Tân Hồng Y Okpaleke: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa”

Nghe bài này

Đức Giám mục Peter Okpaleke của Ekwulobia, Nigeria, trong số 21 tân Hồng y được ĐTC Phanxicô công bố hôm 29/5. Ngài chia sẻ về lúc nhận được tin tức về việc bổ nhiệm và kinh nghiệm mục vụ sẽ góp phần truyền cảm hứng cho ngài trong vai trò mới.

Điều gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người vào ngày Chúa nhật khi kết thúc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh sách 21 tân Hồng y sẽ được tấn phong vào ngày 27 tháng 8 tới đây.

Trong số các vị tân Hồng y được công bố, có Đức cha Peter Eberechukwu Okpaleke của Ekwulobia, miền Đông Nigeria. Ngài có cuộc nói chuyện với Vatican News về việc nhận được tin tức, và kinh nghiệm mục vụ sẽ góp phần truyền cảm hứng cho ngài trong vai trò mới.

Được gọi để phục vụ

Vào thời điểm ĐTC công bố, Đức cha Okpaleke đang ở một trong những giáo xứ và cử hành Bí Tích Thêm Sức cho 138 người trẻ, ngài không biết gì về tin tức đã được ĐTC công bố. Sau thánh lễ, ngài được cha thư ký chúc mừng và báo tin về việc bổ nhiệm mới. Sau đó, tin tức tiếp tục được truyền đi xa hơn.

Đức Giám mục Okpaleke giải thích rằng phản ứng đầu tiên của ngài là suy nghĩ về việc bản thân không xứng đáng và còn nhiều thiếu sót, nhưng “nhờ ơn sủng của Thiên Chúa, và được Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong Giáo hội, mời gọi”, ngài tìm được lời an ủi trong thư gửi tín hữu Roma 8,28: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.”

Một trong bốn vị Hồng y người Nigeria

Với công bố này, Đức cha Okpaleke sẽ trở thành vị Hồng y thứ tư đến từ Nigeria, quốc gia đông dân nhất ở châu Phi, quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở các cấp độ khác nhau. Giáo hội Nigeria đã lên tiếng về một số vấn đề và luôn đi đầu trong các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội.

Khi suy ngẫm về Giáo hội Nigeria, Đức Giám mục Okpaleke nhấn mạnh rằng thách thức chính yếu của Giáo hội là “sống đúng với trách nhiệm chính của mình là làm chứng về cuộc đời Chúa Giêsu, và làm chứng cho sự thật và tình yêu của Người có sức biến đổi.”

Vị tân Hồng Y nhấn mạnh nhu cầu đối với các mục tử phải là “những người tham gia vào nền văn hóa” để cho phép “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô thâm nhập vào các nền văn hóa này, để biến đổi, và xây dựng một cuộc đối thoại giữa Tin Mừng và văn hóa.”

Ngoài các lĩnh vực đáp ứng các nhu cầu mục vụ khác, về phần mình, Đức Giám mục cho biết ngài sẽ đặc biệt chú ý đến việc Phúc âm hóa, huấn luyện con người toàn diện để biến đổi xã hội bằng sức mạnh của Phúc âm, và đối thoại giữa các tôn giáo trong nước vốn đang bị chia rẽ giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Vị Giám mục của Ahiara, sau đó là Ekwulobia

Năm 2012, Đức cha Okpaleke được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Ahiara, Bang Imo nhưng không có quyền quản trị trong Giáo phận. Những năm sau với nhiều khó khăn và vào năm 2018, ĐTC chấp nhận đơn từ chức của ngài.

Sau đó, giáo phận Ekwulobia được thành lập vào ngày 5/3/2020 và Giám mục Okpaleke được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi.

Nhìn lại kinh nghiệm đó, vị tân Hồng Y nhận thấy rằng, bất chấp những khó khăn và chống đối vốn không phải do mình gây nên, Thiên Chúa đã ban cho ngài sự bình an, một sự bình an mà ngài chưa từng trải qua trước đây. Ngài nói: bây giờ tôi đã hiểu ý của Chúa Giêsu rằng Người ban cho chúng ta sự bình an của Người, sự bình an không theo kiểu thế gian”.

Trong thời kỳ khó khăn và thử thách ấy, ngài đã dành thời gian để “suy tư, cầu nguyện và đọc sách” và để sống chiều sâu hơn. Giám mục Okpaleke khẳng định: “những kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa quan phòng”, Đấng có vẻ khó hiểu và ngẫu nhiên, hướng lịch sử đến cùng đích của Người và mời gọi tất cả mọi người “mở lòng ra và đóng góp những tài năng được ban để làm cho khuôn mặt của Trái đất phản ánh rõ hơn Vương Quốc Thiên Chúa.”

Nguồn cảm hứng

Trong suốt thời gian mục vụ, Đức cha Okpaleke nói rằng ngài nhận được cảm hứng từ sự gần gũi với Đức Mẹ và với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và cùng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời sống. Cùng với đó, các tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng là nguồn cảm hứng cho tân Hồng y. Ngài chỉ ra rằng nhiều người trong số đó là những vị anh hùng trong cuộc sống của họ và đó là một đặc ân khi được gặp gỡ họ, chia sẻ đức tin với họ và phục vụ họ.”

Giáo hội Nigeria trong tiến trình Thượng hội đồng

Khi Giáo hội đang trên tiến trình Thượng hội đồng Giám mục vào năm tới, Đức cha Okpaleke nhấn mạnh một số khía cạnh mà Giáo hội Nigeria có thể đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ: kinh nghiệm của các Kitô hữu tại một số vùng đang bị bách hại, và lưu ý rằng sự kiên trì của họ là “một món quà vô giá đối với Giáo hội” mà tiến trình Thượng hội đồng có thể suy xét để làm phong phú thêm cho Giáo hội hoàn vũ; tiếp đến, ơn gọi dồi dào ở Nigeria và sự sẵn lòng chia sẻ ơn gọi này với Giáo hội hoàn vũ; một đóng góp khác là niềm vui của Thiên Chúa hiển hiện giữa các tín hữu bất chấp những thử thách mà họ phải trải qua. Ngài nhấn mạnh, niềm vui bắt nguồn từ “đức tin và sự trông cậy của tín hữu vào Thiên Chúa”. Ngài khẳng định “tính tự nhiên” của Dân Chúa ở Nigeria, điều khiến Giáo hội ở đây trở thành một “cộng đồng mở”, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Đối với các tín hữu Nigeria, tân Hồng Y gửi một thông điệp về sự kiên trì, nhắn nhủ họ không đánh mất niềm tin vào niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ nhìn thấy chúng ta vượt qua những thử thách hiện tại nếu “chúng ta giữ vững đức tin, làm việc và cầu nguyện.”

Văn Cương, SJ – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS