Ngoại trưởng Vatican nói Ukraine có quyền tự vệ, và nhận vũ khí nước ngoài

Nghe bài này

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Vatican nói rằng Ukraine có quyền tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, do đó hoàn toàn phù hợp để thế giới gửi vũ khí cho nước này.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher nói với đài truyền hình nhà nước RAI của Ý rằng việc giao vũ khí như vậy “phải tương xứng”.

“Chúng ta không muốn một lần nữa tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng cuộc chiến này nguy hiểm hơn so với các cuộc chiến khác từng xảy ra trước đây, bởi vì nó có khía cạnh hạt nhân”, vị tổng giám mục sinh tại Liverpool, người đảm nhận vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh “Theo nghĩa này, đúng, Ukraine có quyền tự bảo vệ mình, và họ cần được giúp đỡ để làm như vậy,”.

Đức Cha Gallagher sẽ có mặt tại Kyiv bắt đầu từ thứ Tư và vào ngày thứ Sáu, ngài dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Chuyến đi ban đầu được lên kế hoạch trong vài tuần trước, nhưng đã bị hoãn lại sau khi ngài nhiễm COVID-19.

Đức Cha Gallagher đã được hỏi về quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với NATO, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sau khi Đức Giáo Hoàng nói rằng liên minh này đang “sủa” trước cửa nước Nga. Vị giám mục trả lời rằng Đức Phanxicô “rất nhạy cảm” với bất kỳ hành động nào có thể “gây nguy hiểm cho các mục tiêu chính là đối thoại và hòa bình.”

“Tôi nghĩ ngài nhận ra giá trị của một hệ thống an ninh đối với thế giới, đối với Âu Châu, nhưng nó phải tương xứng,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Và sau đó Đức Giáo Hoàng rất lo lắng, rất chú ý, để ngăn chặn thế giới lần nữa bước vào một thế giới đang chạy đua vũ trang. Nó phải tương xứng, và để lại khả năng đối thoại và thảo luận, để mang lại hòa bình cho quốc gia tử vì đạo này”.

Nói về Hoa Kỳ và Trung Quốc và vai trò của họ trong cuộc chiến này, Đức Cha Gallagher nói rằng “tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức để hoàn thành vai trò của chính mình tại thời điểm này”.

Ngài nói: “Đúng là các thể chế đã bị suy yếu do cuộc chiến này và không có khả năng nhanh chóng tạo ra hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta không được từ bỏ các cấu trúc an ninh và đa phương, nhưng phải củng cố chúng. Rõ ràng, các quốc gia lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có một vai trò rất, rất quan trọng và họ phải hiểu được mức độ cấp bách mà chúng ta phải đối mặt”.

Qua cụm từ “vai trò quan trọng”, ngài không chỉ muốn nói đến vũ khí: “Tôi tin rằng lời nói có tầm quan trọng hàng đầu, đặc biệt là trong ngoại giao và đối thoại.” Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng, ngôn từ có thể và đã được công cụ hóa, dẫn đến việc mọi người không tin tưởng vào các tuyên bố. Tuy nhiên, ngài tin rằng sự chân thành vẫn cần thiết, “đặc biệt là khi, với lời nói của mình, chúng ta có thể khiến cuộc sống của mọi người gặp rủi ro.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng thừa nhận rằng có một chiều hướng tôn giáo trong cuộc xung đột này, trong đó “căng thẳng” giữa Thượng Phụ Kirill của Chính thống giáo Nga ở Mạc Tư Khoa và Thượng phụ Đại kết Bartholomew, gia tăng sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

“Thật không may, phải thừa nhận rằng trong Chính thống giáo có một bản sắc dân tộc mạnh mẽ, đó là các Giáo Hội nhà nước,” ngài nói. “Do đó, Giáo hội Chính thống Nga rất khó đưa ra quyết định chỉ trích hoặc phản đối chính phủ. Nhưng như Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta phải vượt qua những quan điểm này để trở thành những người thúc đẩy hòa bình thực sự”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng giải thích lời cảnh báo gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Kirill trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin,” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera. Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo đây là điều có thể xảy ra với bất kỳ giám mục nào.

Ngài nói, các mối quan hệ đại kết với Chính thống giáo, đặc biệt là Mạc Tư Khoa và Istanbul, là những ưu tiên đối với vị Giáo hoàng Á Căn Đình, và mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill đã được dự trù vào giữa tháng 6 sẽ không diễn ra, cuộc đối thoại vẫn sẽ tiếp tục.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher gọi quyết định hoãn cuộc họp của Đức Giáo Hoàng là “khôn ngoan”, bởi vì “Đức Thánh Cha nhận thức được rằng các bước đi của ngài và của Tòa thánh phải là một đóng góp tích cực, không làm cho mọi thứ tồi tệ hơn mà là nuôi dưỡng các cách thức hòa bình.”

Ngài nói: “Tòa Thánh có một ơn gọi đối thoại. Chúng tôi tìm cách không can dự vào việc ủng hộ bên này hay bên kia, nhưng chúng tôi tìm kiếm không gian đối thoại giữa tất cả mọi người để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột khủng khiếp này.”

Khi được hỏi về tầm quan trọng của những cử chỉ như cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với vợ của hai binh sĩ Ukraine bị mắc kẹt trong một nhà máy thép ở Mariupol, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng “những cử chỉ như vậy là chưa đủ, nhưng chúng rất quan trọng”.

“Tốt hơn là làm tất cả những gì bạn có thể, ngay cả khi bạn không thể thay đổi thực tế,” ngài nói. “Nhưng Đức Giáo Hoàng, người là bậc thầy của các cử chỉ” đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ đối với hàng triệu người đã chạy trốn khỏi Ukraine, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

“Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài khóc khi nghĩ đến những tình huống này, và điều này là đúng; ngài có một sự nhạy cảm sâu sắc”, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Cần phải thông báo những hoàn cảnh đau khổ này cho toàn thế giới.”

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS