên đường qua Rio de Janeiro, thực hiện chuyến đi ngoại quốc lần đầu để hiệp thông cùng các giám mục thế giới, ngài đã tới gặp Đức Bênêđíctô…
Từ cuộc trả lời báo chí trên chuyến bay từ Rio trở lại Rôma, ta thấm hơn lý do của cuộc gặp gỡ trên: người cha, trước khi lên đường ra đi, tới chào kính và xin “ông nội” chúc phúc cho chuyến đi của mình. Ta hãy nghe lại chính lời Đức Phanxicô: “Nó giống như có Ông Nội trong nhà vậy, nhưng là một Ông Nội khôn ngoan. Khi trong một gia đình có Ông Nội trong nhà, thì người được tôn kính, yêu mến và lắng nghe. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người của thận trọng, người không xen mình vào, tôi đã thưa ngài biết bao nhiêu lần rằng: ‘Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy sống cuộc sống của ngài, xin đến với chúng con…’ Và ngài đã đến để khánh thành và làm phép tượng Tổng Lãnh thiên thần Micae…
“Đó, câu nói đó diễn tả tất cả rồi. Đối với tôi thì như là có Ông Nội trong nhà: ngài là thân phụ của tôi. Nếu gặp khó khăn hay có việc gì không hiểu tôi sẽ điện thoại hỏi ngài: ‘Xin nói cho con biết, con có thể làm việc đó không?’”
Những lời tâm sự ấy hẳn phải phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, vì nào có ai “ép” Đức Phanxicô phải nói “đến cái mức ấy” đâu!
Gần đây, Đức Phanxicô còn cho một trong các học trò của ngài hay Đức Bênêđíctô là một tư tưởng gia tuyệt vời và ngài hết lòng trông đợi các lời cố vấn của vị tiền nhiệm: “bỏ qua lời cố vấn của Đức Bênêđíctô quả là điều ngu xuẩn”.
Tuyên bố trên hoàn toàn được biện minh bởi Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin. Văn kiện huấn quyền này vốn được Đức Bênêđíctô khởi sự vào cuối triều giáo hoàng của ngài, nhưng chưa hoàn tất. Đức Phanxicô có quyền dẹp bỏ nó để viết lại một nội dung khác. Nhưng không, ngài tiếp tục hoàn thành nó và công bố nó như thông điệp “đăng quang” của mình mà vẫn dành trọn công lao cho vị tiền nhiệm. Làm thế, Đức Phanxicô đã hoàn toàn ủng hộ những tầm nhìn thấu suốt của Thông Điệp về đức tin và lý trí, sự quan trọng của chân lý, khoa giải thích liên tục, thẩy đều là các trọng điểm của triều giáo hoàng Bênêđíctô. Có thể nói, Đức Phanxicô đang làm rất nhiều để củng cố và thăng hoa di sản của Đức Bênêđíctô hơn óc tưởng tượng của chính những người ái mộ vị giáo hoàng hưu trí.
Pat Archbold của National Catholic Register, ngày 5 tháng 8 vừa qua, còn đưa ra 10 trích dẫn để chứng minh Đức Phanxicô là một giáo hoàng cấp tiến. Có điều không như người ta vốn nghĩ, vốn cho rằng cấp tiến ở đây ngược lại bảo thủ của Đức Bênêđíctô. Vì một điều nghịch lý: cả 10 trích dẫn đó đều lấy từ vị giáo hoàng hưu trí (xem “10 Quotes That Prove The Pope Is A Liberal” http://www.ncregister.com/blog/pat-archbold/10-quotes-that-prove-the-pope-is-a-liberal#ixzz2bEPQcXgK)
Dĩ nhiên, cứ nhìn bề ngoài, từ nơi ở (Santa Martha), cử chỉ (tươi cười, tự nhiên), lời nói (bộc trực), tới cách phục sức (đơn giản), ai cũng phải nhận Đức Phanxicô thật khác với vị tiền nhiệm lúc còn tại chức. Nhưng điều nghịch lý là cái khác ấy là để… giống vị tiền nhiệm khi vị này không còn tại nhiệm nữa. Điều hiển nhiên hiện nay là cả hai vị giáo hoàng còn tại thế giống nhau đến độ khó mà phân biệt được ai đang “cầm quyền” ai không, nếu chỉ nhìn bề ngoài: không vị nào sống trong tông điện cả, không vị nào mang giầy đỏ cả, không vị nào mang mozetta cả, không vị nào thánh giá vàng, thánh giá ngọc, vị nào cũng sống tại nơi “đạm bạc”, mặc áo chùng trắng như nhau, chiếc mũ như nhau, đôi giầy giống nhau, thánh giá ngực như nhau, và cả “quân hầu người hạ” cũng không hơn gì nhau! Cái hình ảnh hai vị giáo hoàng tại thế như nhau, thiển nghĩ là điều Đức Phanxicô cố tình tạo nên, khi từ chối dọn vào tông điện, khi từ chối ăn vận khác với một giám mục bình thường, ngoại trừ mầu áo (như vị tiền hiệm hưu trí) và dĩ nhiên chiếc nhẫn Phêrô vì dù gì ngài vẫn lả kẻ nối nghiệp Phêrô. Đức Phanxicô không thoái thác việc nối nghiệp ấy nhưng phải chăng hình ảnh hai lá phổi của Đức Gioan Phaolô II khi nói tới các Giáo Hội Đông và Tây Phương không đang áp dụng vào trường hợp hai vị kế nhiệm tức khắc của mình đó sao?
2. “Đức Phanxicô không phải là chiến binh văn hóa”
Từ lầm lẫn đầu mà có lầm lẫn sau. Người ta bảo rằng: không như Đức Bênêđíctô cứng ngắc, Đức Phanxicô mềm dẻo hơn. Ngài tránh đối chất cũng như các tố cáo lớn tiếng, và không hề muốn pha mình vào bất cứ cuộc chiến tranh văn hóa nào; không chỗ nào rõ ràng hơn bằng cung cách ngài xử sự với các vấn đề xã hội nóng bỏng. Phóng viên tôn giáo Allesandro Speciale gần đây cho rằng Đức Phanxicô “ít tha thiết tới chuyện pha mình vào các cuộc chiến văn hóa liên quan tới phá thai hay hôn nhân đồng tính, điều mà các vị tiền nhiệm của ngài rất tha thiết”. Sandro Magister viết thêm: “Không thể là chuyện tình cờ khi sau 120 ngày đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô vẫn chưa nói tới những chữ như phá thai, an tử, hôn nhân đồng tính”.
Thật khó có thể tưởng tượng được những nhận định nào sai lạc hơn thế. Không kể là người vốn lớn tiếng bênh vực trẻ chưa sinh và hôn nhân truyền thống lúc còn làm TGM Buenos Aires, từ ngày làm giáo hoàng, Đức Phanxicô chưa bao giờ chịu nhượng bộ một ly về sự thật luân lý của Giáo Hội. Chưa đầy hai tuần lễ sau khi lên ngôi, Đức Phanxicô đã minh nhiên hứa tiếp tục cuộc chiến đấu của Đức Bênêđíctô chống lại “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”. Tháng Năm vừa qua, Đức Phanxicô không những khuyên hàng chục ngàn người tham gia biểu tình phải bảo vệ sự sống nhân bản “ngay từ lúc mới tượng thai”, mà còn đích thân tham dự cuộc diễn hành phò sự sống ở Rôma. Gần đây, ngài còn gửi một sứ điệp đặc biệt phò sự sống tới Ái Nhĩ Lan, lúc nước này đang trong diễn trình thừa nhận việc hợp pháp hóa phá thai; ngài khuyên nước này bảo vệ “cả những người yếu ớt nhất và dễ bị thương tổn nhất, người bệnh, người già, trẻ chưa sinh…”. Ngài tuyên bố rằng mọi người “phải chăm sóc sự sống, trân quí sự sống… từ lúc bắt đầu tới lúc tận cùng của nó”. Thiển nghĩ ngôn từ ấy đã quá rõ ràng.
Còn về hôn nhân đồng tính, sau khi Pháp hợp pháp hóa nó, ngược với sự phản đối cực lực của Giáo Hội, Đức Phanxicô đã lớn tiếng chỉ trích các nhà lập pháp theo đòi “phong cách và lối suy nghĩ thời thượng” và sau đó đã dạy trong Ánh Sáng Đức Tin rằng “Khung cảnh đầu tiên để đức tin soi sáng kinh thành nhân bản là gia đình. Tôi nghĩ trước hết và trên hết đến sự kết hợp bền vững của người nam và người nữ trong hôn nhân” khiến tờ Advocate cho rằng “Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô Cùng Nhau Kết Án Hôn Nhân Đồng Tính”.
Nên nhớ: khi trả lời các nhà báo trên chuyến bay từ Rio trở lại Rôma, Đức Phanxicô nhắc lại rằng quan điểm của ngài về các vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính vẫn là quan điểm của Giáo Hội xưa nay. “Tôi là người con của Giáo Hội”. Tại đất nước Ba Tây, nơi phá thai và hôn nhân đồng tính vừa được hợp pháp hóa, Đức Phanxicô cho biết lý do tại sao ngài không nói tới chúng như sau: “không cần đề cập tới vấn đề này, nếu không phải là những chuyện tích cực làm cho người trẻ tiến bước. Ngoài ra, giới trẻ biết rất rõ đâu là lập trường của Giáo Hội”.
Riêng hai vấn đề đồng tính nói chung cũng như ly dị và tái hôn, nhiều người cho rằng ngài thiên về thỏa hiệp, khiến tờ Washington Post ngày 1 tháng 8 chạy một hàng tít “Pope Francis: The end of ‘fortress Catholicism’?” (Đức GH Phanxicô: Ngày Tận Cùng của ‘Pháo Đài Công Giáo’?). Trong bài báo này, John Gehring viết rằng “Một điều bất ngờ và phi thường đang xẩy ra trong Giáo Hội Công Giáo. Đức GH Phanxicô đang cứu đức tin khỏi tay những người đang ngồi xổm trong các nhà thờ chính tòa nạm vàng, tay thủ tín lý như thủ gươm giáo. Pháo đài Công Giáo, trong đó các người Công Giáo cấp tiến, các người Công Giáo đồng tính, các phụ nữ Công Giáo và nhiều người khác vốn yêu thương Giáo Hội nhưng đôi khi cảm thấy bị hàng giáo phẩm đẩy ra bên lề, đang bắt đầu sụp đổ”.
Thực ra, các câu trả lời về đồng tính cũng như ly dị và tái hôn trên chuyến máy bay nói trên hoàn toàn phản ảnh tín lý và luân lý hiện hành của Giáo Hội. Khuynh hướng đồng tính mà thôi đâu phải là điều xấu. Hành vi đồng tính mới là điều sai trái. Mà dù có hành vi đồng tính đi chăng nữa, ta vẫn chẳng có quyền gì đẩy người đồng tính ra bên lề. Cơ sở nằm dưới là: tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương, cùng có phẩm giá của một con người. Vận động đồng tính là việc khác hẳn, nhất định không thuộc loại “tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí”. Người phạm tội mà vẫn cố gắng đi tìm Thiên Chúa, trong thiện tâm, thì “tôi là ai mà dám phê phán họ”. Họ đây chỉ những người này, và chỉ chỉ những người này mà thôi.
Về ly dị và tái hôn cũng thế. Ly dị theo luật dân sự mà không tái hôn vốn được giáo luật coi là ly thân, điều được giáo luật dự liệu, và là điều hợp với các Tin Mừng Mátthêu và Luca và Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Đương nhiên họ được rước lễ, vì đâu có phạm tội gì. Nhưng nếu sau khi ly dị theo luật dân sự mà lại tự động tái hôn, thì theo giáo luật, không được rước lễ. Tuy nhiên, có những trường hợp ly dị và tái hôn, sau khi không được tòa án Giáo Hội tuyên bố vô hiệu, vì người trong cuộc thành thực tin rằng hôn nhân trước của họ bất thành, tuy họ biết chắc nhưng không chứng minh được trước tòa Giáo Hội. Đây là trường hợp được Đức Giáo Hoàng coi là khá đông, khi trích lại lời vị tiền nhiệm tại Buenos Aires trước kia: “phân nửa các cuộc hôn nhân là bất thành sự. Tại sao ngài lại nói như vậy? Bởi vì người ta lấy nhau mà không trưởng thành, lấy nhau mà không nhận ra rằng nó kéo dài suốt đời, hay lấy nhau vì phải lấy nhau một cách xã hội”. Tất cả các khía cạnh này vốn đang được Giáo Hội nghiên cứu, không có gì mới mẻ cả (xem Câu Trả Lời Của Đức Phanxicô Về Ly Dị Và Tái Hôn, và Câu Trả Lời Của Đức Phanxicô Về Đồng Tính, Vietcatholic 2 và 3 tháng Tám).
Chính vì thế Russell Shaw trên Our Sunday Visitor ngày 6 tháng 8 cho chạy hàng tít “Look beyond headlines to understand Pope Francis” (Nhìn quá hàng tựa đầu để hiểu Đức GH Phanxicô).
3. “Đức Phanxicô là vị giáo hoàng ‘công bằng xã hội’”
Khi nói Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của công bằng xã hội, người ta thường có ý nói: ngài quan tâm tới người nghèo và tập chú triều giáo hoàng của ngài vào việc giải quyết vấn đề nghèo khó. Đây là điều vừa hiển nhiên vừa không đầy đủ. Dĩ nhiên, giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô quan tâm tới người nghèo, một sự kiện thấy rõ khi ngài tới thăm Lampedusa, nơi ngài hùng hồn bênh vực các di dân bị bỏ rơi. Nhưng ngài đâu phải là vị giáo hoàng chỉ quan tâm duy nhất tới cảnh nghèo, vì, cũng như Chân Phúc Gioan Phaolô II, ngài biết rõ: việc mưu tìm công bằng xã hội sẽ “sai lầm và ảo tưởng nếu quyền sống, là quyền căn bản và nền tảng hơn cả, và là điều kiện cho mọi quyền bản thân khác, không được bảo vệ với một quyết tâm tối cao”. Như Đức Bênêđícto vốn dạy, ngài biết rõ: các giáo huấn kinh tế của Giáo Hội được nối kết khắng khít với giáo huấn về gia đình và tính dục nhân bản, nên thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) cần được duy trì mạnh mẽ.
Quan trọng hơn nữa, Đức Phanxicô tin rằng việc hồi tâm của cá nhân phải đi trước việc cải thiện xã hội, và do đó, ngài bác bỏ chủ nghĩa duy tiến thế tục (secular progressivism), là chủ nghĩa tách linh đạo ra khỏi công bằng xã hội. Giáo huấn của Đức Phanxicô kêu gọi ta thay đổi tâm hồn từ bên trong và phải tự vấn lương tâm luôn, coi đó như chìa khóa dẫn vào cải cách xã hội. Như thế, ngài không hẳn là giáo hoàng “công bằng xã hội” cho bằng là bậc thầy dạy tĩnh tâm hàng đầu của thế giới, nhắc nhở mọi người rằng nếu không biến đổi tâm hồn, ta sẽ không bao giờ đạt được công bằng xã hội thực sự, vì điều này chỉ xẩy ra nhờ lòng khiêm nhường, đức hy sinh và kỷ luật linh đạo, chứ không nhờ sắc lệnh chính phủ.
4. “Đức Phanxicô sẽ bác ái hơn đối với người bất đồng”
Ngay sau khi Đức Phanxicô được bầu không lâu, các người bất đồng bắt đầu đề cao ngài và hạ giá các vị tiền nhiệm của ngài, vì cho rằng cuối cùng ngài đã hoàn tất các hứa hẹn của Vatican II. Nhưng cũng như Chân Phúc Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nào có coi Vatican II như một hiến chương bất đồng đâu. Ngài từng mạnh mẽ tuyên bố rằng biết Chúa Giêsu là hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội và Huấn Quyền; ta không thể là một người Công Giáo tín trung mà lại thực hành một nền linh đạo độc lập, hoàn toàn dật dờ muốn đi đâu thì đi.
Về khía cạnh này, ngay ngày 23 tháng Tư năm nay, Scott P. Richert đã cho chạy hàng tít “Pope Francis: It Is Not Possible to Find Jesus Outside the Church”(Đức Phanxicô: không thể tìm thấy Chúa Giêsu ở bên ngoài Giáo Hội). Hôm đó là lễ kính Thánh George tử đạo, quan thầy của ngài (Jorge Mario Bergoglio). Trước mặt hầu hết các Hồng Y thế giới, Đức Phanxicô nhắc lại lời Đức Phaolô VI rằng: “Muốn sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, muốn theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, muốn yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội là một nhị phân phi lý”. Ngài còn trích lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc đoàn chiên của Tôi”, rồi thêm: “Nếu ta không thuộc đoàn chiên của Chúa Giêsu, đức tin không đến với ta. Nó là thứ đức tin hào nhoáng (rosewater), một đức tin không có bản chất”.
Bởi thế, một trong các việc đầu tiên của Đức Phanxicô trên ngôi tòa Phêrô là tái xác định lời phê phán của Đức Bênêđíctô đối với sự bất đồng và bất tuân phục của Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu tại Hoa Kỳ. Rồi trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, ngài nhấn mạnh tới ý nghĩa của sự chính thống, cho rằng đây không phải là việc chọn lựa tín điều nào mình ưa mà phải chọn mọi tín điều: “Vì đức tin là một, nên nó phải được tuyên xưng trong mọi nét tinh trong và nguyên tuyền của nó. Chính vì mọi điều của đức tin đều có liên hệ qua lại với nhau, nên bác bỏ một điều trong đó, dù là điều xem ra kém quan trọng nhất, cũng gần như làm méo mó toàn bộ. Mỗi giai đọan lịch sử đều có thể thấy điểm này hay điểm nọ của đức tin dễ hay khó chấp nhận hơn: do đó, ta cần phải tỉnh trí để bảo đảm rằng kho tàng đức tin phải được chuyển giao trong tính toàn diện của nó”.
5. “Đức Phanxicô yêu thế gian”
Đây là cái nhìn lầm lẫn nhất. Người ta bảo ta rằng: Đức Phanxicô thoải mái với thế gian hơn hẳn nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác, là những người vốn sợ thế giới hiện đại. Nhưng điều này không phải vì ngài yêu chính thế gian. Ngài yêu những con người trong thế gian và muốn dẫn họ tới Chúa Kitô. Chính vì thế, ngài hay nói tới ma qủy và cảnh cáo ta chống lại các rù quyến của thế gian. Ngài yêu tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng hiểu rõ tội nguyên tổ đã tác hại ra sao và ý chí tự do của ta dễ bị lạm dụng như thế nào. Lẫn lộn lòng nhân từ và tình bằng hữu của Đức Phanxicô với lòng yêu thế gian là hiểu lầm toàn bộ triều giáo hoàng của ngài: hơn ai khác, Đức Phanxicô hiểu rõ: thế gian chìm đắm trong tội, và ngài hăng say tìm cách chữa lành việc đó xuyên qua chương trình tân phúc âm hóa.
Điều duy nhất đúng là khi người ta bảo Đức Phanxicô giống Đức Gioan XXIII. Nhưng cả ở đây, sự so sánh đôi khi cũng đi quá trớn, khi họ đưa các từ ngữ chính trị vào. Chân phúc Gioan XXIII chưa bao giờ là “người cấp tiến” theo nghĩa hiện nay của từ ngữ cả; ngài vốn là người cổ vũ cuộc canh tân chân chính như Đức Phanxicô. Và nếu Đức Phanxicô, với sự hỗ trợ của tín hữu và được hiểu cách chính xác, có diễm phúc nối tiếp cuộc canh tân mà chính ngài mong muốn, thì Giáo Hội đang chịu nhiều thử thách và cả thế giới đang bấn loạn sẽ được hưởng nhờ lòng can đảm, sức mạnh và đức tin của ngài.
Viết theo sườn bài “Five Myths About Pope Francis” của William Doino Jr.,trên Inside the Vatican.